Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các CHXD không còn là mới. Từ những năm 2000, thế giới đã phổ biến các cột bơm có tích hợp máy đọc thẻ. Thiết bị này làm cho giá thành cột bơm cao và chỉ được đầu tư tập trung tại các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu. Giai đoạn tiếp theo, các hãng xăng dầu lớn đã phát triển thêm các công cụ quản lý khách hàng thân thiết dạng vật lý như thẻ khách hàng (thẻ từ, thẻ chip,…), thẻ trả trước. Đến nay, công nghệ phát triển đã cho phép thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ quản lý khách hàng thông qua các phần mềm trên điện thoại thông minh của khách hàng.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành xăng dầu cũng đang bắt đầu triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 đã triển khai thanh toán cho các dạng thẻ ghi nợ, tín dụng và thẻ trả trước đồng thương hiệu với Vietcombank. Thẻ đồng thương hiệu này sẽ là một dạng thẻ quản lý khách hàng thân thiết. PVOil cũng đã triển khai xây dựng phần mềm quản lý công nợ khách hàng trên thiết bị di động và cung cấp giải pháp thanh toán xác thực bằng QR Code thông qua ngân hàng Vietcombank, các ví điện tử như Momo, Viettel Pay, VN Pay,…
Tại Petrolimex, chương trình ứng dụng thẻ thanh toán tại CHXD đã được bắt đầu triển khai từ năm 2009. Chương trinh này là điểm nhấn tiên phong về công nghệ thanh toán tại CHXD cũng như quảng bá và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của Petrolimex. Năm 2009, hệ thống thanh toán được triển khai đã chấp nhận thẻ của
ngân hàng PGBANK có 2 tính năng: tính năng trả trước cho riêng thanh toán xăng dầu và tính năng ghi nợ (sử dụng như thẻ ATM truyền thống). Thẻ trả trước có thể được hình dung tương tự như thuê bao điện thoại trả trước, theo đó khách hàng nạp một số tiền nhất định vào thẻ và sử dụng dần số dư cho các giao dịch mua bán xăng dầu về sau. Loại hình này giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc thanh toán và kiểm soát chi tiêu, đồng thời giúp Petrolimex có thể huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ khách hàng dễ dàng. Đến tháng 7/2017, Tập đoàn đã mở thêm cổng thanh toán cho tất cả các thẻ ghi nợ của tất cả các ngân hàng thuộc liên minh NAPAS. Sau khi triển khai mở cổng thanh toán bằng thẻ ghi nợ, liên tục từ năm 2017 doanh thu bán hàng thông qua thẻ ghi nợ tăng trưởng tốt, cụ thể: 13 tỷ/tháng năm 2017 lên 30 tỷ/tháng năm 2018 và 60 tỷ/tháng năm 2019 (Petrolimex, Báo cáo thực trạng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, 2019). Ngược lại, loại hình thẻ trả trước (định danh và vô danh) chưa đạt được những thành công đáng kể. Việc sử dụng thẻ chưa tiếp cận được rộng rãi nguồn khách hàng thân thiết của Petrolimex mà chủ yếu được nhân viên các CHXD thực hiện để được hưởng các ưu đãi từ chương trình khách hàng thường xuyên.
Vì thế, tác giả cho rằng trong thời gian tới, Tập đoàn cần chú trọng đẩy mạnh và chuẩn hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt áp dụng trên tất cả các CHXD thuộc hệ thống. Cụ thể là:
(i) Nghiên cứu áp dụng các công nghệ thanh toán mới nhất, chấp nhận các loại thẻ, các hình thức xác thực QR code theo cả 2 chiều (tự tạo mã QR tại cửa hàng và đọc được mã QR của khách hàng). Các thiết bị thanh toán này cần được thiết kế chuyên dụng, có tính năng phòng nổ, có độ bền cao, là thiết bị di động có khả năng kết nối mạng không dây để thuận tiện cho thao tác của nhân viên và khách hàng.
(ii) Liên kết hệ thống thanh toán với các cột bơm và đồng bộ dữ liệu lên hệ thống của Petrolimex.
(iii) Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với khách hàng tự phục vụ để gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Do hệ thống cửa hàng của Petrolimex rộng lớn, trải khắp trên các tỉnh thành nên tác giả đề xuất triển khai theo 2 giai đoạn, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Triển khai thí điểm. Giai đoạn 1 triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các CHXD trong các khu vực đô thị, các đường cao tốc quốc lộ do các khu vực này có sản lượng bán cao, tệp khách hàng lớn và dễ dàng tiếp cận công nghệ.
Giai đoạn 2: Triển khai trên quy mô lớn. Sau khi triển khai giai đoạn 1, Petrolimex sẽ đánh giá để triển khai cho các khu vực còn lại