1.2. Những vấn đề cơ bản về phát triểnkinh tế nông nghiệp
1.2.3. Các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến phát triểnkinh tế nông nghiệp
1.2.3.1. Điều kiện tự nhiên
Nhân tố tự nhiên có tác động quan trọng tới sự hình thành, vận động và sự phát triển kinh tế nông nghiệp. Sự tác động và ảnh hưởng của nhân tố tự nhiên tới mỗi nội dung của phát triển kinh tế nông nghiệp không giống nhau. Các nhân tố đất đai, thời tiết khí hậu, vị trí địa lý có ảnh hưởng trực tiếp tới sự
phát triển kinh tế nông nghiệp và qua đó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành khác.
Các điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng quyết định khả năng nuôi trồng các loại cây con cụ thể trên từng lãnh thổ như sau: Điều kiện tự nhiên về đất; nguồn nước tự nhiên; khí hậu, thời tiết.
1.2.3.2. Tình hình phát triển kinh-tế xã hội
Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của một địa phương, một quốc gia là điều kiện quan trọng để phát kinh tế triển nông nghiệp. Bởi vì, để phát triển nông nghiệp ngoài các yêu cầu về đầu tư các nguồn lực như vốn, lao động còn phải kể đến các chính sách vĩ mô, tình hình ổn định chính trị.
Phát triển nông nghiệp đòi hỏi xóa bỏ tình trạng chia cắt, khép kín, trong từng địa bàn, từng đơn vị, hình thành và phát triển các mối quan hệ hợp tác và phân công giữa họ với nhau trong quá trình phát triển....
Mặt khác, về mặt xã hội để phát triển nông nghiệp cần nâng cao trình độ mọi mặt của người nông dân; làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phong tục tập quán canh tác cũ kỹ, lạc hậu của họ, tạo nên một nếp nghĩ và hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với sự biến động của cơ chế thị trường. Mặt khác, nó cũng tạo ra và đẩy nhanh quá trình phân hóa giàu nghèo, sự khác nhau về thu nhập và mức sống giữa các hộ nông dân.
Hệ thống cung ứng dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu về các yếu tố vật tư kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển và hoạt động có hiệu quả của thị trường dịch vụ kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng trưởng nông nghiệp, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và các ngành kinh tế khác ở nông thôn.
1.2.3.3. Các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp
Quản lý nhà nước về kinh tế trong nông nghiệp là sự quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nông nghiệp thông qua các công cụ, chính sách để tạo điều
kiện, môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp hướng đến mục tiêu chung.
Các chính sách kinh tế trong nông nghiệp sẽ điều khiển, dẫn dắt hoạt động của các chủ thể kinh tế (hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân) phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Hiện nay, Nhà nước đang sử dụng một hệ thống các chính sách tác động trực tiếp, gián tiếp đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, như: Chính sách ruộng đất, chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách xuất khẩu nông sản, chính sách giá cả thị trường, chính sách khuyến nông, khuyến ngư, chính sách cơ cấu nông nghiệp nông thôn.
Với cách tiếp cận cả không gian và thời gian, David Colman và Trevor Young phân loại thành 03 nhóm giải pháp chính tác động vào nông nghiệp nông thôn, phản ánh sự khác biệt các đối tượng mà chính sách tác động đến:
Nhóm một: Bao gồm các chính sách có vai trò tác động trực tiếp vào người sản xuất, làm thay đổi quy mô, phương hướng sản xuất kinh doanh trong những điều kiện, thời gian cụ thể như chính ách trợ giá trực tiếp đối với sản phẩn đầu ra tại nơi sản xuất, chính sách tín dụng có mục tiêu đối với các yếu tố đầu vào, chính sách thay đổi mục đích sử dụng đất, chính sách khuyến nông.
Nhóm hai: Bao gồm các chính sách vĩ mô tác động trong phạm vi nội
địa như chính sách giá nội địa độc quyền, chính sách can thiệp thu mua nông sản theo giá bảo trợ, chính sách trợ cấp giá lương thực, chính sách trợ cấp cho các ngành công nghiệp có liên quan đến việc tiêu thụ nông sản.
Nhóm ba: Bao gồm các chính sách tác động hiệu chỉnh tới mối quan hệ
kinh tế nội địa và quốc tế, như chính sách thuế xuất, nhập khẩu, chính sách hạn ngạch, sử dụng hàng rào phi thuế quan, chính sách tỷ giá.
1.2.3.4. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Kết cấu hạ tầng là một bộ phận đặc thù của cơ sở vật chất kỹ thuật, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo các điều kiện sản xuất và tái sản xuất xã hội. Kết cấu hạ tầng của mỗi ngành, lĩnh vực bao gồm những
công trình đặc trưng cho hoạt động của ngành, lĩnh vực đó. Thông thường các tác giả thường phân chia thành kết cấu hạ tầng kinh tế (năng lượng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp) và kết cấu hạ tầng xã hội (hệ thống công trình nhà ở, bệnh viện, trường học, y tế, thể dục thể thao,..). Với tính chất đa dạng, kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại thì nền kinh tế mới có điều kiện phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Đối với ngành nông nghiệp, kết cấu hạ tầng như là hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông sẽ góp phần quan trọng tạo ra sản phẩm, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, mở rộng khả năng tiêu thụ nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.
Theo một nghĩa khác, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chính là những nguồn lực của địa phương để phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, có thể chia thành các nguồn lực như sau:
- Nguồn lực về đất sản xuất: Như đã phân tích, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông nghiệp, là môi trường sống của sinh vật và nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đất đai như là công cụ lao động, cho nên việc quản lý sử dụng hiệu quả đất đai sẽ làm tăng năng suất, thu nhập. Đặc điểm của đất đai đó là tư liệu sản xuất đặc biệt, không như các tư liệu sản xuất khác khi sử dụng sẽ bị hao mòn, hỏng đi; còn đất đai nếu biết canh tác, sử dụng hợp lý thì sẽ có hiệu quả tốt hơn. Đất đai có giới hạn bởi không gian và thời gian. Quỹ đất, trong đó có đất sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên khan hiếm, nên phải sử dụng tiết kiệm, tránh tình trạng chuyển đất sản xuất lúa năng suất cao sang các mục đích khác. Phải chú ý sử dụng đầy đủ, hợp lý đất đai, có nghĩa là mọi diện tích đất đều được bố trí sử dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng loại đất để vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, vừa giữ gìn bảo vệ độ phì nhiêu của đất.
- Lao động: Là yếu tố cần thiết của mọi quá trình sản xuất, không có lao động thì sẽ không có hoạt động nông nghiệp. Nhưng lao động nông nghiệp có đặc điểm ít chuyên sâu như công nghiệp, điều này cho phép một lao động nông nghiệp có thể làm nhiều công việc khác nhau. Lao động nông nghiệp có tính thời vụ cao, tùy vào giai đoạn sinh trưởng, thu hoạch nông sản mà nhu cầu về lao động khác nhau. Nguồn lao động nông nghiệp ít qua đào tạo, do đó trong việc quản lý, sử dụng lao động nông nghiệp cần sử dụng phù hợp với tính chất công việc, điều kiện sức khỏe của từng thành viên để nâng cao năng suất, cũng như có điều kiện tái tạo sức lao động.
- Vốn: Là nguồn lực hạn chế đối với các ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành nông nghiệp. Vốn sản xuất hoạt động không ngừng từ khâu sản xuất đến lưu thông và trở về sản xuất. Vốn cũng thay đổi hình thức từ hình thức tiền tệ sang hính thức tư liệu sản xuất, tiền lương công nhân đến sản phẩm hàng hóa rồi quay lại hình thức tiền tệ. Vốn trong sản xuất nông nghiệp cũng được phân chia thành vốn cố định và vốn lưu động. Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp nên vốn trong sản xuất có những đặc điểm đó là sự cấu thành vốn cố định, ngoài những tư liệu lao động có nguồn gốc kỹ thuật còn có cả tư liệu sản xuất có nguồn gốc sinh học (cây lâu năm, súc vật làm việc, súc vật sinh sản,..); thời gian thu hồi vốn cố định kéo dài, tạo ra sự cần thiết phải dự trữ tương đối dài vốn lưu động, làm ứ đọng vốn; sự tác động của vốn vào quá trình sản xuất và hiệu quả kinh doanh không phải bằng cách trực tiếp mà thông qua đất, cây trồng, vật nuôi; vòng tuần hoàn vốn sản xuất được chia thành tuần hoàn đầy đủ và không đầy đủ. Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận nông nghiệp còn thấp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư nông nghiệp rất lớn; do đó cần chuyên môn hóa sản xuất kết hợp với phát triển đa dạng hóa (huy động vốn tại chỗ), từng bước cổ phần hóa nhằm tích tụ, tập trung vốn, mở rộng hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Công nghệ: Cùng với các nguồn lực nêu trên, công nghệ cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp. Công nghệ giúp cho quá trình sản xuất nông nghiệp diễn ra có hiệu quả, giúp sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao hơn, giảm chi phí và đảm bảo môi trường. Do đó, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất phải gắn liền với quá trình sinh học, theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, kết hợp giữa hiện đại (các thành tựu về giống mới, biến đổi gen….) với truyền thống (lịch mùa vụ, thu hoạch… đã được đúc kết hàng ngàn năm).
1.3. Kinh nghiêpm phát triển kinh tế nông nghiệp của một số địa phương
1.3.1. Kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiêp của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên về thâm canh trong sản xuất nông nghiệp
Ngay từ khi tái lập huyện, Khoái Châu chọn đẩy mạnh công tác khuyến nông để xây dựng các mô hình sản xuất, tạo hướng đột phá. Nhờ vậy, trong vòng 10 năm (kể từ 2010), toàn huyện có trên 1.000 mô hình làm ăn hiệu quả, với mức thu nhập trên 100 trăm triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, đến nay đã có trên 500 trang trại đủ tiêu chí mới, có 75 trang trại đạt mức thu từ 1 đến 3 tỷ đồng mỗi năm.
Từ nhiều năm nay, cây chuối tiêu hồng được người dân Khoái Châu đem về trồng xen thêm các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, lạc, đậu, gừng… trên đất ruộng, trong đó chủ yếu là trồng lạc xen chuối. Cách làm này vừa tận dụng được diện tích đất nông nghiệp vừa phát huy tối đa hiệu quả cây trồng nên mang lại thu nhập cao cho người dân.
Hiện nay, huyện Khoái Châu có trên 500 ha chuối tiêu hồng, trong đó diện tích chuối tiêu hồng có trồng xen lạc chiếm 40- 50%. Với lợi thế là vùng bãi ven đê, chủ yếu là đất cát pha, có thành phần cơ giới nhẹ, tơi, xốp rất thích hợp cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, nhất là cây chuối tiêu hồng và cây lạc nên từ lâu nông dân các xã Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập,
Đông Ninh, Bình Kiều, Liên Khê… đã áp dụng mô hình lạc trồng xen chuối tiêu hồng để thu hiệu quả kinh tế cao. Cây lạc được trồng cùng với cây chuối tiêu hồng vào tháng 1, tháng 2 dương lịch, đến tháng 4, tháng 5 khi thời tiết nắng nóng, lá lạc phát triển che phủ kín mặt đất sẽ hạn chế được sự bốc hơi nước để giữ ẩm cho cây chuối, hạn chế cỏ dại, giúp cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt, không bị cháy lá, táp lá hoặc bị chết. Không những vậy, việc trồng xen còn có tác dụng khi chăm sóc cho lạc thì cây chuối cũng được chăm bón. Lạc là cây họ đậu nên trong rễ, thân, lá có chứa vi khuẩn cố định đạm có thể bổ sung lượng đạm cho cây chuối. Vụ xuân vừa qua, lạc trồng xen chuối tiêu hồng cho năng suất khoảng 2,5 - 3 tạ củ tươi/ sào, với giá bán hiện nay là 10.000 đồng/ kg, mỗi sào trồng lạc cho thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng. Mỗi sào trồng được 90 - 95 cây, cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến trỗ vào trung tuần tháng 8 âm lịch nên sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Giá bán chuối tiêu hồng trong những dịp tết gần đây dao động ở mức 120 - 150.000 đồng/ buồng, cho thu 11 - 13,5 triệu đồng/ sào. Như vậy, 1 sào lạc trồng xen chuối tiêu hồng có thể cho tổng thu nhập là 13,5 - 16,5 triệu đồng.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đưa mô hình trồng lạc xen chuối tiêu hồng vào áp dụng trên vùng đất bãi là hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Việc tìm ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện thổ những, khí hậu và tập quán canh tác của bà con từng địa phương luôn là bài toán khó. Mô hình trồng lạc xen chuối tiêu hồng không chỉ tận dụng được quỹ đất mà còn giúp người nông dân tận dụng được nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho chuối, tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây trồng. Nếu các địa phương biết áp dụng các biện pháp xen canh hợp lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân.