Bãi đặt ăng ten
Bãi đặt ăng ten cần đảm bảo một số điều kiện sau:
- Đủ rộng để thuận lợi cho việc lắp đặt và điều khiển ăng ten. - Hướng ăng ten đến vệ tinh không có che chắn.
Trước khi xác định vị trí đặt trạm Hub nhất thiết phải tiến hành đo kiểm điện từ trường nhằm đảm bảo khu vực đặt trạm và ăng ten không bị tác động bởi các nguồn điện từ trường mạnh, ít can nhiễu, không bị che chắn, không nằm trên đường truyền viba mặt đất, xa các trạm phát sóng khác.
Ăng ten trạm Hub tại Hà Nội có góc ngẩng 510, góc mở -3dB của búp chính 0,50 do vậy trong bán kính 100m xung quanh ăng ten, hướng về phía vệ tinh nhất thiết không có vật cản cao quá 50m để tránh ảnh hưởng đến hướng thu phát đồng thời cũng giảm thiểu tác động không có lợi từ sóng điện từ đến người và sinh vật trong vùng lân cận.
Hiện tại toàn bộ các ăng ten tại Hub chính được đặt trên nóc nhà 8 tầng với tổng diện tích 200m2, vừa đủ để đặt 01 ăng ten 7,3m và 01 ăng ten 4,8m.
Chống sét, cắt lọc sét
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên dòng điện sét thường rất lớn, khoảng 30kA, do đó công trình bị sét đánh có thể bị phá vỡ do ảnh hưởng của áp
suất và nhiệt độ phát tán cao, các thiết bị điện trong công trình có thể bị hỏng do trường điện từ của dòng sét cảm ứng. Do vậy, hệ thống cột thu lôi và bãi tiếp địa cùng các thiết bị cắt lọc sét được đặc biệt chú ý trong công tác bảo vệ trạm Hub.
Hiện nay thường sử dụng các loại kim thu sét tích cực để chủ động bắt sét hạn chế sét đánh thẳng vào công trình cần bảo vệ. Có hai loại kim thu sét là loại phóng điện sớm (kim thu sét như được kéo dài ra một đoạn gấp hàng chục lần chiều dài thực gọi là độ cao ảo của kim thu sét, do đó tăng phạm vi bảo vệ hơn rất nhiều so với kim thu sét cổ điển ở cùng một độ cao) và loại phân tán điện tích (kim thu sét tạo ra một lớp điện tích không gian mang điện dương trong vùng khí quyển nằm bên trên đầu kim, tác dụng như một màn chắn tĩnh điện làm cho điện trường giữa đám mây dông và đất yếu đi nghĩa là loại bỏ nguy cơ phóng điện sét).
Ngoài ra còn một dạng kết hợp của hai loại trên để tạo thành một hệ thống chống sét khác gọi là loại phóng điện trì hoãn. Loại này có ưu điểm làm tăng phạm vi bảo vệ nhưng lại rất tốn kém so với hai loại trên.
Thiết bị cắt lọc sét được lắp đặt cho đường dây cấp nguồn, feeder, cáp đồng trục, dây mạng, phiến Krone.. nhằm tránh thiết bị chịu tác động từ dòng cảm ứng khi công trình bị sét đánh.
Hệ thống tiếp địa bao gồm 02 loại, tiếp địa cho thiết bị và tiếp địa cho hệ thống chống sét. Hai bãi tiếp địa cần phải làm độc lập, tách rời nhằm tránh việc thiết bị hỏng do dòng cảm ứng từ các cọc thoát sét.
Cấu hình của hệ thống tiếp địa gồm:
- Các cọc tiếp địa: dài 2,4 mét đến 3 mét, đường kính ngoài 14 – 16mm. Cọc được chôn thẳng đứng và cách mặt đất từ 0,5 đến 1 mét. Khoảng cách giữa hai cọc với cọc từ 3 đến 15 mét.
- Dây tiếp địa: dùng cáp đồng trần có tiết diện từ 50 - 75mm2 dùng để liên kết các cọc tiếp địa. Cáp này nằm âm dưới mặt đất từ 0,5-1m. liên kết dây tiếp địa và các cọc tiếp địa với nhau bằng ốc siết cáp hoặc mối hàn hóa nhiệt cadweld.
Điện trở tiếp đất phải ≤ 0,4 Ω.
Hệ thống nguồn điện:
Hệ thống điện phòng máy gồm hệ thống điện 3 pha và hệ thống điện 2 pha riêng biệt. Có 03 nguồn đầu vào với một nguồn điện lưới thành phố (2 pha), một nguồn từ máy phát điện chung của đơn vị (2 pha) và một nguồn từ máy phát
điện riêng dùng dự phòng cho Hub (3 pha). Hệ thống nguồn vào được thiết kế chuyển mạch tự động.
Bình thường, nguồn 2 pha từ điện lưới thành phố được sử dụng tại Hub sau khi qua hộp chuyển mạch và thiết bị cắt lọc sét đường nguồn. Trong trường hợp mất nguồn điện lưới, máy phát điện chung của đơn vị sẽ thay thế cấp nguồn cho Hub bằng điện 2 pha. Trường hợp nguồn máy phát điện của đơn vị không hoạt động, máy phát điện dự phòng của riêng Hub được tự động kích hoạt cấp nguồn cho hệ thống hoạt động. Như vậy, riêng về phần nguồn, dự phòng ở mức cao 1:2, đảm bảo khả năng duy trì hoạt động cho Hub chính trong những tình huống rất xấu.