Thẩm định tín dụng dài hạn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Công tác thẩm định cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Đống Đa (Trang 25 - 31)

1.2. Các loại hình thẩm định tín dụng

1.2.2. Thẩm định tín dụng dài hạn

1.2.2.1. Mục tiêu, đối tượng của thẩm định tín dụng dài hạn

Tín dụng trung hạn là những khoản tín dụng có thời hạn từ 1 cho đến 5 năm. Tín dụng dài hạn là những khoản tín dụng có thời hạn trên 5 năm. Ngân hàng cấp các khoản tín dụng trung hoặc dài hạn cho khách hàng nhằm mục đích tài trợ cho đầu tư vào tài sản cố định hoặc đầu tư vào các dự án đầu tư. Ngoài ra ngân hàng cũng có thể cấp các khoản tín dụng trung hoặc dài hạn để tài trợ cho tài sản lưu động thường xuyên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đại đa số các khoản tín dụng trung và dài hạn nhằm mục đích đầu tư vào các dự án đầu tư.

Do vậy, đối tượng cần thẩm định khi cho vay dự án đầu tư là tính khả thi của dự án về mặt tài chính.

Mục tiêu thẩm định là đánh giá một cách chính xác và trung thực khả năng sinh lợi của một dự án, qua đó, xác định được khả năng thu hồi nợ khi ngân hàng cho vay để đầu tư vào dự án đó.[2,3]

1.2.2.2. Nội dung thẩm định

a. Thẩm định các thông số dự báo thị trường và doanh thu

Các thông số dự báo thị trường sử dụng rất khác nhau tùy theo từng ngành cũng như từng loại sản phẩm. Nhìn chung các thông số thường gặp bao gồm:

- Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế - Dự báo tỷ lệ lạm phát

- Dự báo kim ngạch xuất khẩu - Dự báo tốc độ tăng giá

- Dự báo nhu cầu thị trường về loại sản phẩm dự án sắp đầu tư - Ước lượng thị phần của doanh nghiệp

b. Thẩm định các thông số xác định chi phí

Các thông số này rất đa dạng và thay đổi tùy theo đặc điểm công nghệ sử dụng trong từng loại dự án. Thông thường các thông số này do các chuyên gia kỹ thuật và chuyên gia kế toán quản trị ước lượng và đưa ra. Các thông số dùng làm cơ sở xác định chi phí thường thấy bao gồm:

- Công suất máy móc thiết bị

- Định mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, sử dụng mức lao động - Đơn giá các loại chi phí như lao động, nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng…

- Phương pháp khấu hao, tỷ lệ khấu hao

- Ngoài ra còn nhiều loại thông số dự báo khác theo từng dự án.

c. Thẩm định dòng tiền hay ngân lưu của dự án

Ngân lưu hay dòng tiền tệ là bảng dự báo thu chi trong suốt thời gian tuổi thọ của dự án, nó bao gồm những khoản thực thu hay dòng tiền vào và thực chi hay dòng tiền ra của dự án tính theo từng năm.

Cơ sở dùng để đánh giá dự án không phải là lợi nhuận mà là ngân lưu bởi vì lợi nhuận không phản ánh chính xác tổng lợi ích của dự án theo thời giá tiền tệ.

Điều quan trọng trong khi thẩm định ngân lưu là xem xét cách thức xử lý các loại chi phí khi ước lượng ngân lưu có hợp lý hay không. Thông thường cần chú ý cách xử lý các loại chi phí như sau: [2,3,16]

- Chi phí cơ hội: Là những khoản thu nhập mà công ty phải mất đi do sử dụng nguồn lực của công ty vào dự án. Chi phí cơ hội không phải là một khoản thực chi nhưng vẫn được tính vào ngân lưu, vì đó là một khoản thu nhập mà công

ty phải mất đi khi thực hiện dự án. Khi thẩm định cần chú ý xem khách hàng có tính loại chi phí này vào ngân lưu hay không? Thông thường, khách hàng dễ bỏ quên không kể loại chi phí này.

Ví dụ: Công ty Sơn tổng hợp Hà Nội đang xem xét dựa án mở cửa hàng giới

thiệu sản phẩm của công ty. Cửa hàng này sẽ được đầu tư nâng cấp từ một cửa hàng của công ty trước đây cho Công ty cổ phần điện lạnh công nghiệp Đại Kim thuê để bán các sản phẩm điện lạnh công nghiệp với tiền thuê hàng tháng là 100 triệu đồng. Trong tình huống này, chi phí cơ hội chính là khoản tiền thuê hàng tháng 100 triệu đồng hay 1,2 tỷ đồng một năm của công ty Sơn tổng hợp Hà Nội phải mất đi do sử dụng của hàng cho thuê vào dự án mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Do đó, ngân lưu của dựa án phải thể hiện khoản chi phí cơ hội 1,2 tỷ đồng mất đi hàng năm trong phần ngân lưu ra. Cần chú ý xem công ty có kể khoản chi phí này vào ngân lưu của dự án khi thẩm định dự án.

- Chi phí chìm: Là những chi phí đã phát sinh trước khi có quyết định thực hiện dự án. Vì vậy, dù dự án có được thực hiện hay không thì chi phí này cũng đã xảy ra rồi. Sở dĩ chi phí chìm không được tính vào ngân lưu của dự án là vì loại chi phí này không ảnh hưởng đến việc quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án. Các dạng điển hình của chi phí chìm bao gồm: chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm, chi phí nghiên cứu tiếp thị, chi phí thuê chuyên gia lập dự án. Khi thẩm định cần để ý cách xử lý loại chi phí này vì thường khách hàng vẫn kể luôn loại chi phí này vào ngân lưu.

Ví dụ:Gần đây, do nhu cầu bao bì cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng trong nước gia tăng nên nhà máy sản xuất bao bì Kiên Lương muốn đầu tư mở rộng thêm một dây chuyền sản xuất bao bì theo công nghệ hiện đại nhập từ Italia. Nhà máy thuê chuyên gia lập dự án với chi phí chi trả cho việc lập dự án là 1 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí đầu tư dự án do chuyên gia ước tính là 15 tỷ đồng bao gồm 1 tỷ đồng chi phí thuê lập dự án. Một phần ba chi phí đầu tư dự án này từ

nguồn vốn của nhà máy, phần còn lại vay cua Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tức khoản 10 tỷ đồng.

Trong trường hợp này, ta phải bóc tách 1 tỷ đồng chi phí thuê lập dự án ra khỏi ngân lưu vì đây là loại chi phí chìm, đã xảy ra trước khi xem xét đến đầu tư dự án. Ngoài ra cần phải giải thích và làm cho khách hàng hiểu tại sao không được kể phần chi phí này vào ngân lưu dự án. Kết quả nhu cầu đầu tư của dự án là 14 tỷ chứ không phải 15 tỷ như khách hàng ước lượng và do đó ngân hàng chỉ cho vay khoản tiền là 9,33 tỷ đồng chứ không phải 10 tỷ đồng.

- Chi phí lịch sử (Historical cost): Là chi phí cho những tài sản sẵn có của công ty, được sử dụng cho dự án. Chi phí này có được tính vào ngân lưu của dự án hay không còn tùy thuộc vào chi phí cơ hội của tài sản. Nếu chi phí cơ hội của tài sản bằng không thì không tính, nhưng nếu tài sản có chi phí cơ hội thì sẽ được tính vào ngân lưu của dự án như trường hợp chi phí cơ hội. Khi thẩm định cần chú ý loại chi phí này thường bị khách hàng bỏ qua khi ước lượng ngân lưu.

d. Thẩm định chi phí sử dụng vốn

Một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến việc ra quyết định đầu tư là suất chiết khấu của dự án. Suất sinh lời yêu cầu của một dự án phải bằng với suất sinh lời mang lại từ việc đầu tư vào một tài sản có độ rủi ro tương đương trên thị trường tài chính. Vì vậy suất sinh lời yêu cầu tối thiểu là chi phí vốn của dự án. Chi phí sử dụng vốn sẽ được xác định trên thị trường vốn và phụ thuộc vào rủi ro của công ty hoặc rủi ro của dự án.[2,3]

Thẩm định cách xác định chi phí sử dụng từng bộ phận vốn - Thẩm định cách tính chi phí sử dụng vốn cổ phần ưu đãi - Thẩm định cách tính chi phí sử dụng vốn cổ phần thường Thẩm định cách tính chi phí sử dụng vốn trung bình (WACC)

D E WACC = (1 – TC) RD + RE

V V

Trong đó:

E : Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu, được tính bằng giá thị trường mỗi cổ phiếu nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

D : Giá thị trường của nợ V(=E+D): Giá thị trường của công ty

TC : Thuế suất thuế thu nhập của công ty

RD : Chi phí sử dụng nợ

RE : Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu.

e. Thẩm định các chỉ tiêu đánh giá dự án và quyết định đầu tư Thẩm định cách tính NPV( giá trị hiện tại ròng)

n CFi

NPV = - CF0 + ∑

i=0 (1+r)i CF0: Ngân lưu ròng năm 0

CFi : Ngân lưu ròng năm thứ i r : Suất chiết khấu của dự án n : Tuổi thọ của dự án

Đây là chỉ tiêu cơ bản dùng để đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư vì nó thể hiện giá trị tăng thêm mà dự án đem lại cho công ty. Dự án chỉ đáng đầu tư khi NPV ≥ 0 vì chỉ khi ấy thu nhập từ dự án mới đủ trang trải chi phí và mang lại lợi nhuận tăng thêm cho nhà đầu tư.

Thẩm định cách tính và sử dụng chỉ tiêu tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR)

n CFi CF0 = ∑

i=0 (1+IRR)i

Tỷ suất sinh lời nội bộ chính là tỷ suất sinh lời thực tế của dự án. Vì vậy, một dự án được chấp nhận khi tỷ suất sinh lời thực tế của nó (IRR) bằng hoặc cao hơn tỷ suất sinh lời yêu cầu (tỷ suất chiếu khấu). Theo tiêu chuẩn IRR, dự án được chấp nhận là dự án có IRR lớn hơn hoặc bằng tỷ suất sinh lời yêu cầu. Tỷ suất sinh lời yêu cầu được chọn ở đây là chi phí sử dụng vốn trung bình WACC.

Thời gian hoàn vốn (PP)

Thời gian hoàn vốn là thời gian để ngân lưu tạo ra từ dự án đủ bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Cơ sở để chấp nhận dự án dựa trên tiêu chuẩn thời gian hoàn vốn là thời gian hoàn vốn phải thấp hơn hoặc bằng thời gian hoàn vốn yêu cầu hay còn gọi là ngưỡng thời gian hoàn vốn.

Chỉ số lợi nhuận (PI)

Chỉ số lợi nhuận hay còn gọi là tỷ số lợi ích – chi phí là tỷ số giữa tổng hiện giá của lợi ích ròng chia cho tổng hiện giá của chi phí đầu tư ròng của dự án

Nguyên tắc ra quyết định dựa trên PI là chấp nhận dự án khi PI ≥ 1 và bác bỏ dự án khi PI < 1.

1.2.2.3. Phân tích và kiểm soát rủi ro của dự án

Thẩm định tín dụng được thực hiện kỹ trước khi quyết định cho vay dự án và mục tiêu của nó là đánh giá chính xác và trung thực khả năng thu hồi nợ khi cho vay dự án. Tuy nhiên, do việc thẩm định được tiến hành trước khi cho vay trong khi việc thu hồi nợ tiến hành sau khi cho vay nên không ai biết được chuyện gì xảy ra trong suốt quá trình sử dụng vốn vay. Kết quả là việc thu hồi được nợ vay hay không vẫn không có gì chắc chắn. Vai trò của thẩm định chỉ là giảm thiểu xác suất không thu hồi được nợ, thực tế có thu hồi được nợ hay không còn phụ thuộc vào việc quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng. Các kỹ thuật dùng để phân tích rủi ro tín dụng, từ đơn giản đến phức tạp bao gồm: Phân tích độ nhạy, phân tích tình huống và phân tích mô phỏng.[7,8]

a. Phân tích độ nhạy

Phân tích độ nhạy là kỹ thuật phân tích nhằm thấy được sự ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Biến phụ thuộc cần thẩm định là NPV và IRR. Các biến độc lập tác động lên NPV và IRR có thể là các thông số mà chúng ta đã lựa chọn khi ước lượng ngân lưu và chi phí bao gồm:

- Tỷ lệ lạm phát. - Tỷ giá hối đoái.

- Thị phần của doanh nghiệp. - Công suất máy móc thiết bị - Sản lượng tiêu thụ.

- Đơn giá bán.

- Định mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, sử dụng lao động. - Đơn giá các loại chi phí như lao động, nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng. - Tốc độ tăng chi phí.

- Tỷ lệ khấu hao.

b. Phân tích tình huống

Phân tích tình huống là kỹ thuật phân tích sự tác động đồng thời của nhiều biến hay nhiều yếu tố đến biến phụ thuộc NPV hoặc IRR. Có thể phân tích ba tình huống:

- Tình huống kỳ vọng – Tức là tình huống bình thường mà chúng ta kỳ vọng sẽ xảy ra trong tương lai.

- Tình huống xấu – Tức là tình huống có tác động tiêu cực lên NPV và IRR. Khi tình huống này xảy ra thì NPV và IRR sẽ giảm đi.

- Tình huống tốt – Tức là tình huống có tác động tích cực lên NPV và IRR. Khi tình huống này xảy ra thì NPV và IRR tăng lên.

c. Phân tích mô phỏng

Phân tích mô phỏng là kỹ thuật phân tích phức tạp và hiện đại hơn, nó cho phép khắc phục những hạn chế của phân tích độ nhạy và phân tích tình huống. Kỹ thuật phân tích mô phỏng cho phép phân tích sự tác động của nhiều biến hay nhiều yếu tố đến NPV và IRR qua hàng trăm hoặc hàng nghìn tình huống. Qua đó cho phép xác định xác suất bao nhiêu phần trăm NPV dương hay IRR sẽ lớn hơn chi phí sử dụng vốn WACC.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Công tác thẩm định cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Đống Đa (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)