* Về quy mô
Trung Quốc là nước lớn, nền kinh tế Trung Quốc hiện có quy mô thứ hai thế giới. Do đó, Trung Quốc có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài. Với sức mạnh kinh tế của mình, Trung Quốc có điều kiện giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, chính trị trong quan hệ quốc tế với tư cách nước lớn. Như thế, vị thế kinh tế, chính trị của Trung Quốc và Việt Nam trên thế giới không giống nhau.
Tuy nhiên, đất nước Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân mà phần lớn là nông dân nên việc giải quyết vấn đề tam nông sẽ không đơn giản, dễ dàng. Những vấn đề xã hội bức xúc ở nông thôn Trung Quốc hiện nay như phân hóa giàu nghèo, việc làm cho hàng trăm triệu nông dân... không thể giải quyết một sớm, một chiều.
* Các nguồn tài nguyên
Trung Quốc có diện tích đất đai gấp khoảng 30 lần Việt Nam nên các nguồn tài nguyên rất dồi dào. Quy mô đất nông nghiệp rất lớn cho phép Trung Quốc có thể nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: cơ giới hóa, thủy lợi hóa... Việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn cũng thuận lợi hơn.
Sự phong phú các nguồn tài nguyên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức, quản lý. Do đó, các chính sách về tổ chức quản lý trong nông nghiệp của Trung Quốc sẽ có những khác biệt so với Việt Nam.
* Sự khác biệt về nhận thức và bước đi trong quá trình cải cách, đổi mới
Trung Quốc đã đi theo con đường từ lý luận tới thực tiễn, từ chỉ đạo của Trung ương tới hành động của địa phương. Trong chính sách đất nông nghiệp, sau khi thống nhất về mặt lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tiến hành thực hiện thí điểm cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở hai tỉnh An Huy và Phúc Kiến. Tiếp theo đó cho mở rộng trong toàn quốc. Như vậy là chỉ sau khi đã có những đột phá về lý luận nhằm giải quyết các bế tắc, Trung Quốc mới cho thực hành chính sách.
Trong khi đó, đổi mới của Việt Nam lại bắt đầu từ những vụ "phá rào" ở cơ sở, sau đó được Trung ương chấp nhận và cuối cùng trở thành chính sách. Ví dụ, chính sách khoán bắt đầu từ những hiện tượng tự phát và làm chui của nông dân, mà lãnh đạo địa phương hoặc đồng ý cho làm và "bao che" trước Trung ương, hoặc lờ đi.
Sự khác nhau trong hoạch định chính sách đất nông nghiệp nêu trên dẫn đến trong thực hiện chính sách, Trung Quốc thường tiến hành nhanh, toàn diện, nhất quán hơn so với Việt Nam. Ngược lại, chính sách của Việt Nam dễ đi vào thực tiễn hơn, đồng thời phát huy được tính sáng tạo từ cơ sở.
Trung Quốc quy định đất nông nghiệp thuộc sở hữu tập thể (trừ trường hợp do Luật đất đai quy định thuộc sở hữu nhà nước). Nhưng phần diện tích đất nông nghiệp do Luật đất đai quy định thuộc sở hữu nhà nước không nhiều, do đó, có thể nói phần lớn diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu tập thể, do các tổ chức của nông dân đại diện.
Trong quy định về quyền sử dụng đất nông nghiệp, Trung Quốc và Việt Nam đều thực hiện giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân, đồng thời đều luật hóa các quyền sử dụng đất của nông dân. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc đang thực hiện việc giao quyền sử dụng đất cho nông dân ổn định trong khoảng thời gian là 30 năm, dài hơn so với quy định của Việt Nam (khoảng 20 năm). Mặt khác, Trung Quốc đang thực hiện giao nhiều quyền sử dụng hơn cho nông dân so với Việt Nam, cụ thể: theo quy định mới nhất, ngoài các quyền tương tự như 5 quyền của người được giao sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam, nông dân Trung Quốc còn có quyền dùng đất nông nghiệp được giao để góp cổ phần vào các công ty hoặc các dự án. Đây là bước tiến xa hơn so với Việt Nam trong việc quy định về giao quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn chuyển đổi, nên việc thu hồi và bồi thường đối với đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp là xu thế tất yếu. Để thực hiện việc thu hồi đối với đất nông nghiệp đã được giao quyền sử dụng ổn định lâu dài cho nông dân, nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đều phải đưa ra những quy định về việc thu hồi và bồi thường đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi.
Đối với Trung Quốc, nhà nước quy định rõ: chỉ thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ xây dựng các công trình công cộng, công ích; khi thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích thì chỉ bồi thường tiền hoa màu cho nông dân, sau đó xuất nhượng không thu tiền để xây dựng công trình công ích. Do đó, việc thu hồi tiến hành khá nhanh và thuận lợi. Đối với Việt Nam,
nhà nước không có quy định đó, nên dù thu hồi đất với bất kỳ mục đích nào cũng đều phải bồi thường hoa màu và giá trị quyền sử dụng đất cho nông dân. Vì vậy, việc thu hồi đất luôn gặp khó khăn và kéo dài. Đồng thời dễ tạo ra tình trạng thu hồi đất tràn lan như những năm vừa qua.
Về giá bồi thường khi thu hồi đất, Trung Quốc có những quy định cụ thể hơn, dựa trên cơ sở sản lượng thu hoạch của 3 năm gần nhất, do đó, mức đền bù bảo đảm công bằng hơn giữa các vùng đất có địa tô chênh lệch. Còn ở Việt Nam, Chính phủ quy định khung giá bồi thường đất theo giá thị trường, còn việc quy định giá bồi thường cụ thể khi thu hồi đất do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trên cơ sở khung giá do Chính phủ quy định, nên thường dẫn tới tình trạng mỗi địa phương quy định một mức giá khác nhau, dẫn đến khó khăn trong thực hiện bồi thường và thu hồi đất.