CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới mức độ sẵn sang tham gia PPP
Kinh nghiệm triển khai thu hút PPP của một số nước trên thế giới (Anh, Mỹ, Ấn Độ, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia) cho thấy, những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút PPP bao gồm: (i) Vai trò và trách nhiệm của chính phủ; (ii) Lựa chọn đối tác tư nhân phù hợp; (iii) Nhận dạng và phân bổ rủi ro hợp lý; (iv) Cấu trúc tài chính hợp lý cho PPP; (v) Thực hiện phân tích chi phí lợi ích để đánh giá dự án.
Theo nghiên cứu của Phan Thị Bích Nguyệt & Phạm Dương Phương Thảo, nghiên cứu chính thức được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp 150 công ty đầu tư xây dựng tư nhân. Kết quả phân tích kinh tế lượng cho thấy, có 5 yếu tố có ảnh hưởng đến sự sẵn lòng tham gia đầu tư các dự án CSHT theo hình thức PPP của khu vực tư nhân. Năm yếu tố đó là: (i) Lợi nhuận đầu tư (ii) Khung pháp lý đầy đủ và minh bạch; (iii) Chia sẻ rủi ro phù hợp giữa nhà nước và tư nhân (iv) Kinh tế vĩ mô ổn định (v) Tìm được đối tác tin cậy. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới về những yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công PPP.
Theo Grant (1996), để hợp tác công tư trở nên thành công, doanh nghiệp cần nhận diện được chi phí mà mình bỏ ra, cần xây dựng đủ nguồn lực nội bộ. Thêm vào đó nếu nhận thức của doanh nghiệp về PPP là đúng đắn thì quá trình hợp tác sẽ đem lại lợi ích hơn.
Trên cơ sở khảo cứu một số nghiên cứu trước, đề tài tổng hợp và liệt kê những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới mức độ sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp như sau:
Chi phí tham gia PPP
Khung pháp lý đầy đủ và minh bạch
Chia sẻ rủi ro phù hợp giữa nhà nước và tư nhân Kinh tế vĩ mô
Nhận thức về PPP
Nguồn lực của doanh nghiệp Chế độ kế toán của doanh nghiệp
2.3.1. Lợi ích khi tham gia PPP
Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy doanh nghiệp sẵn sàng tham gia PPP chính là lợi ích mà quá trình hợp tác này đem lại (Estache và de Rus, 2000). Những lợi ích này có thể là lợi nhuận mà doanh nghiệp sẽ đạt được, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh trong tương lai khi mở rộng quy mô nhờ doanh thu hoặc nhờ phát triển mở rộng các dự án. Ngoài ra công ty còn có thể mở rộng mạng lưới mối quan hệ và gia tăng uy tín của công ty trên thị trường (Checherita, 2004)
2.3.2. Chi phí tham gia PPP
Tham gia PPP không chỉ có lợi ích. Rất nhiều loại chi phí được dựng lên như một rào cản thách đố doanh nghiệp tư nhân. Tại các nước đang phát triển, rất nhiều vấn đề chưa được minh bạch nên xuất hiện các chi phí ngầm, thời gian hợp tác đôi bên sẽ kéo dài do sự khác biệt của hai hệ thống. Việc phải tạo dựng mối quan hệ thân thiết với chính phủ cũng có thể coi là một chi phí khó lượng hóa hoặc doanh nghiệp sẽ phải thay đổi lại bộ máy hoạt động cho phù hợp với quá trình hợp tác (Dailami và ctg, 1997). Khi những chi phí trên quá cao, doanh nghiệp sẽ từ bỏ ý định tham gia đầu tư theo hình thức PPP.
2.3.3. Khung pháp lý đầy đủ và minh bạch
Hợp tác công tư là cả một quá trình tương tác giữa hai chủ thể có cách vận hành khác nhau. Để có thể kết nối được quá trình hợp tác này thì điều kiện tiên quyết là phải có luật lệ. Luật sẽ tạo ra một khung quan hệ và định hướng cuộc chơi. Nếu khung pháp lý không đầy đủ và thiếu minh bạch, doanh nghiệp sẽ thấy rủi ro
2.3.4. Chia sẻ rủi ro phù hợp giữa nhà nước và tư nhân
Quá trình hợp tác luôn tiềm ẩn các rủi ro đặc biệt là các rủi ro từ phía nhà nước đem lại. Do cấu trúc nặng nề và không linh hoạt nên sự ứng xử với rủi ro của Nhà nước thường không hiệu quả đặc biệt là tại những nước mới nổi. Nhà nước dựa vào quyền lực tuyệt đối thường nhận phần lợi về mình và đẩy phần thiệt về phía doanh nghiệp tư nhân trong quá trình hợp tác. Đây là lý lẽ của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Vì vậy nếu nhà nước không có chính sách tốt hoặc không quy định rõ ràng về chia sẻ hoặc xử lý rủi ro thì sẽ phá hủy quá trình hợp tác (Charoenpornpattana, và Minato,1999).
2.3.5. Kinh tế vĩ mô
Sự ổn định và phát triển của kinh tế vĩ mô không chỉ là chủ đề kinh doanh thông thường của doanh nghiệp mà còn được quan tâm nhiều hơn trong quá trình hợp tác theo hình thức PPP.
Nếu kinh tế vĩ mô tốt, chứng tỏ nhà nước có đủ nguồn lực để chi trả các dự án công cũng như là tăng thêm số lượng dự án công khi đó cơ hội mở ra cho doanh nghiệp tư nhân là rất lớn. Ngược lại nó sẽ thu hẹp lợi nhuận, gia tăng rủi ro và giảm cơ hội của doanh nghiệp tư nhân (Checherita, 2004)
2.3.6. Nhận thức về PPP
Ở những nước đang phát triển, thông thường thông tin chia sẻ sẽ bị hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư công. Vì lĩnh vực này thương là “đặc quyền” của một số nhóm lợi ích nhất định. Thông tin bị che dấu dẫn tới sự hiểu biết về quá trình hợp tác sẽ bị hạn chế và từ đó nhận thức về PPP sẽ bị lệch lạc.
Việc nhận thức đúng về PPP giữa các bên sẽ giúp thúc đẩy quá trình hợp tác và giúp cho doanh nghiệp tăng mức độ sẵn sàng tham gia (Grant, 1996)
2.3.7. Nguồn lực của doanh nghiệp
Nguồn lực của doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng trong việc lựa chọn của chính phủ đối với các dự án công cũng như là giúp cho doanh nghiệp tự tin tham gia vào dự án. Nguồn lực không đầy đủ sẽ mang tới rất nhiều rủi ro trong quá trình hợp tác và xác suất thất bại sẽ rất cao (Arndt và Maguire, 1999).
Những vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm trong việc xây dựng nguồn lực đó là tài chính, nhân lực, năng lực triển khai dự án, hay các mối quan hệ cần thiết.
2.3.8. Chế độ kế toán của doanh nghiệp
Ở một nước đặc thù như Việt Nam, chế độ kế toán của Nhà nước và doanh nghiệp là khác nhau. Trong quá trình hợp tác, nếu doanh nghiệp tư nhân không chủ động cập nhật các kiến thức về chế độ kế toán Nhà nước, kỹ năng, hay quy trình kế toán của Nhà nước có liên quan thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và gây ra nhiều phí tổn. Trong một số trường hợp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp mà các cơ quan công quyền có thể gây khó dễ và đòi hỏi thêm các chi phí ngầm để công việc có thể được thông qua.