Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Bối cảnh chung
4.1.1. Bối cảnh của Việt Nam
Sau hơn 20 năm thực hiện đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt: Kinh tế phát triển; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước có phần đóng góp không nhỏ của mảng pháp luật về đất đai nói chung và pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho người sử dụng đất nói riêng, bởi lẽ, đất đai được xác định là một trong những yếu tố mang tính chất “đầu vào” của quá trình sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ. Trong quá trình đổi mới nền kinh tế - xã hội, cơ chế kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành, các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ và một xu hướng tất yếu về nguồn lực đầu vào cho sản xuất và sản phẩm đầu ra đều phải trở thành hàng hoá, trong đó đất đai cũng không phải là ngoại lệ. Sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội cũng như của đất nước, trước hết đặt ra phải xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kĩ thuật, hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống lưới điện quốc gia là điều kiện cơ bản để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc triển khai thực hiện các dự án đầu tư nếu không tiếp cận được vấn đề đất đai. Tuy nhiên, quỹ đất hiện nay được giao cho người sử dụng đất sử dụng ổn định lâu
dài vì vậy, để giải quyết “bài toán” đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội thì không thể tránh khỏi việc Nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất có bồi thường. Hơn nữa, đất đai cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác ở nước ta là có hạn trong khi đó, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng. Vì vậy áp lực của việc giải quyết hài hòa giữa lợi ích của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư đang là một vấn đề nhạy cảm và mang tính thời sự. Nhận thức rõ vấn đề này, Nhà nước ta đã không ngừng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong quan hệ thu hồi đất. Tuy nhiên, thực tế công tác tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, GPMB vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, phức tạp: Các bước trong quy trình tổ chức thực thi đôi khi bị lược bỏ bớt; năng lực, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ có trách nhiệm thực thi chính sách còn hạn chế; sự phối hợp và phân công trách nhiệm trong thực hiện chính sách còn có lúc chưa rõ ràng, chồng chéo; Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư dường như chưa tìm được “tiếng nói” chung về lợi ích; chính sách chưa giải quyết tốt vấn đề đảm bảo công ăn, việc làm cho người bị mất đất sản xuất... Đây là những nguyên nhân phát sinh tranh chấp, khiếu kiện đông người, vượt cấp về đất đai và là một trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, GPMB.
4.1.2. Bối cảnh của Quốc Oai
Trong quá trình thực hiện CNH-HĐH Quốc Oai đã có nhiều dự án như: các khu công nghiệp, nhà máy, các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng giao thông, công trình văn hóa thể thao, khu dân cư... đang được triển khai xây dựng một cách mạnh mẽ. Để thực hiện được các nhiệm vụ trên và mang tính khả thi thì mặt bằng đất đai là một trong những nhân tố quan trọng, quyết
định đến hiệu quả trong công tác đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến cả tiến trình CNH-HĐH của đất nước. Để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển các nghành kinh tế, công nghiệp, giao thông, xây dựng, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, xã hội, đào tạo.v.v. Nhà nước phải thu hồi đất của người sử dụng đất và phải bồi thường cho người bị thu hồi. Việc thực hiện bồi thường giữ vị trí hết sức quan trọng, là yếu tố có tính quyết định trong toàn bộ quá trình GPMB. Tuy nhiên tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn huyện hiện nay còn có nhiều khó khăn vướng mắc cả về mặt chủ quan và khách quan. Vì vậy, luận văn xin đưa ra một số kiến nghị và giải pháp sau: