1.3 Quản trị rủi ro tín dụng trong ngân hàng
1.3.1 Khái niệm rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng:
1.3.1.1 Khái niệm, các hình thức và phân loại rủi ro tín dụng:
Theo quy định tại Điều 2 Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành theo quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của thống đốc NHNN, “rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của TCTD do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết”. Như vậy, rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng là sự tổn thất, mất mát về tài chính mà ngân hàng phải gánh chịu do khách hàng vay vốn của ngân hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ theo cam kết hoặc việc khách hàng mất khả năng thanh toán.
Rủi ro tín dụng không chỉ giới hạn ở hoạt động cho vay, mà còn bao gồm nhiều hoạt động mang tính chất tín dụng khác của ngân hàng như bảo lãnh, cam kết, tài trợ thương mại... Rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng rất đa dạng, nó có thể là rủi ro bị ứ đọng vốn, rủi ro khi các tài sản bảo đảm tín dụng không còn giá trị như đánh giá ban đầu trước khi cho vay, rủi ro không thu hồi được nợ...
Có nhiều cách để phân loại rủi ro tín dụng, việc sử dụng cách phân loại như thế nào là tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu, mục đích quản lý. Đối với các NHTM, việc phân loại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng chính
sách, quy mô, thủ tục và cả mô hình tổ chức để đảm bảo rằng các yếu tố làm phát sinh rủi ro được nhận biết một cách đầy đủ và phân biệt trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ phận, giữa các khâu. Nếu phân loại theo đối tượng sử dụng thì có thể chia rủi ro tín dụng làm 3 nhóm chính là: rủi ro khách hàng cá thể, rủi ro công ty/tổ chức kinh tế, rủi ro quốc gia hay khu vực địa lý. Nếu phân theo phạm vi thì có thể chia rủi ro ra làm hai loại là rủi ro giao dịch đơn lẻ (rủi ro gắn với giao dịch cụ thể nào đó) và rủi ro hệ thống (rủi ro gắn với một nhóm khách hàng). Nếu phân loại theo giai đoạn phát sinh rủi ro thì có thể có các loại rủi ro: rủi ro thẩm định, rủi ro cho vay, rủi ro trong khi quản lý, thu nợ...
1.3.1.2 Khái niệm và mục tiêu của công tác quản trị rủi ro tín dụng:
Quản trị rủi ro tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách quản lý, kinh doanh tín dụng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và giảm thấp nợ quá hạn, nợ xấu nhằm đạt được các mục tiêu an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng, và phát triển bền vững đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng. Quản trị rủi ro tín dụng phải hướng vào việc đảm bảo hiệu quả của hoạt động tín dụng và không ngừng nâng cao chiến lược hoạt động tín dụng ngay cả trong những điều hiện thị trường đầy biến động, nguy cơ rủi ro không ngừng gia tăng. Việc quản lý rủi ro tín dụng tốt giúp đảm bảo mức độ rủi ro tín dụng mà ngân hàng gánh chịu không vượt quá khả năng về vốn và tài chính của ngân hàng.