Trong nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP đã thực hiện, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro hơn thực hiện dự án vì luôn đứng ở thế dưới trong đàm phán hợp đồng với cơ quan nhà nước. Để mô hình PPP ngày một hoàn thiện và hấp dẫn các nhà đầu tư, Nhà nước cần lấy chủ thể là nhà đầu tư để phát hiện, nhận diện đầy đủ các rủi ro và có giải pháp chia sẻ rủi ro một cách khách quan, minh bạch…
PPP trong thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng là một hình thức ưu việt, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào mô hình này vẫn đầy băn khoăn khi nhiều rủi ro chưa được chia sẻ một cách công bằng, hợp lý. Thậm chí, có nhà đầu tư còn “dọa” không
tham gia dự án nữa, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng bị cơ quan nhà nước “ép” trong đàm phán hợp đồng, dẫn đến phải chịu quá nhiều rủi ro, càng làm càng lỗ.
Thực tế hiện nay, khi cân nhắc đầu tư các dự án PPP, sự quan ngại hầu như vẫn tập trung vào các rủi ro của Nhà nước, của ngân hàng, của người dân, hầu như ít bàn đến những rủi ro của các nhà đầu tư, những cái giá phải trả cho sự đột phá hay mở đường khi họ dám tham gia đầu tư các dự án trong khi cơ chế chính sách còn đang được được hoàn thiện tại Việt Nam. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường có xu hướng ép các nhà đầu tư khi đàm phán hợp đồng, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro.
Để hạn chế những rủi ro mà các nhà đầu tư đã gặp phải, từ thực tiễn triển khai các dự án PPP, nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong thời gian tới khi bắt tay vào xây dựng, thực hiện các dự án PPP, ngoài việc xem xét giảm thiểu rủi ro cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần xem xét một cách khách quan và bình đẳng giải pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Phải thay đổi quan điểm về tư thế giữa Nhà nước và nhà đầu tư thì mới có thể thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, vì hiện nay Nhà nước vẫn ở tư thế cho, còn nhà đầu tư vẫn ở tư thế xin. Nguyên tắc về PPP là bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi hài hòa giữa các bên tham gia dự án. Theo đó, PPP là quan hệ đối tác, gắn bó lâu dài, có sự bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng; quyền lợi, nghĩa vụ được phân bổ tương ứng với phần tham gia của mỗi bên và rủi ro mà mỗi bên phải chịu.
Cần phải xem xét lại mô hình quản lý dự án trong tương lai, nên xem rủi ro là một hợp phần trong phạm vi nội dung quản lý dự án, không thể xem nó là một mục/ hạng mục của một hợp phần nào đó (tiến độ - chi phí – chất lượng) trong quản lý dự án, bởi nhiều rủi ro không xuất hiện trong các hợp phần đó (chính trị, quy hoạch, nền kinh tế, tài chính…). Trong thực tế, nhiều dự án không quản lý được như mục tiêu ban đầu phần lớn xuất phát từ các rủi ro mà ta chưa quan tâm tiên lượng được, có nhiều rủi ro mang tính quy luật và thường vẫn diễn ra ở dự án khác sau nó. Do đó, phải xem rủi ro như là một hợp phần quan trọng trong tiến trình quản lý dự án, đặt biệt là dự án áp dụng hình thức PPP.