GIAI ĐOẠN TỪ 1991-1995: THỜI KỲ KHỞI ĐỘNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ thương mại việt nam trung quốc (Trang 36 - 39)

2.1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN QUAN HỆ THƯƠNG MẠI HÀNG

2.1.1. GIAI ĐOẠN TỪ 1991-1995: THỜI KỲ KHỞI ĐỘNG

Năm 1990, quan hệ chính trị giữa hai nước đã có sự thay đổi. Đặc biệt, sau khi đoàn đại biểu hai nước Việt Nam và Trung Quốc có cuộc gặp mặt tại Thành Đô Tứ Xuyên Trung Quốc, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” hai bên đã nhất trí khôi phục lại quan hệ bình thường giữa hai nước.

Ngày 5/11/1991, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã dẫn đoàn đại biểu sang thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung, chính thức đánh dấu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Kể từ đó, hàng năm lãnh đạo cấp cao hai nước đều có những cuộc thăm lẫn nhau. Trong những cuộc thăm hỏi như vậy, nhiều văn bản, hiệp định liên quan đến thương mại được ký kết giữa hai nước. Hiệp định thương mại giữa hai nước và Hiệp định tạm thời giải quyết công việc vùng biên giới được ký kết ngày 5/11/1991 tại Bắc Kinh; Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật được hai nước ký kết vào tháng 12/1992 tại Hà Nội; Hiệp định về thanh toán và hợp tác giữa ngân hàng nhà nước Việt Nam và ngân hàng nhân dân Trung Hoa ký kết ngày 26/5/1993 tại Bắc Kinh; Hiệp định về thành lập Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc ký kết ngày 19/11/1994; Hiệp định về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; Hiệp định về vận tải đường bộ... Các hiệp định này cùng có mục đích chung là đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng

chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Những hiệp định ký sau thường bổ sung và hoàn thiện hơn cho các hiệp định ký trước đó.

Ngoài ra, trong hoạt động thương mại hai bên cam kết dành cho nhau ưu đãi tối huệ quốc đối với việc đánh thuế hải quan hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu, giải quyết các thủ tục quy chế về quản lý hải quan...Những nỗ lực trên của Chính phủ hai nước đã tạo cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) hai nước có điều kiện thuận lợi trao đổi hàng hóa với nhau.

Trong giai đoạn này, quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước đã có những bước khởi sắc. Về phía Trung Quốc, do tiến hành cải cách, mở cửa nền kinh tế từ năm 1978, nên Trung Quốc đã có được những thành tựu to lớn về kinh tế và đang chuyển mạnh sang mô hình kinh tế thị trường. Vì vậy, khi tiến hành giao thương với Việt Nam (1991), Trung Quốc đã có ưu thế rõ rệt trong việc sản xuất hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Việt Nam vừa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, lạm phát phi mã. Nền kinh tế đang phục hồi, nhu cầu về vốn, kỹ thuật và đặc biệt thiếu hàng tiêu dùng trầm trọng. Hơn nữa, Việt Nam còn phải đối mặt với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, nên việc mở rộng quan hệ thương mại hàng hóa với Trung Quốc là bước đi phù hợp trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Mở rộng quan hệ thương mại hàng hóa với Trung Quốc, trước hết, Việt Nam đã đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu được một số máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất trong nước, cải thiện đáng kể đời sống của cư dân sinh sống tại biên giới. Đồng thời, thông qua việc mở rộng buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam đã xuất khẩu được một số mặt hàng chưa có đầu ra, do thị trường truyền thống (Liên Xô và Đông Âu cũ) sụp đổ. Tuy nhiên, giai đoạn này, trao đổi hàng hoá giữa hai nước mới chỉ đáp ứng nhu cầu cần thiết của cư dân vùng biên, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu là hàng tiêu dùng, số lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước không lớn, chất lượng hàng hóa không cao, số doanh nghiệp tham gia trao đổi hàng hóa giữa hai nước không nhiều, chủ yếu là cư dân sống ở khu vực biên giới và một số doanh nghiệp XNK trực

thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc. Trao đổi hàng hóa giữa hai nước chủ yếu theo buôn bán tiểu ngạch, chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước [15]. Đặc biệt, thời kỳ này, nhiều sản phẩm quý hiếm của Việt Nam đã theo đường buôn lậu sang Trung Quốc, gây thiệt hại cho phía Việt Nam. Ngược lại, cũng nhiều hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp, phẩm chất kém đã đưa vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch và theo đường buôn lậu, đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho các nhà sản xuất trong nước.

Cũng trong giai đoạn này, ngày 7/7/1995 Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Ngày 28/7/1995 Việt Nam chính thức trở thành hội viên của ASEAN, từng bước tham gia khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng khả năng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu, giúp cho nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển hướng mạnh sang nền kinh tế thị trường, xây dựng hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ (Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật bảo hiểm...) tạo hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường phát triển [35, tr.103]. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam với vị trí liền kề, nằm ở trung điểm nối thị trường Trung Quốc với các nước ASEAN, Việt Nam được coi là cánh cửa để Trung Quốc thâm nhập vào thị trường ASEAN, là thị trường của các nước đang phát triển, nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Hơn nữa, đây là thị trường của các nước có ưu thế sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Đó là những mặt hàng mà Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu để phục vụ cho tiêu dùng trong nước, đặc biệt là cho các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Đồng thời, thông qua cầu nối giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, Việt Nam và Trung Quốc còn phát triển thêm nhiều loại hình kinh doanh khác như: tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh…Hoạt động theo những phương thức này có hiệu quả đối với cả các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1993 Bộ Thương mại Việt Nam đã ban hành quy chế 1064 TM/PC ngày 18/8/1994 về kinh

doanh theo hình thức chuyển khẩu và quy chế tạm nhập để tái xuất, quyết định số 80/TM/XNK ngày 25/6/1994 về hàng hóa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Hai quy chế này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động theo các phương thức này đi vào nề nếp. Tổng kim ngạch tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu năm 1995 đạt 500 triệu USD, trong đó 6 tỉnh biên giới đạt 200 triệu USD3. Vì vậy, việc phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã được Chính phủ hai nước quan tâm sâu sắc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi nước. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác song phương, Chính phủ hai nước cũng chú trọng đến hợp tác đa phương. Ngày 11/7/1995 Trung Quốc được ghi nhận là quan sát viên của WTO và từ đầu năm 1995 Chính phủ Việt Nam cũng đã nộp đơn gia nhập WTO. Những sự kiện trên đã mở ra một không gian rộng lớn cho việc phát triển quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ thương mại việt nam trung quốc (Trang 36 - 39)