Quá trình hình thành Mô hình DLCĐ xóm Cú

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững trường hợp nghiên cứu điển hình tại xóm Cú, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (Trang 49 - 57)

2.2.1. Quá trình hình thành Mô hình DLCĐ xóm Cú

2.2.1.1. Nguyên nhân hình thành Mô hình DLCĐ xóm Cú

Dự án “Cải thiện sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình” được Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (TTMT&PTNLCĐ) thực hiện dưới sự tài trợ của tổ chức ICCO từ tháng 1 năm 2004. Dự án nhằm cải thiện kinh tế hộ gia đình và tăng cường khả năng của địa phương trong việc đưa ra chiến lược xây dựng nguồn lực nhằm nâng cao năng xuất sản xuất đồng thời bảo tồn bản sắc văn hoá và kiến thức bản địa của người Mường. Qua thời gian hoạt động tại xã tử Nê,

TTMT&PTNLCĐ nhận thấy người dân Tử Nê có nguồn kiến thức phong phú về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, và các hoạt động sinh kế của địa phương. Từ năm 2007 trở về trước, bà con trong xã chủ yếu là trồng mía (trắng, tím) lúc được mùa lúc mất mùa, giá cả không ổn định, đời sống bà con rất khó khăn. Nhân dịp có dự án về tài trợ, sau khi thực hiện một số đề xuất như chăn nuôi và trồng rau hữu cơ, nhưng không tìm được đầu ra do số hộ tham gia vào dự án rất ít, sản phẩm đầu ra không đủ đáp ứng cho các doanh nghiệp liên kết, mà bán ở địa phương thì giá cao hơn so với mặt bằng chung nên cũng không bán được, còn chăn nuôi thì lúc đấy, bà con chủ yếu là nuôi lợn và nuôi bò, thời gian thu hoạch lâu.

Sau đó dự án đề xuất xây dựng mô hình DLCĐ kết hợp cải thiện sinh kế và bảo tồn văn hóa, phù hợp với chủ trương của huyện lúc bấy giờ, mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường giới thiệu ra bên ngoài.

Mục tiêu của dự án là cải thiện đời sống của người dân Tử Nê và Thanh Hối thông qua việc phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng như bảo vệ môi trường.

Xóm Cú, nằm cách trục đường chính 3km, đường đi vào xóm Cú phải đi qua rừng pam (keo), là xóm ít dân nhất trong xã, cả xóm có 67 hộ với 276 nhân khẩu, chủ yếu người dân ở đây trồng mía, lúa và bưởi. Với quang cảnh núi rừng hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang, đồi bưởi xanh mát và cánh đồng lúa rộng mênh mông cùng với không khí trong lành thoáng mát, tất cả tạo nên một bức tranh tươi đẹp, bình yên của bản làng dân tộc Mường ít người này. Nhận thấy tiềm năng về phát triển du lịch ở nơi đây, nhóm dự án đã chọn xóm Cú là địa điểm để xây dựng mô hình DLCĐ.

2.2.1.2. Thực trạng thực hiện các bước phát triển DLCĐ Ở giai đoạn 1: phát triển DLCĐ

Với tiềm năng du lịch ở xóm Cú, và tình hình sản xuất khó khăn của cộng đồng thời điểm 2007. Ban phát triển dự án và chính quyền địa phương cấp xã đã quyết định phát triển mô hình DLCĐ, với sự tham gia của 40 người dân trong

cộng đồng xóm Cú. Thành viên trong cộng đồng được tham gia các chuyến đi tham quan, tham khảo những mô hình thành công trong phát triển DLCĐ. Tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng, nghiệp vụ trong ngành du lịch. Thiết kế các tour tham quan liên kết những địa điểm tham quan tại địa phương và các vùng lân cận. Tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của cộng đồng về cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động. Thống nhất ý kiến của cộng đồng trong việc xây dựng cơ chế quỹ. Nhóm trưởng nhanh nhẹn, có năng lực, tuy nhiên qua lời nhận xét của mọi người trong cộng đồng, nhóm trưởng không phải người có nhiều phẩm chất tốt, như ích kỉ, thiên vị và cả tham lam.

Như vậy theo từ bước 1 đến bước 4 trong 9 bước phát triển cộng đồng của APEC tourism working group (2009), Mô hình DLCĐ xóm Cú đã chưa thực hiện tốt bước 3 (xác định các thành viên BQL).

Ở giai đoạn 2: giải quyết sự bền vững của dự án

Mô hình DLCĐ xóm Cú đã kết nối được với doanh nghiệp nhờ sự hỗ trợ của TTMT&PTNLCĐ. Chính quyền địa phương cấp xã cũng đã giúp đỡ người dân trong việc làm các giấy tờ liên quan, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không tham gia vào quản lý Mô hình DLCĐ. Chưa thu hút được sự quan tâm của các trường học. Mô hình được kết hợp giữa bảo tồn văn hóa dân tộc Mường và phát triển dựa vào cộng đồng. Các sản phẩm du lịch cũng không đa dạng và chưa được phát triển, cơ sở hạ tầng không đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. BQL không sát sao trong việc giám sát các hoạt động của nhóm.

Qua việc phân tích việc thực hiện 9 bước trong phát triển bền vững DLCĐ, cộng đồng xóm Cú đã chưa thực hiện đầy đủ các bước, nên có lẽ đây là lí do khiến Mô hình DLCĐ xóm Cú không phát triển được.

2.2.1.3. Thực trạng hoạt động Mô Hình DLCĐ xóm Cú

Năm 2007, bắt tay vào thực hiện xây dựng Mô hình, thành lập ban quản lý (BQL) nhóm DLCĐ, gồm 3 người. Sau đó các thành viên BQL cùng với nhóm dự án đi vận động bà con tham gia vào mô hình. Sau thời gian vận động, sự tạo điều kiện của chính quyền địa phong xã Tử Nê, có 40 bà con đồng ý tham gia,

chia làm 5 tổ là tổ dịch vụ nấu ăn, tổ dịch vụ nhà nghỉ homestay, tổ văn nghệ, tổ hướng dẫn viên, tổ dệt và thuốc nam. Xây dựng 2 nhà văn hóa, 4 nhà nghỉ (homestays) với đầy đủ: nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước; hỗ trợ cộng đồng những vật dụng phục vụ cho việc đón khách du lịch; thành lập Quỹ phát triển cộng đồng và xây dựng quy chế cho quỹ. Cuốn quảng bá du lịch, bản đồ du lịch, card visit, website giới thiệu điểm du lịch đã được hoàn thành. Cán bộ của TTMT&PTNLCĐ cùng kết hợp với các tình nguyện viên nước ngoài cũng đã xây dựng chương trình tập huấn về đón tiếp khách du lịch cho bà con trong nhóm du lịch. (Nguồn Khảo sát thực địa và phỏng vấn).

a. Xây dựng cơ chế quỹ

Theo cơ chế phân chia lợi nhuận ban đầu, thu nhập từ du lịch của cộng đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí, sẽ để lại 10% trong quỹ PTCĐ (quỹ này dùng để tái đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình công cộng phục vụ du lịch, 5% cho quỹ phát triển xóm (khuyến học, tổ chức trung thu, tết thiếu nhi,…) còn lại sẽ đưa về lại về các tổ. Trong từng tổ, mọi người tiếp tục để lại 5% cho quỹ riêng của tổ để đầu tư trang thiết bị phục vụ công việc của tổ.

Tuy nhiên, theo như kết quả phỏng vấn các thành viên trong Mô hình DLCĐ xóm Cú, hiện nay không còn chia tiền thu được từ du lịch và các quỹ trên nữa, do số lượng khách quá ít. Ngoài ra, việc phân chia lợi nhuận trong nhóm cũng không được minh bạch. Các thành viên tham gia phục vụ khách du lịch được trưởng nhóm chia cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu chứ không biết bên doanh nghiệp trả cho cộng đồng bao nhiêu tiền. Các báo cáo thu nhập cũng không được công bố cho các thành viên, mà chỉ có các thành viên trong ban quản lý biết với nhau.

b. Ban Quản Lý

Ban quản lý gồm 3 người: có nhiệm vụ nhận khách và phân bổ công việc cho các tổ, trực tiếp làm việc với công ty du lịch, là HG travel trước khi có khách du lịch đến tầm 15-20 ngày. Trong BQL, có một thành viên làm kế toán, các khoản thu chi trong cộng đồng sẽ do người này làm và có trách nhiệm thông báo với các thành viên.

Những năm đầu tiên, BQL tổ chức họp nhóm 2 lần/năm. Nhưng gần đây, vì số lượng khách ít quá nên không tổ chức họp thường niên nữa mà chỉ họp một buổi trước khi khách đến để phân công công việc. Nhiều người không hài lòng với cách làm việc của BQL nói chung, và trưởng nhóm nói riêng, nhưng không ai nói ra, mà chỉ im im làm theo. Hầu như mọi người trong nhóm rất ít khi phát biểu, hoặc nhận xét về hoạt động của nhóm. Còn một số người có ý kiến đóng góp, nhưng lại không mang tính xây dựng mà chỉ hơn thua nhau.

Các thành viên chỉ được tham gia một đợt tâp huấn từ năm 2007 trước khi Mô hình hoạt động, sau đó không có thêm buổi tập huấn nào nữa. Một phần không được tập huấn nhiều về chuyên môn, một phần vì ít khách quá nên bà con không có nhiều cơ hội để thực hành nên lượng kiến thức về du lịch không có nhiều.

Các thành viên trong BQL không đoàn kết và có nhiều mâu thuẫn trong cách quản lý nhóm. Hàng xóm xung quanh và các thành viên trong tổ có nhiều nhận xét về cách quản lý và tính cách của Trưởng nhóm là không phù hợp để làm người quản lý. Trưởng nhóm có tư duy ích kỷ, không nghĩ đến lợi ích chung, phân chia công việc không hợp lý. Không minh bạch trong vấn đề tài chính. Có nhiều thành viên trong nhóm bị chèn ép, cạnh tranh không công bằng.

c. Các Tổ trong Mô hình DLCĐ

Tổ dệt và thuốc nam: có 6 người, sản phẩm của tổ là chăn, quần áo dân tộc mường được dệt từ sợi và bông tự nhiên, hướng dẫn cho khách du lịch trải nghiệm tự dệt, dịch vụ ngâm chân thuốc nam và các bài thuốc dân gian chữa các bệnh trĩ, nóng gan, thận.

Mỗi khi có khách du lịch, các thành viên trong tổ tập trung ở nhà cô Quê. Nhóm có 6 người, tuy nhiên chỉ có một khung dệt, mỗi khung dệt chỉ cần hai người là đủ. Như vậy là thiếu cơ sở vật chất và thừa nhân lực. Ngoài ra, nhà cô Quê là nhà xây khi đặt khung dệt ở đấy không thể hiện được nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Mường. Các mặt hàng thủ công còn nghèo nàn, chỉ có chăn và quần áo. Giá của mỗi chiếc chăn tầm 700.000 đồng và một bộ quần áo truyền thống của người Mường là 300.000 đồng. Sản phẩm làm ra không

bán được.

Về thuốc nam, cô Quê là người chịu trách nhiệm bốc thuốc cho khách. Các bài thuốc nam có nhiều công dụng như thanh độc, giải nhiệt, chữa các bệnh vè da như dị ứng, mẩn ngứa. Tuy nhiên, khách hàng không được nghe giới thiệu về thành phần có trong thuốc, nên không đủ sức thuyết phục để khách hàng đặt mua. Sản phẩm từ thuốc nam chủ yếu chỉ dùng để ngâm chân. Không tận dụng được hết lợi ích mà dịch vụ thuốc nam mang lại.

Tổ văn nghệ: Tổ văn nghệ gồm 20 người, trong đó có 6 người trong đội cồng chiêng và 16 người trong đội múa. Tổ trưởng phân công công việc cho từng thành viên khi nhận được thông báo.

Hiện nay, tổ văn nghệ đã tan rã, do khách du lịch không có nhu cầu xem biểu diễn văn nghệ. Nguyên nhân là do các thành viên trong tổ không thật sự am hiểu về các điệu múa truyền thống. Mặc dù, thời gian đầu khi mới thành lập Mô hình DLCĐ, TTMT&PTNLCĐ đã mời nghệ nhân về các điệu múa truyền thống của người Mường hướng dẫn tập luyện nhưng do Mô hình có ít khách, và mọi người cũng bận rộn với công việc gia đình và đồng áng nên không có nhiều thời gian để thực hành và tập luyện. Dần dần, chất lượng của những buổi văn nghệ đi xuống, không được như mong đợi. Bên cạnh đó, các trang thiết bị phục vụ công tác biểu diễn cũng còn sơ sài, chưa được chú trọng đầu tư, cũng là một nguyên nhân làm giảm chất lượng của các buổi văn nghệ.

Tổ dịch vụ nhà nghỉ homestay: có 4 hộ, chịu trách nhiệm đón tiếp và sắp xếp chỗ ngủ cho mọi người. BQL chỉ có trách nhiệm thông báo số lượng khách đến ngủ lại, còn việc phân chia khách như thế nào sẽ do tổ trưởng cùng các thành viên quyết định.

Số lượng chỗ nghỉ qua đêm của tất cả những nhà nghỉ homestay trong cộng dồng chỉ phục vụ được tối đa 25 người. Nhà sàn dùng để làm nhà nghỉ hầu hết đều là nhà đã cũ, xập xệ, không chắc chắn, không đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi ở lại. Ngoài ra, mọi người chăn nuôi gà, lợn ngay gần khu vực nhà nghỉ, thường xuyên có mùi khó chịu bốc lên. Vệ sinh trong nhà cũng chưa được tốt, chăn đệm không được giặt thường xuyên, nên có mùi lạ. Hàng xóm xung quanh (những người không tham gia vào Mô hình DLCĐ) hay mở nhạc to vào buổi đêm, làm ảnh hưởng

khách du lịch nghỉ qua đêm, mặc dù chủ homestay đã qua nhắc nhở nhưng không được.

Tổ dịch vụ nấu ăn: gồm 5 người, trong đó có một tổ trưởng. Các thành viên trong tổ nấu ăn phụ trách mua nguyên liệu và chế biến món ăn theo yêu cầu của khách.

Nhiều khi có khách du lịch đến, phải thuê người ở bên ngoài về nấu, do không có người nấu, vì lúc đấy mọi người bận làm việc riêng, không về kịp. Giá thuê một người bên ngoài về nấu là 200.000 đồng, có khi còn lên đến 250.000 đồng. Số lượng món ăn phục vụ khách du lịch chưa được đa dạng, có ít lựa chọn. Khi chế biến, các thành viên chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng không có tương tác với khách hàng khi đưa món ăn lên.

Tổ hướng dẫn viên: có 1 thành viên, chính là nhóm trưởng của nhóm DLCĐ, phụ trách dẫn khách đi theo tour đã thiết kế sẵn. Mặc dù bác rất am hiểu về phong tục truyền thống và các điểm đẹp của địa phương, nhưng khi thuyết minh cho khách du lịch, bác vẫn chưa giải thích ý nghĩa của các điểm đặc trưng trong văn hóa của người Mường. Bác cũng không chuẩn bị bài bản khi thuyết minh cho khách du lịch tại từng điểm du lịch. Bác chỉ mói nói về những gì bác biết được theo bản năng, chứ không có sự chuẩn bị, vì vậy, đôi lúc vẫn có nhiều thiếu sót. Chưa kể đến tổi của bác cũng ngoài 60, nên sức khỏe không được tốt, giọng nói cũng không rõ ràng, đôi khi hơi khó nghe.

Tùy theo công ty du lịch sắp xếp và thời gian lưu trú của khách mà hướng dẫn viên sẽ dẫn khách đi tham quan các điểm khác nhau:

Tour 1 ngày: đi bộ quanh xóm – đến cây đa Thanh Hối – đi thị trấn Mường Khến – quay về - ăn trưa – nghỉ trưa – 3h ra đồng làm ruộng cùng dân – 5h về

Tour 2 ngày 1 đêm:

Ngày 1: sáng đi bộ quanh xóm – đi qua rừng pam – đến cây đa Thanh Hối – ăn trưa, nghỉ trưa – trải nghiệm lao động cùng người dân trong xóm – về tắm giặt – giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại.

Ngày 2: dậy sớm ngắm bình minh ở cánh đồng ruộng bậc thang – đi bộ quanh xớm – đi dọc hồ Ai – ăn trưa, nghỉ trưa – đi thị trấn Mường Khến.

Khách du lịch sẽ được bà con phục vụ các món ăn đặc sản của người Mường

c. Doanh thu và số lượng khách

Số lượng khách cứ giảm dần theo từng năm, hầu như khách đến đây chỉ ở lại trong một ngày và không ở qua đêm. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 1-2 đoàn khách do công ty du lịch dẫn đến, và chỉ được xem như một điểm dừng chân. Bảng 2.1 Doanh thu từ du lịch cộng đồng xóm Cú từ 2008 – 2019 Năm 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 Đoàn khách 14 19 18 15 13 11 5 3 1 2 1 2 Lượng khách (người ) 65 82 73 69 60 52 30 10 7 10 4 7 Doanh thu (triệu đồng) 18,5 24 22,3 20 18,1 10,5 5,1 3,2 1,1 1,2 0,8 1,5

(Nguồn: báo cáo tài chính từ 2008 đến 2019 của Mô hình DLCĐ xóm Cú)

Với lượng doanh thu như trên, chia cho cả nhóm gồm 40 người thì mỗi người chả được bao nhiêu. Vì vậy, việc các thành viên không tham gia làm du lịch nữa cũng là điều dễ hiểu.

Bảng 2.2: Bảng giá dịch vụ

Dịch vụ Giá

Ăn trưa/tối 120.000-170.000 đồng/người Nhà nghỉ homestay 80.000 đồng/đêm

Văn nghệ 500.000/buổi biểu diễn

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững trường hợp nghiên cứu điển hình tại xóm Cú, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(82 trang)
w