5. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Các nguồn tài nguyên
*Tài nguyên đất:Thành phố Hải Phòng có những loại đất chủ yếu sau:
- Đất cát và cát biển (C): Có diện tích 670 ha chiếm 0,44% diện tích tự nhiên của Thành phố, phân bố ở các huyện Cát Hải, Tiên Lãng và quận Hải An. Thành phần cơ giới từ cát đến cát pha, đất thấm và thoát nước nhanh, nghèo sét vật lý. Hàm lượng mùn thấp (0,1- 0,2%), chất hữu cơ phân giải nhanh. Đạm, lân, kali tổng số đều rất nghèo. Đất thường có phản ứng trung tính (PH từ 7 - 7,5%). Loại đất này có thể sử dụng trồng cây ngắn ngày như: khoai lang, đậu, lạc... nhưng năng suất cây trồng không cao, chủ yếu để trồng phi lao chắn gió, chắn cát bay, cát lấp. Từ đó xác lập sự đồng thuận đối với các dự án liên quan sử dụng nguồn tài nguyên này tại các Quận, huyện kể trên.
- Đất mặn sú vẹt đước (Mm): Có diện tích 8.284 ha chiếm 5,44% diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo bờ biển và các cửa sông thuộc các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thuỷ Nguyên, Cát Hải, quận Đồ Sơn và quận Hải An. Đất được hình thành trong điều kiện bồi lắng phù sa và ngập mặn, có nhiều cây sú vẹt mọc nên tích luỹ nhiều sản phẩm hữu cơ. Đất có thành phần cơ giới nặng, lân tổng số từ nghèo đến trung bình (0,05 - 0,1%), lân dễ tiêu nghèo (3 - 8 mg/100g đất), can xi trao đổi thấp (4 - 6mg/100g đất). Đất này được sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng ngập mặn.
- Đất mặn nhiều (Mn): Có diện tích 4.031 ha chiếm 2,65% diện tích tự nhiên. Phân bố ở địa hình thấp thuộc các huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên và quận Đồ Sơn. Đất có thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, càng gần cửa sông đất càng nặng, Kali tổng số nghèo (0,05 - 0,25%). Đất có phản ứng trung tính đến chua ít (PH từ 5,5 -7), hàm lượng muối từ (1 - 2,2%). Đạm tổng số trung bình (0,1 - 0,18%), lân tổng số nghèo đến khá (0,05 - 0,15%). Đất này được sử dụng nuôi trồng thuỷ sản, sau khi quai đê có thể cải tạo trồng lúa.
- Đất mặn trung bình và mặn ít (M): Có diện tích 10.879 ha chiếm 7,15% tổng diện tích tự nhiên. Phân bố tập trung ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên và rải rác ở các nơi khác. Đất có phản ứng trung tính hoặc ít chua ở tầng mặt, càng xuống sâu đất trở nên có phản ứng kiềm do tích luỹ nhiều muối hơn. Phần lớn loại đất này đang được sử dụng trồng lúa. Ở địa hình cao có thể trồng lúa, màu, ở địa hình thấp cần phải đắp đê ngăn nhiễm mặn và sử dụng nước ngọt rửa mặn cải tạo đất.
- Đất phèn (S): Có diện tích 5.507 ha chiếm 3,62% diện tích tự nhiên phân bố tập trung ở Kiến Thụy, Hải An nơi có địa hình thấp trũng, khó thoát nước, trong đất tích luỹ nhiều xác hữu cơ, tích tụ nhiều lưu huỳnh có màu vàng rơm điển hình. Đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, phản ứng đất rất chua (PH<4), nhôm di động khoảng 40 mg/100 g đất, hàm lượng mùn ở các tầng trên thường trung bình hoặc khá. Đạm tổng số trung bình (0,1 - 0,13%), lân tổng số nghèo (0,03 - 0,07%). Đất thích hợp cho việc trồng lúa cho năng suất cao.
- Đất phèn mặn (Sm): Có diện tích 24.688 ha chiếm 16,22% diện tích tự nhiên phân bố ở tất cả các huyện, trên địa hình thấp, trũng tiếp giáp với nước biển hoặc sông nước lợ, nước mặn. Đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng. Phần lớn loại đất này thích hợp cho việc trồng lúa, năng suất khá cao tuy nhiên phải chủ động nước tưới và bón nhiều vôi để cải tạo đất.
- Đất phù sa được bồi hàng năm (Pb): Có diện tích 968 ha, chiếm 0,64% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở Vĩnh Bảo, An Lão ở địa hình ngoài đê các sông lớn. Hàng năm đất được bồi đắp một lượng phù sa từ nước sông trong mùa mưa. Đất có thành phần cơ giới cát pha đến thịt trung bình, hàm lượng mùn nghèo, hàm lượng đạm tổng số nghèo đến trung bình (0,05 - 0,1%), lân tổng số và kali tổng số khá (P2O5 từ 0,12 - 0,15%, K2O từ 0,2 - 0,4%). Loại đất này thường được dùng trồng các loại cây ngắn ngày như rau, màu cho năng suất cao.
- Đất phù sa không được bồi hàng năm (P): Có diện tích 9.826 ha chiếm 6,46% diện tích tự nhiên phân bố rải rác ở các huyện: An Lão, Kiến Thuỵ, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên trên các địa hình vàn, vàn cao. Đất có thành phần cơ giới trung bình, hàm lượng dinh dưỡng khá, đất có phản ứng chua (PH từ 4,5 - 5,5), hàm lượng mùn trung bình (1 - 2 %), đạm tổng số khá (0,15 - 0,17%), lân tổng số trung bình (0,12- 0,14%), kali tổng số khá (0,2 - 0,4%). Đây là loại đất tốt, được sử dụng canh tác nhiều vụ trong năm, trồng lúa, rau màu cho năng suất cao.
- Đất phù sa glây (Pg): Có diện tích 9.871 ha chiếm 6,48% diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, Thuỷ Nguyên...trên địa hình thấp trũng, khó thoát nước. Đất có thành phần cơ giới nặng, phản ứng chua (PH từ 4 - 5), hàm lượng đạm trung bình (0,1 - 0,15%), kali tổng số khá (0,2 - 0,4%), lân dễ tiêu nghèo (dưới 8mg/100g đất). Loại đất này thường được sử dụng trồng 2 vụ lúa trong năm.
- Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng: Có diện tích 4.546 ha chiếm 2,99% diện tích tự nhiên, phân bố ở các huyện Vĩnh Bảo, An Lão, Thuỷ Nguyên trên địa hình vàn, vàn cao. Đất có thành phần cơ giới trung bình hoặc nhẹ, trong đất tích luỹ nhiều sắt, nhôm thành vệt loang lổ, có nơi thành kết von, hàm lượng dinh dưỡng khá. Đất thường được sử dụng để trồng 2 vụ lúa 1
vụ mùa hoặc chuyên màu năng suất tương đối khá, cần chú ý tưới vào mùa khô.
- Đất phù sa úng nước (Pj): Có diện tích 234 ha chiếm 0,15% diện tích tự nhiên, phân bố rải tác ở Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng ở địa hình trũng, úng nước, glây toàn phẫu diện. Đất có thành phần cơ giới nặng, phản ứng chua (PH từ 4 - 5), hàm lượng mùn khá, đạm tổng số khá, lân tổng số trung bình, kali tổng số khá. Loại đất này thường bị ngập úng vào mùa mưa nên thường chỉ gieo cấy một vụ lúa đông xuân.
- Đất dốc tụ (D): Có diện tích 473 ha chiếm 0,31% diện tích tự nhiên, phân bố ở Cát Hải ở địa hình thung lũng xen kẽ giữa các dãy núi. Đất này ít có ý nghĩa cho sản xuất vì phân tán ở các địa hình hiểm trở.
- Đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs): Có diện tích 135 ha chiếm 0,09% diện tích tự nhiên, phân bố ở dãy đồi sót ở Thuỷ Nguyên. Đất có tầng mỏng, nghèo dinh dưỡng, thành phần cơ giới nặng, đất có phản ứng chua (PH từ 4 - 5), hàm lượng mùn nghèo hoặc trung bình, đạm tổng số nghèo (< 0,12%), lân tổng số nghèo (< 0,1%), kali tổng số nghèo (0,15%).
- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq): Có diện tích 1.312 ha chiếm 0,86% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở huyện Thuỷ Nguyên, một ít ở quận Đồ Sơn. Đất có độ dốc lớn trên 150, tầng đất mỏng, nghèo dinh dưỡng, phản ứng chua (PH từ 3,5 - 4,5), hàm lượng mùn nghèo, đạm và lân tổng số nghèo.
- Đất nâu vàng trên đá vôi (Fn): Có diện tích 502 ha chiếm 0,33% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở huyện Cát Hải, xen giữa các dãy núi đá vôi với diện tích tích hẹp, phân tán, thường có tầng đất mỏng. Đất có thành phần cơ giới nặng, phản ứng ít chua (PH từ 5 - 5,5), mùn trung bình (1 - 2%), đạm tổng số trung bình hoặc nghèo (0,08 - 0,12%), lân tổng số trung bình đến khá (0,15 - 0,2%), kali tổng số nghèo (0,1 - 0,15%). Loại đất này không có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp, chủ yếu để tu bổ, phục hồi và trồng rừng.
- Đất xói mòn trơ sỏi đá (E): Có diện tích 67 ha chiếm 0,04% diện tích tự nhiên tập trung ở Kiến An. Đất có độ dốc lớn và tầng mỏng dưới 30 cm, nghèo dinh dưỡng do bị rửa trôi, xói mòn trơ sỏi đá.
- Các loại đất khác: Có diện tích 70.217 ha chiếm 46,13% diện tích tự nhiên, bao gồm: Đất phi nông nghiệp, sông suối, núi đá...
Với nguồn Tài nguyên đất đa dạng, phức tạp như trên để phương án quy hoạch sử dụng đất hiệu quả hơn nữa trong thời kỳ tới Thành Phố Hải Phòng cần một dự án đánh giá tổng quan chất lượng nguồn tài nguyên đất để xác định các phương án sử dụng đất hợp lý, khả thi.
* Tài nguyên nước:
-Nguồn nước mặt sông, suối: Với lượng mưa khá lớn, trung bình 1.747 mm/năm, hệ thống sông ngòi kênh đào dày đặc trong đó có những sông lớn như sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình... có thể nói nguồn nước mặt của Hải Phòng khá dồi dào. Tuy nhiên nguồn nước mặt phân bổ không đều trong năm. Mùa hè tập trung đến 85% lượng mưa năm, các sông đầy nước khi có mưa lớn và gặp triều cường, làm cho nhiều nơi bị ngập, úng; trong khi mùa đông lượng mưa chỉ chiếm 15% lượng mưa năm, các dòng sông cạn kiệt, khi thuỷ triều lên đẩy nước mặn thâm nhập sâu làm cho nước sông bị nhiễm mặn không sử dụng để tưới cho cây trồng được.
Nguồn nước mặt ở Hải Phòng tương đối phong phú (trữ lượng 34 triệu m3) được cung cấp bởi các nhánh sông.
Về mùa mưa, do dòng chảy lớn nên hầu hết nước trong các sông đều thích hợp để lấy nước vào hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất.
Về mùa khô, nước trong các sông đều bị nhiễm mặn. Chỉ một phần các đoạn sông phía thượng nguồn mới có khả năng cung cấp nước ngọt.
- Nguồn nước ngầm: Hải Phòng có hai tầng nước ngầm trong lớp trầm tích kỷ đệ tứ. Tầng thứ nhất là nước nằm trong các lớp sét pha bùn có dạng thấu kính và nước nằm trong lớp cát, cuội, sỏi, chiều dày trung bình 18 m. Nước ở tầng này có trữ lượng nhỏ, chất lượng kém. Tầng thứ hai nằm giữa lớp sét và lớp đá gốc, trữ lượng khá tuy nhiên phân bổ không đều. Nước ngầm ở vùng gần cửa sông và biển có nhiều ion ở dạng tự do gây ăn mòn và phá hoại công trình. Nguồn nước ngầm chỉ có ở núi Đèo Thuỷ Nguyên, khu vực Quán Trữ, Kiến An và Cát Bà chất lượng nước ngầm khá tốt tuy nhiên chỉ phân bố trên diện nhỏ.
- Nguồn nước mặn: Hải Phòng có 129 km bờ biển và 1250 hải lý vuông thềm lục địa, do đặc điểm về địa lý nên có nguồn nước mặn phong phú
* Đánh giá chung về tình hình nguồn nước:
Hệ thống thuỷ lợi của thành phố trong những năm qua đảm bảo đủ nguồn nước tưới, tiêu đáp ứng nhu cầu thâm canh năng suất cây trồng. Cấp nguồn nước phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế dồi dào (trữ lượng 34 triệu m3 của 3 sông Rế, Giá, Đa Độ). Tuy nhiên vào những ngày nước kém hệ thống thuỷ lợi thiếu nước, chất lượng nguồn nước chưa đạt yêu cầu, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng do:
+ Chất thải từ thượng nguồn của các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp thượng nguồn dồn về.
+ Nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chứa dư lượng hoá chất BVTV, phân bón hoá học ..v..v..
+ Các nguồn nước thải, rác thải, chất thải sinh hoạt từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, công nghiệp, y tế và từ các hoạt động khác xả thải trực tiếp vào nguồn nước.
+ Các loại chất thải từ hoạt động giao thông thuỷ, bộ: xăng, dầu, mỡ và các loại hoá chất độc hại
+ Các chất thải sinh hoạt ven các sông.
Trong giai đoạn tới việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của các công trình dự án cần phải quản lý chặt chẽ việc khoan thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên nước nói chung.
* Tài nguyên rừng: Hải Phòng hiện có 21.146,77 ha đất rừng, đặc biệt có vườn quốc gia Cát Bà với diện tích 16.196,80 ha, trong đó có khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng 570 ha, ở đây có tới 745 loài thực vật bậc cao thuộc 465 dòng và 149 họ thực vật, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: Lát hoa, kim giao, đinh... Rừng ngập mặn ven biển có ở các huyện Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, Cát Hải và quận Hải An. Rừng trồng trên đồi núi có ở các huyện Thuỷ Nguyên, Kiến Thụy, Kiến An, An Lão và Đồ Sơn. Thảm rừng ngập mặn ven biển gồm những loại cây thuộc họ đước, bần, bàng... Hệ động vật rừng tuy không phong phú nhưng cũng khá đa dạng với 20 loài thú, 69 loài chim, 15 loại bò sát... Rừng Hải Phòng ngoài các giá trị về kinh tế và tác dụng phòng hộ, còn là đối tượng hấp dẫn và là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng, thắng cảnh và nghiên cứu khoa học. Với diện tích rừng không phải quá rồi rào do đó phương án quy hoạch sử dụng đất cần loại bỏ các dự án chuyên ngành sử dụng nhiều diện tích đất rừng để đảm bảo lá phổi của Thành Phố Hải Phòng phát huy hiệu quả nhất định trong việc điều hòa không khí và môi trường.
* Tài nguyên khoáng sản: Theo kết quả điều tra trên địa bàn của thành phố Hải Phòng có các loại khoáng sản sau:
- Đá vôi: có ở Tràng Kênh, Cát Bà, Phi Liệt, Phà Đụn...trong đó tập trung chủ yếu ở Tràng Kênh với trữ lượng 180 - 200 triệu tấn. Đá vôi có chất lượng tốt, rất thích hợp cho sản xuất xi măng. Trữ lượng đá vôi của Hải Phòng cho phép phát triển công nghiệp sản xuất xi măng với quy mô khoảng 4 - 5 triệu tấn/năm.
- Puzơlan (chất phụ gia): có ở Pháp Cổ có trữ lượng trên >1 triệu tấn được khai thác làm chất phụ gia sản xuất xi măng.
- Cát: tập trung chủ yếu ở các vùng bãi giữa sông và bãi biển thuộc các huyện Cát Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ và quận Đồ Sơn.
- Đất sét: phân bố ở Tiên Hội, Chiến Thắng, Kiến Thiết (Tiên Lãng), Tân Phong (Kiến Thuỵ), Lưu Kiếm, Minh Đức, Mỹ Đồng (Thuỷ Nguyên).
- Các loại khoáng sản khác: nước khoáng ở Bạch Đằng (Tiên Lãng); sắt ở Dương Quan, Dương Chính (Thuỷ Nguyên); kẽm ở Cát Bà, sa khoáng ở ven biển Cát Hải và Tiên Lãng; cao lanh ở Doãn Lại (Thuỷ Nguyên); phốt phát ở đảo Cát Bà; dầu khí ở thềm lục địa Hải Phòng (thềm lục địa Hải Phòng chiếm 1/4 diện tích đệ tam vịnh Bắc Bộ, có bề dày 3.000 m). Việc thẩm định các dự án khai thác khoảng sản cần bán vào khu vực điều tra như trên để đảm bảo phương án quy hoạch sử dụng đất hiệu quả
* Tài nguyên biển: Vùng biển Hải Phòng nằm ở vị trí trung tâm vịnh Bắc Bộ với 3 ngư trường lớn, là ngư trường Bạch Long Vĩ, ngư trường Long Châu và ngư trường Cát Bà với tổng diện tích 2.350 hải lý vuông. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng vùng biển Hải Phòng có 135 loài thực vật nổi, 138 loại rong, 23 loại cây nước mặn, 500 loại động vật đáy vùng triều, 160 loại san hô và 189 loại cá, tôm (trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như tôm he, tôm rảo, bào ngư...). Tổng trữ lượng cá vùng vịnh Bắc Bộ khoảng 681.166 tấn khả năng cho phép khai thác tối đa khoảng 270.000 tấn. Tại các vùng triều ven bờ, ven đảo và các vùng ven bãi triều ở các cửa sông rộng tới trên 24.000 ha vừa có khả năng nuôi trồng thuỷ sản vừa có thể trồng rừng ngập mặn có tác dụng phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch. Ở vào vị trí chuyển tiếp giữa lục địa với biển, giữa vùng lộng và vùng khơi, các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ, bán đảo Đồ Sơn ngoài vai trò là các khu du lịch, hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ còn là
những địa điểm du lịch biển có thắng cảnh đẹp, đa dạng có sức hấp dẫn trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới cần ưu tiên các ngành ngư nghiệp tại các khu vực trên.
* Tài nguyên du lịch, danh lam thắng cảnh: Hệ cảnh quan núi đồi bao gồm: quần thể núi đá vôi Tràng Kênh, Núi Đèo, Núi Đối, quần thể Núi Voi, quần