CHƯƠNG 2 : THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
2.3. Thực trạng công tác phát triển nguồn nhân lực tại công ty
2.3.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác phát triển NNL tại Công ty
2.3.1.1. Nhân tố bên ngoài
Trong mối tương tác của rất nhiều các nhân tố bên ngoài thì có thể kể đến một số nhân tố điển hình ảnh hưởng đến công tác đào tạo và phát triển của Thảo Trung bao gồm: khách hàng, đối thủ cạnh tranh và khoa học kỹ thuật công nghệ.
* Tác động đến từ khách hàng: Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có ảnh hưởng lớn đến chiến lược đào tạo và phát triển nhân viên của Công ty. Những năm trước đây, khi kinh tế thế giới chưa khủng hoảng và Việt Nam tổ chức kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Khi đó, nhu cầu xây dựng các công trình giao thông lên cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Thảo Trung mở rộng phạm vi kinh doanh và loại hình sản phẩm dịch vụ để cung cấp tới khách hàng. Để thực hiện chiến lược này, Công ty phải đào tạo và phát triển được đội ngũ nhân viên phù hợp để thực hiện mục tiêu kinh doanh đề ra. Năm 2012 và những năm tiếp theo, tình hình kinh tế khó khăn, Thảo Trung chứng kiến tình trạng ngày càng khó khăn về khả năng thanh toán
của các khách hàng lớn, điển hình là sự suy giảm của các Công ty lớn của nhà nước như Cenco124, Cenco128,... Công ty này đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không còn khả năng trả nợ. Đây là một trong những vấn đề để Công ty phải thay đổi chính sách kinh doanh của mình theo hướng thu gọn lại phạm vi kinh doanh, tinh giảm lực lượng lao động của Công ty. Do vậy hoạt động đào tạo và phát triển nhân viên cũng bị ảnh hưởng theo hướng giảm tốc độ tuyển nhân viên, kỹ sư về số lượng.
* Tác động đến từ đối thủ cạnh tranh: Yếu tố cạnh tranh luôn là yếu tố cần thiết và phải đương đầu của các doanh nghiệp trên thị trường. Đương đầu với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp một mặt phải tranh nhau về thị phần khách hàng, một mặt gìn giữ những lao động chất lượng cao tạo lợi thế riêng cho mình. Nếu Thảo Trung không tiếp tục có chính sách đào tạo tốt thì chất lượng nhân lực của Công ty sẽ dần đi xuống, khó thích ứng được với nhu cầu của thị trường, của khách hàng. Nếu Công ty không chú trọng đến vấn đề phát triển nhân viên thì nhân viên sẽ mất dần động lực làm việc và nguy cơ mất lao động chủ chốt vào tay đối thủ cạnh tranh sẽ là tất yếu. Ngược lại, xây dựng chính sách đào tạo và phát triển nhân viên hợp lý giúp cho Công ty duy trì lực lượng lao động ổn định với chất lượng ngày càng cao.
* Tác động từ vấn đề kỹ thuật – công nghệ ngày nay
Thảo Trung là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng với hàm lượng công nghệ không cao nhưng sử dụng phải thực sự khéo léo và cẩn thận vì sử dụng sai quy trình sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ với những bước đột phá. Các biến động và thay đổi từ yếu tố này ảnh hưởng lớn đến sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ Công ty cung cấp cho khách hàng. Nếu như trước đây, khách hàng của Công ty sử dụng nhiều phương pháp thủ công thì ngày nay với các công nghệ hiện đại đã và đang thay đổi chiến lược về sản phẩm của Công ty. Như vậy Công ty sẽ
cần đến nguồn vốn lớn để đầu tư cho công nghệ mới đặc biệt là đầu tư vào con người để đón đầu phát triển công nghệ. Các yếu tố trên đòi hỏi công tác đào tạo và phát triển nhân lực phải sản sinh ra lớp kỹ sư có năng lực chuyên môn phù hợp để thực hiện các dự án mới.
2.3.1.2. Nhân tố bên trong
* Ảnh hưởng đến từ Tầm nhìn Thảo Trung
Các hướng kinh doanh của Công ty Thảo Trung hiện nay đều được định hướng thực hiện theo tầm nhìn chung mà Công ty đã đề ra : “Trở thành nhà thầu chuyên nghiệp về tư vấn và xây dựng giao thông đường bộ tại Việt Nam với một đội ngũ tài năng, nhiệt huyết và tận tụy với khách hàng”. Có thể thấy, ngay trong tầm nhìn mà Công ty đề ra, Thảo Trung đã xác định được công cụ để đạt được mục đích của mình là nhờ vào đội ngũ lao động tài năng, nhiệt huyết và tận tụy với khách hàng. Do vậy, công tác giáo dục và đào tạo của Công ty phải được thiết kế và thực hiện theo như mục tiêu tầm nhìn đề ra.
* Yếu tố tài chính
Yếu tố tài chính đóng vai trò quan trọng đối với bất kỳ một chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Tình hình tài chính của Công ty và chi phí cho việc đào tạo hàng năm quyết định phần lớn đến phương pháp cũng như chất lượng đào tạo. Ngân sách dành cho đào tạo lớn cho phép Công ty tổ chức các khóa học với chất lượng cao, giảng viên tốt hơn, địa điểm đào tạo lý tưởng hơn, trang thiết bị hiện đại hơn…Ngược lại, khi Công ty đang gặp khó khăn về tài chính, các chương trình đào tạo sẽ được định hướng theo chiều hướng cắt giảm chi phí với những điều kiện đào tạo cơ bản nhất. Bên cạnh đó, những chính sách tuyển dụng và phát triển nhân viên cũng sẽ gặp nhiều hạn chế. Khi một vị trí nhân viên được phát triển lên cấp độ quản lý hoặc công việc khác có tính chất phức tạp hơn cũng đồng nghĩa với việc Công ty sẽ phải dự trù khoản chi phí phát sinh cho việc tăng lương, việc
tuyển dụng hoặc thuyên chuyển vị trí khác thay thế vào vị trí còn trống. Hiện nay với nền kinh tế đang phát triển chậm lại thì việc phát triển nguồn nhân lực càng trở nên khó khăn hơn.