1.2. Những vấn đề cơ bản về phát triểnkinh tế nông nghiệp
1.2.2. Nội dung và tiêu chí phát triểnkinh tế nông nghiệp
Phát triển kinh tế nông nghiệp được hiểu là quá trình tăng tiến về mọi mặt của sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông nghiệp được xem như quá trình biến đổi cả về lượng và chất; nó là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện của hai vấn đề về kinh tế và xã hội của sản xuất nông nghiệp.
Từ đó, nội dung chính phát triển kinh tế nông nghiệp bao gồm:
1.2.2.1. Mở rộng quy mô, gia tăng các nguồn lực đầu vào
Phát triển kinh tế nói chung là sự vận động đi lên theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về mọi mặt cả kinh tế và xã hội. Sự phát triển được bảo đảm bằng sự gia tăng quy mô sản lượng của nền kinh tế (thường được phản ánh bằng gia tăng GDP hay GNP thực) đồng thời duy trì ổn định cùng với việc gia tăng không ngừng mức sống cho dân chúng. Do vậy, sự phát triển của các hoạt động kinh tế nào đó chính là sự gia tăng sản lượng được tạo ra và duy trì theo thời gian; đồng thời bảo đảm nâng cao mức sống cho người sản xuất.
Phát triển sản xuất nông nghiệp bắt đầu từ việc mở rộng quy mô sản xuất bao gồm mở rộng và tăng cường các yếu tố nguồn lực đầu vào của sản
xuất nông nghiệp như tăng thêm vốn, lao động, tăng thêm diện tích đất đai nông nghiệp. Chẳng hạn, mở rộng quy mô sản xuất bằng cách mở rộng diện tích canh tác (khai hoang, phục hóa), với phương thức canh tác cũ (đối với trồng trọt); gia tăng quy mô chăn nuôi đầu con gia súc, gia cầm (đối với chăn nuôi); tăng diện tích nuôi thủy sản. Việc làm này có giới hạn vì đất đai được giới hạn bởi một quốc gia, bởi một đơn vị hành chính và nguồn tài nguyên, thuỷ sản khai thác cũng không phải vô hạn.
Khi quy mô sản lượng tăng lên nghĩa là lượng sản phẩm được sản xuất ra nhiều hơn và quá trình này cũng có sự điều chỉnh phân bổ và sử dụng nguồn lực khác nhau. Điều đó có nghĩa là sự gia tăng sản lượng này chỉ là sự phản ánh kết quả cuối cùng của quá trình điều chỉnh phân bổ nguồn lực này, nói cách khác sự gia tăng sản lượng này không nói rõ là do phân bổ sử dụng các nguồn lực theo chiều rộng hay chiều sâu.
Mở rộng quy mô và gia tăng các yếu tố đầu vào phải đi kèm với việc gia tăng sản lượng hay giá trị sản lượng, tức là phải gia tăng được kết quả sản xuất nông nghiệp. Mức gia tăng sản lượng nông nghiệp này có thể cùng tỷ lệ với gia tăng đầu vào hoặc có sự khác biệt lớn hơn hay nhỏ hơn tùy thộc vào tính kinh tế của quy mô tương ứng với mỗi nền sản xuất.
Việc gia tăng các yếu tố đầu vào này được thực hiện bởi các tổ chức, nhà sản xuất trong nông nghiệp. Họ có thể hoạt động trong nông nghiệp, lâm nghiệp hay thủy sản theo nghĩa hẹp của nông nghiệp. Phía đầu ra hay kết quả sản xuất của các ngành này vì thế cũng gia tăng theo, nhưng tùy theo trình độ kỹ thuật và công nghệ sẽ khác nhau. Do đó, trong nhiều nghiên cứu người ta có thể thông qua sự gia tăng các nhân tố sản xuất từng ngành, cùng với sản lượng của nó để phản ánh sự gia tăng quy mô sản xuất.
Tiêu chí để đánh giá việc mở rộng quy mô, gia tăng các nguồn lực đầu vào: - Mức gia tăng sản lượng và giá trị sản lượng nông nghiệp hay từng ngành;
- Mức tăng quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp; - Mức tăng các nhân tố sản xuất như vốn, lao động,…
1.2.2.2. Tổ chức tốt sản xuất nông nghiệp
Tổ chức sản xuất theo mô hình nào quyết định mức sản lượng đầu ra hay quy mô sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông nghiệp cũng là mục tiêu của nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam...
Quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất này cũng sẽ bảo đảm cho nguồn lực được phân bổ và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả và kết quả là năng suất nông nghiệp tăng lên và sản lượng nông nghiệp do đó mà tăng lên.
Hiện nay, kinh tế hộ đang đi vào sản xuất hàng hóa, chịu sự chi phối của kinh tế thị trường, song chưa nắm bắt được thị trường, chưa biết và chưa đủ điều kiện để tổ chức sản xuất thích hợp với thị trường.
Vì vậy, trước mắt Nhà nước cần thực hiện thông tin thị trường cụ thể hơn và thường xuyên hơn, nhất là trước khi bắt đầu các mùa vụ gieo trồng và thu hoạch; thực hiện tốt việc chuyển giao công nghệ thiết thực, phù hợp với từng loại cây trồng con vật nuôi; tăng cường đầu tư cho vay vốn gắn với các dự án kinh doanh của các nông hộ, các trang trại hoặc dự án phát triển nông nghiệp hàng hóa của cộng đồng thôn, xã.
Về phía bản thân các nông hộ, nông trại với tư cách đơn vị kinh tế cơ sở tự chủ, cần chủ động lựa chọn ngành sản xuất hàng hóa phù hợp, có thị trường tiêu thụ và đưa lại lợi nhuận kinh tế cao hơn, trên cơ sở đó mạnh dạn tổ chức lại đồng ruộng của mình, thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, chủ động thực hiện các hợp đồng đầu vào với các doanh nghiệp dịch vụ vật tư kỹ thuật, về tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp kinh doanh chế biến hay kinh doanh thương nghiệp loại sản phẩm của mình.
Cần phải đổi mới các loại hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã; ở những nơi không còn tổ hợp tác, không có tổ hợp tác hoặc sắp giải thể những hợp tác xã yếu kém thì khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức hợp tác mới theo nguyện vọng của nông dân.
Tiêu chí cơ bản đánh giá tổ chức sản xuất nông nghiệp: - Mức tăng giảm số hộ sản xuất;
- Mức thay đổi số trang trại;
- Quy mô vùng sản xuất tập trung hay sự gia tăng tỷ lệ các nông sản chủ lực,…
1.2.2.3. Bảo đảm cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý
Vấn đề chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hợp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng; chuyển sản xuất từ tự cung tự cấp sang chuyên môn hóa; cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường; vấn đề đặt ra ở đây là cơ cấu những loại cây trồng, con vật nuôi gì mà địa phương có thể nuôi trồng, có lợi thế và thị trường cần.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp phản ánh những mối quan hệ bên trong của quá trình sản xuất này; qua đó phản ánh mối quan hệ về số lượng và chất lượng tương đối ổn định của sản xuất nông nghiệp.
Tiêu chí cơ bản đánh giá cơ cấu sản xuất nông nghiệp: - Tốc độ chuyển dịch cơ cấu, tốc độ tăng trưởng;
- Thay đổi % sản lượng hay diện tích các loại cây trồng vật nuôi trong tổng sản lượng;
- Thay đổi tỷ lệ các nhân tố sản xuất trong các nhóm ngành hay sản xuất.
1.2.2.4. Bảo đảm thị trường đầu ra
Vấn đề đặt ra là phải có sự liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ.
Cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ vốn, kiến thức cho người nông dân cũng như mở rộng mô hình... để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các mô hình: nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp và nông dân - hộ kinh doanh - doanh nghiệp, từ đó tạo sự gắn kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khiến cho nông dân chưa mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình
Tiêu chí đánh giá:
- Số hộ tham gia các mô hình chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm; - Thu nhập của hộ nông dân;
- Số sản phẩm có thương hiệu,…
1.2.2.5. Gia tăng sản lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp thể hiện thông qua tỷ lệ so sánh giữa kết quả sản lượng sản xuất nông nghiệp và chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả sản xuất gắn liền với phát triển theo chiều sâu.
Tiêu chí đánh giá:
- Giá trị sản lượng nông nghiệp;
- Mức tăng giá trị sản lượng nông nghiệp; - Năng suất nông nghiệp;
- Giá trị/ha, giá trị gia tăng; - Thu nhập của hộ nông dân;
- Mức giảm chi phí sản xuất cho một đơn vị sản lượng nông nghiệp,...