1.4. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG VIỆC ĐÁP ỨNG CÁCTIÊU CHUẨN VÀ QUY
1.4.2. Kinh nghiệm của Indonesia
Indonesia là một trong số những quốc gia Đông Nam Á tương đối thành công trong phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu. Xuất khẩu trong nhiều năm là động lực tăng trưởng chủ yếu của quốc gia này. Hiện nay tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia khoảng 60 tỷ USD [9, 24]. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu thô, gỗ , cao su, thuỷ sản và cà phê. Như vậy, phần lớn những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Indonesia là những mặt hàng nhạy cảm với môi trường và có nhu cầu cao ở các nước nhập khẩu như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Chính vì vậy, từ năm 1972, Chính phủ Indonesia đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, môi trường sinh thái và đáp ứng các yêu cầu môi trường của nước nhập khẩu.
Một trong những biện pháp được sử dụng là chính sách trợ cấp đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường như miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị dùng để giảm ô nhiễm môi trường, trợ cấp cho các doanh nghiệp có các ứng dụng môi trường để hạn chế chi phí của họ đồng thời giúp họ có sức cạnh tranh. Indonesia còn lập quỹ quốc gia để giảm ô nhiễm. Quỹ này trợ cấp cho các doanh nghiệp để xử lý vấn đề môi trường của mình dưới dạng vay vốn. Nhờ những biện pháp như vậy mà các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, đầu tư cải thiện tình trạng môi trường của mình, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Chính phủ ban hành quy định: “Các dự án có tính trọng yếu về mặt môi trường phải thành lập quỹ bảo vệ môi
trường và có giấy chứng nhận tuân thủ môi trường” và thực hiện Chương trình phát triển bền vững.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ, Chính phủ Indonesia còn sử dụng các công cụ thị trường khác như thuế ô nhiễm, các loại phí và áp dụng ở các mức độ khác nhau các tiêu chuẩn môi trường quốc tế như ISO 14000, ISO 9000. Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có được các chứng nhận về môi trường, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế lập các cơ sở cấp chứng nhận môi trường cho các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ họ về thông tin và một phần kinh phí.
Việc cấp nhãn sinh thái đối với sản phẩm cũng là một cố gắng của Indonesia trong việc thích nghi dần với môi trường cạnh tranh mới. Nhãn hiệu sinh thái quốc gia Indonesia cấp cho các sản phẩm gỗ và các sản phẩm có nguồn gốc đa dạng sinh học khác. Điều này đã hạn chế được sức ép nhập khẩu gỗ từ Indonesia. Viện nhãn sinh học quốc gia Indonesia được giao nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu các tiêu chuẩn và tiêu chí đối với hệ thống quản lý rừng có hiệu quả (Sustainable forest management). Viện này đồng thời cũng giám sát thực địa để xem các tiêu chuẩn đặt ra phù hợp với trình độ hay chưa. Hiện tại ở Indonesia đã sử dụng hai loại nhãn đối với sản phẩm gỗ: (1) dán nhãn toàn bộ căn cứ vào việc phân tích toàn bộ vòng đời sản phẩm. Tức là đánh giá tác động môi trường của sản phẩm đó từ khi còn là nguyên liệu thô cho đến khi trở thành phế liệu và (2) Nhãn sinh học đơn, tức là chỉ xác định ảnh hưởng môi trường của sản phẩm tại một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên việc áp dụng này đã làm hạn chế thương mại ngành gỗ do tăng chi phí ở khâu chứng nhận mác sinh học và kiểm định chất lượng rừng trồng [11, 36].
Việc tham gia vào các hiệp định thương mại và môi trường thế giới cũng là một trong những biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường trong nước và giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về yêu cầu môi trường trong thương mại quốc tế hiện đại.
Bên cạnh những biện pháp chung để đối phó với các rào cản môi trường các nước, Indonesia đã có nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu môi trường của nước nhập khẩu đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là thuỷ sản. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt hải sản, Indonesia ngoài việc quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, còn đặc biệt quan tâm tới vấn đề
bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Indonesia đã có những chính sách, biện pháp mạnh và đồng bộ để quản lý hoạt động nuôi trồng và chế biến nông thủy sản, hạn chế tối đa mức ô nhiễm môi trường để đảm bảo sức khỏe cho người dân, nâng cao khả năng cạnh tranh và uy tín của hàng nông thuỷ sản xuất khẩu. Để đáp ứng tốt các quy định môi trường của các nước như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đối với nhập khẩu hàng nông thuỷ sản, Indonesia đã triển khai thực hiện: (1) Quản lý hoạt động nuôi trồng và chế biến nông thuỷ sản chặt chẽ và thống nhất từ trung ương đến địa phương; (2) Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thức ăn, hoá chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nuôi trồng nông thuỷ sản, đặc biệt là những chất gây ô nhiễm môi trường; (3) Đầu tư thiết bị kiểm tra hiện đại; (4) Đào tạo và nâng cao trình độ của cán bộ kiểm tra; (5) Xây dựng quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và áp dụng đại trà trong cả nước; (6) Nghiên cứu lai tạo giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao, tạo ra giống thuỷ sản sạch; (7) Công tác khuyến ngư, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định về môi trường các nước đối với hàng nông thuỷ sản nhập khẩu cho các hộ nuôi trồng nông thuỷ sản, tập huấn, chuyển giao công nghệ về nuôi trồng thuỷ sản sạch, sơ chế và bảo quản nguyên liệu
cho nông, ngư dân;
(8) Xây dựng các trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi [11, 37].