1.2.3 .Vai trò của XHTD
2.3. Đánh giá hoạt động xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP
2.3.2. Những mặt còn hạn chế
2.3.2.1 Về nội dung chương trình Xếp hạng tín dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XHTD còn gặp phải những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể như:
- Tỷ trọng các chỉ tiêu phân tích đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại theo hệ thống xếp hạng có phần chưa hợp lý khiến cho việc áp dụng chính sách khách hàng cũng như chính sách phân loại nợ đối với đối tượng khách hàng này có yêu cầu cao hơn so với các doanh nghiệp trong hoạt động trong lĩnh vực khác.
- Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có đặc điểm hoạt động riêng của mình. Hệ thống các chỉ tiêu chấm điểm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có khác nhau đôi chút. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống các chỉ tiêu hiện tại vẫn còn chưa phản ánh được những đặc thù trong hoạt động của từng ngành riêng biệt.
- Phương pháp xếp hạng còn mang tính chủ quan theo ý kiến của cán bộ chấm điểm. Phương pháp đánh giá hiện tại của Vietcombank đang áp dụng là phương pháp xếp hạng, trong đó cán bộ tín dụng quản lý khách hàng là người trực tiếp cập nhật thông tin và cho điểm đối với từng chỉ tiêu đánh giá theo hướng dẫn cho điểm của Hội sở chính ban hành. Hiện tại, một số chỉ tiêu phi tài chính được đánh giá cho điểm mang tính chất định tính, dựa trên sự đánh giá của cán bộ tín dụng trực tiếp quản lý. Phương pháp này đòi hỏi cán bộ xếp hạng tín dụng phải am hiểu được tất cả các nội dung đánh giá, thu thập đầy đủ thông tin của khách hàng và đưa ra đánh giá mang tính chủ quan với các chỉ tiêu này.
- Đối với một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Căn cứ được đánh giá xác định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp dựa vào hoạt động
sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp (đem lại doanh thu trên 50%) hoặc ngành nghề có tiềm năng phát triển trong các ngành (trong trường hợp doanh thu các ngành thu được như nhau). Việc đánh giá chấm điểm xếp hạng tín dụng trong trường hợp này cũng mang tính chất tương đối, chưa thật sự phản ánh được đúng bản chất hoạt động của doanh nghiệp hiện tại.
- Xếp hạng tín dụng đối với các đơn vị phụ thuộc: hiện tại việc xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp tại Vietcombank chưa có bộ chỉ tiêu đối với các đơn vị phụ thuộc (công ty con, chi nhánh công ty, các đơn vị thuộc cùng một nhóm...)
2.3.2.2. Tổ chức triển khai xếp hạng tín dụng:
- Tổ chức xếp hạng tín dụng các doanh nghiệp chưa thực sự khoa học, còn mang tính chủ quan. Công tác kiểm soát lại kết quả đánh giá xếp hạng tín dụng còn mang tính hình thức, chưa thực sự có tác dụng. Kết quả đánh giá xếp hạng tín dụng phần nhiều vẫn phụ thuộc vào việc đánh giá của cán bộ trực tiếp thực hiện.
- Với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của Vietcombank hiện nay, nhân tố con người vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Việc xếp hạng tín dụng phụ thuộc kinh nghiệm của cán bộ. Hầu hết cán bộ khách hàng vẫn chưa được trang bị kiến thức về xếp hạng tín dụng một cách đầy đủ, toàn diện, do đó kết quả xếp hạng tín dụng không chính xác do phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan của người đánh giá. Ngoài hạn chế về kinh nghiệm thực tế, nhiều cán bộ hiện nay còn chưa có tác phong làm việc chuyên nghiệp, coi trách nhiệm cung cấp thông tin là nghĩa vụ bắt buộc của khách hàng, còn bản thân học ít khi có thói quen giám sát khách hàng một cách thường xuyên liên tục. Điều này dẫn tới một thực tế là khi cần lấy thông tin, khách hàng sẽ trực tiếp đến ngân hàng để đưa thông tin thay vì cán bộ tới các cơ sở để thu thập và xác minh thông tin. Do đó, nguồn thông tin từ khách hàng đôi khi là không chính xác. Thu thập thông tin được coi là bước quan trọng nhất trong quy trình xếp hạng, một khi trách nhiệm của cán bộ trong khâu này không cao thì rất khó có thể phát huy hiệu quả của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tới hoạt động tín dụng.
2.3.2.3 Nguồn thông tin sử dụng trong công tác xếp hạng tín dụng:
- Hiện tại, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp vay vốn được tính toán sau đó so sánh với kỳ trước và với số trung bình ngành, nhóm ngành. Mục đích của việc làm này là giúp ngân hàng nhận biết được doanh nghiệp đang đứng ở vị trí nào so với toàn ngành. Vì mỗi ngành có đặc thù riêng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc tính toán, đánh giá khả năng trả nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau thông qua các chỉ tiêu tài chính cũng không giống nhau. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có thông tin về các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành, nhóm ngành nên việc phân tích xếp hạng tín dụng các doanh nghiệp vay vốn cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Chính bản thân ngân hàng khi thực hiện xếp hạng tín dụng cũng phải tự tổng hợp số liệu từ các khách hàng của mình, cộng thêm kinh nghiệm của các chuyên gia để đưa ra bộ số liệu chuẩn phục vụ cho việc đánh giá khách hàng.
- Các thông tin chuyên ngành mà cán bộ trực tiếp đánh giá xếp hạng thu thập được từ nhiều nguồn: Internet, doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh… Ngân hàng chưa tạo dựng được một hệ thống thông tin có thể đáp ứng kịp thời, có hiệu quả cho phân tích, dự báo tình hình tiền tệ, lãi suất, tín dụng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.