Những mục tiêu chủ yếu trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái bình dương giai đoạn 2000 - 2004 (Trang 43 - 48)

đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Các mục tiêu kinh tế – thương mại

Thời kỳ sau chiến tranh lạnh, Mỹ đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương với các nước trong khu vực, cũng như các quan hệ thương mại đa phương với các tổ chức kinh tế quốc tế nhằm bảo đảm sự tiếp cận thị trường các nước cho giới kinh doanh và đầu tư của Mỹ. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển nhanh chóng và những dự đoán về tương lai của khu vực này trong thế kỷ XXI đã có những tác động quan trọng đối với Mỹ. Mặc dù sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ 1997, có nhiều ý kiến nhận xét về khả năng tăng trưởng của khu vực này, song quan hệ giữa Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đóng vai trò quan trọng. Về cơ bản, chính sách của Mỹ đối với khu vực này đều nhằm tới mục tiêu và định hướng sau:

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng qua mở rộng thương mại và đầu tư là mục tiêu hàng đầu trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tự do hóa mậu dịch được xem như là tư tưởng mấu chốt trong chính sách thương mại của Mỹ nhằm duy trì và mở rộng thị trường. Cũng như ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Mỹ là nhằm mở rộng các nhóm nước có nền kinh tế thị trường đã cam kết thực hiện các

điều luật thương mại thế giới. Xét trên mọi khía cạnh thì Mỹ đã dựa trên quan điểm của trường phái A. Smith và nhấn mạnh vấn đề mấu chốt cho sự tăng trưởng kinh tế là hiệu quả phân bổ hợp lý, mục tiêu đưa ra đạt được tốt nhất là từ thị trường hơn là từ nhà nước. Do vậy, trên nguyên tắc, Mỹ muốn tìm kiếm những nền kinh tế trong khu vực được đánh dấu bởi sự tự do thương mại, chuyển đổi tiền tệ và đồng vốn không bị kìm hãm. Hơn nữa, Mỹ lại theo đuổi sự mở rộng hơn trong nền kinh tế thế giới với mục tiêu rất đơn giản, ban đầu được củng cố bằng sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, sự trung thành của Mỹ với thị trường tự do được nuôi dưỡng chủ yếu bởi sự phát triển gần đây trong đó có sức mạnh kinh tế phi thường của nền kinh tế Mỹ vào cuối thập niên 1990, sự trì trệ liên tục của nền kinh tế Nhật Bản, các bài học xương máu của chủ nghĩa tư bản trong cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á. Trong khi xác định đúng mức vai trò của các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương, Mỹ thực sự đã coi khu vực này là đối tượng thực thi các cuộc đàm phán mậu dịch có tính chất khu vực, phối hợp cùng giảm bớt tới mức tối thiểu các trở ngại thị trường, xây dựng một chính sách thuế ưu đãi đối với đầu tư và thương mại, xóa bỏa cá hạn chế đối với dịch vụ vận tải và thông tin, thiết lập một vành đai kinh tế châu Á - Thái Bình Dương để tự do đầu tư và tiến tới nhất thể hóa các nền kinh tế khu vực. Trong cách nhìn nhận của mình, chính quyền Mỹ đánh giá cao vị trí của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phục hưng kinh tế nước Mỹ. Chính quyền Mỹ cho rằng châu Á ngày nay càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì thị trường và tài nguyên của châu Á là một trong những nhân tố quan trọng làm cho nước Mỹ trở nên giầu có.

Điểm nổi bật trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời kỳ sau thập kỷ 1990 là mục tiêu nâng tầm quan trọng của kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đẩy mạnh xuất khẩu

và đầu tư của Mỹ sang khu vực này, từ đó cắt giảm thâm hụt thương mại nhờ các biện pháp can thiệp mở cửa thị trường, áp dụng luật chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ trong các quan hệ kinh tế – thương mại song phương với các bạn hàng châu Á - Thái Bình Dương, nhất là đối với các đối thủ kinh tế như là Nhật Bản, Trung Quốc.

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong APEC kể từ khi thành lập là tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư trong toàn khu vực, bằng cách khuyến khích tự do hóa ở những khu vực chưa hoàn thiện. Với sáng kiến hợp tác kinh tế nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ, Mỹ đã thúc ép các nền kinh tế thành viên trong APEC xây dựng một môi trường đầu tư công khai tự do mà trước hết là nhằm thuận lợi hóa đầu tư của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua cơ chế đa phương chứ không phải song phương. Mỹ đã khuyến khích một bầu không khí hợp tác cùng chung mục tiêu giữa các nền kinh tế thành viên APEC, những thành viên này sẽ phát triển một cộng đồng đứng ở hàng đầu về tăng trưởng kinh tế mà Mỹ có lợi ích lớn nhất.

Bên cạnh đó, thúc đẩy xuất khẩu là nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách kinh tế của Mỹ và cần được thực hiện bằng những biện pháp phù hợp với quan điểm của Mỹ về buôn bán tự do và công bằng. Điều quan trọng là không chỉ có Mỹ mà cả các bạn hàng của Mỹ cũng phải tuân thủ triệt để nguyên tắc có đi có lại. Đây là nguyên tắc cơ bản của GATT trước đây và của WTO hiện nay, nhằm giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong buôn bán ở mức độ ngang nhau trong quá trình đàm phán thương mại. Mỹ cho rằng việc tăng cường khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài là điều kiện quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp tục đổi mới, tăng hiệu suất và điều này cuối cùng cũng sẽ lại nâng cao mức sống của người dân Mỹ. Nhưng để có thể cạnh tranh thành công ở nước ngoài, các

công ty Mỹ cần thâm nhập được vào các thị trường mở. Do vậy, Mỹ phải thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ, thông qua các hiệp định song phương và đa phương. Hơn nữa, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ luôn là vấn đề trọng đại nhất từ hơn một thập kỷ qua. Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ nhận đinh rằng kết quả hoạt động của giới kinh doanh Mỹ bao giờ cũng tùy thuộc vòa tính năng động của họ trên thị trường thế giới. Khả năng cạnh tranh trên phạm vi quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp tục tăng năng suất lao động và đổi mới sản xuất. Nhưng để có thể cạnh tranh trên thị trường nước ngoài, các công ty Mỹ phải thâm nhập được thị trường nước ngoài. Do vậy, với quan điểm coi trọng thị trường châu Á, Mỹ đã đặt mục tiêu tiếp cận nhiều hơn đối với thị trường khu vực này. Trên cơ sở đó giúp việc tăng cường khả năng xuất khẩu của Mỹ, góp phân giải quyết các vấn đề phức tạp của nền kinh tế Mỹ.

Thứ hai, thúc đẩy quá trình cải cách cơ cấu ở các nước trong khu vực không để cho các nước trong khu vực tạo nên những cản trở về pháp lý đối với kinh doanh và đầu tư. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ khuyến khích các nước trong khu vực phát triển kinh tế ổn định, thực hiện các cải cách thị trường và dân chủ hóa đời sống xã hội là vì lợi ích của chính nước Mỹ. Trong thế giới liên kết và phụ thuộc chặt chẽ hơn theo quá trình toàn cầu hóa, Mỹ nhận thấy không thể thành công đơn phương nếu Mỹ chỉ quan tâm mở rộng lợi ích kinh tế của mình và thiếu sự tham gia tích cực trong việc ổn định và thúc đẩy kinh tế khu vực cùng phát triển. Vì lợi ích của chính mình, Mỹ khuyến khích các nước trong khu vực phát triển kinh tế ổn định, thực hiện những cải cách kinh tế thị trường và dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội. Tư tưởng này bao hàm cả nội dung mở cửa thị trường nước ngoài bằng mọi cách, kết hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực theo hướng tự do hóa thương mại và đầu

tư với tăng cường an ninh trên cơ sở toàn khu vực. Trong điều kiện Mỹ thực hiện những ưu tiên chiến lược phục hồi và phát triển sức mạnh kinh tế làm động lực làm chỗ dựa cho hoạt động quốc tế, thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác đáng kể, lực lượng lao động có tay nghề cao, nền kinh tế thị trường năng động… đang mở ra cơ hội thuận lợi để Mỹ tăng cường hợp tác và đạt được mục tiêu đã đề ra.

Các mục tiêu về an ninh và chính trị

Sau khi Tổng thống G. Bush lên cầm quyền, vừa tiếp tục kế thừa và thực hiện những mục tiêu cơ bản trong chính sách của chính quyền tiềm nhiệm, vừa xây dựng những mục tiêu và định hướng mới cho phù hợp với bối cảnh của thế giới và khu vực.

Thứ nhất, mục tiêu chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tiếp tục duy trì sự cân bằng lực lượng có lợi cho Mỹ, duy trì vai trò chi phối theo nghĩa không có cường quốc nào có thể thể nổi lên không chế hoặc định ra luật chơi ở khu vực này. Mỹ cho rằng sự tan rã của Liên Xô, trước mắt chưa có một cường quốc nào có đủ khả năng tiềm tàng để đóng vai trò đó, nhưng nếu Mỹ rút khỏi hoặc giảm mạnh sự có mặt tại khu vực, có nhiều khả năng Nhật Bản hoặc Trung Quốc, hoặc cả hai sẽ tìm cách lấp “khoảng trống quyền lực”. Do vậy, Mỹ cần phải tiếp tục thực hiện mục tiêu này.

Thứ hai, nâng mức độ ưu tiên trong chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xây dựng mối quan hệ toàn diện bên vững với Nhật Bản nói riêng và với khu vực nói chung. Chính quyền Mỹ luôn nhận mạnh rằng trong thế kỷ XXI, “nước Mỹ cần phải hướng tới châu Á. Tương lai của Mỹ là Thái Bình Dương và ngày nay không có khu vực nào trên thế giới quan trọng đối với Mỹ hơn là châu Á - Thái Bình Dương” [32,

tr 133]. Trong buổi điều trần trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ về quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Ngoại trưởng Colin Powell đã phát biểu: “ Giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nền tảng cơ bản của mối quan hệ giữa Mỹ với châu Âu, một nền tảng tương tự cũng sẽ tồn tại với phía Tây. Đó là các mối quan hệ vững chắc của Mỹ với các đồng minh và bạn bè ở châu Á - Thái Bình Dương” [32, tr93]. Cùng với sự thay đổi cán cân sức mạnh giữa châu Á và châu Âu là việc chuyển dần trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á. Đối với Trung Quốc, Mỹ có lợi ích sống còn trong việc hội nhập Trung Quốc vào cơ cấu an ninh của khu vực.

Thứ ba, xây dựng một trật tự mới ổn định, bao gồm xây dựng thể chế và “luật chơi” và xác định lại vai trò các nước lớn nhằm duy trì ảnh hưởng và vị trí của Mỹ ở khu vực trong tình hình mới. Khác với châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực rất đa dạng và chưa có các thể chế rõ ràng để quản lý và giải quyết các vấn đề an ninh, kinh tế. Sau chiến tranh lạnh, mặc dù cơ hội cho hòa bình lâu dài ở khu vực đã xuất hiện, nhưng vẫn tồn tại các điểm nóng tiềm tàng có thể dẫn đến xung đột. Vì thế không chỉ Mỹ mà các nước trong khu vực đều có lợi ích xây dựng thể chế, luật lệ chung cho khu vực. Mặt khác khi chính quyền Bush lên cầm quyền đã coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trong báo cáo “Châu Á 2025”, chính phủ Mỹ cho rằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiếu một cơ chế an ninh tập thể giống như châu Âu. Để thực hiện điều này, việc dính lứu hơn nữa vào công việc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong khi cục diện an ninh châu Á - Thái Bình Dương còn chưa định hình, Mỹ cần tranh thủ chớp thời cơ chiếm địa vị chủ đạo ở khu vực này, và Mỹ coi đây là việc lớn hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ XXI.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái bình dương giai đoạn 2000 - 2004 (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)