7. Kết cấu của luận án
1.2.6. Chuẩn mực về báo cáo kiểm toán
Báo cáo kiểm toán là sản phẩm cuối cùng của quá trình kiểm toán, được thiết kế nhằm trình bày quan điểm của kiểm toán viên tới người sử dụng thông tin có liên quan. Mặc dù các báo cáo kiểm toán có thể khác nhau về mặt cấu trúc, nhưng chúng đều phải thông báo cho người sử dụng biết về mức độ phù hợp của thông tin trên báo cáo tài chính đối với các tiêu chuẩn đã được công nhận. Cook và Winkle (1980) cho rằng báo cáo kiểm toán là khía cạnh duy nhất mà công chúng có thể nhìn nhận được công việc kiểm toán đã được thực hiện. Báo cáo kiểm toán được coi là kênh giao tiếp duy nhất giữa kiểm toán viên và người sử dụng thông tin. Mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin giữa kiểm toán viên và người sử dụng nhưng lịch sử phát triển của kiểm toán lại cho thấy báo cáo kiểm toán chưa làm tròn trách nhiệm này.
Trong thời kỳ sử dụng báo cáo kiểm toán dạng ngắn, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người sử dụng thông tin hiểu nhầm ý kiến của kiểm toán viên (Estes, 1982). Chính vì vậy, khuyến nghị được đưa ra nhằm khắc phục sự hiểu nhầm của công chúng đó là: cần có một báo cáo kiểm toán mở rộng hơn và linh hoạt hơn để truyền tải cả nội dung quản lý và trách nhiệm kiểm toán viên một cách rõ ràng và chính xác. Các nghiên cứu được thực hiện bởi ủy ban Cohen (1978), Ủy ban Metcalf (1978), ủy ban Adams (1977), MacDonald (1988)… đã chỉ ra rằng sự hiểu nhầm liên quan đến kiểm toán và kiểm toán viên có thể được làm sáng tỏ bằng báo cáo kiểm toán dạng dài.
Sau khi báo cáo kiểm toán dạng dài ra đời, Kelly và Mohrweis (1989) nhận thấy nhận thức của người sử dụng thông tin về bản chất của kiểm toán đã thay đổi
đáng kể nhờ có sự thay đổi từ ngữ sử dụng trong báo cáo kiểm toán. Miller và cộng sự (1990) cũng đưa ra kết luận các nhà quản lý và nhân viên ngân hàng tin rằng báo cáo kiểm toán mở rộng sẽ hữu ích và dễ hiểu hơn báo cáo dạng ngắn trước kia. Nair và Rittenberg (1987) cho thấy nhận thức của người sử dụng thông tin về trách nhiệm của nhà quản lý doanh nghiệp và kiểm toán viên đã thay đổi đáng kể sau khi báo cáo kiểm toán được mở rộng. Nhìn chung, các nghiên cứu đều cung cấp bằng chứng cho thấy báo cáo kiểm toán mở rộng làm gia tăng sự hiểu biết của người sử dụng thông tin về phạm vi, bản chất và tầm quan trọng của kiểm toán và có ảnh hưởng tích cực tới nhận thức của người đọc báo cáo liên quan đến kiểm toán và vai trò của kiểm toán viên.
Như vậy, các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán có thể bắt nguồn từ hạn chế của báo cáo kiểm toán khi không chỉ ra một cách rõ ràng cho người sử dụng các thông tin liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên, trách nhiệm của các nhà quản lý, mức độ đảm bảo của kiểm toán… Mặt khác, các thuật ngữ chuyên môn sử dụng trong kiểm toán có thể bị hiểu sai vì người sử dụng không có các kiến thức kiểm toán cần thiết (Holt và Moizer, 1990). Ogbona và Appah (2014) đã chỉ ra rằng bản chất của các chức năng kiểm toán càng trở nên phức tạp bởi những thuật ngữ chuyên môn được sử dụng trong các báo cáo kiểm toán như “trung thực và khách quan”, “hợp lý”, “trọng yếu”. Và hậu quả là người sử dụng thông tin có thể không biết cách diễn giải được nội dung của các thuật ngữ này. Điều này cũng có thể được giải thích bởi lý thuyết hồi đáp của người đọc, vì người sử dụng thông tin nhận thức thông tin được truyền tải trên báo cáo kiểm toán dựa vào nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của họ. Hơn nữa, người sử dụng có xu hướng chỉ tập trung vào đoạn ghi ý kiến của kiểm toán viên trên báo cáo kiểm toán. Vì cách truyền đạt thông tin có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với báo cáo kiểm toán, đưa đến các quyết định không phù hợp và những vụ kiện tụng không cần thiết nên các tổ chức ban hành chuẩn mực cần có sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề này (Viện kế toán công chứng Hoa Kỳ AICPA, 1978).