CHƯƠNG 2 .CƠ SƠ LÝ THUYẾT VÀ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
2.2 Các nghiên cứu liên quan
2.2.2 Các nghiên cứu của các tác giả trong nước
Các tác giả trong nước đã có một số nghiên cứu liên quan đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp, hoặc cơ cấu tài chính tại các Tập đoàn kinh tế. Đầu tiên phải kể đến hệ thống các công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề quản lý tài chính nói chung và cơ cấu tài chính nói riêng tại các Tập đoàn kinh tế của tác giả Phạm Quang Trung như “ Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đến năm 2020” ( Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 2013); “Mô hình công ty mẹ - công ty con và tái cơ cấu tài chính các tổng công ty lớn” ( Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân – 2007); “Quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh doanh (tổng công ty) ở Việt Nam” ( Tạp chí Kinh tế phát triển -1997); “Bàn về cấu trúc và kiểm soát tài chính của tập đoàn kinh tế: ( Hội thảo “ Tập đoàn kinh tế Lý luận và Thực tiễn” -2009). Các công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thu Thủy “Capital Structure, Strategic Competition, anh Governance” (2008), trong đó đã đưa ra mô hình để lượng hóa tác động của các nhân tố đến mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính (Leverage) của doanh nghiệp (46); các bài viết “ Một mô hình thực nghiệm nghiên cứu cơ cấu vốn tổng thể của các nước trên thế giới” ( Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, Viện Kinh tế thế giới – 2005); và bài viết “ Các cơ sở lý luận cơ bản để nghiên cứu và chọn lựa cơ cấu vốn doanh nghiệp” ( tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Viện kinh tế học – 2005); bài viết: “Các nhân tố quyết định sự lựa chọn cơ cấu vốn tại một số nước ASEAN” ( Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Viện kinh tế học – 2005). Ngoài ra, một số công trình đã đi vào nghiên cứu về cơ cấu vốn của các doanh nghiệp cụ thể, tuy nhiên các nghiên cứu này mới chỉ dừng ở mức độ phân tích thực trạng cơ cấu vốn tại các doanh nghiệp cụ thể này, đồng thời đề xuất mang tính định tính để đổi mới cơ cấu vốn của các doanh nghiệp đó như các nghiên của các tác giả Bùi Văn Thi trong các luận văn thạc sỹ ( 2001) với đề tài “Đổi mới cơ cấu nguồn vốn của công ty Shell Gas Hải Phòng” và Lê Thu Thủy (2004) với đề tài “ Đổi mới cơ cấu vốn của công ty xây dựng Lũng Lô”. Bài viết của tác giả Đàm Văn Huệ trên tạp chí Kinh tế phát triển số tháng 10/2006 “Điều kiện đề xây dựng cơ cấu vốn tối
ưu cho các doanh nghiệp Việt Nam”, đã phân tích một số nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp cũng như các điều kiện xây dựng cơ cấu vốn tối ưu cho các doanh nghiệp Việt Nam (1)
Luận án tiến sĩ của tác giả Trần Thị Thanh Tú ( Đại học Kinh tế quốc dân) (2006) với đề tài “Hoàn thiện cơ cấu vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay” đã đưa ra mô hình kinh tế lượng để xác định ảnh hưởng của một số nhân tố rất cơ bản và truyền thống của doanh nghiệp là lãi vay, cơ cấu tài sản, tỷ suất sinh lời, chi phí vốn chủ sở hữu, rủi ro ngành, thuế suất tới cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Từ đó đưa ra các giải pháp đổi mới nhận thức của giám đốc doanh nghiệp; xác định cơ sở thuyết lập cơ cấu vốn tối ưu; đa dạng hóa các kênh huy động nợ dài hạn, tăng huy động vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu; cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ quản lý (7)
Nghiên cứu của Lê Đạt Chí (2013) được thực hiện nhằm kiểm định những nhân tố giữ vai trò quan trọng trong quyết định cấu trúc vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán VN trong giai đoạn 2007-2010. Nghiên cứu dựa trên nền tảng các lý thuyết truyền thống về cấu trúc vốn (đánh đổi, trật tự phân hạng và thời điểm thị trường), đồng thời xem xét vấn đề trong khuôn khổ lý thuyết tài chính hành vi. Kết quả nghiên cứu chỉ ra 6 nhân tố thực sự giữ vai trò quan trọng là thuế (+), lạm phát (-), tỷ số giá trị thị trường trên sổ sách (-), đòn bẩy ngành (+), ROA (-) và hành vi nhà quản trị (+). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy viêc hoạch định cấu trúc vốn của các công ty trong giai đoạn trên không có tương quan đáng kể với lý thuyết đánh đổi nhưng lại có tương quan mạnh với lý thuyết trật tự phân hạng.
Nghiên cứu của Đoàn Ngọc Phi Anh (2010) về các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính theo phương pháp phân tích đường dẫn dựa trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính trong 3 năm (2007-2009) của 428 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Kết quả cho thấy tỉ suất nợ bình quân của 428 doanh nghiệp là 51.74% trong đó có sự khác biệt khá lớn giữa các doanh nghiệp; các nhân tố hiệu quả kinh doanh, rủi ro kinh doanh và cấu trúc tài sản tác động tỉ lệ nghịch đến cấu trúc tài chính, trong khi qui mô của doanh nghiệp lại có tác động tỉ lệ thuận đến cấu trúc tài chính. Đối với hiệu quả tài chính, tỉ suất lợi nhuận trên vốn
chủ sở hữu (ROE) trung bình của các doanh nghiệp là 17.63% và chỉ tiêu này cũng có sự biến động khá lớn giữa các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cả Hiệu quả hoạt động kinh doanh và Cấu trúc tài chính có tác động cùng chiều đến ROE và hai nhân tố này giải thích được 90% sự biến động của ROE.
Nghiên cứu của Lê Thị Kim Thư (2012) về các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM trong thời gian từ năm 2007-2011.Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động kinh doanh và đặc điểm riêng của tài sản có quan hệ ngược chiều với cấu trúc vốn, trong khi tốc độ tăng trưởng lại tác động cùng chiều với cấu trúc vốn.
Tóm lại, chương 2 đã trình bày toàn bộ các khái niệm, các lý thuyết liên quan được sử dụng trong nghiên cứu về ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.Đồng thời, các kết quả của những nghiên cứu trước về vấn đề này cũng được trình bày. Và chương 3 tiếp theo sẽ trình bày nội dung mô hình nghiên cứu và nguồn dữ liệu nghiên cứu.