Hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 95 - 98)

3.1. Nhóm giải pháp từ phía Chính phủ

3.1.5. Hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu

Việc chính thức trở thành thành viên của WTO đã khiến các ràng buộc trách nhiệm trong hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng trở thành bắt buộc đối với Việt Nam. Điều này có nghĩa là các biện pháp tài chính khuyến khích xuất khẩu trực tiếp mà Việt Nam ưa chuộng trước đây như thưởng thành tích xuất khẩu, thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu, trợ cấp thay thế nhập khẩu…. sẽ bắt buộc phải chấm dứt. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về chính sách hỗ trợ xuất khẩu theo hướng cho vay tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi trong thời gian “quá độ” mà WTO ưu ái dành cho các nước đang phát triển như một giải pháp thay thế hướng tới mục tiêu khuyến khích xuất khẩu.

Về mặt pháp lý, hiện tại Việt Nam có một số văn bản chính trực tiếp điều chỉnh hoạt động cho vay tín dụng xuất khẩu: Nghị định số151/2006/NĐ – CP ban hành ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cùng danh mục hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu. Đi kèm với Nghị định trên là Thông tư số 69/2007/TT – BTC hướng dẫn Nghị định. Theo chương III, mục I, điều 20 của Nghị định này nêu rõ, tín dụng xuất khẩu bao gồm hai hình thức: Cho nhà xuất khẩu vay trước và sau khi giao hàng, và cho nhà nhập khẩu vay với đối tượng vay là các nhà xuất nhập khẩu có hợp đồng xuất/nhập khẩu hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng vay vốn tín

dụng xuất khẩu ban hành đi kèm với Nghị định. Cơ chế về thời hạn vay vốn, lãi suất vay cũng được chỉ định rõ trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn.

Khuôn khổ pháp lý nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ phía Chính phủ mà trung gian chủ yếu ở đây là Ngân hàng phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, việc cho vay vốn ngắn hạn là hình thức hỗ trợ tín dụng xuất khẩu chỉ dành cho các đơn vị trực tiếp xuất khẩu những mặt hàng thuộc diện được khuyến khích xuất khẩu, chưa khuyến khích số đông các doanh nghiệp xuất khẩu khác khi họ phải vay ngân hàng thương mại để xuất khẩu. Doanh số cho vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu ngắn hạn rất thấp, hầu hết các hoạt động xuất khẩu là thực hiện các hợp đồng đã ký từ năm trước. Để phát huy hơn nữa vai trò của nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại Việt Nam, một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, đó là:

Thứ nhất, tạo điều kiện khuyến khích và gia tăng số lượng doanh nghiệp được cấp tín dụng xuất khẩu. Mở rộng đối tượng vay đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Việt Nam cần đưa ra quy định cụ thể về tỷ trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu vay vốn đối với các ngân hàng thương mại khác ở một mức nhất định. Ví dụ, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, quy định này ở mức 35 – 45% tổng dư nợ. Hiện nay, trong thời gian đầu gia nhập WTO, Việt Nam được hưởng một số “ưu ái” của tổ chức WTO dành cho các nước đang phát triển và sẽ vẫn được phép sử dụng tín dụng xuất khẩu với mức lãi suất tiến dần tới mức lãi suất thị trường. Theo lộ trình cam kết sau ngày 31/12/2008, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử và máy vi tính, dây cáp điện các loại cũng sẽ không được hỗ trợ tín dụng xuất khẩu. Đến hết ngày 31/12/10, sẽ chấm dứt hỗ trợ xuất khẩu tất

cả những mặt hàng còn lại như tàu biển xuất khẩu, dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin, dịch vụ nhà thầu xây dựng, dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát và nhóm các mặt hàng cơ khí…. Ngân hàng phát triển Việt Nam cần tạo điều kiện hơn nữa để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu của mình. Ngân hàng phát triển Việt Nam phải nắm bắt kịp thời tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh tình trạng sử dụng vốn sai mục đích so với phương án xin vay vốn.

Thứ hai, tăng cường mảng tín dụng xuất khẩu trung và dài hạn nhằm đem lại sự phát triển mang tính chiến lược dài hạn bền vững. Thực tế cho thấy, tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, doanh số cho vay ngắn hạn (1-3 tháng) chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó, hoạt động cho vay tín dụng trung và dài hạn mới là điều kiện cần thiết để góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành hàng xuất khẩu, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Thứ ba, đơn giản hoá thủ tục vay vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu. Theo cách này, ngân hàng phát triển có thể hợp tác với các cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu để lấy thông tin, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành.

Cuối cùng, do chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu trong tương lai buộc phải bị loại bỏ, vì vậy, cần phải có những chuẩn bị các biện pháp để đổi mới và thay thế biện pháp tín dụng xuất khẩu cho phù hợp với quy định của WTO. Thay vì hỗ trợ tín dụng xuất khẩu trực tiếp cho các doanh nghiệp thì Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các Hiệp hội ngành hàng. Vì vậy, công tác xây dựng và phát triển các Hiệp hội ngành hàng cần được triển khai nhanh chóng. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc thay thế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu mà còn là chiến lược tăng cường tính đoàn kết, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước trong thời kỳ hội nhập cạnh tranh khốc liệt. Trên thế

giới, các hiệp hội ngành hàng không phải là mới mẻ và các hiệp hội này có vai trò, ảnh hưởng chi phối rất lớn đối với quyết định của Chính phủ liên quan đến ngành sản xuất của hội. Mặt khác, Chính phủ cần từng bước xây dựng cơ chế và chính sách để phát triển thị trường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, trong đó lấy các hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam làm trung tâm. Trên thế giới, hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu diễn ra khá sớm và hiện ở nhiều nước hơn 80% hàng xuất khẩu tham gia vào loại hình bảo hiểm này nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ và chỉ có 5% hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)