SINGAPORE CÓ THỂ ÁP DỤNG CHO VIỆT NAM
3.2.1. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn Singapore trong bƣớc chuyển sang thời đại kinh tế tri thức
Mục tiêu tổng quát của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở Việt Nam là xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược phát triển phù hợp. Hiện nay, so với các nước Đông Nam Á khác thì Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, sự phát triển kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, đánh dấu bởi quá trình đổi mới được thực hiện năm 1986. Bên cạnh nhiệm vụ phải thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước thì việc từng bước chuyển sang thời đại kinh tế tri thức đối với Việt Nam là một xu thế không thể đảo ngược. Để có thể thích ứng với xu thế này, đòi hỏi Việt Nam cần phải có tư duy kinh tế tri thức ngay trong giai đoạn phát triển kinh tế công nghiệp, qua đó có thể tiếp nhận có hiệu quả các hiệu ứng của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Là nước đi sau, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước đi trước. Những nước thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa và đang có bước chuyển thành công sang thời đại kinh tế tri thức như Singapore đã cho thấy một thực tế rằng: nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của các quốc gia đó, và để đạt được thành công đó, vai trò của nhà nước phải có những chuyển biến để thích nghi với bối cảnh thời đại. Việc Việt Nam có thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các quyết sách của nhà nước. Việc phân tích các kinh nghiệm của nhà nước
Singapore, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với nhà nước Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.
3.2.1.1.Bài học chung về lựa chọn mô hình và chiến lược phát triển
- Thứ nhất, về cách ứng xử với khu vực tư nhân trong nước : Nhà nước Singapore đã tạo mọi điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước phát triển bằng nhiều cách. Trong giai đoạn đầu, khi khu vực tư nhân còn quá non trẻ, nhà nước đã thực hiện các biện pháp bảo hộ, trợ cấp để nuôi dưỡng các doanh nghiệp này. Nhưng ngay khi nền kinh tế khởi sắc, nhà nước Singapore đã dần dần tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp bảo hộ và sẵn sàng cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Để nâng cấp và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân, nhà nước Singapore đã khuyến khích mối quan hệ hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước Singapore coi khu vực tư nhân là nguồn quan trọng của sự đổi mới và tìm mọi cách để kích thích tinh thần kinh doanh, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân trong nước. - Thứ hai, về cách ứng xử với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Nhà nước
Singapore luôn coi việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để tạo môi trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp này. Bên cạnh những biện pháp như dỡ bỏ dần các rào cản thương mại, dỡ bỏ giới hạn về sở hữu của người nước ngoài trong những lĩnh vực quan trọng như bảo hiểm, ngân hàng, thực hiện tự do hóa hoàn toàn trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, nhà nước Singapore sẵn sàng tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài từ những hành động nhỏ nhất. Trong khi nhiều quốc gia lo sợ trước việc thu hút các công ty đa quốc gia nước ngoài sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước đứng trước thách thức cạnh tranh và có thể tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp nội địa, thì tại Singapore, người ta lại hướng các ngành công nghiệp nội địa sang phục vụ cho các công ty đa
quốc gia. Đối với Singapore, quan hệ giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chủ yếu là quan hệ hợp tác chứ không phải quan hệ cạnh tranh. Nếu những doanh nghiệp tư nhân trong nước quá nhỏ để thực hiện liên doanh với các công ty đa quốc gia thì nhà nước sẽ thành lập các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để việc liên doanh đạt hiệu quả. Ví dụ, việc Singapore Technologies liên doanh với các MNC hàng đầu để thành lập các nhà máy sản xuất bánh xốp.
- Thứ ba, về kích thước của khu vực kinh tế nhà nước: Trong tiến trình công nghiệp hóa, nhà nước Singapore đã tạo ra nhiều doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này phần lớn đều có quy mô lớn và thực hiện các dự án đầu tư lớn trong nước hoặc đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhà nước Singapore không chủ trương biến những doanh nghiệp này trở thành trụ cột của nền kinh tế. Nhà nước khuyến khích thành lập liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước cũng như liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước với các công ty đa quốc gia nước ngoài, và tiến hành bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả là, kích thước của khu vực nhà nước trong nền kinh tế Singapore đang nhỏ đi.
- Thứ 4, về mô hình phát triển khoa học, công nghệ: Thực chất của vấn đề trong lựa chọn mô hình phát triển khoa học – công nghệ là lựa chọn giữa mô hình nghiêng về tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ hay chủ động tạo lập, sáng tạo khoa học riêng để phát triển khoa học công nghệ. Nhà nước Singapore coi trọng việc tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ từ nước ngoài. Các nhà lãnh đạo Singapore coi việc phát triển khả năng hấp thụ và xử lý tri thức quốc tế, đặc biệt là thành quả nghiên cứu, phát triển của các công ty đa quốc gia nước ngoài là yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình đổi mới. Tuy nhiên, nhà nước Singapore vẫn luôn chú trọng đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Nhà nước khuyến khích mọi khu vực
kinh tế tham gia nghiên cứu và sáng tạo, dỡ bỏ những chính sách có thể kìm hãm sự sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển, hoàn lại chi phí cho các dự án nghiên cứu thành công.
- Thứ năm, về các biện pháp thúc đẩy tự do hóa thị trường: Singapore luôn sẵn sàng để cho khu vực tư nhân phát huy hết năng lực của mình và để thị trường quyết định những vấn đề căn bản của hoạt động kinh tế như giá cả và sản lượng. Các biện pháp can thiệp của nhà nước được xây dựng trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước tích cực thực hiện các biện pháp tự do hóa để giảm mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường như dỡ bỏ các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong nước; tiến hành bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước; dỡ bỏ mọi rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tài chính, viễn thông; dỡ bỏ giới hạn nắm giữ cổ phần trong các ngân hàng địa phương; nâng cao tỷ lệ sở hữu cho phép ở các công ty bảo hiểm trong nước; dỡ bỏ các rào cản để khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nước…Nhà nước thiên về chức năng tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận; xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản và cung cấp các dịch vụ xã hội…