Diện tích đất tự nhiên toàn Tỉnh là 154.351 ha trong đó: Đất nông nghiệp là 103.955 ha, đất lâm nghiệp có rừng là 2.500 ha, đất chuyên dùng là 25.978 ha, đất thổ cư là 12.445 ha và đất chưa sử dụng, sông ngòi là 9.431 ha. Với đặc điểm này cho phép Thái Bình có thể chọn nông nghiệp là một hướng quan trọng ưu tiên để phát triển.
Địa hình Thái Bình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu màu mỡ, nổi tiếng được xem là “bờ xôi, ruộng mật” của vùng đồng bằng bắc bộ do được bồi tụ bởi phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu đồng bộ. Đó là điều kiện thuận lợi để Thái Bình phát triển nông nghiệp hàng hóa với nhiều loại cây trồng và vật nuôi đa dạng, phong phú như cây lương thực (lúa), cây thực phẩm xuât khẩu (khoai tây, dưa chuột, hành, tỏi, lạc, đậu tương, ớt…) và cây ăn quả nhiệt đới (cam, táo, ổi bo, nhãn, chuối…) và trồng hoa cây cảnh… Thái Bình cũng là tỉnh có diện tích ven đê, ven sông và hệ thống kênh mương ao hồ rộng khắp, đây là điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi.
Thái Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 – 240C. Số giờ nắng trong năm từ 1.600 – 1.800 giờ, lượng mưa trung bình từ 1.500 – 1.900mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình nhiều năm từ 85 – 90%. Nhìn chung khí hậu thủy văn Thái Bình nhờ có thiên nhiên ưu đãi nên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng với nhiều cây trồng vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới và ổn định. Điều này cho phép Thái Bình đẩy mạnh sản xuất vụ đông, sản xuất ra nhiều hàng hóa nông sản, tăng tỷ lệ thời gian được sử dụng ở nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả nguồn đất đang sử dụng.
Tiềm năng và nguồn lợi thủy sản Thái Bình được xem là một thế mạnh của Tỉnh với ba thủy vực khác nhau: nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Trong đó diện tích đất mặn chiếm 17 km2 chủ yếu dành cho khai thác thủy hải sản. Vùng nước lợ chủ yếu ở các khu vực cửa sông Hồng, sông Thái Bình và sông Trà Lý có các nguồn phù du sinh vật, các loại tảo thực vật, thủy sinh phong phú làm thức ăn tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản như cua, sò, hến, trồng rau câu…Vùng nước ngọt có diện tích 9.256 ha, hiện nay mới đưa vào nuôi khoảng 6.020 ha. Ngoài ra còn có trên 3.000 ha vùng cấy lúa một vụ năng suất thấp có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Nguồn nước ngọt của Thái Bình phong phú và chủ yếu là nguồn nước mặn của các con sông lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhất là sản xuất công nghiệp chế biến. Sông Trà Lý vừa là nguồn cung cấp nước và lượng phù sa lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa là giao thông đường thủy rất quan trọng, cho phép Thái Bình phát triển vận tải cả đường sông, đường biển, nối liền thị trường Thái Bình với thị trường Trung Quốc, Quảng Ninh và nội địa.
Đường bộ nội tỉnh khá phát triển, Thái Bình hiện có mười tuyến đường chính, các đường đều có thể nối tiếp với quốc lộ, khai thông và dễ dàng đi các huyện trong tỉnh. Cho đến nay các sông ngăn cách với các tỉnh bạn và các huyện trong Tỉnh đều được nối liền bởi cây cầu bê tông cốt sắt chịu lực như cầu Triều Dương, cầu Tân Đệ, cầu Nghìn… Có thể nói hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi như vậy giúp cho Thái Bình không còn là ốc đảo nữa mà là địa bàn trung chuyển, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách giao lưu kinh tế giữa các tỉnh phía Nam và phía Bắc.
Tuy nhiên nhược điểm của giao thông Thái Bình là không có đường sắt, cảng biển chỉ đón được tàu có trọng tải nhỏ (< 100 tấn) nên khó vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn chạy ra ngoài tỉnh nhất là hàng xuất khẩu. Hiện tại cảng Diêm Điền được đầu tư xây dựng và đã đi vào hoạt động, cùng với cầu, cảng Trà Lý sẽ mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển kinh tế biển và giao lưu hàng hóa giữa Thái Bình và các tỉnh bạn, hy vọng trong tương lai không xa Thái Bình sẽ khắc phục
nhược điểm này.
Với điều kiện tự nhiên và hệ thống giao thông đương thủy, đường bộ như trên, Thái Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện, vững chắc, bao gồm cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn qủa, đặc biệt là trồng lúa và cây rau màu vụ đông.
Thái Bình là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp ít (ít nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng) nên giá trị ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong sáu năm (2007 - 2012) Thái Bình đã triển khai có kết quả chương trình trồng rừng . Diện tích rừng ngập mặn sáu năm đã tăng được 4.700 ha đưa tổng diện tích rừng phòng hộ của Tỉnh đạt 7.000 ha. Phong trào trồng cây nội đồng đã tăng diện tích trồng cây ăn quả, cây xanh nội đồng, cây xanh đô thị. Toàn tỉnh đã trồng được khoảng 9,5 triệu cây phân tán các loại, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 23%. Tài nguyên rừng của Thái Bình có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về cảnh quan, du lịch, cân bằng môi trường sinh thái. Rừng phòng hộ Thái Bình đã phát huy cao chức năng chắn sóng, chắn bão bảo vệ hệ thống đê biển, đê sông, bảo vệ an toàn cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cũng như cuộc sống của cộng đồng dân cư, vừa góp phần cho phát triển bền vững về môi trường. Bên cạnh đó tạo ra sản phẩm hoa, quả, gỗ…và các lâm sản khác.
Tài nguyên khoáng sản ở Thái Bình rất phong phú với trữ lượng tương đối lớn, có một số loại tài nguyên chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp như khí đốt, sét chịu lửa, cao lanh, nước khoáng… Ngoài ra Tỉnh còn có tiềm năng về than đá, than bùn, than nâu, đất sét, bô xít, thủy ngân và nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển công nghiệp xây dựng như gốm sứ, thủy tinh, xi măng trắng, gạch ốp lát. Ở nhiều lòng sông trong Tỉnh còn có khối lượng cát lớn đáng được khai thác cho nhu cầu xây dựng và san lấp.
Như vậy, tài nguyên khoáng sản của Tỉnh có nhiều thể mạnh để phát triển công nghiệp xây dựng, cung cấp những vật liệu phục vụ cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm bê tông hóa kênh mương) cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
KT - XH. Với những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, lợi thế vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như truyền thống tốt đẹp của người dân Thái Bình là những nhân tố rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở Thái Bình hiện nay.