Cải thiện chính sách thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 78 - 85)

3.1. Nhóm giải pháp từ phía Chính phủ

3.1.1. Cải thiện chính sách thương mại

Về lý thuyết, chính sách thương mại không có tác dụng cải thiện cán cân thương mại trong dài hạn, nó chỉ có tác dụng làm tăng hay giảm quy mô thương mại. Bởi vậy, việc thu hẹp nhập siêu bằng hạn chế nhập khẩu về dài hạn là không có tác dụng. Chính sách thương mại của Việt nam cần hướng tới việc cải thiện cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng sử dụng yếu tố đầu vào trong nước và tăng tỷ trọng hàng đã qua chế biến và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Cụ thể: (1) Giảm dần các hạn chế thương mại theo các cam kết với các tổ chức quốc tế; (2) Cần xây dựng một chính sách khuyến khích xuất khẩu trên cơ sở xây dựng một cơ sở công nghiệp xuất khẩu tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế Việt nam.

3.1.1.1. Chính sách xuất khẩu

Một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) là nhằm tăng cường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam cần có các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO. Việt Nam cần khai thác triệt để lợi thế là thành viên WTO để đẩy mạnh hàng hoá xuất khẩu. Nhiệm vụ này cần quá trình lâu dài và phụ thuộc nhiều yếu tố như: khả năng tiếp cận thị trường, khả năng cạnh tranh của hàng hoá và năng lực sản xuất hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, khi đưa ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, cần phải tính đến ba yếu tố trên. Việt Nam đang trong quá trình tham gia toàn diện vào thương mại khu vực theo các Hiệp định CEPT/AFTA nhưng lại chưa tận dụng được những ưu thế từ các Hiệp định này để đẩy mạnh xuất khẩu nên nhập siêu từ các nước châu Á và các nước ASEAN có xu hướng tăng cao.

Việc trở thành thành viên của WTO đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận được thị trường nhập khẩu các nước do quy định giảm thuế và mở cửa thị trường dịch vụ. Việt Nam cần khai thác tốt lợi thế này để tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU. Đồng thời phát triển thị trường theo hướng đa dạng để vừa tăng xuất khẩu vừa có thể tránh được các cú sốc mang tính khu vực.

Để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam cần tận dụng một cách có hiệu quả quyền được hưởng một số ưu đãi riêng dành cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, WTO cho phép ở mức 10% giá trị sản lượng, ngoài ra còn một số khoản hỗ trợ nữa trị giá khoảng 4000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là khoản tiền giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp dưới dạng khuyến nông. Do vậy, nếu biết khai thác những lợi thế nêu trên sẽ giúp sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng xuất khẩu.

Một trong những hạn chế hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn lạc hậu, tỷ trọng hàng thô và hàng sơ chế tuy đã có giảm so với trước nhưng vẫn còn cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn rất nhỏ bé. Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp nên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế không cao. Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong tương lai, Việt Nam cần thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng. Đây là vấn đề lâu dài cần sự quan tâm phối hợp của nhiều cấp, ngành.

Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, một số giải pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam cần phải được thực hiện đồng bộ, đó là:

Thứ nhất, cần chủ động đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để điều chỉnh hợp lý cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu là các sản phẩm khoáng sản và nông sản thô ở dạng sơ chế, tạo cơ sở vững chắc cho việc gia tăng hàng xuất khẩu. Đồng thời phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Muốn thực hiện được giải pháp này, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

Thứ hai, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam qua chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng trên thị trường thế giới đi đôi với việc giảm chi phí đầu vào và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, cần quan tâm tới việc đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hoá của Việt Nam trên thị trường thế giới nhằm tạo uy tín cho hàng hoá xuất khẩu Vịêt Nam.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, nhất là đối với các ngành hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế như: thuỷ sản, dệt may, giầy da.... bằng cách tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu như vấn đề lãi suất, cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nông dân, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; phát hiện kịp thời và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước khác nhằm hạn chế hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thứ tư, có chính sách thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tăng thu ngoại tệ cho Việt Nam. Trên thực tế, hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chỉ là nguyên liệu thô nên giá thường thấp. Vì vậy, với việc đầu tư nước ngoài gia tăng làm tăng tỷ lệ hàng đã qua chế biến. Chất lượng nguyên liệu thô cũng sẽ cao hơn nhờ vào máy móc công nghệ hiện đại. Đầu tư nước ngoài tuy không phải là nhân tố quyết định nhưng lại là nhân tố quan trọng để đưa một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành một nền kinh tế công nghiệp hoá có năng lực xuất khẩu cao Nghiên cứu thực tế cho thấy, chính sách thương mại của Việt Nam trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng cao, nhập khẩu được kiểm soát một cách tương đối hợp lý phù hợp với lộ trình cam kết hội nhập, từ đó lành mạnh hoá cán cân thương mại. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản thương mại đối với khu vực tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là độc quyền trong sản xuất (bảo hộ đối với doanh nghiệp Nhà nước) dẫn đến độc quyền trong thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. Điều này sẽ hạn chế tăng xuất khẩu và việc cải thiện cán cân thương mại sẽ khó khăn hơn.

Thứ năm, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, mở thêm các thị trường mới để vừa có thể đẩy mạnh xuất khẩu, vừa có thể tránh được

ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng mang tính khu vực như trong tình hình hiện nay.

Thứ sáu, các thủ tục về hành chính, hải quan cần được kịp thời giải quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu một cách tối đa.

3.1.1.2. Chính sách nhập khẩu

Để hạn chế nhập siêu, góp phần kiềm chế tăng giá tiêu dùng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hạn chế nhập khẩu các mặt hàng theo Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu. Các mặt hàng xe máy, ôtô, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, sắt thép xây dựng, rượu bia và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác cần tiếp tục kiểm soát đặc biệt. Kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhất là các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu nhập khẩu; chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế nhập siêu. Cần xây dựng Danh mục các loại hàng hoá cần hạn chế nhập khẩu thông qua việc áp dụng một số hàng rào kỹ thuật, như: cấp phép nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu, kiểm dịch động, thực vật.... Ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị công nghệ tiên tiến, từng bước hạn chế và kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được và tiến tới giảm thâm hụt cán cân thương mại. Nhóm hàng cần thiết nhập khẩu phải đảm bảo đủ để ổn định sản xuất: máy móc thiết bị, xăng dầu, phân bón, thép thành phẩm, nguyên phụ liệu dệt may da... Nhóm mặt hàng cần kiểm soát gồm: sản phẩm chế tạo từ gang thép, than cốc và các sản phẩm từ hóa dầu, gas, đá quý, kim loại quý, tránh tăng đột biến làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu. Đối với nhóm hạn chế nhập khẩu gồm: nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng tiêu dùng, ô tô

dưới 12 chỗ ngồi, linh kiện ô tô dưới 12 chỗ, linh kiện xe máy.... Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...

Chính sách thuế quan

Để giải quyết vấn đề nhập siêu thì chính sách hạn chế nhập khẩu không phải là giải pháp tối ưu mà các quốc gia thường sử dụng. Trong điều kiện tự do hoá thương mại ngày càng sâu rộng, chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn có những mặt hạn chế đến sự phát triển lâu dài của hoạt động xuất nhập khẩu và sự cân bằng bền vững của cán cân thương mại. Những hạn chế này đòi hỏi chính sách thuế quan phải có những sửa đổi, hoàn thiện, đó là:

Thứ nhất, chính sách thuế nhập khẩu hiện nay của Việt Nam còn bảo hộ quá cao hàng sản xuất trong nước, điều này sẽ làm cho sản xuất để tiêu thụ nội địa có lãi hơn sản xuất để xuất khẩu, do giá bán trong nước có thể được định ở mức cao hơn giá trị trên thị trường quốc tế. Thêm nữa, chính sách bảo hộ cao này sẽ tạo ra tính ỷ lại của các doanh nghiệp, có rất ít áp lực lên các nhà sản xuất trong nước để buộc họ phải tăng cường tính hiệu quả của hàng hóa sản xuất. Thêm vào đó, với mức thuế nhập khẩu cao như hiện nay, các yếu tố đầu vào nhập khẩu của hàng xuất khẩu của Việt Nam có chi phí cao hơn giá thế giới, điều này làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chính vì vậy, cẩn sửa đổi và bổ sung chính sách thuế theo hướng: Một là, tiếp tục cắt giảm thuế quan theo đúng lịch trình đã cam kết; Hai là, không nên dùng biện pháp thuế quan cao để bảo hộ sản xuất trong nước kém hiệu quả; Ba là, giảm bớt danh mục hàng hoá loại trừ, chuyển danh mục này sang danh mục tạm thời hay danh mục phải cắt giảm; Bốn là, tiếp tục hoàn thiện

biểu thuế quan phù hợp với biểu thuế quan ASEAN, với hệ thống hài hòa mô tả và mã số hàng hóa, thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng trong khuôn khổ ASEAN, không nên áp dụng quá nhiều mức thuế suất.

Thứ hai, biểu thuế quan ở Việt Nam còn phức tạp với nhiều mức thuế khác nhau (khoảng 50 mức) dàn trải từ 1% đến 145%, nếu so với các nước trong khu vực (khoảng từ 10 – 12 mức thuế suất). Ngoài thuế nhập khẩu còn thu chênh lệch giá (bản chất vẫn là thuế nhập khẩu) đối với một số mặt hàng trong danh mục phải thuế hoá hàng rào phi thuế, gây hiểu nhầm là có quá nhiều khoản thu đối với hàng nhập khẩu, không phù hợp với thông lệ chung và gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện biểu thuế quan phù hợp với biểu thuế quan của ASEAN, với hệ thống hài hòa mô tả và mã số hàng hóa, thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng trong khuôn khổ ASEAN. Không nên áp dụng quá nhiều mức thuế suất là việc làm cần thiết trong thời gian tới.

Thứ ba, sự thường xuyên thay đổi thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu tuy phù hợp với những thay đổi trước mắt của nền kinh tế nhưng lại phản ánh chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam mang tính đối phó ngắn hạn gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xác định chủ trương và chiến lược kinh doanh lâu dài. Vì vậy, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể trong khi xây dựng khung biểu thuế suất hàng hoá nhập khẩu. Về cắt giảm thuế nhập khẩu, theo lịch trình bắt đầu thực hiện và cam kết 60% dòng thuế đạt mức thuế suất 0% vào năm 2006, 80% đạt mức thuế 0% vào năm 2010 và 100% mức thuế 0% vào năm 2015. Theo cam kết với WTO, Việt Nam phải cắt giảm 30% thuế suất hiện thời trong thời hạn 5 năm kể từ khi gia nhập WTO.

Thứ tư, mặc dù mức thuế trung bình tương đối thấp nhưng còn có nhiều mức thuế, trong đó mức thuế của nhiều nhóm hàng có giá trị trao đổi thương mại lớn còn khá cao như xăng dầu, vật tư, linh kiện. Điều này hạn chế nhập

khẩu cạnh tranh để phát triển các ngành thay thế nhập khẩu, nhất là công nghiệp phụ trợ. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của chính sách thuế quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và kinh doanh, sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng, Việt Nam cần xem xét lại biểu thuế áp dụng cho một số mặt hàng chiến lược như đã nêu trên.

Các biện pháp nhập khẩu phi thuế quan

Áp dụng hợp lý các hàng rào phi thuế quan. Theo cam kết Việt Nam phải cắt giảm và áp dụng các hàng rào phi thuế quan mới để có thể tiếp tục bảo hộ một số ngành sản xuất theo đúng những mục tiêu dài hạn. Định hướng cắt giảm các biện pháp phi thuế quan; xoá bỏ hoàn toàn hạn chế định lượng; thực hiện xác định giá tính thuế hải quan của WTO, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ theo quy chế tối huệ quốc và quy chế đối xử quốc gia, xoá bỏ hoàn toàn độc quyền kinh doanh; áp dụng các rào cản phi thuế quan mới như kiểm dịch động thực vật, quy tắc xuất xứ, biện pháp liên quan đến môi trường chống phá giá…

Cần cải tiến các thủ tục hải quan theo hướng thuận lợi, theo tiêu chuẩn và hoà hợp theo các quy định trong WTO.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 78 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)