Nguyên nhân nhập siêu của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 59 - 64)

2.2.1. Tăng trưởng kinh tế cao và đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu là do nhu cầu nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ các dự án ngày một tăng cao, dù Chính phủ đã có những chương trình ưu đãi cho các sản phẩm trong nước nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.

Theo thống kê, chỉ riêng tám tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2009 và đang là một trong những nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nhóm hàng này được nhập chủ yếu để tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư. Trong đó, mặt hàng máy móc thiết bị công nghiệp chiếm tới hơn 30% tổng lượng nhập khẩu hàng năm.

Vấn đề nhập siêu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh tình trạng nhập siêu chung của cả nền kinh tế vẫn tiếp tục ở mức cao. Theo số liệu thống kê của cục Đầu tư nước ngoài, bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 15/12/2009, tổng vốn đầu tư các dự án còn hiệu lực là hơn 177 tỉ USD, trong đó, năm 2009 là 21,48 tỉ USD. Tính theo lĩnh vực đầu tư, mảng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 50,17%. Đây đều là những dự án đòi hỏi phải nhập khẩu thiết bị, máy móc với giá trị cao. Về tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI, theo bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu không bao gồm dầu thô đạt khoảng 39% so với kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm sau so với năm trước đạt khoảng 28%, riêng năm 2009, do ảnh hưởng khủng hoảng khu vực và thế giới nên tộc độ tăng trưởng không đáng kể. Về nhập khẩu, năm 2001, tỷ trọng nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 30,7%, năm 2005 chiếm 37%, năm 2009 chiếm 37,3% và 7 tháng đầu năm 2010 chiếm 42%. Trong đó, riêng năm 2009, thiết bị, máy móc chiếm khoảng 6%, nguyên vật liệu chiếm khoảng 26% so với cả nước và tương ứng chiếm khoảng 15% và 70% so với kim ngạch nhập khẩu của khối FDI.

2.2.2. Cơ cấu sản xuất, xuất khẩu chậm chuyển đổi; giá và lượng một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng

Nguyên nhân nhập siêu cao chủ yếu là do cơ cấu kinh tế Việt Nam còn bất hợp lý, chủ yếu làm gia công. Hơn nữa, nguyên nhân lớn nhất lại là nhóm hàng “cần thiết nhập khẩu”. Theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam, chỉ cần có cơ chế đúng đắn cho sử dụng máy móc thiết bị cơ khí sản xuất trong nước thay thế được một nửa lượng hàng hóa máy móc thiết bị nhập khẩu thì giải quyết được vấn đề nhập siêu. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác nữa dẫn đến nhập siêu là do hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh kém, chất lượng thấp nhưng giá lại cao hơn từ 5% đến 10% so với hàng nhập khẩu. Lý do là do

Việt Nam thiếu thông tin về thị trường, lạc hậu về trình độ công nghệ và quản lý sản xuất. Giá cao do vay lãi suất cao từ 20% đến 22% cộng thêm các khoản bất hợp lý nên nhiều mặt hàng đành “thua trên sân nhà”. Hơn nữa, tâm lý “sính đồ ngoại” còn nặng nề dẫn đến nhiều sản phẩm nhập khẩu xa xỉ như xe hơi, điện thoại di động, đồ mỹ phẩm, … vẫn tiếp tục tăng.

Giá hàng hóa vật tư thế giới (giá thép thành phẩm, phôi thép, phân bón, sợi, kim loại, …) đang tăng trở lại. Hơn nữa, sản xuất trong nước đang phục hồi, kéo theo tăng nhu cầu nguyên vật liệu; cùng với giải ngân vốn FDI, ODA khả quan. Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi lãi suất trung và dài hạn của Chính phủ đang phát huy hiệu quả tích cực. Tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 25%, trong đó, nhóm hàng nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cần nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến 77,9% kim ngạch nhập khẩu.

Lượng nhập khẩu một số mặt hàng cũng tăng đáng kể. Nhìn chung, trị giá kim ngạch nhập khẩu tăng tập trung vào các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu là các mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, xăng dầu, sắt thép, vải, điện tử, máy tính và linh kiện, …

2.2.3. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu.

Nhập siêu của Việt Nam xuất phát từ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu “bất cân xứng”. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô như nông sản, nguyên liệu, loại hàng hóa thâm dụng lao động…có giá trị thấp. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu những sản phẩm có giá trị cao như máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng cao cấp. Ví dụ năm 2009, trong số 12 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD có tới 5 mặt hàng nông sản (thủy sản, gạo, gỗ, cà phê, cao su); trong khi đó, hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị, máy móc, linh kiện điện tử, hóa chất, tân dược,…

Kim ngạch xuất khẩu suốt 16 năm qua (1993-2009) của Việt Nam đều thấp hơn kim ngạch nhập khẩu, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, dẫn tới tình trạng nhập siêu cao. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 56,584 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008 (là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm trước đó). Về nhập khẩu, kim ngạch cả năm 2009 ước đạt 68,83 tỷ USD và giảm 14,7% so với năm 2008. Năm 2009 là năm thứ hai (sau năm 1998) kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm trước đó, nhưng mức độ giảm mạnh hơn (năm 1998 chỉ giảm 0,8%).

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 làm cho thị trường xuất khẩu lớn bị co lại (xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm 5,5%, sang ASEAN giảm 16,4%, sang Nhật Bản giảm 27,7%, sang Úc giảm 48%) dẫn tới giá xuất khẩu bị giảm theo. Cuộc khủng hoảng cũng làm cho hàng hóa Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt hơn ở thị trường xuất khẩu. Trong khi xuất khẩu phục hồi chậm thì nhập khẩu tăng nhanh nhờ gói kích cầu. Khi sản xuất được kích thích phát triển thì nhu cầu nhập khẩu gia tăng.

2.2.4. Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao đối với hàng hoá nhập khẩu

Việt Nam gia nhập ASEAN, tham gia vào AFTA, APEC và đã ký trên 120 hiệp định song phương và đa phương khác, đặc biệt đã ký hiệp định thương mại với Mỹ năm 2001 và gia nhập WTO đầu năm 2007, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà kinh doanh quốc tế. Hơn nữa, khi thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu nhập khẩu gia tăng. Điều đó đã góp phần làm cho kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như nguyên liệu dệt may, giày dép, ô tô và linh kiện ô tô, điện tử, nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng khác... tăng. Ngoài các nước ASEAN, Việt Nam cũng nhập siêu lớn từ các nền kinh tế Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.

Cùng với nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu tăng thì hiệu quả đầu tư thấp, chưa tương xứng như mong muốn, một đồng vốn đầu tư chỉ tạo được hơn 2 đồng GDP, do năng suất lao động thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu. Mặt khác, trong khi hầu hết các nước thường sử dụng hàng rào kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật thì Việt Nam lại chưa sử dụng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu.

2.2.5. Ngành công nghiệp phụ trợ còn non yếu.

Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn èo uột. Tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp của Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, ở Việt Nam, một số ngành như dệt may, da giày, điện tử, ô tô, …đều phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Ví dụ, như ngành dệt may hàng năm sử dụng không dưới 500 triệu m2 vải để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có đến 80% tổng số vải phải nhập khẩu. Chỉ riêng năm 2009, Việt Nam nhập số vải trị giá gần 4,3 tỷ USD, chưa kể đến những nguyên phụ liệu khác. Hay như ngành ô tô, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, nhưng chỉ có trên 60 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, quá thấp so với con số 385 doanh nghiệp ở Malaixia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan. Ngành sản xuất ô tô đang là ngành có nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 3%- 7% giá thành, cung cấp được vài loại sản phẩm đơn giản, giá trị thấp. Sau 30 năm phát triển, ngành điện tử Việt Nam vẫn trong tình trạng lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài. Các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận thấp và giá trị gia tăng chỉ tăng 5%- 10%/năm. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp điện tử FDI phải nhập khẩu trên 90% linh kiện của nước ngoài. Do vậy, để kiềm chế và giảm nhập siêu cần phải tăng sản xuất đối với công nghiệp phụ trợ . Nếu công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì

nhập siêu khó có thể giảm nhanh được. Do vậy, có thể coi những yếu kém của nền công nghiệp trong nước là nguyên nhân chủ yếu làm cho việc kiểm soát nhập siêu chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)