Xuất biện pháp

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc (trường hợp điểm đến miền Trung Việt Nam) (Trang 85 - 88)

6. Cấu trúc của đề tài

4.1.xuất biện pháp

Từ kết quả nghiên cứu lý luận cho thấy, sự lựa chọn điểm đến của khách du lịch đối với một điểm đến nào đó chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, các nhân tố có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mức độ hấp dẫn của điểm đến không chỉ phụ thuộc vào giá trị của tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng, mà còn là các dịch vụ, điều kiện phục vụ du lịch tại điểm đến cũng như mức độ phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và phức tạp của du khách. Kết quả kiểm định giả thuyết của đề tài cho thấy, đặc trưng của điểm đến là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định lựa chọn điểm đến Miền Trung của du khách Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các nhân tố bên trong mà tiêu biểu là động cơ tìm hiểu và khám phá điểm đến có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Ngoài ra, vấn đề tài chính liên quan đến chuyến đi cũng có ảnh hưởng nhất định đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Vì vậy, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa đối với công tác quản lý du lịch, quản lý điểm đến và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch liên quan đến các điểm đến Miền Trung của Việt Nam nói chung và các điểm đến với nhiều lợi thế cạnh tranh như Miền Trung, Việt Nam. Các giải pháp và khuyến nghị cơ bản dựa vào sự kỳ vọng và phụ thuộc của các nhân tố tới sự lựa chọn điểm đến. Cụ thể, đề tài đề xuất các biện pháp nhằm thu hút du khách Hàn Quốc đến Miền Trung, Việt Nam như sau:

Biện pháp 1: Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng mang đặc sắc riêng dựa trên thế mạnh và tiềm năng du lịch Miền Trung

Sản phẩm du lịch là sản phẩm đặc thù, riêng biệt, mang đậm phong cách của từng địa phương. Xây dựng sản phẩm du lịch là chiến lược cần được chú trọng, quan tâm để đưa du lịch phát triển toàn diện.

Đối với Miền Trung, dải đất thân thương nối liền hai miền Nam - Bắc của Việt Nam được biết đến với cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp và nhiều di sản văn hóa giàu bản sắc dân tộc, được mệnh danh là con đường di sản Miền Trung. Trong đó, Huế, Đà Nẵng và Hội An là 3 địa điểm du lịch nổi tiếng. Đây là khu vực có nhiều di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; đan xen những nét văn hóa truyền thống phi vật thể như lễ hội truyền thống, giai điệu dân ca, phong tục tập quán… Bên cạnh đó, đây là khu vực được thiên nhiên ban tặng cho dải bờ biển cát trắng trải dài hàng trăm ki-lô-mét. Trong đó nổi bật Đà Nẵng với bãi biển đẹp, hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ. Cho nên, trong những năm qua du lịch Miền Trung đã tạo cho mình các sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên thế mạnh của vùng, khẳng định được vị trí của du lịch Miền Trung trong xu thế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, trên thực

tế, Miền Trung còn thiếu các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí và nhất là du lịch về đêm. Để sản phẩm du lịch Miền Trung có khả năng cạnh tranh với du lịch của các vùng miền khác, có khả năng thu hút khách đến và lưu khách lại lâu hơn, nhất là khách Hàn Quốc, du lịch Miền Trung phải thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong thời gian tới, du lịch Miền Trung cần đầu tư xây dựng các sản phẩm và dịch vụ vui chơi giải trí về đêm để thu hút và níu chân du khách.

Khi xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch cần chú ý phù hợp với từng phân khúc thị trường, phù hợp với tâm lý và thị hiếu khách Hàn Quốc. Cụ thể, đối với thị trường này, điểm đến Miền Trung cần ưu tiên tập trung chất lượng dịch vụ ở sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với biển; có nhiều điểm tham quan hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên; có nhiều điểm mua sắm, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp… Đối với nhóm du khách có độ tuổi dưới 30 và từ 31-40 tuổi, nhóm du khách là viên chức và lao động phổ thông, chú ý xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan đến vui chơi và giải trí, tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ ở nơi du lịch với mức giá vừa phải, lịch trình di chuyển hợp lý; chú trọng giới thiệu, quảng bá về hình ảnh điểm đến, mua bán tour qua các kênh online.

Biện pháp 2: Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Miền Trung

Đối với lĩnh vực du lịch, thương hiệu điểm đến có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của điểm đến (Lê Tuấn Anh, 2015). Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành Du lịch của mỗi quốc gia nói chung và mỗi vùng, mỗi địa phương nói riêng. Kết quả nghiên cứu của đề tài chỉ ra rằng, đặc trưng của điểm đến có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách Hàn Quốc. Vì vậy, các nhà quản lý điểm đến cũng như các nhà kinh doanh du lịch cần có các biện pháp xây dựng thương hiệu điểm đến để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút du khách. Giải pháp này bao gồm:

- Xây dựng thương hiệu du lịch của vùng cần nhiều nguồn lực, trong đó vốn là quan trọng nhất. Do vậy, ngoài các nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ thì công tác xã hội hóa từ các doanh nghiệp và cá nhân là cần thiết trong điều kiện các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu còn hạn chế. Để huy động được nguồn vốn này, du lịch Miền Trung cần tổ chức các diễn đàn du lịch mời họ tham gia để họ thấy được tiềm năng phát triển du lịch của địa phương để họ mạnh dạn đầu tư.

- Xác định quan điểm, mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch phù hợp với tiềm năng của từng vùng, từng địa phương. Đối với các địa phương Huế, Đà Nẵng, Hội An cần định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa và nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch biển.

- Xây dựng thương hiệu điểm đến gắn với thương hiệu của vùng, khu, điểm du lịch quốc gia nhằm định hướng tổng thể cho hệ thống sản phẩm. Cụ thể như xây dựng và quảng bá thương hiệu điểm đến Huế, Đà Nẵng và Hội An cần gắn với các điểm đến lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam nhằm thỏa mãn những du khách đi dài ngày và lựa chọn nhiều điểm đến cho chuyến đi của mình.

- Tập trung chấn chỉnh hoạt động đón và cung cấp dịch vụ của công ty lữ hành Hàn Quốc đối với khách du lịch Hàn Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Coi đây là bước đột phá, quan trọng nhằm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam và thu được hiệu quả cao đối với thị trường này.

Biện pháp 3: Tăng cường công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Miền Trung

Công tác quảng bá, tiếp thị cho du lịch Miền Trung trong thời gian qua đã được chú trọng, nhưng chưa thực sự hiệu quả, trong khi đây là một công việc hết sức quan trọng đối với sự sống còn của điểm đến. Để công tác quảng bá, tiếp thị du lịch Miền Trung đạt hiệu quả cao, đồng thời tiết kiệm chi phí và công sức, cần thực hiện các biện pháp sau :

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường: Nghiên cứu thị trường và xác định thị trường mục tiêu, trong đó làm rõ đặc tính của từng thị trường; Nghiên cứu và đánh giá tài nguyên du lịch, hình ảnh điểm đến của Miền Trung và so sánh với đối thủ cạnh tranh trong nước và thế giới để xác định những giá trị cốt lõi và khác biệt của địa phương; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh, thông tin, thư viện ấn phẩm… làm tư liệu cho ấn phẩm quảng bá; Xây dựng hệ thống thông tin, cập nhật thể hiện được các điểm mạnh, các điểm đặc trưng của các vùng miền, các điểm du lịch, các tài nguyên du lịch đặc thù…. để có đủ thông tin cho lập luận quảng cáo và xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Miền Trung qua internet. Khách Hàn Quốc có xu hướng tìm thông tin du lịch và mua tour qua Internet gia tăng với tốc độ đáng kể. Do đó, biện pháp xúc tiến du lịch tốt nhất đối với thị trường Hàn Quốc là marketing trực tuyến, tăng cường quảng bá và bán tour online. Bên cạnh đó, cần chủ động tham gia một cách thường xuyên vào các diễn đàn, hội nghị, hội chợ du lịch và hội chợ thương mại quốc tế ở thị trường Hàn Quốc. Thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội chợ này giúp cho du lịch Miền Trung có điều kiện giới thiệu về tiềm năng du lịch của vùng và cũng nhờ đó mà có thể tiến hành xúc tiến du lịch với các đối tác. Về thông tin cung cấp cho thị trường Hàn Quốc: thông tin về dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh.

Biện pháp 4 : Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch Miền Trung

Hiện nay, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Miền Trung chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cả hiện tại và về lâu dài, vì thế, du lịch Miền Trung cần cấp tốc tuyển chọn và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nói thành thạo tiếng Hàn Quốc, đồng thời thu hút và đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch nói chung trên địa bàn.

Biện pháp 5. Tăng cường an toàn và an ninh trong du lịch ở Miền Trung

Tại các điểm du lịch cần triệt để chấm dứt các hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch.

Áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ và hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam chung và Miền Trung nói riêng trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện.

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc (trường hợp điểm đến miền Trung Việt Nam) (Trang 85 - 88)