3.2 Nhóm giải pháp về thị trường
3.2.2 Phát triển thị trường chứng khoán tập trung
Thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2000, cho đến nay thị trường chứng khoán đã chứng tỏ là kênh huy động và đầu tư vốn không thể thiếu của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán ra đời đã góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, bổ sung hoàn chỉnh
thị trường tài chính quốc gia. Sau hơn 6 năm hoạt động, thị trường chứng khoán nước ta đã thu được những kết quả nhất định. Theo thống kê của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, cho đến nay tổng mức vốn hoá của cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán đã đạt mức 38% GDP, khoảng 22 tỷ USD và chính phủ đã sử dụng thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán nước ta từ khi ra đời cho đến nay có rất nhiều biến động chứng tỏ thị trường chứng khoán nước ta chưa có sự phát triển bền vững nên thị trường chứng khoán nước ta chưa làm tốt được chức năng định giá doanh nghiệp và cung cấp thông tin phản hồi cho nền kinh tế. Ở các nước phát triển, thị trường chứng khoán luôn được coi là thước đo phản ánh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, phản ánh giá trị của một doanh nghiệp thông qua giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Khi chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, thị trường chứng khoán sẽ phát triển rực rỡ và ngược lại khi chính trị bất ổn, kinh tế khủng hoảng, thị trường chứng khoán sẽ đi xuống mạnh mẽ. Ở nước ta thị trường chứng khoán chưa làm được điều này bởi vì quy mô thị trường còn nhỏ bé, hàng hoá trên thị trường chưa nhiều, thông tin về doanh nghiệp chưa được cập nhật kịp thời và chính xác.
Bên cạnh đó trong tổng lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, lượng cổ phiếu nằm trong tay cổ đông Nhà nước, cổ đông là thành viên của hội đồng quản trị, cổ đông chiến lược của mỗi công ty… là khá lớn, đây là số cổ phiếu không thể giao dịch được hàng ngày. Ví dụ tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước trong một số công ty như Vinamilk, Sudico, Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh… lên tới trên 51%; tỷ lệ nắm giữ của các thành viên hội đồng quản trị và nhà đầu tư chiến lược ở một số công ty khác (như Sacombank, BT6…) vào khoảng 30% -50%. Con số này cho thấy, khối lượng cổ phiếu thực sự được giao dịch là rất ít. Do vậy, tỷ lệ vốn hoá của cổ phiếu
trên thị trường chứng khoán nước ta không thể phản ánh cấu thành của GDP và tốc độ tăng GDP.
Thị trường chứng khoán nước ta có nhiều biến động là do thiếu cơ sở hạ tầng (bao gồm hệ thống luật pháp, thẩm định chất lượng của doanh nghiệp niêm yết và dịch vụ cung cấp của các công ty chứng khoán), thiếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp và hàng hoá chất lượng cao. Một nguyên nhân nữa tác động đến sự biến động của thị trường chứng khoán nước ta là cầu từ các tổ chức đầu tư trong đó bao gồm cả những nhà đầu tư nước ngoài. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ cũng đã đưa ra một số quy định chặt chẽ khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn dưới 49% vốn của một doanh nghiệp niêm yết (riêng ngân hàng dưới 30%).
Ngoài ra, ở nước ta hoạt động của thị trường chứng khoán tự do (OTC) rất rộng và Nhà nước không kiểm soát được các giao dịch trên thị trường này. Lượng mua bán trên thị trường này nhiều gấp gần ba lần trên thị trường chính thức ở cả hai trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hệ thống công nghệ thông tin ở hai trung tâm giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán không đáp ứng được khi số lượng giao dịch tăng cao, điều này cũng cần có sự đầu tư và nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trên đây là những vấn đề đang đặt ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thực sự phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm tốt chức năng định giá và đi vào thời kỳ phát triển ổn định khi quy mô của thị trường chứng khoán được mở rộng, với việc có thêm nhiều hàng hoá chất lượng và không hạn chế tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài để thực sự kích thích sức cầu từ các tổ chức đầu tư trên thế giới, cũng như những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do vậy, luận văn xin đề xuất một số
Thứ nhất, cần đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chính phủ cần thúc đẩy những doanh nghiệp đã cổ phần hóa đủ điều kiện phải thực hiện niêm yết, đồng thời tiến hành rà soát để có thể bán tiếp phần vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần giữ cổ phiếu chi phối.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các loại hình trái phiếu trên thị trường như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu doanh nghiệp..., phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh như: quyền chọn mua, bán chứng khoán, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, các sản phẩm từ chứng khoán hóa tài sản và các khoản nợ...
Thứ ba, cần sớm hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt nhằm tạo kênh huy động vốn, hình thành và phát triển thị trường giao dịch tương lai cho các công cụ phái sinh, thị trường chứng khoán hóa các khoản cho vay trung, dài hạn của ngân hàng... hay việc phát triển thị trường cổ phiếu theo nhiều cấp độ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều loại hình doanh nghiệp.
Thứ tư, trung tâm giao dịch chứng khoán cần phải chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty theo quy định của Luật chứng khoán.
Thứ năm, cần phát triển các định chế trung gian và dịch vụ thị trường bằng cách thúc đẩy tăng số lượng, chất lượng hoạt động và năng lực tài chính của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... cũng như việc nghiên cứu thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm tại Việt Nam và cho phép một số tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín của nước ngoài vào hoạt động.
Thứ sáu, phát triển hệ thống nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích các định chế đầu tư chuyên nghiệp như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... tham gia vào thị trường, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư để thu
hút vốn dân cư tham gia, khuyến khích việc thành lập các quỹ đầu tư ở nước ngoài đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam theo quy định của chính phủ.
Thứ bảy, phải nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước, nghiên cứu các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ trong những trường hợp cần thiết trên nguyên tắc được thể chế hóa, công bố công khai cho nhà đầu tư và chỉ áp dụng khi có những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh của hệ thống tài chính.
Thứ tám, xây dựng và phát triển thị trường OTC theo hướng bảo đảm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có vốn dưới 10 tỷ đồng) được niêm yết trên thị trường, giúp các doanh nghiệp huy động vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động mua bán cổ phiếu được nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, Nhà nước cần quản lý, giám sát được mọi hoạt động trên thị trường này, ngăn ngừa hữu hiệu các hoạt động thao túng, lừa đảo trên thị trường, bảo vệ người đầu tư, tạo ra thị trường hoạt động công khai, minh bạch và thống nhất với các thị trường chứng khoán khác, không chồng chéo, cản trở lẫn nhau.
Ngoài ra một vấn đề cũng rất quan trọng đối sự phát triển của thị trường chứng khoán, đó chính là hệ thống thông tin. Một thị trường chứng khoán hoạt động ổn định và hiệu quả luôn gắn liền với hệ thống công bố thông tin và giám sát công bố thông tin minh bạch và hữu hiệu. Các quy định về công khai hoá thông tin có tác dụng hỗ trợ rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng của công tác xác định giá trị doanh nghiệp. Đó là những quy định đảm bảo cho thông tin được công bố một cách chính xác đầy đủ, kịp thời và đảm bảo cho những người sử dụng thông tin có được những thông tin cần thiết để ra các quyết định đúng đắn. Về phía các doanh nghiệp, thông tin cần được công bố là các thông tin về mục tiêu, chiến lược của công ty, về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, về tình hình tài chính, về cơ cấu vốn, những thông tin về giá trị nội tại của công ty cũng như những thông tin về thành viên
liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý cũng như chính sách đối với người lao động và những người có liên quan đến công ty. Nói tóm lại đó là những thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán và quyết định đầu tư. Doanh nghiệp khi chuẩn bị phát hành chứng khoán ra công chúng phải thực hiện công bố thông tin trên thị trường sơ cấp và công bố thông tin trên thị trường thứ cấp khi chứng khoán đã được niêm yết. Việc công bố thông tin phải đảm bảo rằng mọi người có liên quan đều được thông báo đầy đủ, chi tiết của việc phát hành chứng khoán và tổ chức phát hành chứng khoán khi chứng khoán lần đầu tiên được bán ra công chúng. Nếu việc công bố thông tin của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán không chính xác, đầy đủ, cập nhật sẽ không đảm bảo tính trung thực và phản ánh không đúng giá trị của doanh nghiệp, dẫn đến thiệt hại cho các nhà đầu tư và gây tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam đang xuất hiện hiện tượng thông tin không đối xứng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Các quy định trong việc công bố thông tin khi phát hành chứng khoán trên thị trường của nước ta chưa hoàn chỉnh. Phần lớn các nhà đầu tư mua bán chứng khoán trên thị trường không dựa trên việc phân tích đầu tư mà chỉ dựa vào thông tin truyền miệng, điều này sẽ dẫn tới những thiệt hại mà nhà đầu tư là người phải gánh chiu. Để hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
- Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động công bố thông tin, nền tảng của chế độ công bố thông tin doanh nghiệp là Luật chứng khoán và Luật kế toán.
- Cơ quản lý Nhà nước cần quy định việc công bố thông tin định kỳ phải trở thành điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty cổ phần. Nhà nước phải tăng cường hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo thống kê đối với các doanh nghiệp, áp dụng chế độ kiểm toán
bắt buộc và thực hiện chế độ công khai tài chính đối với tất cả mọi loại hình doanh nghiệp góp phần làm lành mạnh hoá và bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
- Hoàn thiện công tác thanh tra và giám sát thị trường nhằm ngăn ngừa và phát hiện các hành vi gian lận về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đây là một yêu cầu rất quan trọng đối với hoạt động của thị trường chứng khoán.
- Xây dựng các chế tài xử lý vi phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cần khẩn trương xây dựng những văn bản hướng dẫn chi tiết các xử lý vi phạm về công bố thông tin trong Luật chứng khoán, xác định và chuẩn hoá những nội dung vi phạm về công bố thông tin đồng thời làm rõ mức độ của những hành vi bị cấm trong lĩnh vực công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp tung tin thất thiệt, làm sai lệch tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như giá cả chứng khoán… gây nhiễu loạn các thông tin. Trong một số trường hợp, cần có biện pháp xử lý hình sự đối với các tội danh vi phạm nghiêm trọng những quy định về công bố thông tin.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn mới phát triển, việc định hướng và tạo những bước đi đúng đắn ngay từ ban đầu là rất quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững và có tương lai cho thị trường. Thị trường chứng khoán cũng như các loại thị trường khác chỉ có thể phát triển nếu Nhà nước kiên quyết cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng nhằm nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và tạo hàng hoá cho thị trường chứng khoán nói riêng. Trên cơ sở đó, giá cả của tài sản sẽ được hình thành một cách khách quan, không bị bóp méo bởi tình trạng độc quyền hay ưu đãi các loại.