3.1. Đánh giá điều kiện cơ bản, tình hình quản lý và sử dụng đất trên địa bàn quận Thanh Xuân
3.1.1. Điều kiện cơ bản
3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Quận Thanh Xuân được thành lập theo nghị định số 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ với tổng diện tích tự nhiên hiện là 908.97 ha, gồm 11 đơn vị hành chính cấp phường: Khương Đình, Nhân Chính, Thượng Đình, Hạ Đình, Kim Giang, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Phương Liệt, Khương Trung, Khương Mai (có 3 phường được thành lập từ các xã ngoại thành của hai huyện Từ Liêm và Thanh Trì, còn lại là các phường cũ của quận Đống Đa chuyển sang).
Hình 3.1. Sơ đồ vị trí quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Vị trí địa lý: Quận Thanh Xuân là một trong các quận trung tâm Thành phố Hà Nội, nằm ở phía Tây Nam của thành phố, có vị trí địa lý tiếp giáp:
Phía Bắc giáp quận Đống Đa và quận Cầu Giấy; Phía Đông giáp quận Hai Bà Trưng;
Phía Tây giáp quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông.
Địa hình của quận Thanh Xuân tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 5 – 6 mét so với mức nước biển, phía Bắc độ cao tuyệt đối khoảng 5,6 m. Khu vực phía Nam độ cao thấp hơn, khoảng 4,7 – 5,2 m, một số khu vực ao hồ, đầm trũng có độ cao khoảng 3,0 – 3,5 m.
Trên địa bàn quận có các tuyến đường giao thông chính là: Đường Nguyễn Trãi, đường vành đai 3 (đường Khuất Duy Tiến, đường Nguyễn Xiển), đường Trường Chinh, đường Giải Phóng. Ngoài ra trên địa bàn Quận còn có một mạng lưới giao thông nối liền giữa các trục giao thông chính, giữa các phường trong toàn Quận và với các Quận huyện khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của quận.
3.1.1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội a. Tăng trưởng kinh tế
Kinh tế trên địa bàn quận tiếp tục tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm. Theo đó, kinh tế trên địa bàn quận Thanh Xuân tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 34.104,3 tỷ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng ước đạt 18.947,1 tỷ đồng (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019); giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ ước đạt 15.157,2 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019). Thu ngân sách ước đạt 2.585 tỷ đồng, bằng 48% dự toán HĐND quận quyết định.
b. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Quận định hướng phát triển kinh tế với cơ cấu công nghiệp - dịch vụ theo hướng tăng nhanh tỉ trọng dịch vụ. Năm 1997, khi quận bắt đầu được hình thành thì toàn quận chỉ có 97 doanh nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng lên nhanh chóng qua các năm. Đến tháng 6/2020, quận đã có 24.425 doanh nghiệp, đem lại một sức mạnh kinh tế to lớn không chỉ đối với địa bàn quận mà còn có ý nghĩa lớn đối với thành phố Hà Nội.