1.3. Cơ sở lý luận về dự báo tài chính doanh nghiệp
1.3.1. Khái niệm và mục tiêu dự báo tài chính
Dự báo trong tài chính DN là quá trình xem xét thời kỳ trong quá khứ, nhìn nhận tình hình tài chính hiện tại và ước định ở tương lai đặt trong một viễn cảnh nhất định nào đó.
“Dự báo báo cáo tài chính là quá trình thiết lập các chỉ tiêu dự đoán cho các báo cáo tài chính của DN trong tương lai dưới dạng định lượng hoặc tường minh, nhằm định hướng và kiểm chứng cho tình hình và hoạt động tài chính của DN trong một tương lai xác định” ( Theo Giáo trình phân tích tài chính DN trang 311 của tác
giả Ngô Thế Chi năm 2009).
Vai trò của dự báo báo cáo tài chính: Dự báo tài chính có ý nghĩa đối với nhiều chủ thể quan tâm đến thông tin tài chính của DN, cụ thể:
- Đối với nhà quản lý DN: giúp cho các nhà quản lý thấy được triển vọng tài chính của DN, xác định rõ ràng mục tiêu tài chính mà DN hướng tới trong tương lai, từ đó cân nhắc tính khả thi của các quyết định đầu tư hay tài trợ. Ngoài ra, dự báo tài chính còn là công cụ giúp nhà quản lý thực hiện tốt việc điều hành các hoạt động kinh doanh – tài chính của DN và chuẩn bị các phương án để chủ động ứng phó với các biến động trong kinh doanh.
- Đối với DN: giúp DN có phương hướng, mục tiêu rõ ràng cho hoạt động tài chính của DN trong tương lai, đồng thời cung cấp cơ sở để đánh giá, phân tích, kiểm chứng các hoạt động tài chính của DN theo mục tiêu đã đề ra, đảm bảo cho DN luôn ở trạng thái cân bằng tài chính, cải thiện sự ổn định và phát triển của DN.
- Đối với nhà đầu tư: Dự báo tài chính giúp các nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá khả năng tài chính trong tương lai của DN, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.
- Đối với nhà cung cấp tín dụng: dự báo tài chính cung cấp thông tin cho nhà cung cấp tài chính, để họ có thể đưa ra các quyết định cho vay giảm thiểu rủi ro nhất, điều chỉnh hợp đồng vay...thích hợp với tình hình DN.
- Đối với khách hàng và nhà cung cấp DN: việc dự báo tài chính giúp đối tượng này có một cách nhìn nhận rõ ràng hơn cho quyết định kinh doanh của họ.
Để dự báo tài chính DN, ta cần tập trung vào dự báo Bảng cân đối kế toán của DN, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và dự báo nhu cầu vốn bằng tiền. Bởi lẽ hệ thống báo cáo này thể hiện mục tiêu tài chính mà DN cần đạt tới trong tương lai.
DN cần phải có một lượng vốn nhất định nếu muốn tiến hành quá trình sản xuất, kinh doanh. Lượng vốn mà DN cần sử dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô hoạt động của DN. Một trong những chỉ tiêu biểu hiện quy mô hoạt động của DN là doanh thu thuần (doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ hoặc doanh thu thuần hoạt động kinh doanh). Nhu cầu về vốn của DN chính là số vốn cần thiết để DN tiến hành kinh doanh phù hợp với từng quy mô hoạt động. Nhu cầu về vốn đòi hỏi sự cân bằng với đầu tư và quy mô hoạt động. Vì thế, khi doanh thu thay đổi, nhu cầu về vốn cũng thay đổi theo. Sự thay đổi đó không nhất thiết phải theo một tỷ lệ cố định bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn.
Do vậy, trong thực tiễn quản lý tài chính luôn nảy sinh nhu cầu "ước tính" về vấn đề định hướng cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như hoạch định chiến lược. Nhu cầu ước tính đó chính là nhu cầu dự báo các chỉ tiêu tài chính và lập kế hoạch tài chính.
Để dự báo các chỉ tiêu tài chính của DN, trước hết cần chọn các khoản mục trên các báo cáo tài chính (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán) có khả năng thay đổi khi doanh thu thuần thay đổi. Việc lựa chọn này được dựa vào mối quan hệ giữa doanh thu thuần với từng khoản mục. Trên cơ sở đó, sẽ dự báo trị số của từng chỉ tiêu trong kỳ tới.
Các báo cáo tài chính cung cấp thông tin để người sử dụng đánh giá tình hình tài chính của DN hiện tại và dự báo tình trạng tài chính trong tương lai. Muốn thực
hiện được mục tiêu đó người ta phải thông qua các báo cáo tài chính, như vậy, dự báo các báo cáo tài chính cần thiết không chỉ đối với các nhà quản trị DN mà còn cần thiết đối với cả những người sử dụng thông tin ngoài DN.