Di sản thời kỳ thuộc Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở hàn quốc bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 90 - 92)

2.2. Đánh giá chung vấn đề giải quyết công bằng xã hội ở Hàn Quốc

2.2.3.3. Di sản thời kỳ thuộc Nhật Bản

Sau khi đạt được ách thống trị ở Hàn Quốc, Nhật Bản đã biến nền kinh tế Hàn Quốc thành “bộ phận phụ thuộc, sản xuất ở tầng thấp” và “không có quyền được hưởng lợi thế trong phân công lao động quốc tế chịu thiệt thòi trong trao đổi quốc tế” [8, 9]. Nhưng quá trình thống trị, nô dịch của Nhật về khách quan lại tạo ra những tiền đề cần thiết về vật chất - kỹ thuật, văn hoá - giáo dục và cả mô hình phát triển cho Hàn Quốc về sau. Người Nhật đã đầu tư lượng kinh phí, nguyên vật liệu đáng kể vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như áp dụng các phương pháp hiện đại (xây dựng hệ thống thuỷ lợi, cải tiến, lai tạo các giống lúa) để tăng năng suất phục vụ xuất khẩu sang chính quốc. Về công nghiệp, Nhật đã đưa công nghiệp nặng lên hơn 50% tỷ trọng toàn ngành. Trong các ngành chế tạo, xây dựng, số lao động kỹ thuật người Hàn Quốc đã chiếm tỷ lệ 19% còn trong các ngành kỹ thuật cao như luyện kim, hoá chất khoảng 10%. Đặc biệt, một bộ phận người Hàn Quốc dưới thời thuộc Nhật, tuy không nắm được các chức vụ hàng đầu trong những công ty lớn nhưng đã đứng đầu những công ty nhỏ làm ăn với công ty Nhật. Về văn hoá giáo dục, dù muốn hay không người Nhật vẫn có nhu cầu đào tạo tại chỗ những người bản xứ để phục vụ cho chính sách thống trị của họ, đồng thời phải quan tâm đến việc giảng dạy, đào tạo người Nhật và con em họ trên đất Hàn Quốc. Cho nên, người Nhật vẫn phải xây dựng hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo các cấp, cũng như đưa một số học sinh Hàn Quốc sang học tại Nhật. Thông qua Nhật Bản - một trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của Châu Á lúc đó, người Hàn Quốc đã tiếp thu, học hỏi

được ở Nhật bản rất nhiều điều để áp dụng trong việc hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế - xã hội về sau.

Trong quá trình phát triển của Hàn Quốc về sau, mô hình công nghiệp hoá của Nhật Bản cũng có ảnh hưởng đến mô hình phát triển của Hàn Quốc. Nhưng vấn đề quan trọng là mục tiêu của người Hàn Quốc: làm những gì người Nhật làm nhưng nhanh hơn và rẻ hơn.

Trên đây là một số nguyên nhân góp phần vào sự thành công của Hàn Quốc trong sự tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hiện công bằng xã hội, ổn định đời sống xã hội trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở hàn quốc bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 90 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)