Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên chính thức của APEC, do vậy, sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn
2000-2004 đã có tác động nhất định đối với nền kinh tế cũng như tác động đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Mặc dù, Việt Nam chưa phải là đối tượng hàng đầu trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, song Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu mở rộng thị trường sang châu Á của Mỹ. Với một nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập vào các nước khu vực Đông Nam Á là không trái với tính toán chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên có thể nhận thấy một số tác động chủ yếu sau:
Một là, chính sách thương mại của Mỹ với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khuôn khổ APEC, đẩy mạnh hợp tác kinh tế của các nền kinh tế hai bên bờ Thái Bình Dương, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đem lại cuộc sống thịnh vượng cho nhân dân trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong chương trình hành động chung (CAP) và đặc biệt là trong chương trình hành động riêng rẽ (IAP), Mỹ cùng với các quốc gia thành viên APEC đã cam kết thực hiện tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giải quyết tranh chấp, thực thi vòng đàm phán Uruguay… Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC, Việt Nam đã tận dụng được các chương trình hợp tác kinh tế – kỹ thuật. Chương trình này bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác với trên 250 dự án đang triển khai, tập trung vào một số vấn đề liên quan tới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp nhận thông tin, phát triển thị trường. Những chương trình này đã tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực, tiếp cận với công nghệ mới trong các lĩnh vực sản xuất, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế.
Hai là, Hiệp định Thương mại giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết và thực thi là kết quả rõ ràng nhất của sự điều chỉnh chính sách hợp tác kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu quan hệ bình thường hóa giữa hai nước và có tác động nhất định tới nền kinh tế Việt Nam. Việc thực hiện những cam kết trong Hiệp định Thương mại sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam. Nhờ những cơ hội mới do Hiệp định Thương mại đem lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2002 tăng 108% so với năm 2001, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường thế giới chỉ tăng 10% trong cùng thời gian. Đặc biệt, năm 2003, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 1.32 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2002. Thực tế, khoảng 90% tăng trưởng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2002 và 2003 là nhờ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo trước đây bị hạn chế nhiều bởi thuế quan cao của Mỹ, nay đã tăng trưởng vượt bậc với tỷ lệ trên 500%. Có thể khẳng rằng với việc thực hiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, trong đó phần cam kết về thương dịch vụ là một đáng kể, đã tạo điều kiện để các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ tăng cường hoạt động của mình trên thị trường Việt Nam. Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ đồng thời cũng đem lại cơ hội phát triển đáng kể cho các ngành dịch vụ Việt Nam thông qua quá trình cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động và các cơ hội hạ thấp chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm dịch vụ nhờ các mối liên hệ đầu vào, đầu ra giữa các ngành dịch vụ liên quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA) là một biểu hiện rõ ràng của xu hướng hội nhập của Việt Nam vào hệ thống kinh tế thế giới và cũng là một điển hình thành công của Việt Nam và Mỹ trong việc sử dụng hoạt động ngoại giao kinh tế để thúc đẩy lợi ích của cả hai bên. Hiệp định nói riêng và
chính sách tích cực của Mỹ nói chung sẽ góp phần làm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Ba là, đối với tiến trình hội nhập WTO của Việt Nam, việc Mỹ thiết lập mối quan hệ thương mại với Việt Nam trên nền tảng giống như Mỹ đã có với các nước khác dựa trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn của WTO, đã tạo điều kiện cho Việt Nam chủ động tiếp cận với các luật lệ, tập quán thương mại quốc tế. Mặt khác, thông qua tiến trình ký kết và thực thi Hiệp định thương mại với Mỹ sẽ là cơ sở để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước thành viên WTO khác. Thực tế cho thấy, Hiệp định có các yếu tố tương tự như các yếu tố đã có trong các văn kiện của GATT/WTO, NAFTA và nhiều Hiệp định đầu tư song phương hay các hiệp ước về hữu nghị, thương mại và hàng hải mà Mỹ đã ký trong hơn 60 năm qua. Trên cơ sở Hiệp định Thương mại song phương, Việt Nam và Mỹ đã đạt được những nhất trí quan trọng về nội dung tương tự như nội dung hai nước sẽ phải đàm phán song phương khi Việt Nam gia nhập WTO. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ đạt được sự nhất trí nhanh chóng hơn khi Việt Nam phải tiến hành các cuộc đàm phán để gia nhập WTO. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ không chỉ giúp Việt Nam giành được sự ủng hộ từ Mỹ mà còn cả các nước đồng minh của Mỹ.
Do ký kết được Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ trước, nên chưa cần trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã có thể được hưởng MFN. Điều đó sẽ giúp Việt Nam khắc phục được tình trạng bị phân biệt đối xử, tạo dựng và dần dần nâng cao thế và lực của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định khai thông hơn nữa dòng chảy đầu tư cả về tài chính và công nghệ, góp phần tiếp thu nhanh chóng các thành quả của thế giới đồng thời củng cố được niềm tin cho các nhà đầu tư khi Việt Nam vận dụng cơ chế, chuẩn mực quốc tế vào
việc điều hành quản lý các hoạt động kinh tế trong nước. Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ đánh dấu nấc thang cuối cùng trên con đường bình thường hoá quan hệ hai nước, rúti ngắn khoảng cách của tiến trình đàm phán gia nhập WTO đối với Việt Nam. Hiện tại, thương mại giữa các thành viên của WTO chiếm 90% khối lượng thương mại thế giới. Trong tương lai, khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO sẽ đẩy mạnh được quan hệ thương mại của Việt Nam với các thành viên trong WTO, nâng cao vai trò của Việt Nam trong các hoạt động chính trị, kinh tế toàn cầu.