1.2 Kinh nghiệm của một số nƣớc trong việc thu hút FDI
1.2.1. Kinh nghiệm của Thái Lan
Thái Lan thu hút vốn FDI được 11,35 tỷ USD năm 2007, 8,54 tỷ USD năm 2008 và 5,95 tỷ USD năm 2009 và những dự án FDI này đã tạo công ăn việc làm cho 30.303 người đến cuối năm 2009.
Sau đây là một số kinh nghiệm trong thu hút FDI của Thái Lan:
- Coi trọng công tác hoạch định và thực thi chính sách đảm bảo đầu tư:
Thái Lan là nước điển hình trong các nước ASEAN về việc đưa ra kế hoạch rất cụ thể cho từng thời kỳ, cho tổng thể nền kinh tế và mang tính công khai rõ rệt. Hiện nay, Thái Lan đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2006 – 2010) nhấn mạnh vào mục tiêu ổn đinh kinh tế - xã hội, thực thi chiến lược công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu, coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài và đề ra phương hướng phát triển nền kinh tế tri thức. Nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, mà FDI đổ vào Thái Lan ngày càng nhiều.
- Coi trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư:
Theo luật về xúc tiến đầu tư ban hành năm 1977, được sửa đổi bổ sung năm 1991 và 2005, Chính phủ Thái Lan đã đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quốc hữu hóa, đảm bảo cho họ quyền cạnh tranh bình đẳng như các doanh
nghiệp mới của Nhà nước. Để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ những ưu tiên trong luật xúc tiến đầu tư, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Trung tâm dịch vụ đầu tư và bộ phận xúc tiến đầu tư. Thực chất, đây là cơ quan xúc tiến đầu tư của Thái Lan tiến hành các hoạt động phổ biến thông tin, xây dựng hình ảnh, thúc đẩy đầu tư, giám sát các nhà đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ chính sách, vv.
Để thu hút FDI, Thái Lan đã kí Hiệp định bảo hộ đầu tư đối với 43 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam (năm 2001), nhằm khuyến khích tăng cường đầu tư nước ngoài trong và ngoài khối ASEAN, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nội khối.
- Có những ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư:
Để kích thích các đối tác đầu tư, Chính phủ Thái Lan đã xác định mức trung bình của thuế thu nhập doanh nghiệp là 30 %. Các tổ chức hiệp hội thanh toán từ 2- 10 % tổng thu nhập tuỳ thuộc vào loại hình kinh doanh. Các công ty vận tải quốc tế phải thanh toán 3 % tiền bán vé hoặc doanh thu vận tải. Riêng đối với thuế giá trị gia tăng được áp dụng ở mức 7 % theo các giai đoạn sản xuất - kinh doanh. Thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 3 % thay cho thuế giá trị gia tăng, được áp dụng cho các loại hình kinh doanh ngân hàng thương mại, công ty tài chính, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ và thị trường chứng khoán. Thuế chuyển lợi nhuận áp dụng với mức 10 % trên số lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài. Tiền chuyển ra nước ngoài để mua nguyên liệu, thiết bị và thanh toán nợ không phải chịu thuế.
- Phát triển cơ sở hạ tầng và giảm chi phí liên quan đến đầu tư:
Chính phủ Thái Lan rất coi trọng hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng, vv. Kết quả của việc coi trọng này là ngày nay Thái Lan có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại. Từ phía Tây sang phía Đông và từ phía Bắc xuống phía Nam đều có đường cao tốc xuyên quốc gia. Năm 2009, cả nước có 180.053 km đường bộ và tổng chiều dài đường sắt là 4.041 km Sân bay quốc tế Băng Kok của Thái Lan là sân bay lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, được trang bị thiết bị hiện đại và là đầu mối tới nhiều nơi trên thế giới.
Cùng với nó là mạng lưới sân bay nội địa cũng phát triển mạnh.
Thái Lan đã ưu tiên xây dựng hạ tầng tài chính với hệ thống ngân hàng, công ty bảo hiểm, tài chính, thị trường chứng khoán cùng với hạ tầng xã hội để đảm bảo giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Chính phủ Thái Lan đã xây dựng một hệ thông các bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu ở Băng Kok. Đầu tư của Chính phủ Thái Lan cho giáo dục là 4 % GDP năm 2009. Do đó, hệ thống giáo dục của Thái Lan tương đối phát triển, đặc biệt là hệ thống giáo dục đại học và sau đại học. Thái Lan có các trường đại học khá nổi tiếng như: Đại học tổng hợp Chulalongkorn, Học viện kỹ thuật AIT và nhiều trường được quốc tế công nhận dành cho con em người Thái và người nước ngoài đến làm việc tại Thái Lan học tập.