7. Bố cục dự kiến
3.3.2. Khuyến khích và phát triển công thương nghiệp
Bên cạnh việc chăm lo phục hồi kinh tế nông nghiệp, Quang Trung cũng rất chú ý phát triển nền kinh tế công thương nghiệp. Trong lần hội kiến với Nguyễn Thiếp tại Nghệ An cuối năm 1788, Quang Trung đã bày tỏ hoài bão của mình là muốn xây dựng một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển, đảm bảo cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho nhân dân. Quang Trung nói rằng: “Ta muốn khí dụng gì cũng chẳng phải mua của nước Tàu” (Trần Thị Vinh, 2017, tr. 419). Điều này cho thấy Quang Trung là người có tinh thần độc lập và tự cường rất mạnh mẽ. Đồng thời, Quang Trung không chủ trương cắt đứt quan hệ ngoại thương với các nước, mà chỉ muốn nền kinh tế nước nhà không bị lệ thuộc vào nước ngoài. Ông đã bãi bỏ chính sách ức thương của họ Trịnh, Nguyễn trước đây và thực hiện chính sách phát triển công thương nghiệp trong nước, mở rộng ngoại thương với nước ngoài. Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp được phục hồi và do tác dụng của chính sách chăm sóc, nâng đỡ của nhà nước, nên tình hình công thương nghiệp bị đình trệ hàng thế kỉ nay đã được phục hồi và dần dần đã có những biểu hiện phát triển rõ rệt. Những xưởng thủ công của nhà nước vẫn duy trì để đúc tiền, đóng chiến thuyền, đúc vũ khí và sản xuất một số sản phẩm đặc biệt cho nhà nước.
Để thúc đẩy thêm sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá trong nước, Quang Trung chủ trương mở rộng ngoại thương, đặt quan hệ buôn bán với các nước láng giềng, trước hết là với nhà Thanh và đấu tranh đòi nhà Thanh phải mở cửa buôn bán với nước ta. Quang Trung kiên quyết buộc nhà Thanh phải mở cửa ải, thông chợ búa, làm cho hàng hoá không còn ngưng đọng, để làm lợi cho sự tiêu dùng của nhân dân. Bằng sách lược ngoại giao khôn khéo và tính kiên quyết của Quang Trung, cuối cùng nhà Thanh phải đồng ý để cho nhân dân hai nước được qua lại buôn bán ở một số cửa ải dọc biên giới như Mục Hoá (Cao Bằng), Hoa Sơn, Kì Lừa (Lạng Sơn). Năm 1790, Quang Trung lại đề nghị nhà Thanh cho lập thêm một số cửa ải mới ở Nam Ninh (Trung Quốc) làm cơ quan trao đổi và giới thiệu hàng hoá. Nhờ đó, quan hệ buôn bán giữa hai nước được khôi phục dần. Còn đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, dành cho họ những điều kiện dễ dàng, mong muốn họ tăng cường quan hệ buôn bán với nước ta. Tuy rằng, triều đại Quang Trung mở rộng ngoại thương với nước ngoài nhưng rất kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Vì vậy, các công ty tư bản phương Tây thích giao thiệp với Nguyễn Ánh ở Gia Định hơn, vì họ biết rằng ở Nguyễn Ánh, những yêu sách của họ có thể thực hiện dễ dàng và họ sẵn sàng giúp Nguyễn Ánh lật đổ Tây Sơn để thực hiện mưu đồ can thiệp và xâm lược Đại Việt. Nhiều thương nhân, giáo sĩ người Anh, Bồ Đào Nha, Pháp,... yêu cầu được “viện trợ” cho Nguyễn Ánh đều nhằm mục đích ấy.
Chủ trương mở rộng quan hệ ngoại thương của triều Tây Sơn không chỉ giới hạn đối với Trung Quốc, một nước láng giềng sẵn có truyền thống buôn bán với Việt Nam mà còn mở rộng ra đối với tất cả các nước muốn đặt quan hệ buôn bán với Việt Nam.
Năm 1777, khi Tây Sơn đã làm chủ được hầu hết khu vực Đàng Trong, có một lái buôn người Anh tên là Saclơ Sapman (Charles Chapman) lúc đó đang là đại diện của công ty Anh ở Ấn Độ đã đến gặp Nguyễn Nhạc, được Nguyễn Nhạc đón tiếp và cho phép thương nhân của họ vào buôn bán tại các cửa biển trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn.