Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến đường đi của công nghệ xuống đồng ruộng là cơ sở hạ tầng, mà khi nói đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp có nghĩa là nói tới các hạng mục công trình như: đường giao thông (liên đồng, liên thôn, liên xã, liên huyện…), hệ thống thuỷ lợi (các công trình thuỷ nông tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp), hệ thống điện, công nghệ thông tin,… Sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động ứng dụng KHKT&CN vào nông nghiệp. Ở vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, tức là đường liên thôn, liên xã nói chung, giao thông nội đồng nói riêng nhiều và tốt, đi lại được trong mọi điều kiện thời tiết thì việc đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng thuận tiện hơn, có tốc độ nhanh hơn. Điều đó giải thích tại sao, ở các vùng như Tây Nguyên, trung du miền núi phía bắc lại có tỷ lệ ứng dụng máy móc thấp hơn các vùng khác. Lý do cơ bản nhất chính là do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Thêm vào đó, đặc thù về ruộng bậc thang tại vùng này cũng hạn chế không nhỏ đến việc áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.
1.2.4. Qui mô ruộng đất
Nguồn đất sản xuất nông nghiệp từ các nông hộ đều được Nhà nước cấp quyền hợp pháp ổn định lâu dài. Quỹ đất đó bao gồm đất ruộng, đất màu, đất vườn, đất bãi, đất nông lâm kết hợp, đất mặt nước. Đối với việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp trên quỹ đất của mỗi hộ thì qui mô ruộng đất có ảnh hưởng không nhỏ:
Bảng 1.2.1. Ảnh hưởng của quỹ đất nông nghiệp trong nông hộ đến việc áp dụng kỹ thuật mới
Quỹ đất (m2/hộ) T/lệ nhóm ADKT mới (%)
T/lệ nhóm không ADKT mới (%)
T/lệ nhóm ADKT mới hiệu quả (%)
Dưới 410 12,40 87,60 4,22 410 - 720 26,80 73,20 10,50 721 - 1280 48,52 51,48 26,80 1281 - 1700 55,20 44,80 45,00 1701 - 2160 61,75 58,25 49,60 2161 - 3240 73,90 26,10 60,65
Nguồn: Nguyễn Huy Trí (4/2007), “Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới của nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hoá ở vùng đồng bằng sông Hồng”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ 1, tr.9.
Từ kết quả của bảng cho thấy, quỹ đất của nông hộ càng cao thì khả năng áp dụng kỹ thuật mới càng lớn. Quỹ đất nông hộ dưới 410 m2 thì tỷ lệ áp dụng kỹ thuật mới chỉ đạt 12,40%. Khi quỹ đất tăng lên1700 m2/hộ thì khả năng áp đụng tiến bộ kỹ thuật mới đã tăng lên 55,20%, và cao nhất là 73,90% với qũy đất từ 2161m2 - 3240m2. Nhóm nông hộ có quỹ đất từ 411m2 đến 1080 m2, tỷ lệ hiệu quả áp dụng kỹ thuật mới là 30% đến 55%. Nhưng khi quỹ đất bình quân hộ từ 1081 m2 lên 3240 m2 thì tỷ lệ hiệu quả của áp dụng kỹ thuật mới đã tăng từ 55% lên 82%. Như vậy, khi nền nông nghiệp đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng hoá, người nông dân cần phải được tăng dần quỹ đất nông nghiệp của họ để tăng giá trị sản xuất nông sản. Việc dồn điền đổi thửa đang diễn ra hiện nay trong nông nghiệp là thể hiện thực trạng của xu thế đó.