Khái quát về tỉnh Sơn La

Một phần của tài liệu Kiểm soát hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế thông qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh sơn la (Trang 43 - 48)

2.2. Thực tiễn công tác kiểm soát hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế

2.2.1. Khái quát về tỉnh Sơn La

2.2.1.1. Điều kiện tự nhiên tỉnh Sơn La

Là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên 14.125km² chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phía bắc tỉnh Sơn La giáp tỉnh Lai Châu, Yên Bái, phía đông giáp tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình; phía tây giáp tỉnh Điện Biên, phía nam giúp tỉnh Thanh Hoá và nước CHDCND Lào. Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính (1 thành phố, 11 huyện) [25, tr. 1].

Toàn tỉnh Sơn La có đường biên giới dài gần 270 km tiếp giáp với CHDCND Lào ở phía nam, tại 03 huyện là Mộc Châu, Sông Mã và Yên Châu (thuộc tỉnh Sơn La) và tỉnh Houaphan (thuộc nước CHDCND Lào). Sơn La hiện có 17 xã giáp biên; trong đó, có 5 xã với 6 chợ, gồm 4 chợ xây dựng kiên cố và 2 chợ tạm. Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, hệ thống cửa khẩu và chợ biên giới đã phần nào nâng cao đời sống của cư dân vùng biên giới. Mặt khác, các chợ biên giới của Sơn La chưa được đầu tư, địa điểm xa các bản giáp biên giới với nước bạn Lào, đường xá giao thông đi lại khó khăn không thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa nên chưa thu hút được sự quan tâm của cư dân hai bên biên giới. Hầu hết các huyện biên giới của tỉnh Sơn La là những tỉnh miền núi khó khăn, kinh tế kém phát triển, đời sống đồng bào khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn và lạc hậu; kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, thông tin, ... còn yếu và thiếu. Tuy nhiên, sự gần gũi về địa lý, giá thành thấp, cùng nhiều nguyên nhân khác về xã hội mà nhiều người Việt Nam ở tỉnh Sơn La đã sang Lào làm ăn, nhiều doanh nghiệp ở cả hai nước đã thực hiện các hoạt động thông thương, trao đổi hàng hóa để cùng phát triển. Hơn nữa, đây lại là vùng biên giới được đánh giá là một trong những cửa ngõ chính quan trọng trong triển khai hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam và các nước ASEAN, là nơi giao thoa hàng hóa với một quốc gia lớn ở phía bắc là

Trung Quốc. Nắm bắt lợi thế, tỉnh Sơn La đã chú trọng hợp tác phát triển kinh tế với tỉnh Houaphan, nước CHDCND Lào, phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu, tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới trao đổi sản phẩm hàng hóa và tư liệu sản xuất.

Trước thực tiễn điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, Nhà nước của Việt Nam và Nhà nước Lào cũng có nhiều hợp tác tạo hành lang pháp lý cho trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế thương mại hai nước tiếp tục phát triển. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962 đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Lào luôn phát triển mạnh mẽ. Đến nay, liên quan đến lĩnh vực thương mại đã có nhiều Hiệp định song phương và các thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các Bộ, ngành hai nước và đang phát huy tác dụng thiết thực đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và Lào.

Quan hệ hợp tác thương mại giữa các địa phương của tỉnh Sơn La đối với các tỉnh của CHDCND Lào từ chỗ chỉ tập trung giữa các huyện có đường biên giới đã phát triển rộng đến các tỉnh, thành phố nằm sâu trong nội địa của Lào như Savannakhet, Viêng Chăn, Luang Prabang. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Lào. Hiện nay, 2 tỉnh Houaphan và Luang Prabang đang có gần 50 doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore hoạt động; như vậy, lượng người lao động có nhu cầu qua lại cũng đang tăng nhanh hằng năm. Ngoài ra, hai tỉnh này có di tích cách mạng Viêng Xay và Cố đô Luông Pha Bang, là những điểm đang thu hút lượng du khách lớn, nên nhu cầu du lịch đến khu vực này cũng rất cao.

Ba tỉnh Sơn La - Houaphan - Luang Prabang có truyền thống hữu nghị lâu đời, sự phát triển cách mạng hai nước Việt - Lào và xây dựng thể chế chính trị - xã hội hiện nay đã gắn kết các tỉnh của 2 nước có chung đường biên giới, trong đó có tỉnh Sơn La với mối quan hệ hữu nghị đặc biệt. Đây là yếu tố quan trọng tạo cơ sở chính trị - xã hội cho phát triển hợp tác, liên kết và giao lưu kinh tế, thương mại giữa Sơn La và một số tỉnh Bắc Lào, tạo tiềm năng và cơ hội cho phát triển thương mại tại các cửa khẩu biên giới, nhất là trong điều kiện gia nhập ASEAN, AFTA, WTO.

Ngoài ra, điều kiện và trình độ phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Lào nói chung, tỉnh Sơn La và một số tỉnh Bắc Lào nói riêng tuy có lợi thế khác nhau nhưng cơ bản không có sự chênh lệch lớn, có nhiều mặt tương đồng, tạo thuận lợi trong quan hệ thương mại quốc tế. Về cơ bản nền kinh tế giữa tỉnh Sơn La và một số tỉnh Bắc Lào còn kém phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm hàng hoá sản xuất với chất lượng thấp, chi phí cao, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp giữa các tỉnh rất yếu trong khu vực. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy và tăng cường trao đổi buôn bán thương mại giữa Sơn La với một số tỉnh Bắc Lào.

Trên cơ sở biên bản hợp tác đã ký kết giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Houaphan về lĩnh vực thương mại và các cơ chế chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương của hai nước Việt Nam và Lào, như: Hiệp định thương mại biên giới; Hiệp định quá cảnh hàng hóa..., Sở Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại tại các vùng biên giới, cửa khẩu; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm, hàng hóa...; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, các khu kinh tế trong những năm qua không ngừng gia tăng. Ngành Hải quan đã tập trung, thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, thu hút hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.

2.2.1.2. Các cửa khẩu tại tỉnh Sơn La

* Cửa khẩu Lóng Sập - Pa Háng. Cửa khẩu chính Lóng Sập thuộc khu vực

bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Khu vực cửa khẩu có Mốc Đại 255. Cửa khẩu Lóng Sập được thành lập ngày 01/3/1990 theo Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam - Lào năm 1990. Đối diện là cửa khẩu Pa Háng thuộc huyện Sốp Bâu, tỉnh Houaphan, nước CHDCND Lào. Cửa khẩu Lóng Sập cách Thủ đô Hà Nội 210 km, cách thành phố Sơn La 150 km. Khoảng cách từ đây đến thị xã Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Houaphan, nước CHDCND Lào chỉ có 105 km. Cửa khẩu này cũng cách thủ đô Viêng Chăn và các cửa khẩu quốc tế của Lào khoảng 600 đến 800km [30]. Đó là khoảng cách khá lý tưởng để kết nối, thông thương giữa các quốc gia. Hiện, Quốc lộ 43 (đã được đưa vào chủ trương nâng cấp, mở rộng trong thời gian

tới của tỉnh), với tổng chiều dài hơn 27 km nối từ Cửa khẩu chính Lóng Sập đến Quốc lộ 6. Cơ sở vật chất của cửa khẩu được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2002, tuy nhiên chưa đúng mẫu thiết kế và một số hạng mục đã xuống cấp… Do đó, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết số 182/NQ-CP ngày 22/12/2020 quyết nghị nâng cấp Cửa khẩu chính Lóng Sập (tỉnh Sơn La) thành cửa khẩu quốc tế.

Về phía nước bạn Lào, hiện nay tỉnh Houaphan cũng đang triển khai các bước, thủ tục cần thiết và đã tiến hành khảo sát thực địa để đề nghị nâng cấp Cửa khẩu chính Pa Háng (đối diện với Cửa khẩu chính Lóng Sập) lên thành cửa khẩu quốc tế; Quốc lộ 6B nối từ cửa khẩu Pa Háng đến trung tâm huyện Sốp Bâu, tỉnh Houaphan dài 29 km đã được cải tạo. Quốc lộ 6A từ Trung tâm huyện Sốp Bâu đi sâu vào nội địa tỉnh Houaphan cũng đã được nâng cấp. Hệ thống giao thông đường bộ từ tỉnh Houaphan kết nối với các tỉnh Bắc Lào và đi đến các cửa khẩu quốc tế giữa Lào với Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar đã được nước bạn Lào đầu tư xây dựng cơ bản và thông suốt, bảo đảm đủ điều kiện phục vụ cho hoạt động của cửa khẩu quốc tế [32].

Theo Báo cáo của Chi cục Hải quan tỉnh Sơn La, những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn song hoạt động qua lại của người dân và giao thương hàng hóa giữa hai bên khu vực Cửa khẩu Lóng Sập tăng nhanh từng năm. Năm 2015, lưu lượng xuất cảnh của Việt Nam sang Lào qua cửa khẩu này đạt 7.560 lượt người, trên 2.770 lượt ô tô; nhập cảnh 7.870 lượt người và trên 2.400 lượt ô tô. Đến năm 2019, số người xuất cảnh đã lên trên 10.300 lượt người (tăng 37%) và 3.527 lượt ô tô (tăng 27,3%); số người nhập cảnh có tỷ lệ tăng mạnh hơn 67%, với trên 13.100 lượt người, tỷ lệ phương tiện ô tô nhập cảnh cũng tăng tới 49,6%. Một chỉ dấu cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế thông qua Cửa khẩu Lóng Sập rất lớn. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều đạt trên 2,1 triệu USD, tăng 717% so với năm 2015. Dự kiến chỉ sau 3 năm đầu nâng cấp cửa khẩu, tỷ lệ tăng trưởng này sẽ duy trì ở mức từ 25 đến 35% và tiếp tục phát triển “bùng nổ” sau giai đoạn năm 2030 [6, tr. 5].

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu nâng vị thế của Sơn La trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc. Thực

hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Sơn La đang tập trung tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế cửa khẩu. Việc nâng cấp Cửa khẩu Lóng Sập thành cửa khẩu quốc tế tạo điều kiện phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và tiểu vùng Tây Bắc.

* Cửa khẩu Chiềng Khương - Ban Dan. Cửa khẩu Chiềng Khương là cửa

khẩu quốc tế tại vùng đất bản Chiềng Khương, xã chiềng Khương, huyện Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Cửa khẩu Chiềng Khương thông thương với Cửa khẩu Ban Đan ở bản Dan, huyện Mường Et, tỉnh Houaphan, CHDCND Lào. Tỉnh lộ 105 nối từ thành phố Sơn La đến cửa khẩu Chiềng Khương và các xã ở thung lũng Sông Mã trong vùng. Cửa khẩu gần sát với sông Mã chảy sang đất Lào.

Vị trí cửa khẩu Chiềng Khương nằm cách trung tâm huyện Sông Mã 35 km, cách quốc lộ 4G 340 m, cách thành phố Sơn La 70 km và cách thị xã Sầm Nưa, tỉnh Houaphan, nước CHDCND Lào) 130 km. Với tổng diện tích khu vực là 8.640 ha, bao gồm 20 bản, với 1.981 hộ và 9.737 nhân khẩu, trong đó có 4 dân tộc chủ yếu; bao gồm 1 đồn biên phòng, 1 trạm kiểm soát hải quan cửa khẩu và một số cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại gồm có 1 chợ bán kiên cố với diện tích 1.000 m2 phục vụ cho trên 100 hộ kinh doanh, 1 cửa hàng thương nghiệp đã xuống cấp, nằm cách cửa khẩu biên giới khoảng 4 km, 1 cửa hàng xăng dầu [6, tr. 19].

Là địa bàn giáp ranh, huyện Sông Mã và huyện Mường Ét có cùng cửa khẩu Chiềng Khương - Ban Đan nên hoạt động thông thương, trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương luôn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, trật tự vùng biên giới. Tuy nhiên, các cán bộ, chiến sỹ ở đây vẫn luôn hết sức tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa trong khuôn khổ của luật pháp hai nước. Ngoài ra, với nhiệm vụ quản lý hơn 25 km đường biên và 14 cột mốc quốc giới tuyến biên giới Việt - Lào, Đồn Biên phòng

cửa khẩu Chiềng Khương đã tăng cường phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn Lào để tuần tra, kiểm soát để giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.

* Các cửa khẩu phụ ở Sơn La

- Cửa khẩu Nà Cài. Cửa khẩu Nà Cài là cửa khẩu tại vùng đất bản Nà Cài, xã

Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Cửa khẩu Nà Cài thông thương với Cửa khẩu Sóp Dung, ở bản Sop Dung, huyện Chieng Khor, tỉnh Houaphan. Vị trí cửa khẩu nằm ở điểm cuối của Tỉnh lộ 104, tại cửa khẩu có mốc biên giới 222 được hoàn thành vào tháng 7/2015.

Cửa khẩu Nà Cài được quy hoạch trong Quyết định 09/2007/QĐ-UBND ngày 19/03/2007 của tỉnh Sơn La về Đề án phát triển thương mại cửa khẩu và buôn bán qua biên giới giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2006 - 2015. Đến ngày 15/5/2012 cửa khẩu chính thức khai trương hoạt động.

- Cửa khẩu Nậm Lạnh. Ngày 09/7/2019, tỉnh Sơn La phối hợp với tỉnh

Houaphan, nước CHDCND Lào tổ chức Lễ khai trương cặp Cửa khẩu phụ Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La) - Mường Pợ (Mường Son, Houaphan, nước CHDCND Lào).

Việc khai trương cặp cửa khẩu phụ Nậm Lạnh - Mường Pợ có ý nghĩa quan trọng đối với hai huyện Sốp Cộp - Mường Son và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước đi lại, trao đổi hàng hóa. Đồng thời, tăng cường hơn nữa truyền thống đoàn kết, quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và tỉnh Sơn La - Houaphan nói riêng ngày càng phát triển theo chiều sâu và bền chặt hơn. Đây là cửa khẩu phụ thứ hai được khai trương trên địa bàn tỉnh Sơn La với nước bạn Lào và là cửa khẩu phụ đầu tiên trên địa bàn huyện Sốp Cộp với huyện Mường Son, tỉnh Houaphan. Hiện nay, cửa khẩu này có vai trò bổ trợ của các cửa khẩu chính của tỉnh Sơn La thông thương với nước bạn Lào là cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Mộc Châu), cửa khẩu Chiềng Khương (Sông Mã).

Một phần của tài liệu Kiểm soát hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế thông qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh sơn la (Trang 43 - 48)