Định hướng phát triển ngành xăng dầu tại Việt Nam giai đoạn 2020-

Một phần của tài liệu LƯU HOÀNG MINH-1906012016-KDTM (Trang 88 - 91)

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, nhưng nguồn cung trong nước hạn chế. Vì thế. Việt Nam hiện tại vẫn là nước nhập khẩu dầu ròng. Việt Nam không chỉ nhập khẩu sản phẩm lọc - hóa dầu mà

cả dầu thô phục vụ cho BSR và NSR. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019 tổng sản lượng nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam ước đạt gần 9,8 triệu tấn, giá nhập khẩu trung bình 607 USD/tấn, tổng giá trị nhập khẩu lên đến 6 tỷ USD. Riêng trong tháng 12/2019, lượng xăng dầu nhập khẩu lên đến 952.468 tấn, với tổng kim ngạch ước đạt 561,85 triệu USD.

Trong ngắn hạn, dự báo giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 7% (theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ), theo đó nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu: (i) các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu thay thế như: xe điện, xe gas, tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt chất lượng cao, …; (ii) một số loại nhiên liệu sạch được sản xuất để bảo vệ môi trường thay thế dầu diezen, mazut, dầu hỏa như khí CNG, điện, các loại hóa chất dung môi,…; (iii) trong ngắn hạn, ít nhất trong giai đoạn 2021-2022 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về dài hạn. ngày 13/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống dữ trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, dự trữ xăng dầu thương mại tại các kho đầu mối nhập khẩu xăng dầu bảo đảm ổn định nhu cầu thị trường trong nước do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện. Cụ thể là:

Giai đoạn 2017 - 2025: Dự trữ xăng dầu thương mại tối thiểu ổn định ở mức 30 ngày nhu cầu (tương đương 35 ngày nhập ròng). Trong đó, lượng dự trữ tối thiểu là 1,6 triệu tấn (tương ứng khoảng 37 ngày nhập ròng) vào năm 2020; lượng dự trữ tối thiểu là 2 triệu tấn (tương ứng 35 ngày nhập ròng) vào năm 2025;

Tầm nhìn đến năm 2035: Lượng dự trữ xăng dầu thương mại tối thiểu là 2,5 triệu tấn (tương ứng 32 ngày nhập ròng) vào năm 2030 và lượng dự trữ tối thiểu là 3 triệu tấn (tương ứng 31-32 ngày nhập ròng) vào năm 2035.

Quyết định này cũng đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp về chính sách đối với các dự án phát triển cơ sở vật chất phân phối xăng dầu tại các khu vực vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa (khó khăn về đất đai, hạ tầng giao thông, điện chưa phát triển, khó khăn về huy động vốn, hiệu quả kinh doanh thấp), đồng thời ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA để xây dựng hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu giữa các vùng lãnh thổ trong đó có đường ống từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn kết nối với hệ thống đường ống của Công ty Xăng dầu B12 trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam trong đó có ngành xăng dầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm chủ đạo trong nghị quyết này là năng lượng được ưu tiên phát triển nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế.

Về thị trường năng lượng: Nghị quyết số 55-NQ/TW xác định quan điểm cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Về hệ thống hạ tầng năng lượng: Quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 55- NQ/TW là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và đáp ứng yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.

Ngoài ra, nghị quyết số 55-NQ/TW cũng nêu rõ quan điểm cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Bên cạnh đó, quan điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của xã hội.

Một phần của tài liệu LƯU HOÀNG MINH-1906012016-KDTM (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)