1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.2.2.2. CHÍNH SÁCH MỞ CỬA VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
Nhận thức được tầm quan trọng việc mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các cấp độ đơn phương, song phương và đa phương. Thực hiện chủ trương đó, Việt Nam đã quan hệ buôn bán với nhiều nước và tham gia tích cực vào nền kinh tế thế giới, ngày 28/7/1995 Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN; ngày 1/1/1996, Việt Nam tham gia vào Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); Tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM/1996); Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC/1998); Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA/2002), ngày 28/11/1999 tại Manila (Philippines) các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã thông qua tuyên bố chung về hợp tác Đông Á (ASEAN+3); Ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA)…Bên cạnh đó, Việt Nam đã nỗ lực hoàn
thiện thể chế, chính sách nhằm hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, kiên trì đàm phán trên cả 2 kênh song phương (mở cửa thị trường) và đa phương (thực hiện các hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới). Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức được kết nạp vào tổ chức thương mại thế giới. Đây là những bước đi quan trọng để khẳng định vị trí của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong 20 năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội to lớn. Hội nhập kinh tế tạo điều kiện cho nước ta khai thác tốt hơn lợi thế so sánh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hội nhập cũng góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói rằng đường lối mở cửa hội nhập của Đảng ta trong 20 năm qua là đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay.
Trong chính sách mở cửa nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các mối quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ hợp tác với các cường quốc kinh tế, các nước láng giềng và các nước có những nét tương đồng về kinh tế, chính trị xã hội. Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam, việc mở cửa buôn bán, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, một nước có nền kinh tế phát triển hơn hẳn so với Việt Nam cả về qui mô và trình độ, đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đặc biệt, trong chính sách phát triển kinh tế các vùng núi phía Bắc của Việt Nam thời kỳ 2001-2010, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh giao lưu kinh tế với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thông qua chính sách mở cửa nền kinh tế, những hàng hóa mà Việt Nam cần xuất khẩu như nguyên liệu, nhiên liệu, nông sản…là những thứ mà Trung Quốc cần nhập, những thứ mà Việt Nam cần nhập khẩu như trang thiết bị loại
trung bình, hàng tiêu dùng…thì Trung Quốc thừa khả năng cung cấp. Thực tiễn cho thấy, việc giao lưu kinh tế qua biên giới phía Bắc được khai thông và phát triển đã tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng khai thác được thế mạnh và tiềm năng của mình, bước đầu hình thành được cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, liên kết được với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, dần dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên có thế và lực để cạnh tranh trên thị trường. Nó không những thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc, mà còn có tác dụng tích cực đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế khu vực, Việt Nam đã có thêm điều kiện để mở rộng quan hệ kinh tế song phương và đa phương với Trung Quốc. Cụ thể, ngày 4/11/2002, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện, tiến tới hình thành khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Đây là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam (nông, thủy sản) sang thị trường Trung Quốc.
Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) với sự tham gia của 6 quốc gia, đó là Myanma, Lào, Thái Lan, Cămpuchia, Việt Nam và hai tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây. Hợp tác GMS được thể hiện trên nhiều phương diện: kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường…Tham gia vào GMS, Việt Nam đã phần nào cải thiện được vấn đề xóa đói giảm nghèo, đảm bảo môi trường ổn định, bền vững. Với hợp tác GMS, Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng buôn bán hàng hóa với Trung Quốc.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương cùng Trung Quốc xây dựng “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”. Với chủ trương này, Việt Nam có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển một số ngành nghề. Việc xây dựng “Hai hành lang và một vành đai kinh tế” cũng rất có ý nghĩa đối với việc phát triển quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, qua đó cơ sở hạ tầng cửa khẩu
và hệ thống giao thông trên tuyến hành lang và vành đai kinh tế được cải thiện, tạo sự thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa giữa hai nước, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước…đây cũng là điều kiện để đưa quan hệ thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới.
1.2.2.3. Chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Trung Quốc
Trung Quốc là đất nước có diện tích đất đai lớn nhất khu vực Đông Á và thứ 4 trên thế giới (trên 9 triệu m2), là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới (1,4 tỉ người). Trung Quốc được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, những di sản văn hóa phong phú, sâu sắc.
Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa từ cuối năm 1978 và đã thu được những thành tựu to lớn. Từ năm 1979 đến năm 2006, GDP bình quân hàng năm của nước này luôn đạt mức cao nhất thế giới (9,4%/năm). Năm 2006, GDP của Trung Quốc đạt 2.688 tỷ USD, tăng trưởng 10,7% so với năm trước, chiếm khoảng 6% GDP thế giới, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Đức và Nhật Bản [19, tr 364].
Trong chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại là lĩnh vực phát triển rất năng động và hiệu quả của Trung Quốc. Năm 1978, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chỉ đạt 20,6 tỷ USD [18, tr.66], năm 2001 đạt 510 tỷ USD, tăng 24,75 lần so với năm 1978, năm 2005 đạt 1.422 tỷ USD, tăng gấp 2,78 lần so với năm 2001 [30, tr.45], năm 2006 là 1.761 tỷ USD, tăng 23,76% so với năm 2005 và tăng gấp 3,45 lần so với năm 20011. Với chính sách mở cửa, Trung Quốc thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc quá sâu vào thị trường các nước phát triển và tránh hạn chế, rủi ro nhất định. Đặc biệt, Trung Quốc rất quan tâm đến thị trường các nước láng giềng, đặc biệt là thị trường các nước Đông Nam Á, với dân số 604,9 triệu dân, GDP đạt khoảng 735 tỷ USD với tổng
kim ngạch thương mại là 720 tỷ USD [18, tr.135], đây được coi là thị trường tiềm năng của Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam được Trung Quốc coi là một nước có vị trí quan trọng trong chiến lược mở rộng quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc nhận thấy Việt Nam có một thị trường đầy tiềm năng, với dung lượng hơn 80 triệu người, có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thương mại. Ngoài ra, tài nguyên khoáng sản, nguồn dầu mỏ…của Việt Nam cũng rất hấp dẫn đối với Trung Quốc. Bởi lẽ, nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc luôn khát nguyên liệu và năng lượng.
Trong chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc, để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền Tây và miền Đông, chính phủ Trung Quốc thi hành chính sách “Đại khai phá miền Tây” với hàng loạt chủ trương, chính sách, tập trung nguồn vốn, nhân lực xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển vùng biên giới Tây Nam Trung Quốc. Với chiến lược này đã mang lại những cơ hội hợp tác thương mại với Việt Nam về đường sắt, cảng biển, điện lực, khoáng sản cho Trung Quốc. Phía Việt Nam đã xuất khẩu được một số mặt hàng nông sản phẩm, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng sang Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 tỉnh miền Tây Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây) với Việt Nam ngày càng tăng, năm 1996 đạt 166,21 triệu USD, năm 2000 đạt 378,03 triệu USD; năm 2001 đạt 447,26 triệu USD, tăng 18,24%; năm 2002 đạt 716,07 triệu USD, tăng 89,40%; năm 2003 đạt 945,55 triệu USD, tăng 150%; năm 2004 đạt 1117,99 triệu USD, tăng 195,74%2 so với năm trước đó.
Gần đây nhất, ngày 20/7/2006, Trung Quốc đã đưa ra Chiến lược một trục hai cánh với 3 nội dung chính sau: Một là, hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng với Quảng Tây; Hai là, hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông với Vân Nam; Ba là, thực hiện trục hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore dài 3.900 km qua nhiều nước Đông Nam Á [19, tr. 102]. Với chiến lược này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tăng cường hợp tác trao đổi hàng hóa qua các cảng
biển với các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), khai thác tài nguyên trên biển, phát triển những ngành công nghiệp nặng, hóa dầu, vì đây là khu vực có tiềm năng dầu khí, khí đốt tương đối nhiều. Trung Quốc muốn xây dựng những nhà máy lọc dầu lớn, khai thác dầu khí tại đây hoặc có thể mua của Việt Nam rồi phục vụ thị trường miền Tây Trung Quốc và thị trường Việt Nam. Nó hình thành rõ nét hơn mô hình hợp tác Việt Nam cung cấp nguyên liệu khoáng sản cho Trung Quốc, và Trung Quốc xuất sang Việt Nam những mặt hàng qua chế biến.
Tóm lại, những cơ sở lý luận và thực tiễn trên cho chúng ta thấy quan hệ thương mại giữa hai nước từ khi bình thường hóa đến nay, không phải một sớm một chiều mà có được những thành công. Quan hệ đó được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học. Nó thể hiện rõ những luận điểm của Chính phủ hai nước cùng với sự tiếp thu lý luận của các trường phái kinh tế trong việc lý giải vấn đề thương mại quốc tế. Đây là nhân tố quan trọng giúp cho hai nước xây dựng và phát triển quan hệ thương mại với nhau.
Quan hệ thương mại giữa hai nước diễn ra trong một hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, song cũng đầy thử thách khắc nghiệt khi mà cả Việt Nam và Trung Quốc đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, hòa nhập vào nền kinh tế thế giới. Quan hệ này còn ra đời như một tất yếu, nó không những đáp ứng được quá trình mở cửa nền kinh tế của mỗi nước, còn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi nước.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC