a. Đối với nông nghiệp
Những năm gần đây không ai không nhắc đến thành tựu nổi bật và mang tính chất tổng hợp: Trung Quốc đã sản xuất đủ lương thực, có nghĩa
là chỉ trên diện tích gieo trồng bằng 7% của thế giới, đã nuôi sống được 22% nhân loại.
Rất nhiều công trình đã phân tích tầm quan trọng của vấn đề lương thực đối với Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới. Các nghiên cứu đều khẳng định, trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng, nền kinh tế tri thức đang từng bước xâm nhập vào nền kinh tế vật chất truyền thống, nông nghiệp nói chung, lương thực nói riêng có thể không đóng vai trò gì to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của nhiều nước, song với Trung Quốc thì không phải vậy. Vẫn là "vô nông bất ổn" (không làm nông nghiệp thì không ổn định) vẫn là "dân dĩ thực vi thiên" (dân coi ăn là trời). Mừng lo của quốc gia này phụ thuộc rất lớn và việc nông nghiệp có phát đạt không, có sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 1,3 tỷ dân mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ lực lượng bên ngoài nào hay không.
Trong lịch sử, Trung Quốc thiếu đói triền miên. Ngay cả những năm sau giải phóng, đất nước này cũng đã từng xảy ra nạn đói làm hàng chục triệu người bỏ mạng. Đó là hậu quả của thiên tai, cũng là hậu quả của nhân họa, của chính sách tả khuynh một thời. Từ thập kỷ 1980, sau khi xóa bỏ thể chế công xã nhân dân, thực hiện chế độ khoán sản lượng đến hộ, tạo ra một chế độ mới và cơ chế kích thích sản xuất mới, vấn đề lương thực của Trung Quốc đã có chuyển biến tốt đẹp. Nhà nước đã cố gắng về nhiều mặt để tăng sản lượng lương thực, như xây dựng các khu sản xuất lương thực hàng hóa, ứng dụng giống chất lượng cao, nhiều lần tăng giá mua lương thực. Kết quả là sản xuất lương thực tăng trưởng rất nhanh, tổng sản lượng liên tục đạt mức cao, năm 1998 đạt mức kỷ lục 500 triệu tấn. Cũng nhờ sản lượng lương thực tăng, nên kết cấu nông nghiệp có điều kiện điều chỉnh hợp lý hơn. Các nông sản phi lương thực nhưng giá trị cao như hoa quả, rau và gia súc gia cầm đều tăng gấp bội, trước hết đã cải thiện được cơ cấu bữa ăn của người dân. Theo số liệu của tổ chức FAO, hiện nay năng lượng
được cung cấp qua ăn uống mỗi ngày của người Trung Quốc đã lên tới 300 calo, vượt mức trung bình của thế giới.
Có thể nói về cơ bản, cái ăn của một quốc gia có số dân vượt số dân của châu Phi và Mỹ Latinh cộng lại đã được giải quyết thành công. Người Trung Quốc rất tự hào về điều này, coi đó là một thực thể tự nuôi sống mình.
b. Đối với nông thôn
Qua gần 30 năm cải cách và mở cửa, thực hiện chế độ khoán ruộng đất cho nông dân, kinh tế nông thôn Trung Quốc đã đạt được thành tựu nổi bật. Cùng với những thành tựu đã đạt được về nông nghiệp, cơ cấu kinh tế ở nông thôn đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Theo đó, tỷ lệ giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp trong GDP giảm dần, tỷ lệ giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh.
Bảng 2.1: Cơ cấu GDP nông thôn Trung Quốc
Năm Khu vực I (%) Khu vực II (%) Khu vực III (%)
1997 48,5 44,5 7,0 1998 40,5 47,2 12,3 1999 37,0 49,6 13,4 2000 35,3 50,4 14,3 2001 32,8 51,9 15,3 2002 30,5 52,9 16,6 2003 28,3 54,9 16,8 2004 33,1 52,1 14,8 2005 32,6 52,6 14,8 2006 29,6 54,8 15,6 Nguồn: [37, tr. 103].
Bảng trên cho thấy, kinh tế nông thôn Trung Quốc đã và đang có bước chuyển dịch lớn từ khu vực nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại; qua đó thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa chuyển sang giai đoạn mới với tốc độ nhanh hơn.
c. Thu nhập của nông dân tăng lên, đời sống không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đói giảm
Trải qua 3 thập kỷ thực hiện cải cách mở cửa, phát triển kinh tế, Trung Quốc đã đạt được rất nhiều những thành tựu được cả thế giới biết đến, như tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ năm 1978 đến năm 2007, GDP bình quân mỗi năm tăng 9,6%. Nhất là trong những năm gần đây, theo cách tính lại GDP của Trung Quốc, năm 2003, 2004, 2005, 2006, 2007 GDP tăng trưởng lần lượt là 10,0%, 10,1%, 10,2%, 10,7% và 11,4%. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập của cư dân nông thôn cũng không ngừng tăng lên, năm 2000 thu nhập khả dụng bình quân đầu người lên là 2253 NDT, năm 2005 là 3255 NDT và năm 2007 tăng lên đến 4140 NDT, năm 2005 tỷ lệ tăng trưởng là 6,2% so với năm 2004, năm 2006 tăng 7,4% so với năm 2005 và năm 2007 tăng 9,5% so với năm 2006. Năm 2007 được cho là thu nhập của cư dân nông thôn tăng nhanh nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.
Bảng 2.2: Thu nhập và chênh lệch thu nhập của người dân thành thị và nông thôn Trung Quốc
Năm
Thu nhập khả dụng
bình quân đầu người/ năm của cư dân thành
thị (NDT)
Thu nhập khả dụng
bình quân đầu người/ năm của cư dân nông
thôn (NDT) Chỉ số chênh lệch (cư dân nông thôn là 1) 1980 576,92 186,66 3,09 1981 655,08 219,92 3,02 1983 755,25 309,15 2,44 1984 847,43 353,91 2,39 1985 864,34 383,05 2,26 1987 1174,68 445,79 2,64 1988 1224,27 491,69 2,49 1989 1465,75 536,22 2,73 1990 1897,29 667,62 2,84 1992 2287,52 750,35 3,05 1993 2645,05 809,08 3,27 1995 3893 1578 2,97 1999 5754 2210 2,65 2000 6280 2253 2,97 2005 10493 3255 3,22 2006 11756 3587 3,28 2007 13786 4140 3,32 Nguồn: [37, tr. 138].
Đời sống của người nông thôn trong những năm gần đây không ngừng được cải thiện thể hiện ở chỗ hệ số Engel gia đình cư dân nông thôn năm 2002 là 46,25% giảm xuống còn 43,02% năm 2006 và năm 2007 do vật giá tăng nên hệ số Engel giữ ở mức 43,1%. Tỷ lệ người nghèo và người có thu nhập thấp ở nông thôn giảm dần theo từng năm, theo tiêu chuẩn thu nhập thuần bình quân đầu người dưới 683 NDT/năm, cuối năm 2005 dân số nghèo khổ ở nông thôn là 23.650.000 người so với năm 2004; theo tiêu chuẩn thu nhập thuần bình quân đầu người từ 684 NDT/ năm đến 944 NDT/năm, số người được coi là có thu nhập thấp ở nông thôn vào thời điểm cuối năm 2005 là 40.670.000 người, giảm 9.100.000 người so với năm 2004. Sang năm 2006, theo tiêu chuẩn dân số nghèo tuyệt đối ở nông thôn là 21.480.000 người, so với cuối năm 2005 giảm 2.170.000 người, tính theo tiêu chuẩn thấp từ 694/năm đến 958 NDT/năm, cuối năm số dân có thu nhập thấp ở nông thôn là 35.500.000 người, giảm 5.170.000 người so với cuối năm 2005. Đến năm 2007 tiêu chuẩn tính dân số nghèo tuyệt đối ở nông thôn được nâng lên là thu nhập bình quân đầu người dưới 785NDT/năm, số dân nghèo ở nông thôn vào thời điểm cuối năm là 14.790.000 người, so với cuối năm 2006 giảm 6.690.000 người, theo tiêu chuẩn thu nhập thấp là 28.410.000 người, giảm 7.090.000 người. Như vậy, dù mức chuẩn nghèo có tăng lên nhưng số người nghèo tuyệt đối vẫn giảm dần. Có tài liệu cho biết, 65% thành tựu xóa đói giảm nghèo trên thế giới thời gian qua là từ Trung Quốc [37, tr. 141].