các vụ án hình sự có đồng phạm
Như đã phân tích ở trên, THQCT là một chức năng hiến định của VKS. Nội dung THQCT trong VAHS nói chung và VAHS có đồng phạm nói riêng được thực hiện thông việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi THQCT. Đó là việc sử dụng tất cả những quyền năng tố tụng nhằm bảo đảm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội đồng thời phải đáp ứng yêu cầu không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Trên thực tế, nội dung hoạt động THQCT của VKS dễ bị nhầm lẫn với các hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc xác định rõ ràng, cụ thể nội dung của hoạt động THQCT là cơ sở để thực hiện có hiệu quả chức năng này. Với những lý luận về quyền công tố và nội dung THQCT đã phân tích, VKS sẽ thực hiện các hoạt động hướng tới hai mục đích chủ yếu thuộc nội dung của quyền công tố là: Nhóm các hoạt động THQCT nhằm buộc tội chủ thể thực hiện hành vi phạm tội và nhóm hoạt động THQCT nhằm không
làm oan người vô tội.
Hoạt động THQCT nhằm thực hiện việc buộc tội của VKS diễn ra xuyên suốt từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Hoạt động buộc tội của VKS được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ nhất là việc VKS ra bản cáo trạng đề nghị truy tố người phạm tội và bản luận tội tại phiên tòa xét xử. Trong phạm vi giai đoạn khởi tố, điều tra VKS thực hiện các hoạt động buộc tội gồm: Phê chuẩn quyết KTBC, quyết định thay đổi, bổ sung quyết định KTBC, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phê chuẩn các quyết định của CQĐT, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gia hạn quyết định tạm giữ … VKS cũng có thể trực tiếp ra quyết định KTVA, KTBC, quyết định thay đổi, bổ sung, trực tiếp ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội.
Trong VAHS có đồng phạm, hoạt động THQCT nhằm buộc tội người thực hiện hành vi phạm tội của VKS phức tạp và chiếm nhiều thời gian hơn so với các vụ án không có đồng phạm. Trong vụ án đồng phạm, các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội thực hiện các hành vi trên thực tế có tính chất nguy hiểm cho xã hội khác nhau, thậm chí có những chủ thể thực hiện hành vi khác chưa được thoả thuận, thống nhất với người khác cùng thực hiện tội phạm, có chủ thể tự ý nửa chừng không thực hiện hành vi phạm tội cùng các chủ thể khác... Vì vậy, khi THQCT tại giai đoạn khởi tố, đặc biệt trong giai đoạn điều tra cần có bảo đảm có sự kiểm tra, đánh giá, phân hoá hành vi của từng cá nhân trong vụ án để ban hành quyết định tố tụng nói trên có căn cứ.
Ngoài hoạt động phê chuẩn các quyết định, VKS đề ra yêu cầu kiểm tra xác minh, yêu cầu điều tra yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện là. Thông qua hoạt động đề ra yêu cầu kiểm tra, yêu cầu điều tra VKS truyền đạt ý chí chủ quan đối với việc buộc tội và yêu cầu các cơ quan thực hiện. VKS cũng có thể yêu cầu CQĐT thực hiện một số hoạt động KTVA, KTBC và các hoạt động
khác khi cần thiết. Hoạt đồng đề ra yêu cầu của VKS trong VAHS có đồng phạm giữ vai trò quan trọng, định hướng cho việc điều tra, thu thập chứng cứ về hành vi phạm tội, tính chất mức độ tham gia của từng người đồng phạm, giúp cho việc điều tra nhanh chóng kịp thời đáp ứng thời hạn tố tụng.
Các hoạt động THQCT nhằm không làm oan người vô tội bảo đảm hướng tới xác định sự thật khách quan của vụ án. Không làm oan người vô tội không chỉ là mục đích mà riêng VKS hướng tới, đây còn là mục đích của các ngành tố tụng và cả hệ thống pháp luật thể hiện tính nhân đạo. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quyền hạn, VKS thực hiện một số hoạt động: không phê chuẩn quyết định KTBC, quyết định thay đổi, bổ sung quyết định KTBC, không phê chuẩn các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, không phê chuẩn một số quyết định khác của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Bên cạnh việc không phê chuẩn, VKS có thể hủy bỏ quyết định KTVA, quyết định KTBC, các quyết định không có căn cứ. Việc không phê chuẩn và hủy bỏ các quyết định thể hiện ý kiến không nhất trí của VKS đối với các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền. Thông qua hoạt động không phê chuẩn, hủy bỏ của mình VKS bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp cho những người phạm tội không để họ bị oan, sai.
Trong VAHS có đồng phạm những hoạt động không làm oan người vô tội càng được thực hiện nhiều vì có nhiều người tham gia. Nhiều trường hợp tính chất mức độ hành vi của những người cùng tham không đáng kể chưa đến mức phải áp dụng những biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc đối với họ. Nghiêm trọng hơn nữa có những trường hợp hành vi của những người tham gia thực hiện hành vi chưa cấu thành tội phạm nhưng CQĐT vẫn ra quyết định KTBC và áp dụng các biện pháp điều tra đối với họ. VKS cần xem xét kĩ lưỡng, đánh giá mức độ vai trò của từng người đồng phạm, qua đó thực hiện những hoạt động của mình chính xác, đúng pháp luật.
Bên cạnh các hoạt động không phê chuẩn, hủy bỏ quyết định không có căn cứ, VKS trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố, trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra khi xét thấy quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc VKS trực tiếp thực hiện các hoạt động là cần thiết nhất là đối với VAHS có đồng phạm mang tính chất nghiêm trọng, phức tạp.
Các hoạt động THQCT trong giai đoạn khởi tố, điều tra của VKS nêu trên dù hướng tới mục tiêu cụ thể nào cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hoạt đồng nhằm mục đích buộc tội là căn cứ, cơ sở đảm bảo cho việc pháp luật được thực hiện minh bạch, chính xác không làm oan người vô tội và ngược lại để không làm oan người vô tội thì hoạt động buộc tội phải có căn cứ, đúng pháp luật.