Liên kết và phân đới vỉa

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG THẤM CHỨA DẦU KHÍ TRẦM TÍCH ĐIỆN TRỞ THẤP LÔ 16-1 BỂ CỬU LONG (Trang 36 - 39)

Liên kết và phân chia vỉa chứa dựa trên hai phương pháp chủ đạo là: thời địa tầng và thạch địa tầng và có kết hợp với áp suất. Do mỗi cách phân chia và liên kết vỉa chứa đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó nên việc kết hợp các phương pháp sẽ loại trừ và sẽ giảm thiểu sai số trong khi liên kết và phân chia vỉa chứa.

Tập trên phụ hệ tầng Bạch Hổ dưới (LBH) tương ứng với tập địa chấn BI.1, phía trên của phụ hệ tầng Bạch Hổ dưới được tạo thành bởi các tập sét đỏ và bị xen kẹp bởi các tập cát mỏng và phía dưới của tập này được thành tạo bởi các tập cát và các tập sét xen kẹp có màu nâu. Bốn dị thường sinh địa tầng được phát hiện trong phụ hệ tầng này tương ứng với chu kỳ biển tiến và biển thoái.[36]

Các kết quả sinh địa tầng và thạch địa tầng chỉ ra ILBH có hai tập biển thoái bậc hai tương ứng ILBH 5.1 và ILBH 5.2. Các bề mặt ngập lụt cực đại (MFS) và mặt ngập lụt (FS) được nhận diện khá rõ ràng dựa trên các biểu hiện đường cong ĐVLGK.

Các tầng tựa được đánh dấu và nhận biết dựa trên các dị thường GR, các đường cong ĐVLGK và sự thay đổi về màu sắc và thành phần thạch học, các dị thường ĐVLGK. Các dị thường sinh địa tầng và thạch địa tầng được xác định và nhận dạng ở hầu hết các giếng khoan thăm dò và được sử dụng như là các dấu hiệu

chủ đạo trong liên kết của giai đoạn phát triển. Các tập lớn được nhận dạng và đánh dấu các tầng tựa dựa trên số liệu giếng khoan và sau đó sẽ tiến hành liên kết chi tiết nội tập giữa các thân cát. Hình 1.7 thể hiện sơ đồ liên kết các tập chính của các giếng khoan thăm dò.

Hình 1.7. Sơ đồ các giếng khoan thăm dò của mỏ TGT

Nguồn: Báo cáo kế hoạch phát triển Mỏ Tê Giác Trắng, 2010 [41]

- Khu vực phía bắc: Các khoảng liên kết địa tầng được đánh dấu một cách chi tiết dựa trên đường cong Gamma ray tự nhiên dựa trên nghiên cứu hình dáng của đường cong kết hợp với các dị thường sinh địa tầng để làm tăng mức độ tin tưởng và sự chắc chắn trong liên kết giữa các giếng khoan. Giếng khoan TGT-1X và TGT-2X là hai giếng khá gần nhau và cách nhau khoảng 1.5km và thuộc khối H1 có sự tương đồng tương đối tốt, tuy nhiên khi kéo dài xuống đến phía nam khu vực giếng 10X thì rất khó liên kết được với nhau. Các tập ILBH 5.1 và ILBH 5.2 là hai tập chứa chính thuộc Mioxen dưới với các đặc trưng rất là riêng biệt, tập ILBH5.1 được đặc trưng bởi trầm tích lục nguyên với sét màu nâu đỏ được xác định bằng mẫu vụn. Tầng ILBH5.2 được đặc trưng bằng một biến cố biển thoái được thể hiện khá rõ ràng trên tài liệu ĐVLGK. Bề mặt ngập lụt cực đại (MFS) được xác định nằm ngay phía bên dưới của nóc tập ILBH5.2, mặt ngập lụt tiếp theo được xác định tại nóc tập Oligoxen C. Các trầm tích của tập ILBH5.2 chủ yếu được lắng đọng trong môi trường sông ngòi và môi trường đầm hồ.

Các sự kiện và biến cố địa chất được xác định phần lớn tại các giếng khoan trong đó chủ yếu tại các giếng khoan thăm dò dựa trên các biểu hiện của đường cong ĐVLGK. Các vỉa chứa của các tập được liên kết với nhau dựa trên tính biểu hiện tương đồng của đường cong địa vật lý và giá trị đo áp suất cũng như mật độ dầu. Điển hình hai khối nằm phía Bắc của mỏ hai khối H1 và H0 có mức độ tương đồng về mặt ĐVLGK khá tốt và có khả năng liên kết dễ dàng do hai khối này đồng trầm tích và có đứt gẫy với biên độ khá nhỏ nằm phân cách giữa hai khối thuộc tầng ILBH5.2L. Nóc của tầng Oilogene C được bắt gặp là bề mặt bất chỉnh hợp với thành phần thạch học là tập sét dày màu nâu với đặc trưng GR cao, Sonic cao, neutron cao và mật độ cao. Các tài liệu sinh địa tầng khá phù hợp với tài liệu giếng khoan đã chỉ ra có hai biến cố sinh địa tầng được phát hiện và trùng với tài liệu ĐVLGK. Các biến cố sinh địa tầng được xác định trong phần lớn các giếng thăm dò dựa trên mẫu vụn (cutting) được lấy trong khi khoan.

Các tập địa tầng giếng khoan được liên kết với địa tầng khu vực của bể Cửu Long tại các tập lớn, trong khi đó nóc tập Oligoxen C tại mỏ TGT liên kết dễ dàng với địa tầng khu vực tại bể Cửu Long với biểu hiện rõ ràng của bề mặt bất chỉnh hợp. Mẫu vụn của nóc tập C là tập sét dày màu nâu xám, tài liệu địa vật lý giếng khoan có biểu hiện của giá trị GR cao, đường cong neutron cao và mật độ cao. Kết quả nghiên cứu sinh địa tầng cũng cho thấy có một mặt biến cố tại nóc tập Oilgocene C và được gọi là mặt ngập lụt cực đại (MFS). [36]

Áp suất thành hệ đã chỉ ra rằng giữa các địa tầng của mỏ TGT có sự thay đổi đột ngột về mặt áp suất và phân chia thành các hệ thống thủy lực khác nhau. Các vỉa chứa phần lớn là không liên thông theo chiều thẳng đứng và trong các tập lớn. Các vỉa chứa được phân chia chi tiết bằng số liệu áp suất, các vỉa chứa trong cùng một khối có cùng ranh giới dầu nước và có sự liên thông về mặt thủy lực theo chiều thẳng đứng.

Thông tin về áp suất thành hệ cho thấy có sự liên thông giữa các vỉa thông qua hệ thống nước đáy (aquifer) do hệ thống đường nước đáy gần như trùng nhau -

theo chiều từ phía Bắc xuống đến phía Nam và đã được kiểm chứng thông qua áp suất thành hệ và số liệu khai thác thực tế.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG THẤM CHỨA DẦU KHÍ TRẦM TÍCH ĐIỆN TRỞ THẤP LÔ 16-1 BỂ CỬU LONG (Trang 36 - 39)