Tích cực thâm nhập thị trường và phát triển các mối quan hệ thương mại với các nước Đông Bắc Á

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái bình dương giai đoạn 2000 - 2004 (Trang 56 - 77)

Nhật Bản, Trung Quốc là những nước lớn thuộc khu vực Đông Bắc Á, giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị, an ninh cũng như kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các nước tầm trung thuộc Đông Bắc Á như Hàn Quốc, với việc áp dụng chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong bối cảnh đó, cùng với việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, Mỹ tiếp tục tìm cách nối lại và phát triển các mối quan hệ song phương với các nước Đông Bắc Á nhằm tiếp tục củng cố các thị trường đã có từ trước, đồng thời mở ra những thị trường mới nhằm gây ảnh hưởng trên bình diện rộng hơn. Đối với từng nước trong khu vực Đông Bắc Á, căn cứ vào vị trí và tầm quan trọng của các nước này trong quan hệ thương mại với Mỹ, cũng như căn cứ vào mục tiêu và ý đồ trong chiến lược toàn cầu mà Mỹ có những điều chỉnh cụ thể:

2.2.3.1. Củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nhà hoạch định chính sách của hai nước Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng một mối quan hệ an ninh, chính trị và kinh tế vững chắc, thường được gọi là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới”. Thực tế, Mỹ đã duy trì một chính sách

thương mại đặc thù với Nhật Bản trong ít nhất là 1/4 thế kỷ từ những năm 1970 đến những năm 1990. Chính sách đối với Nhật Bản này khá khác biệt với những chính sách mà Mỹ áp dụng với các bạn hàng thương mại lớn khác. Tuy nhiên, trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX, quan hệ thương mại giữa hai nước có nhiều thay đổi do những nhân tố quan trọng như tình hình kinh tế mỗi nước, vị thế tương đối của từng nước trong nền kinh tế thế giới cũng như đặc điểm của mối quan hệ song phương trong điều kiện trong điều kiện lịch sử mới. Là bạn hàng lớn và đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản đóng vai trò to lớn trong việc tạo lập thị trường đối với quá trình xuất khẩu hàng hóa để chế tạo và cung cấp dịch vụ của Mỹ. Đồng thời, xuất phát từ ý tưởng xây dựng “Cộng đồng Thái Bình Dương mới” trong đó lấy quan hệ Mỹ – Nhật làm hạt nhân, Mỹ cho rằng vấn đề kinh tế mà Mỹ ưu tiên xem xét là việc Mỹ và Nhật Bản xây dựng nên quan hệ bạn bè, đồng minh mới là bền vững hơn. Do vậy, thông qua việc thúc đẩy các mối quan hệ thương mại với Nhật Bản, Mỹ mong muốn thực hiện được những mục tiêu về an ninh, chính trị và kinh tế đã đặt ra trong chính sách thương mại đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên toàn cầu. Để đạt được những mục tiêu nói trên, chính sách thương mại của Mỹ đối với Nhật Bản bao hàm các nội dung chủ yếu sau:

Một là, giải quyết xung đột thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản

Quan hệ thương mại Mỹ và Nhật Bản đã có từ lâu, nhưng mâu thuẫn trong quan hệ thương mại giữa hai nước luôn âm ỉ và biến thành những xung đột gay gắt khi thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ đối với Nhật ngày một tăng. Bắt đầu từ giữa những năm 1980, xung đột thương mại Mỹ – Nhật trở nên gay gắt. Năm 1997, Mỹ và Nhật Bản đã ký kết một số hiệp định buôn bán tay đôi quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp về vấn đề thuế đánh vào một số sản phẩm có tính chất phân biệt đối xử của Nhật Bản và sáng kiến mở rộng mới đối với chính sách bãi bỏ các quy định về cạnh tranh.

Sau khi lên cầm quyền, trong lĩnh vực thương mại, chính quyền Bush xác định sẽ tiếp tục những nỗ lực nhiều hơn để tiếp cận được thị trường Nhật Bản. Mỹ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hiệp định buôn bán song phương đã đạt được với Nhật Bản. Nhật Bản, trong tương lai vẫn sẽ là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là thực thể kinh tế đứng thứ 3 (sau Mỹ và EU), là nước cung cấp tín dụng lớn nhất thế giới và là đối thủ mạnh trong lĩnh vực quan trọng. Do đó, quan hệ thương mại với Nhật Bản sẽ vẫn rất quan trọng đối với Mỹ. Mặc dù vậy, sự hoàn tất hội nhập kinh tế ở châu Âu, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm giảm vai trò của Nhật Bản. Hơn nữa, những nỗ lực của Mỹ với Nhật Bản bị đánh giá là không hiệu quả trong quá khứ, như vậy hiện tại, sức ép của Mỹ sẽ càng ít tác dụng so với thời kỳ trước. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để Mỹ bắt đầu một chính sách mới với Nhật Bản, đối xử với Nhật Bản như một quốc gia thông thường chứ không phải là một cường quốc kinh tế không công bằng. Chính sách này bao gồm một số yếu tố chủ yếu như:

Thứ nhất, để đạt được các mục tiêu kinh tế đối ngoại của Mỹ với Nhật Bản, Mỹ phải thông qua các kênh đa phương như WTO hay APEC. Công cụ quan trọng nhất đối với các vấn đề kinh tế vĩ mô có thể là nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Thứ hai, hợp tác tối đa với các liên minh quan trọng như G-8, IMF và các nước châu Á (như ASEAN, Trung Quốc,…) để cùng thúc đẩy Nhật Bản thay đổi chính sách trong nước của nước này.

Thứ ba, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cải cách ở Nhật Bản vì những lợi ích kinh tế của mình, đặc biệt là củng cố nền kinh tế Nhật Bản, giảm rủi ro từ sự yếu kém của nước này đối với thế giới bằng những đối thoại chính sách.

Thứ tư, Mỹ sẽ đặt trọng tâm chính sách vào các vấn đề cơ cấu, tiền tệ và kinh tế vĩ mô hơn là vấn đề thương mại ngành nghề cụ thể vì các vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai nước.

Thứ năm, ở một chừng mực nhất định, Mỹ vẫn sẽ có những biện pháp đơn phương đối với Nhật Bản vì các tác động lan tỏa đối với các nước khác.

Hai là, thúc đẩy Nhật Bản mở cửa thị trường

Để thúc đẩy hơn nữa những lợi ích kinh tế trong quan hệ với Nhật Bản, xuất phát từ những ưu tiên mới trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và những thực tiễn trong quan hệ kinh tế Mỹ – Nhật, Chiến lược hợp tác của Mỹ đối với Nhật Bản tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy mở cửa thị trường Nhật Bản. Đây có thể coi là nhiệm vụ đầu tiên nhằm tạo ra một quan hệ đối tác mới và khác biệt của Mỹ với Nhật Bản. Trong các cuộc đàm phán đa phương từ năm 1990 nhăm giảm các hàng rào mậu dịch, Nhật Bản đã cùng với các nước Tây Âu chống lại những đề nghị của Mỹ về tự do hóa thị trường nông sản. Tiếp đó là thương lượng song phương theo “sáng kiến về những trở ngại mang tính cơ cấu”. Trong đó, Mỹ ép Nhật Bản cải cách cơ cấu kinh tế, mở cửa thị trường cho hàng hóa và đầu tư Mỹ thâm nhập, chấp nhận các biện pháp về “số lượng và chất lượng” để xác định mục tiêu và đánh giá mức độ mở cửa thị trường của Nhật Bản.

Trong chương trình nghị sự về chính sách thương mại năm 1998, Mỹ đã đặt ra mục tiêu tiếp tục giám sát chặt chẽ các hiệp định buôn bán tay đôi đã ký kết, bao gồm: 34 hiệp định được chính quyền B. Clinton thương lượng cũng như các hiệp định đã ký kết trước đó. Mỹ cũng tiếp tục tìm cách cải thiện quyền được vào các thị trường ở Nhật Bản thông qua các cuộc thương lượng, giải quyết tranh chấp ở WTO cũng như ở những diễn đàn đa phương và khu vực khác như: OCED và APEC. Đồng thời, việc Nhật Bản không tuân thủ sự nhất trí của APEC về cắt giảm thuế quan trong

9 ngành khác nhau đã bị Mỹ chỉ trích gay gắt. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép buộc bãi bỏ các quy định của nền kinh tế Nhật Bản và những biện pháp mở cửa thị trường đang thực hiện ở nhiều khu vực. Mỹ đã bỏ ra rất nhiều công sức để đốc thúc Nhật Bản thực thi. Sự thành công của Mỹ dựa vào “cái gậy” chính là điều khoản “Super 301”. Dư luận quốc tế đã bày tỏ phản đối đạo luật này của Mỹ, nhiều nước châu Âu cũng công khai cho rằng đó là sai trái. Thêm vào đó thị phần trên thị trường Nhật Bản là có giới hạn và sau khi Mỹ giành được thị trường Nhật Bản thì Tây Âu còn rất ít hy vọng vào thị trường này. Kết quả của đàm phán tuy đẩy Nhật Bản vào thế yếu hơn, nhưng trong cái mất lại cũng có cái được, vì chính phủ Nhật Bản đã tránh được khống chế cắt, giảm từ phía Mỹ, do đó, Nhật Bản đỡ bị thiệt hại hơn. Những vấn đề còn đọng lại này âm ỉ và là mầm mống gây nên một cuộc xung đột buôn bán mới giữa Mỹ và Nhật Bản.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Mỹ. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước ngày càng tăng và đạt trên 173 tỷ USD vào năm 2002, gần bằng tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ với ba bên đối tác quan trọng ở châu Âu là Đức, Anh và Pháp. Điều đặc biệt là suốt trong một thời gian dài, Mỹ luôn chịu thâm hụt thương mại lớn với Nhật Bản. Vì vậy, chính quyền CLinton trước đây cũng như chính quyền Tổng thống Geogre W. Bush (con) hiện nay đã và đang thực hiện hàng loạt chính sách quan trọng nhằm thúc ép Nhật Bản mở cửa hơn nữa thị trường, giảm thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước. Những biện pháp này không chỉ được thực hiện trên cơ sở quan hệ song phương mà còn được tăng cường cả trong khuôn khổ các tổ chức, diễn đàn đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Theo hướng đó, Mỹ đã tập trung nỗ lực vào việc tạo môi trường thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ Mỹ tiếp cận rộng rãi hơn tại thị trường Nhật Bản bằng

cách thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, pháp luật và hỗ trợ thực hiện chính sách cạnh tranh năng động trong toàn bộ nền kinh tế.

Ba là, cải cách thể chế

Đây là một trong những giải pháp trọng điểm của chương trình “Hợp tác kinh tế Mỹ – Nhật vì tăng trưởng”. Giải pháp này được thiết kế nhằm mục đích tạo thuận lợi cho hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh và mở cửa thị trường Nhật Bản.

Trong lĩnh vực viễn thông. Tình trạng độc quyền hiện nay của công ty điện thoại NTT đã cản trở người tiêu dùng tiếp cận dịch vụ viễn thông với giá rẻ, đồng thời gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường viễn thông Nhật Bản, một thị trường có trị giá đến 130 tỷ USD và lớn thứ hai thế giới. Để cải thiện tình hình này, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản về việc thực thi chính sách nhằm đảm bảo để NTT không gây cản trở cạnh tranh trong lĩnh vực này, đồng thời xóa bỏ các quy định gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ mới.

Đối với công nghệ thông tin. Nhật Bản đã triển khai một loại giải pháp để trở thành thị trường lớn nhất thế giới, trong đó nổi bật là kế hoạch sửa đổi chính sách liên quan đến công nghệ, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo quan điểm của Mỹ, sự phát triển của Internet và thương mại điện tử Nhật Bản vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển khác. Vì vậy, để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của các công ty Mỹ trong lĩnh vực này, Nhật Bản cam kết tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng việc phê chuẩn gia nhập Công ước về các sản phẩm ghi âm và biểu diễn của Tổ chức Quyền Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Trong lĩnh vực năng lượng. Nhật Bản cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành điện lực và khí. Chẳng hạn, trong năm 2000, Nhật Bản đã mở cửa cạnh tranh 28% thị trường điện

lực, cho phép phần lớn khách hàng lựa chọn nhà cung cấp điện của mình. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Mỹ, sự phát triển của thị trường năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế, gây cản trở đến khả năng tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ mới (gồm cả các công ty trong và ngoài nước). Vì vậy, Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để cải thiện môi trường cạnh tranh trong hoạt động bán buôn và bán lẻ năng lượng. Điều này cho phép Nhật Bản thực hiện mục tiêu giảm giá điện đến mức cạnh tranh quốc tế.

Trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế. Cùng với việc yêu cầu Nhật Bản cải cách hệ thống giá nhằm tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường này, Mỹ yêu cầu Nhật Bản thực hiện một giải pháp như: tạo thuận lợi để công chúng tiếp cận với các thông tin y tế và tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này; khuyến khích sáng chếcác sản phẩm mới và đảm bảo thẩm định các sản phẩm ngày một cách kịp thời và hợp lý; tiếp tục cải thiện thủ tục xét duyệt sản phẩm y tế nhập khẩu từ các nước khác; triển khai các công việc trong khuôn khổ ủy ban quốc tế về hài hòa hóa nhằm khuyến khích sử dụng rộng rãi hơn các dữ liệu khám chữa bệnh nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng trong hệ thống khám chữa bệnh ở Nhật Bản …

Cải cách hệ thống pháp luật. Chương trình này tập trung vào việc cải cách hệ thống lập pháp về cạnh tranh nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, nâng cao tính minh bạch của hệ thống luật pháp, chính sách và thực tiễn quản lý của các cơ quan nhà nước. Cũng trong khuôn khổ chương trình này, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng cải cách tư pháp nhằm nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cải thiện hệ thống pháp luật. Trong năm 2001, Hội đồng này đã kiến nghị cải cách một số quy định chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Nhật Bản

(như xóa bỏ những hạn chế về việc thành lập liên doanh tư vấn pháp luật, nới lỏng quy định về việc thuê luật sư Nhật Bản, cho phép tăng số lượng luật sư nước ngoài hành nghề tại Nhật). Mặt khác, Mỹ đề nghị cải cách Luật thương mại nhằm áp dụng linh hoạt các quy định về tổ chức, quản lý và cơ cấu vốn của công ty, đồng thời cải thiện tính hiệu quả và minh bạch của hệ thống kế toán, Trên tinh thần đó, luật thương mại được đề nghị sửa đổi theo các hướng:

- Cho phép và khuyến khích giao dịch cổ phần qua biên giớivà các cơ chế pháp lý khác nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua lại, sát nhập.

- Xóa bỏ hạn chế về số lượng giao dịch mua bán trái phiếu.

- Củng cố cơ chế quản lý công ty và cho phép cộng đồng kinh doanh quốc tế tham gia rộng rãi hơn vào việc xây dựng Luật thương mại.

Cùng với Luật thương mại, Mỹ đề nghị Nhật Bản cải cách quy định về phân phối và hải quan nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của hàng hóa nước ngoài. Theo đó, Nhật Bản phải thực hiện các biện pháp nhằm hiện đại hóa quy trình khai báo hải quan, cải tiến thủ tục hành chính, tăng cường đào tạo nhân viên hải quan và cải thiện việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao tính minh bạch trong việc áp dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái bình dương giai đoạn 2000 - 2004 (Trang 56 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)