CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NỘI
2.1. Vị trí du lịch Hà Nội trong chiến lược phát triển du lịch cả nước
2.1.1. Vị trí của Hà Nội trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4 năm 2002 và trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam theo các vùng lãnh thổ thì Hà Nội là trung tâm của vùng và của địa bàn động lực tăng trưởng du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch văn hóa, sinh thái kết hợp với du lịch tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng.
Hà Nội nằm hai bên bờ sông Hồng, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú và nổi tiếng từ lâu đời, Hà Nội có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam đã có một lịch sử ngàn năm. Nằm giữa ngã ba hợp lưu sông Hồng và sông Tô Lịch. Mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ, người mở đầu vương triều Lý quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua đến gần thành thì thấy một con rồng vàng từ thành bay lên. Nhà vua liền đặt tên cho kinh đô là Thăng Long.
Qua hàng nghìn năm thăng trầm, bộ mặt Hà Nội đã trải nhiều thay đổi. Do những công trình xây dựng xưa chủ yếu làm bằng gỗ nên phần lớn đã bị huỷ hoại theo thời gian. Thành phố nhiều lần bị tàn phá do thiên tai, hoả hoạn hoặc do bàn tay kẻ xâm lược, chưa kể sự biến đổi sau mỗi triều đại, nhất là sau cuộc chinh phục của người Pháp năm 1882. Thành phố cũng đã được tái thiết nhiều lần. Hà Nội ngày nay đã trở nên rất rộng lớn so với nửa thế kỷ trước. Thủ đô gồm có 9 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh
Xuân, Cầu Giấy, Long Biên và Hoàng Mai và 18 huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai,Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai, Mê Linh và 2 thành phố Hà Đông, Sơn Tây.
Hà Nội đang ngày càng phát triển. Song song với việc xây dựng những khu phố mới, việc phục hồi nguyên trạng những khu phố xưa cũng là chủ trương của thành phố. Nhiều khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu công nghiệp nối tiếp nhau mọc lên. Bên cạnh đó ta vẫn thấy một Hà Nội với phố cổ rêu phong, với ngôi chùa tĩnh mịch, với mái đình lãng đãng bóng thời gian, cùng những con đường dài xanh mướt bóng cây. Chính những kiến trúc còn sót lại như các đình chùa, mà đáng chú ý nhất là Chùa Một Cột, hay quần thể các đền chùa giữa hồ Hoàn Kiếm... vẫn được gìn giữ trân trọng, tạo cho thành phố một nét cổ kính đáng yêu.
Trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng không quên bảo vệ và tôn tạo những hồ lớn, vừa là nơi nghỉ ngơi giải trí của người dân, vừa là nơi đem lại những không gian xanh và điều hoà khí hậu cho thành phố. Du khách khi đến Hà Nội sẽ không thể quên những địa danh đã trở thành niềm tự hào của Hà Nội như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm...
Hà Nội còn là chiếc nôi của những bàn tay thủ công tài hoa và tinh xảo. Những làng nghề như Bát Tràng, Ngũ Xã, Yên Thái vẫn đang góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống cho Hà Nội.
Bảo tồn, tôn trọng những giá trị của nghìn xưa, đồng thời phát triển những tinh hoa của thế giới hiện đại, Hà Nội đang ngày ngày tự đổi mới, phát huy trí tuệ và tài năng của mình để xứng đáng là trái tim của Việt nam và là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách bốn phương.
Hà Nội là thủ đô, đồng thời cũng là một trung tâm chính trị, văn hóa và du lịch quan trọng của Việt Nam.Hà Nội là thủ đô lâu đời và tháng 10 năm 2010 sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.