Tương quan giữa homocystein với Folat và vitamin B

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nồng độ homocystein máu và đánh giá hiệu quả điều trị tăng homocystein máu ở bệnh nhân suy thận mạn lọc máu bằng thận nhân tạo (Trang 113 - 115)

- Tỉ lệ tăng Hcy

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.3.2.1. Tương quan giữa homocystein với Folat và vitamin B

Bảng 3.27 cho thấy nồng độ homocystein tương quan nghịch với nồng độ Folat (r = - 0,341; p < 0,01) và vitamin B12 (r = - 0,270; p < 0,05).

So với kết quả nghiên cứu Dennis Vincent W và Killian Robinson ở bệnh nhân suy thận mạn giai đọan cuối lọc máu bằng thận nhân tạo hoặc lọc

màng bụng chu kỳ, nồng độ homocystein tương quan nghịch với nồng độ folat (r = - 0,48), vitamin B12 (r = - 0,25) và vitamin B6 (r = - 0,41) thì kết quả của chúng tôi cũng tương tự [66].

Kết quả của chúng tôi có khác với các tác giả Allon N. Friedman, Andrew G. Bostom nồng độ homocystein tương quan với nồng độ Folat (r = - 0,31) và creatinin (r = 0,53) nhưng không tương quan với vitamin B12 [38], Buccianti G ở bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ nhận thấy nồng độ homocystein tương quan với huyết áp tâm trương (r = 0,45, p = 0,003) và nồng độ folat huyết thanh (r = - 0,30, p = 0,03) nhưng không tương quan với nồng độ Hemoglobin [58] và tác giả Armada E, nồng độ homocystein tương quan nghịch với folat (r = - 0,336) nhưng không tương quan với vitamin B6, vitamin B12, nồng độ albumin máu [40].

So với kết quả nghiên cứu của De Vecchi AF ở bệnh nhân lọc máu bằng thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng nồng độ homocystein tương quan với vitamin B12 và nồng độ folat huyết thanh cũng như folat trong hồng cầu và thời gian lọc máu [67].

Theo tác giả Jacob Selhub, khi đánh giá nồng độ trung bình homocystein toàn phần theo nồng độ các vitamin huyết thanh, tác giả nhận thấy ở nhóm có nồng độ folat, vitamin B12 và vitamin B6 thấp nhất thì nồng độ homocystein cao hơn có ý nghĩa so với nhóm có folat, vitamin B12 và vitamin B6 cao nhất (p < 0,01) [149].

Qua các nghiên cứu dịch tễ học với số mẫu lớn đều nhận thấy có sự tương quan giữa nồng độ homocystein với folat, vitamin B12 và vitamin B6 ở người bình thường vì các chất này là đồng yếu tố trong chu trình chuyển hóa homocystein. Tác giả Jacob Selhub trong nghiên cứu Framingham khi chia mẫu nghiên cứu thành 5 nhóm dựa theo nồng độ folat, vitamin B12 và vitamin B6, nhận thấy tỉ lệ gia tăng nồng độ homocystein cao gấp 6 lần ở nhóm có nồng độ các vitamin thấp nhất so với nhóm có nồng độ vitamin cao nhất [149].

Các tác giả Paul F Jacques, Andrew G Bostom khảo sát sự tương quan giữa nồng độ homocystein lúc đói với tình trạng dinh dưỡng ở 1960 cả nam lẫn nữ từ 28 đến 82 tuổi trong nghiên cứu Framingham nhận thấy có sự tương quan nghịch rất chặt chẽ giữa nồng độ homocystein với nồng độ folat (p < 0,001), vitamin B12 (p < 0,001) và vitamin B6 (p < 0,001) [138].

Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thận mạn giai đọan cuối, sự tương quan trên không thống nhất cao giữa các tác giả, có thể do trong môi trường urê máu cao có sự biến đổi chuyển hóa homocystein và nồng độ homocystein tùy thuộc nhiều vào mức độ suy thận và tình trạng dinh dưỡng khác nhau ở nhóm bệnh nhân này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nồng độ homocystein máu và đánh giá hiệu quả điều trị tăng homocystein máu ở bệnh nhân suy thận mạn lọc máu bằng thận nhân tạo (Trang 113 - 115)