Nghiên cứu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu KIẾN THỨC THỰC HÀNH PHÒNG BỆNH TCM GVMN TAM ĐUONG LAI CHAU 18 6 2017 (Trang 32 - 38)

Một báo cáo khảo sát ban đầu kiến thức, thái độ, thực hành liên quan đến bệnh TCM của người chăm sóc trẻ ở cộng đồng của tác giả Trần Triêu Ngõa Huyến năm

2012 được thực hiện tại 8 tỉnh phía Nam thực hiện trên 216 người giữ trẻ tại cộng đồng (tại hộ gia đình 146 người và các điểm giữ trẻ 70 người). Đối tượng được khảo sát có đến 90,3% là nữ; tuổi trung bình của người chăm sóc trẻ tại hộ gia đình là 46 tuổi cao hơn người giữ trẻ ở các điểm giữ trẻ là 39 tuổi; nhóm giữ trẻ có trình độ cao đẳng trở lên là 22,9%. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm đối tượng được nghiên cứu có kiến thức khá đầy đủ về bệnh và đường lây, cách phòng và triệu chứng. Có đến 90,3% người được điều tra tin rằng bị mắc TCM có thể chết người; 76,4% trả lời bệnh do vi rút gây ra; 75,5% cho rằng có thể phòng bằng vắc xin; 73,1% cho rằng không thể điều trị được. Tìm hiểu về đường lây truyền bệnh ở nhóm giữ trẻ cho rằng lây qua nước bọt là cao nhất chiếm 74,3%; tiếp đến là đồ chơi và chơi chung đồ với trẻ bị ốm 72,9%; dịch của các nốt phỏng 60%. Hầu hết người giữ trẻ đều kể được phương pháp phòng bệnh TCM, ba biện pháp được nhắc đến nhiều nhất là giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, cách ly trẻ với mầm bệnh. Các triệu chứng hầu hết được đề cập đến là sốt; loét miệng; các nốt phỏng nước ở miệng, bàn tay, chân, mông, đầu gối lần lượt có tỷ lệ là 90%; 88,6%; 84,3%. Về nhận biết dấu hiệu nặng của TCM vẫn chưa được liệt kê đầy đủ, các biểu hiện được nhắc nhiều đến là sốt trên 39oC kéo dài hơn 2 ngày là 85,7%; tiếp đến là đề cập đến dấu hiện thần kinh, khóc, giật mình khi ngủ là 68,6% và các triệu chứng ngủ gà, ngủ ly bì là 50,9%. Khi tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ như thế nào khi trẻ mắc TCM, khi nghi ngờ trẻ mắc 2 trong 3 thông tin về bệnh TCM 68,6 % người giữ trẻ ở các điểm giữ trẻ cho là nên cho trẻ đi bệnh viện để kiểm tra và làm theo lời khuyên của nhân viên y tế; 84,3% người giữ trẻ tại các điểm đều cho biết là khi một trẻ bị mắc TCM thì cần phải cho trẻ nghỉ ở nhà để tránh làm lây lan sang cho trẻ khác. Về thái độ tìm hiểu thông tin của người chăm sóc trẻ là tích cực qua việc chủ động tìm hiểu và bày tỏ sự lo ngại khi dịch xảy ra tại cộng đồng. Thực hành phòng bệnh bao gồm hành vi rửa tay cho bản thân, cho trẻ, lau rửa đồ chơi, lau chùi sàn nhà nơi trẻ chơi, vệ sinh ăn uống. Đối với thực hành rửa tay cho bản thân ở các điểm giữ trẻ, rửa tay sau khi đi vệ sinh 94,3 %; trước khi cho trẻ ăn là 94,3%; rửa tay trước khi nấu ăn 91,4%; sau khi vệ sinh cho trẻ 78,6%. Đối với thực hành rửa tay cho trẻ ở các điểm giữ trẻ, rửa tay trước khi cho trẻ ăn là 92,9%; sau khi trẻ đi

vệ sinh là 81,4%; sau khi chơi với đồ chơi 70%. Điều tra ở nhóm các điểm giữ trẻ về sử dụng xà phòng khi rửa tay thì hầu hết đều sử dụng xà phòng cho bản thân là 94,3% và sử dụng cho trẻ là 92,9%. Về lau chùi đồ chơi của trẻ, sàn nhà và chỗ chơi của trẻ thì ở nhóm giữ trẻ ở điểm giữ trẻ lau chùi thường xuyên hơn ở nhóm hộ gia đình với tỷ lệ lần lượt là 86,4% và 64,2%. Tỷ lệ số lần làm sạch sàn nhà và chỗ chơi của trẻ ở nhóm giữ trẻ hàng ngày 86 %; trước khi trẻ chơi 71,2%; khi có vết bẩn 63,6%; sau khi trẻ chơi 57,6%. Tương tự như vậy việc làm sạch đồ chơi của trẻ, trước khi trẻ chơi là 64,4%; khi thấy đồ chơi bẩn là 54,2%; làm sạch hàng ngày 50,8%. Sử dụng xà phòng và dung dịch khử trùng, làm sạch đồ chơi và sàn nhà đều sử dụng với tỷ lệ là 93,2% và 90,9%. Thực hành cho trẻ uống nước sôi được thực hiện thường xuyên, ở các điểm giữ trẻ là 80% và hộ gia đình là 69,2%. Hầu hết số người được khảo sát nói rằng họ luôn đậy kín đồ ăn; chiếm tỷ lệ 98,6% ở các điểm trông trẻ; 93,2% ở hộ gia đình. Khảo sát này đã mô tả được những đặc điểm về kiến thức, thực hành liên quan đến bệnh TCM và chỉ ra được sự khác nhau giữa hai nhóm người chăm sóc trẻ ở hộ gia đình và điểm trông giữ trẻ. Tuy nhiên, ở đây mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các kết quả về kiến thức chưa có sự tổng hợp về thực hành đạt và không đạt ở các nhóm đối tượng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng kết hợp với định tính nhưng câu phần định tính được đưa vào rất ít trong kết quả nghiên cứu[9].

Trong nghiên cứu của Phan Trọng Lân và cộng sự về kiến thức, thực hành phòng, chống bệnh TCM năm 2013 trên 250 người chăm sóc trẻ chính cho trẻ dưới 5 tuổi và yếu tố liên quan đến thực hành phòng bệnh kết quả cho thấy có 37,2% bà mẹ có kiến thức không đạt về phòng bệnh TCM và 54,8% thực hành phòng chống bệnh TCM không đạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan, có ý nghĩa thống kê giữa nghề nghiệp, trình độ học vấn và kiến thức, thực hành phòng, chống bệnh TCM của đối tượng nghiên cứu. ĐTNC có nghề nghiệp là cán bộ, công nhân viên chức có kiến thức phòng chống bệnh TCM đạt cao hơn những người làm ruộng là 2,4 lần. ĐTNC có trình độ học vấn trung học phổ thông trở lên có kiến thức phòng chống bệnh TCM đạt cao gấp 2,5 lần các đối tượng có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông. Điều này cho thấy những người có trình độ học vấn từ trung

học phổ thông trở lên và những người đi làm tại các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp nhận thông tin phòng chống bệnh TCM tốt hơn những người có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông và có nghề làm ruộng. Về thực hành, trong nghiên cứu cũng chỉ ra có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nghề nghiệp, trình độ học vấn, kiến thức với thực hành phòng chống bệnh TCM. ĐTNC có trình độ học vấn trung học phổ thông trở lên có thực hành phòng chống bệnh TCM đạt cao gấp 3,2 lần các đối tượng có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông. ĐTNC có kiến thức đạt về thực hành phòng chống bệnh TCM cao gấp 5,8 lần các đối tượng nghiên cứu có kiến thức không đạt (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p < 0,001). Nghiên cứu cũng chỉ ra được mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nghề nghiệp của người chăm sóc trẻ tới kiến thức, thực hành trong phân tích đơn biến và mô hình đa biến (p < 0,001). Chưa tìm ra được mối liên quan giữa tuổi, giới, nguồn thông tin và kiến thức, thực hành của đối tượng nghiên cứu. Trong nghiên cứu này mới chỉ tập trung vào đối tượng là người chăm sóc trẻ chính ở phạm vi một xã của huyện Gia Lâm nên chỉ có tính đại diện cho quần thể xã đó và những quần thể tương tự khó có thể so sánh với những khu vực ở nội thành dân cư đông đúc. Nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở phân tích mối liên quan chưa phân tích được các quan hệ nhân quả[11].

Một nghiên cứu khác của tác giả Đỗ Thị Thùy Chi về kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan đến phòng bệnh TCM của giáo viên ở các trường mầm non tại Lương Sơn, Hòa Bình năm 2013 cho biết phần lớn giáo viên tham gia nghiên cứu là nữ chiếm 67,7% có độ tuổi 20 - 35 tuổi; đa số có trình độ trung cấp chiếm 57,7%; còn lại là cao đằng và đại học lần lượt có tỷ lệ là 18,6% và 16,8%. Kết quả kiến thức của giáo viên về bệnh TCM 31,4% giáo viên có kiến thức đạt về đường lây truyền, trong đó có hai đường lây được biết nhiều nhất là qua dịch nốt phỏng của trẻ bệnh (77,3%) và qua nước bọt của trẻ bệnh là (58,2%); giáo viên có kiến thức đạt về dịch tễ học bệnh 14,1% (bao gồm khái niệm chung về bệnh, đối tượng mắc, thời điểm xuất hiện bệnh, tần suất mắc bệnh của trẻ so với người lớn); 10% giáo viên có kiến thức đạt về triệu trứng bệnh; tỷ lệ giáo viên có kiến thức đạt về biện pháp phòng tránh lây lan, phòng ngừa, và dấu hiệu bệnh nặng rất thấp. Trong nghiên cứu cũng chỉ ra hầu hết các giáo viên đều quan tâm đến bệnh 85,9%.

Tất cả giáo viên tham gia nghiên cứu đều đồng ý với việc phòng ngừa bệnh TCM bằng cách rửa tay cho bản thân và trẻ, lau rửa đồ chơi cho trẻ, lau chùi sàn nhà nơi trẻ chơi bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, cho trẻ ăn chín, uống chín. Qua đánh giá thực hành rửa tay của giáo viên, tỷ lệ giáo viên có thực hành đúng về lau chùi sàn nhà nơi trẻ chơi đùa, rửa tay cho trẻ và vệ sinh ăn uống lần lượt là 91,4%, 85% và 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hành đúng về rửa tay cho bản thân và cho trẻ còn thấp hơn rất nhiều. Phần lớn giáo viên thực hiện rửa tay cho mình sau khi đi vệ sinh (89,1%); trước khi ăn (81,8%). Tỷ lệ giáo viên luôn sử dụng xà phòng 79,5% và sử dụng xà phòng trong lần rửa tay gần đây nhất là 93,2% kết quả này tương đồng với báo cáo của tác giả Trần Triêu Ngõa Huyến[9]. Nghiên cứu cũng chỉ ra được có mối liên quan giữa một số yếu tố về kiến thức, thái độ, thực hành phòng bệnh của giáo viên. Về kiến thức, giáo viên có trình độ cao đẳng có kiến thức dịch tễ học về bệnh tốt hơn nhóm có trình độ dưới cao đẳng (OR=2,548; 95% CI: 1,179 – 5,505), giáo viên có kinh nghiệm dưới 5 năm có kiến thức về biện pháp phòng ngừa tốt hơn nhóm có trên 5 năm kinh nghiệm (OR = 0,084; 95% CI: 0,009-0,767). Về thực hành, giáo viên có trình độ cao đẳng, hoặc phụ trách dưới 30 trẻ có thực hành rửa tay cho bản thân tốt hơn so với nhóm có trình độ dưới cao đẳng, phụ trách trên 30 trẻ và không có thái độ quan tâm đến bệnh với OR lần lượt là 2,319 (95% CI: 1,214-4,43) và 0,385 (95% CI: 0,201-0,736). Bên cạnh đó, giáo viên có thái độ quan tâm đến bệnh sẽ có thực hành rửa tay cho trẻ tốt hơn nhóm không có thái độ quan tâm đến bệnh (OR=5,053; 95% CI: 2,152-11,86). Nhóm giáo viên dưới 35 tuổi, phụ trách 30 trẻ có thực hành lau rửa đồ chơi tốt hơn nhóm trên 35 tuổi và phụ trách trên 30 trẻ với OR lần lượt là 0,371 (95% CI: 0,163-0,844) và 0,286 (95% CI: 0,145-0,562). Kết quả phân tích cho thấy trình độ học vấn và số lượng trẻ trông giữ có mối liên quan đến thực hành rửa tay cho bản thân giáo viên; tuổi và số lượng trẻ do giáo viên phụ trách có mối liên quan với thực hành lau rửa đồ chơi cho trẻ. Tất cả các thông tin trong nghiên cứu được đánh giá thông qua bảng hỏi không có quan sát nên thông tin có thể có sai số. Nghiên cứu cũng chưa chỉ ra được mối liên quan giữa kiến thức và tuổi, được tham gia tập huấn, nguồn thông tin nhận được. Nghiên

cứu cũng chưa đánh giá được kiến thức, thái độ, thực hành chung của đối tượng để có thể làm cơ sở so sánh với những nghiên cứu khác[4].

Trong nghiên cứu của tác giả Vũ Thị Thúy Mai và Đỗ Minh Sinh (2015) về những thay đổi về kiến thức phòng bệnh TCM của các bà mẹ có con dưới hai tuổi tại xã Tam Thanh, Vụ Bản, Nam Định sau can thiệp truyền thông về bệnh TCM ở trẻ em để đánh giá sự thay đổi kiến thức phòng bệnh TCM của các bà mẹ sau khi có can thiệp truyền thông. Mẫu nghiên cứu bao gồm 194 bà mẹ có con dưới 2 tuổi đang sinh sống và làm việc tại xã Tam Thanh, tuổi trung bình 28,4 ± 4,2, tuổi của các bà mẹ dao động từ 19 - 44 tuổi, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp chiếm 60%. Nghiên cứu đã chỉ ra được hiệu quả của can thiệp giáo dục sức khỏe. Sự thay đổi về kiến thức, điểm trung bình kiến thức của các bà mẹ trước can thiệp thấp hơn 19,7 điểm so với ngay sau can thiệp và sau 3 tháng can thiệp là 17,4 điểm. Tỷ lệ các bà mẹ trả lời đúng về các yếu tô nguy cơ như: tiếp xúc với người mắc bệnh trước can thiệp 3,6%; ngay sau can thiệp 100%; sau ba tháng can thiệp 100%. Vệ sinh cá nhân không đảm bảo trước can thiệp 16,0%; ngay sau can thiệp 93,8%; 3 tháng sau can thiệp 90,2%. Đồ dùng của trẻ không đảm bảo vệ sinh trước can thiệp 35,6%; ngay sau can thiệp 93,8%; 3 tháng sau can thiệp 92,8%. Sàn nhà không đảm bảo vệ sinh trước can thiệp 18,6%; ngay sau can thiệp 95,8%; sau 3 tháng can thiệp 70,1%. Tỷ lệ các bà mẹ trả lời đúng về cách phân biệt bệnh TCM với các bệnh khác như: bệnh thủy đậu trước can thiệp 10,3%; ngay sau can thiệp 92,3%; 3 tháng sau can thiệp 73,7%. Bệnh nhiệt miệng trước can thiệp 3,6%; ngay sau can thiệp 86,1%; 3 tháng sau can thiệp 65,5%. Bệnh viêm da mủ trước can thiệp 0%; ngay sau can thiệp 86,1%; 3 tháng sau can thiệp 50,5%. Bệnh sốt phát ban trước can thiệp 0%, ngay sau can thiệp 84,5%; sau can thiệp 3 tháng 69,1%. Ngay sau can thiệp tỷ lệ các bà mẹ có thể phân biệt được sự khác biệt giữa các bệnh là rất cao. Tỷ lệ các bà mẹ trả lời đúng về cách xử trí nếu nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh như: cách ly, theo dõi trước can thiệp là 1,5%; ngay sau can thiệp 80,4%; 3 tháng sau can thiệp 77,3%. Đưa đến trạm y tế trước can thiệp 89,7%; ngay sau can thiệp 100%; sau can thiệp 3 tháng 100%. Tự mua thuốc về điều trị trước can thiệp 42,3%; ngay sau can thiệp 0%; 3 tháng sau can thiệp 0%. Tỷ lệ các bà mẹ trả lời đúng về các biện pháp dự phòng

bệnh như: Vệ sinh cá nhân trước can thiệp 77,3%, ngay sau can thiệp và 3 tháng sau can thiệp lần lượt là 98,5 và 97,4%. Vệ sinh đồ dùng cá nhân cho trẻ trước can thiệp là 25,3%; ngay sau can thiệp 93,3%; sau can thiệp 3 tháng 90,7%. Vệ sinh sàn nhà trước can thiệp 12,9%; ngay sau can thiệp là 95,4%; sau can thiệp 3 tháng 93,3%. Đảm bảo ăn chín uống sôi trước can thiệp 4,1%; ngay sau can thiệp 96,4%; sau can thiệp 3 tháng 94,8%. Cách ly với người bị bệnh trước can thiệp 5,2%; ngay sau can thiệp 95,2%; sau can thiệp 3 tháng 94,4%. Kết quả can thiệp cho thấy có sự thay đổi rõ rệt về kiến thức của bà mẹ về các biện pháp dự phòng bệnh ngay sau can thiệp và vẫn duy trì ở mức tốt sau 3 tháng can thiệp. Nếu được truyền thông nhắc lại thì khả năng kiểm soát bệnh TCM trong cộng đồng sẽ được cải thiện. Hạn chế của nghiên cứu là chỉ áp dụng trên các bà mẹ có con dưới 2 tuổi mà bỏ qua mất nhóm bà mẹ có con từ 3 - 5 tuổi[14].

Một phần của tài liệu KIẾN THỨC THỰC HÀNH PHÒNG BỆNH TCM GVMN TAM ĐUONG LAI CHAU 18 6 2017 (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)