- Rủi ro thanh khoản: Là rủi ro xảy ra khi cung về tiền ít hơn cầu về tiền, rủi ro thanh khoản liên quan đến khả năng chuyển các tài sản chính thành tiền
2.3.2. Những tồn tại trong việc quảnlý rủi ro tín dụng của TPBank
2.3.2.1. Chất lượng thông tin trong phân tích tín dụng còn kém
Vấn đề thông tin bất cập ảnh hưởng đến cả hai phía: khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng là phía phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn khi nguồn vốn vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thông tin phân tích tín dụng chủ yếu lấy từ CIC, từ báo cáo tài chính của khách hàng, các nguồn thông tin không chính thức và internet. Các nguồn thông tin trên không được đảm bảo chính xác và chưa có cơ sở tin cậy. Trên thực tế, các thông tin về khách hàng như năng lực quản trị, điều hành của chủ doanh nghiệp không được đánh giá đúng thực chất, thông tin về năng lực tài chính của doanh nghiệp chưa có cơ sở tin cậy, các thông tin hỗ trợ trong việc
thẩm định dự án, công nghệ máy móc thiết bị, tài sản đảm bảo cũng rất khó khăn để tìm kiếm. Chất lượng thông tin kém đã gây không ít khó khăn trong công tác thẩm định khách hàng và dự án của họ, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tín dụng thể hiện ở các mặt sau:
- Trong vấn đề kiểm toán báo cáo tài chính thì số liệu kiểm toán còn nhiều mâu thuẫn, độ tin cậy của báo cáo tài chính do khách hàng lập là không cao nên việc sử dụng báo cáo tài chính để chấm điểm xếp hạng khách hàng hỗ trợ trong việc ra quyết định tín dụng, giám sát khách hàng là không chính xác, dẫn đến những chọn lựa ngược gây ra rủi ro cho ngân hàng. Về phía ngân hàng Tiên Phong, nếu nhất thiết yêu cầu khách hàng phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính thì mới cho vay thì ngân hàng sẽ bị mất khách hàng.
- Trong quy định xếp loại khách hàng vay vốn của NHNN cũng như theo quy trình tín dụng của Ngân hàng Tiên Phong thì cán bộ tín dụng phải đánh giá được năng lực quản trị của giám đốc doanh nghiệp nhưng thực tế thông tin từ CIC chủ yếu là liệt kê bằng cấp của nhà quản trị mà chưa có sự phân tích đánh giá cụ thể. Với nguồn thông tin đầu vào như vậy, rõ ràng thông tin về năng lực quản trị của khách hàng là không đầy đủ và thiếu chất lượng, không đánh giá đúng thực chất năng lực quản trị điều hành của khách hàng, thực tế cho thấy năng lực này không chỉ thể hiện ở bằng cấp mà còn ở nhiều yếu tố khác.
- Ngoài ra, Ngân hàng Tiên Phong chưa chú trọng xây dựng cho mình một hệ thống thu thập thông tin nhất là trong môi trường thông tin vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay. Chính vì thế trong việc thẩm định, đánh giá dự án vay trên nhiều phương diện như thị trường, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, xã hội, cán bộ chưa thực hiện một cách đầy đủ, chỉ trình bày sơ lược về tính khả thi của dự án, thậm chí những thông tin được sử dụng khi đánh giá đã lạc hậu và sai lệch, không có giá trị trong công tác phòng ngừa và hạn chế rủi ro.
2.3.2.2. Việc thẩm định, đánh giá dự án/ phương án kinh doanh chưa đạt chất lượng.
Việc thẩm định dự án trong một môi trường thiếu thông tin như của Việt Nam là một thách thức lớn đối với các cán bộ thẩm định. Trên thị trường hiện nay, có rất ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Do đó, khi đánh giá thị trường đối với sản phẩm của dự án, cán bộ thẩm định chủ yếu phải dựa vào các nguồn thông tin không chính thức, thu thập qua báo chí, internet,…
Đánh giá năng lực tài chính của khách hàng: Công việc đánh giá được thực
hiện chủ yếu dựa vào việc phân tích số liệu trên các báo cáo tài chính do khách hàng cung cấp. Hiện nay do Việt Nam chưa có quy định về minh bạch thông tin nên có thể nói độ tin cậy của các báo cáo tài chính chưa thật sự cao, nhất là đối với các DNTN. Do vậy các cán bộ ngân hàng cũng rất khó thẩm định được số liệu tài chính do các doanh nghiệp cung cấp có “đúng đắn” và chính xác tuyệt đối hay không. NHTM dù biết kiểm toán báo cáo tài chính là tốt nhưng cũng không dám đề nghị khách hàng thực hiện vì sợ mất khách hàng. Từ những số liệu chưa thực sự tin cậy nên việc phân tích báo cáo tài chính sẽ không phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của khách hàng.
2.3.2.3. Quy trình chấm điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng chưa hiệu quả
Hệ thống đánh giá, xếp hạng nội bộ đang áp dụng hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc xếp hạng phân loại khách hàng và nhóm nợ, chưa đánh giá hết RRTD của khoản vay do hạn chế trong cơ sở dữ liệu đầu vào (tính tin cậy báo cáo tài chính thấp, các chỉ tiêu phi tài chính chưa cụ thể…) Do đó chưa xây dựng được mô hình thích hợp cho việc lượng hóa mức độ rủi ro của khách hàng như tổn thất ước tính của một khoản vay tương lai (về kỳ đáo hạn hiệu dụng, xác suất vỡ nợ…)
Các chỉ tiêu để đánh giá xếp hạng: Các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính có tỷ trọng điểm chưa phù hợp, cách cho điểm phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của cán bộ thực hiện chấm điểm.
Ngoài ra, vì áp lực phải hoàn thành kế hoạch, ngân hàng có thể sẽ can thiệp chủ đích nhằm thay đổi thứ hạng doanh nghiệp theo hướng có lợi cho ngân hàng.
2.3.2.4. Công tác kiểm soát rủi ro tín dụng
- Về chính sách tín dụng: chưa đạt tầm chiến lược, chưa theo nguyên tắc thị
trường, thậm chí còn bị cuốn theo các hội chứng, phong trào, khẩu hiệu phát triển kinh tế và theo chủ nghĩa thành tích.
- Quy trình tín dụng: không được quy định chi tiết và đầy đủ, cũng như mối
quan hệ giữa các bước chưa được nhận thức đúng đắn. Trên thực tế, việc phân định rõ giữa khâu thẩm định và cho vay của ngân hàng vẫn chưa thật sự tách biệt. Mặt khác, do sức ép cạnh tranh trong việc mở rộng thị phần tín dụng, trong quá trình vận dụng ngân hàng đã bỏ qua các bước của quy trình, hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá khách hàng, không chú ý đúng mức đến tình hình tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ, nguồn trả nợ của khách hàng vay nên nảy sinh nhiều sai phạm: về điều kiện vay vốn, về việc lập hồ sơ vay vốn, về việc kiểm tra, quản lý nợ vay, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ gốc và lãi).
Ngoài ra, quy trình nghiệp vụ tín dụng phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của cán bộ tín dụng: Trên thực tế, để thực hiện một món vay thì cán bộ tín dụng là người thực hiện tất cả các công đoạn từ tiếp nhận hồ sơ khách hàng, thẩm định phương án vay vốn sản xuất đến khi giải ngân, cán bộ tín dụng phải thu thập thông tin về khách hàng vay vốn, phân tích đánh giá khách hàng, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp các tài liệu khách hàng cung cấp, phân tích tính khả thi, khả năng trả nợ của phương án, phân tích về biện pháp bảo đảm tiền vay, về tính pháp lý giá trị và khả năng xử lý tài sản đảm bảo khi cần thiết. Như vậy, trách nhiệm của cán bộ tín dụng là quá lớn và họ sẽ không thực hiện cho vay mà không tránh được mọi khiếm khuyết, bởi vì một dự án, một hợp đồng vay vốn liên quan đến nhiều lĩnh vực nên cán bộ tín dụng
không phải lúc nào cũng có thể am hiểu hết được
- Công tác kiểm tra giám sát nội bộ: Việc kiểm tra, rà soát của bộ phận phân
tích của ngân hàng chỉ mang tính hỗ trợ phòng giao dịch, Chi nhánh đối phó công tác kiểm soát Hội sở nên mang tính chiếu lệ, chưa có biện pháp chế tài, kết quả kiểm tra thường không được quan tâm đúng tầm.
Hệ thống kiểm soát nội bộ tỏ ra không hiệu quả trong việc phát hiện kịp thời các sai phạm về nghiệp vụ tín dụng, về đạo đức nghề nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát ngân hàng như chưa đồng bộ. Ðội ngũ kiểm toán nội bộ ngân hàng còn thiếu về số lượng và chất lượng chuyên môn.
2.3.2.5. Hạn chế trong công tác xử lý nợ quá hạn, nợ xấu.
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động tín dụng, nhưng trên thực tế, vấn đề nợ quá hạn cũng là một vấn đề mà Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong cần phải quan tâm.
Tỷ trọng nợ quá hạn tăng qua các năm 2008 đến năm 2012. Có sự gia tăng mạnh trong năm 2012 với khoản nợ quá hạn lên tới 528 tỷ đồng. Và đến năm 2013 đã giảm xuống còn 473 tỷ đồng.
Về tỷ lệ nợ quá hạn của các năm đều trong quy định <5%, riêng năm 2012 tỷ lệ này tăng lên mức 8,6%, đồng nghĩa với việc các khoản nợ quá hạn khó có khả năn thu hồi, chất lượng tín dụng kém.
Hiện tại ngân hàng mới chỉ áp dụng phương pháp truyền thống như: dự phòng rủi ro tín dụng, khai thác xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng.
Một số trường hợp ngân hàng vẫn chưa xử lý quyết liệt trong việc khởi kiện, bán tài sản thu hồi nợ vì việc kiện tụng sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc.
2.3.2.6. Chưa thực sự phân tách giữa ba bộ phận front office, middle office và back office.
Hoạt động quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng Tiên Phong chưa tuân thủ triệt để nguyên tắc độc lập, khách quan, tách bạch giữa ba bộ phận:
+ Bộ phận kinh doanh (front office- đóng vai trò là người đề xuất các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng).
+ Bộ phận quản lý rủi ro (middle office- là bộ phận rà soát các đề xuất do bộ phận front office chuyển sang, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).
+ Bộ phận tác nghiệp (back office- bộ phận chịu trách nhiệm nhập dữ liệu vào hệ thống, quản lý toàn bộ hồ sơ và thực hiện chức năng báo cáo.
Với mô hình hiện nay, ngân hàng tồn tại hai bộ phận cùng thực hiện công việc phân tích, thẩm định khách hàng là bộ phận tín dụng và bộ phận tái thẩm định. Trường hợp hai bộ phận tín dụng và thẩm định cùng phân tích một khoản vay thường dẫn đến khó phân định trách nhiệm khi xảy ra rủi ro. Hầu như các khoản vay chỉ được phân tích duy nhất bởi cán bộ tín dụng tại chi nhánh, việc bộ phận tín dụng và là người đi tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng vừa phân tích khách hàng để trình duyệt thường kém tính khách quan và tiềm ẩn rủi ro lớn cho ngân hàng. Vì:
+ Cán bộ tín dụng tiếp xúc với khách hàng nên đôi khi có thể nảy sinh thông đồng giữa cán bộ tín dụng và khách hàng dẫn đến khai tăng nhu cầu vốn để vay hộ, vay ké hoặc khách hàng mua chuộc cán bộ tín dụng để được vay tiền ngân hàng.
+ Bộ phận tín dụng thường bị áp lực về phát triển , mở rộng khách hàng nên họ có thể phân tích khách hàng theo hướng tốt so với thực tế để được phê duyệt khoản vay, đảm bảo chỉ tiêu về dư nợ.
+ Cán bộ tín dụng phải đảm bảo tất cả các giai đoạn, khối lượng công việc khá lớn nên khó có thời gian thu thập thông tin đầy đủ, dẫn đến tình trạng phân tích sơ sài, không đánh giá đúng thực trạng của khách hàng.