phát triển nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển, được xác định là trung tâm của các tỉnh phía Nam sông Hồng, có một vị trí địa lý rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Với vị trí cách Thủ đô Hà Nội 90km và gần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Dương - Hưng Yên - Hải Phòng - Quảng Ninh), tỉnh Nam Định có nhiều điều kiện và cơ hội để nhận chuyển giao công nghệ từ các trung tâm phát triển của cả nước.
Nam Định có diện tích tự nhiên 1649.9km2 bằng 0,5% diện tích cả nước và 11,12% diện tích đồng bằng Bắc Bộ; đứng thứ 57 về diện tích trong số 61 tỉnh thành cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 115.174,2ha, chiếm tới 63,8%, đất phi nông nghiệp: 46.247,7ha, đất chưa sử dụng: 3.583,5ha [8, tr.10]. Vùng đồng bằng của tỉnh Nam Định khá rộng là điều kiện thuận lợi để nông dân ứng dụng các thành tựu của KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nhất là cơ giới hoá các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển.
Bờ biển của tỉnh dài 72km thuộc 3 huyện (Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ). Tốc độ bồi tụ bình quân trên 400 ha/năm. Vùng đất ven biển phì nhiêu. Đất nông nghiệp có tầng canh tác khá dầy, phì nhiêu màu mỡ, hàm lượng dinh dưỡng khá cao và còn nhiều khả năng mở rộng diện tích gieo trồng bằng tăng vụ,
lấn biển, nguồn lợi thuỷ sản phong phú cả ở vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nước biển có độ mặn khá cao thuận lợi cho sản xuất muối.
Điều kiện phát triển nông nghiệp của tỉnh Nam Định không đều. Tại các huyện phía Bắc, địa hình có độ chênh lệch khá lớn, đất đai kém mầu mỡ, tưới tiêu khó khăn. Ngoài lúa là cây trồng chính thì các huyện này còn có khả năng phát triển các loại cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Tại các huyện phía Nam của tỉnh điều kiện phát triển nông nghiệp thuận lợi hơn. Đây là vùng có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, có hệ thống thuỷ lợi đồng bộ, nguồn nước tưới là phù sa sông Hồng, tưới tiêu khá chủ động thuận lợi cho thâm canh lúa nước. Đặc biệt tại đây có tiềm năng sản xuất lúa với năng suất cao, sản lượng lớn, trong đó có vùng sản xuất lúa đặc sản.
Nam Định cũng cũng có điều kiện phát triển các loại rau màu và đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản. Với 72km chiều dài bờ biển, Nam Định có điều kiện để phát triển ngành thuỷ sản, bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng. Hàng năm, sản lượng thuỷ sản khai thác cả tỉnh đạt khoảng 31.683 tấn, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt hơn 30.000 tấn [4, tr.30].
Có thể thấy, Nam Định có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do nằm trong vùng duyên hải nên bão, úng lụt vẫn là mối đe doạ thường xuyên, nhiều khi gây thiệt hại mùa màng, đặc biệt là đối với một số huyện phía bắc của tỉnh (do địa hình trũng).
2.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội
2.1.2.1. Đặc điểm kinh tế
Nam Định là tỉnh có nền kinh tế tương đối phát triển trong cả nước, tổng sản phẩm GDP của tỉnh năm 2008 đạt 19.409.668 triệu đồng (chiếm 1,3% tổng GDP cả nước), bình quân đầu người đạt 9,7 triệu đồng/năm (cả nước là 17 triệu đồng/năm) [40]. Những năm gần đây, kinh tế Nam Định đã có sự phát triển theo
hướng hiện đại. Trong cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Những năm gần đây khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng gần gấp 2 lần mức tăng chung, đóng góp vào mức tăng chung tổng sản phẩm GDP toàn tỉnh. Kinh tế tăng trưởng nhanh là điều kiện để tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập tăng lên đến lượt nó lại thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất như mua sắm máy móc nông nghiệp, áp dụng các phương pháp tiên tiến tại khắp các vùng nông thôn.
2.1.2.2. Đặc điểm xã hội
Nam Định là tỉnh có dân số đông. Tính đến năm 2008 tỉnh Nam Định có 2.000.160 người, mật độ 1.211 người/km2.Trong đó dân cư ở nông thôn là 1.656.341 người, chiếm 82,8% dân số của tỉnh. Đây là nguồn lao động bổ sung quan trọng cho tương lai.
Dân số ở độ tuổi lao động chiếm 50% tổng dân số, trong đó có 84,7% lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Năm 2008, lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản có 707.090 người, chiếm 70,2% tổng lao động xã hội, giảm 4,3% so với năm 2000, trong đó lao động nông nghiệp thuần chiếm 95%, lâm nghiệp chiếm 0,07% và lao động trong lĩnh vực thuỷ sản chiếm 4,93% [3, tr20].
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tuy nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, lại gần với thành phố Hà Nội (trung tâm văn hoá và kỹ thuật lớn nhất cả nước) nhưng trình độ về chuyên môn kỹ thuật của nông dân tỉnh Nam Định còn rất thấp.
Bảng 2.1.1. Cơ cấu lao động nông nghiệp phân theo trình độ chuyên môn Trình độ chuyên môn 2001 (%) 2006 (%) 2008 (%) 2008 so với 2001(%) Chưa qua đào tạo và không có bằng
chứng chỉ chuyên môn 93,54 91,90 89,02 - 4,52
Sơ cấp, công nhân kỹ thuật 2,62 3,51 4,81 2,19
Trung cấp 2,22 2,64 3,64 1,42
Cao đẳng 1,05 1,24 1,64 0,59
Đại học trở lên 0,58 0,71 0,89 0,31
Nguồn: Cục Thống kê Nam Định (2009), Niên giám thống kê tỉnh Nam Định 2008.
Hiện nay, chỉ có khoảng 10% tổng số lao động nông nghiệp được đào tạo, với trình độ từ sơ cấp trở lên, trong đó trung, sơ cấp chiếm đến 6 - 7%. Trình độ người sản xuất nông nghiệp như vậy đã hạn chế không nhỏ đến việc đưa tiến bộ KHKT nông nghiệp vào đồng ruộng.
2.1.2.3. Đặc điểm hệ thống cơ sở hạ tầng
Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định hội tụ đủ các điều kiện về hệ thống giao thông (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường biển) nên rất thuận tiện cho việc phát triển sản xuất và giao lưu kinh tế với các tỉnh trong nước cũng như nước ngoài. Hệ thống giao thông đường bộ tại Nam Định bao gồm các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, và đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài 6.688,2km. Các trục đường quốc lộ qua tỉnh đã được đầu tư nâng cấp; 80% đường liên huyện, liên xã, liên thôn đạt chất lượng tốt. Trong những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư làm mới, cải tạo, nâng cấp với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Toàn tỉnh đã nhựa/bê tông hoá
được rất nhiều đường liên thôn trên địa bàn các xã. Tỷ lệ này năm 2008 lên đến 40%. Nếu so với cả nước về tỷ lệ xã có đường liên thôn được nhựa/bê tông hoá từ 75% đến 100%, tỉnh Nam Định có tỷ lệ cao thứ 2 với 81,02%, sau thành phố Đà Nẵng với 81,82%. Hệ thống giao thông đường thuỷ tại Nam Định qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào, sông Đáy với tổng chiều dài khoảng 1074km và giao thông đường sắt với 42 km chiều dài qua 5 ga [4, tr.11]. Đó là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Nam Định nhận chuyển giao và ứng dụng các thành tựu KHKT vào sản xuất nông nghiệp.