Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
2.3. Các phương pháp nghiên cứu
2.3.1 Phương pháp chọn điểm nghiên cứu
- Chọn điểm nghiên cứu: Tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
Lý do: Huyện Ba Chẽ có diện tích mía tím lớn, đứng thứ 5 trong tỉnh. Nhân dân trên địa bàn huyện đã sản xuất mía tím từ nhiều năm trước, do đó đã tích lũy được kinh nghiệm để sản xuất mía tím. Tác giả đang công tác tại huyện Ba Chẽ nên rất am hiểu về tình hình phát triển kinh tế của huyện, trình độ sản xuất của nhân dân, do đó rất thuận lợi cho công tác thu thập số liệu điều tra.
- Chọn xã đại diện làm điểm nghiên cứu: Qua nghiên cứu thực tế chọn 3 xã đại diện làm điểm nghiên cứu, điều tra là xã Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn
Lý do: 3 xã này là những xã có diện tích mía tím tập trung lớn so với các xã khác (xã Đồn Đạc 45ha chiếm 39% diện tích mía tím của huyện, xã Thanh Sơn 13ha, chiếm 11,4% diện tích mía tím của huyện, xã Thanh Lâm 15 ha, chiếm 13,2% diện tích của huyện). Đại diện cho vùng sinh thái phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây mía tím. Đã có diện tích thu hoạch sản phẩm, đời sống nhân dân được nâng lên sau khi thu hoạch và bán sản phẩm mía tím.
2.3.2. Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp
Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp là phương pháp thu thập các thông tin, số liệu có sẵn đã được công bố, đảm bảo tính đại diện và khách quan của đề tài nghiên cứu. Những số liệu này mang tính tổng quát, giúp cho người nghiên cứu có bước đầu hình dung tình hình sản xuất, những vấn đề thuận lợi khó khăn mà người dân gặp phải. Các thông tin này thường được thu thập từ các cơ quan, tổ chức…
Trong phạm vi đề tài này, phương pháp thu thập thông tin thứ cấp sử dụng để có được các số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thống kê, UBND xã, cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp...
Thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp: Sử dụng phương pháp kế thừa và cập nhật từ các niên giám thống kê (chi cục thống kê), các báo cáo tổng kết, sách báo, tạp chí, truy cập mạng internet, số liệu thống kê của các phòng ban trong huyện, xã và các hộ sản xuất.
Trên cơ sở các số liệu đã thu thập tiến hành phân tích, đánh giá tìm ra xu hướng phát triển và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía tím.
2.3.3. Phương pháp thu thập thông tin sơ cấp
Để thu thập số liệu mới, tôi thực hiện phỏng vấn các hộ trồng mía tím bằng phiếu điều tra đã xây dựng. Thông qua các phương pháp trực tiếp tiếp
cận các hộ, các đối tượng có liên quan đến sản xuất, phát triển mía tím để hiểu biết thực trạng những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, những mong muốn, dự định trong tương lai của họ đối với sản xuất, từ đó có những nhận xét, đánh giá về thực trạng sản xuất và đưa ra các giải pháp cho đề tài. Phương pháp phỏng vấn sâu: Trao đổi, thảo luận với các cơ quan ban ngành liên quan tại huyện, xã...
Phiếu điều tra Để đảm bảo các yêu cầu đặt ra của luận văn, bên cạnh các thông tin phỏng vấn, thu thập tại huyện Ba Chẽ và các xã lựa chọn, chúng tôi thu thập các thông tin từ hộ nông dân gồm:
- Đặc điểm chung của hộ, điều kiện sản xuất của hộ, tình hình sản xuất, kinh tế của hộ;
- Thông tin về sản xuất mía tím của hộ gồm quy mô sản xuất, đầu tư cho sản xuất, quy trình kỹ thuật. Các thông tin về tiêu thụ sản phẩm như, giá bán, doanh thu, lợi nhuận của gia đình….
- Các thông tin định tính về những khó khăn mà hộ đang gặp phải và ảnh hưởng của chúng đến sản xuất mía của hộ.
- Các thông tin khác như khuyến nông, điểm mạnh điểm yếu của sản mía tím, ý kiến của người dân về chính sách của Nhà nước.
2.3.4. Phương pháp chọn mẫu điều tra
Sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo các bước sau:
- Bước 1: Chọn 3 xã để điều tra là xã Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn - Bước 2: Trong xã chọn số lượng 30 hộ có sản xuất mía tím lớn để điều tra, thu thập số liệu
- Bước 3: Chọn hộ để điều tra.
Chọn hộ điều tra: Do điều kiện về thời gian, kinh phí và cán bộ hỗ trợ, mỗi xã chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên 30 hộ điều tra. Thông qua trao đổi với cán bộ nông nghiệp các xã, tác giả xác định cụ thể các hộ điều tra. Tiêu chí cơ bản lựa chọn hộ như sau: Quy mô trồng, kinh nghiệm trồng để đảm bảo tính
đại diện tốt nhất cho mẫu khảo sát. Ngoài ra, một số tiêu chí khác tác giả cũng quan tâm và xem xét như khả năng cung cấp thông tin của hộ. Thông qua phiếu điều tra 90 hộ đã chọn nhằm phân tích thực trạng sản xuất, vốn, sử dụng lao động, nguồn nguyên liệu đầu vào, ý kiến đánh giá về các chính sách của địa phương, mức độ hài lòng về cơ sở vật chất phục vụ mía tím, những mong muốn kiến nghị của hộ tại thời điểm nghiên cứu.
2.3.5. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu
a) Phương pháp xử lý số liệu
Từ các nguồn số liệu điều tra, thu thập được trên địa bàn nghiên cứu, tôi tiến hành phân tích, tổng hợp và xử lý số liệu:
Thực hiện tổng hợp theo từng nội dung nghiên cứu từ phiếu điều tra thu được trong lần đi thực tế.
Thực hiện nhập số liệu đã tổng hợp vào máy tính, và xử lý bằng phương pháp toán học thông thường.
b) Phương pháp so sánh
Là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Dùng để so sánh các yếu tố định lượng hoặc định tính, so sánh các chỉ số chỉ tiêu, các hiện tượng kinh tế, xã hội đã được lượng hoá có cùng nội dung, tính chất tương tự nhau để xác định mức độ biến động của các nội dung.
Sử dụng phương pháp này ta tiến hành lập bảng để xét mức độ biến động tăng hay giảm của các chỉ tiêu theo thời gian, dùng số tuyệt đối, số tương đối, số bình quân chung để xem xét.
c) Phương pháp SWOT
Đây là phương pháp nhằm giúp cộng đồng có thể tự tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của địa phương nơi họ đang sinh sống.
Từ những kết quả phân tích đó có thể đề xuất hoặc đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm phát huy điểm mạnh, tận dụng cơ hội, đẩy lùi điểm yếu và vượt qua thách thức trong tương lai.