6. Cấu trúc của luận án
1.2.1. Về vấn đề tình yêu hôn nhân gia đình trong đời sống xã hội và trong văn
trong văn học
Tình yêu - hôn nhân - gia đình là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội của bất kỳ cộng đồng, quốc gia, dân tộc nào trong các giai đoạn lịch sử. Với vai trò và ý nghĩa như vậy, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu với rất nhiều lý thuyết và cách thức tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi luận án, chúng tôi không đặt mục tiêu bao quát tất cả các lý thuyết về tình yêu - hôn nhân - gia đình bởi đây là nhiệm vụ bất khả thi mà chỉ đề cập một số lý thuyết nổi bật bàn về vấn đề này.
Trước hết, về mặt khái niệm, từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, sẽ có nhiều cách nhìn nhận và quan niệm khác nhau. Đối với khái niệm tình yêu, với nghĩa rộng nhất, có thể hiểu bao gồm những tình cảm tích cực của con người, có thể là tình yêu tổ quốc, dân tộc, cha mẹ, bạn bè,... Nhưng ở đây, chúng tôi thống nhất sử dụng khái niệm theo nghĩa hẹp, tức là tình yêu giữa những người khác giới. Tất nhiên, bản thân nghĩa hẹp này cũng có quá nhiều vấn đề phức tạp đặt ra, và đồng thời cũng không thể tách bạch hoàn toàn với những tình cảm khác của con người, bởi: “Tình yêu (tình yêu lứa đôi hay tình yêu nam nữ) là cánh cửa để mở mọi cánh cửa” [44; 123]. Nhà nhân học Helen Fisher đã khảo sát từ ý kiến của những người Mỹ và người Nhật trẻ để tìm ra các dấu hiệu lâm sàng của tình yêu, từ đó nhấn mạnh nhu cầu gần gũi, lý tưởng hóa và sở hữu độc quyền đối với đối tượng [107]. Trên bình diện tâm lý học, tác giả Sternberg đã đưa ra một lý thuyết có sức ảnh hưởng lớn: tam giác tình yêu. Theo đó, tình yêu là một tam giác gồm ba trụ cột: đam mê, thân mật và sự cam kết. Đam mê được hiểu là những khao khát, cảm xúc mãnh liệt được
ở bên đối tượng mình yêu, là sự kết hợp của cả hai người, bao gồm cả những ham muốn và nhu cầu tình dục. Thân mật là những cảm xúc, sự tin tưởng, thúc đẩy gắn kết giữa các đối tượng. Cam kết là một “thỏa thuận” duy trì mối quan hệ, là sự kỳ vọng vào tương lai trong tình yêu. Theo Sternberg, với cấu trúc ba trụ cột, ba đỉnh của tam giác, sự kết hợp giữa các yếu tố này tạo ra những kiểu tình yêu khác nhau, và theo nghiên cứu của nhà tâm lý học này, có ít nhất tám kiểu: Cảm tình; Mê đắm; Lãng mạn; Mệt mỏi; Hòa đồng; Trống rỗng; Hoàn hảo; Thiếu tình yêu. Như vậy, theo Sternberg, tình yêu được hiểu là một trong những cảm xúc mãnh liệt nhất của con người với rất nhiều cung bậc và dạng thức khác nhau, trong đó tình yêu trọn vẹn nhất là trong hôn nhân của các cặp vợ chồng, nơi có thể thiết lập một mối quan hệ lãng mạn, đảm bảo nuôi dưỡng đam mê, sự thân mật và cam kết lâu dài [51; 679- 681]. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, khẳng định mối quan hệ mật thiết và vai trò nền tảng của tình yêu trong mối quan hệ với các thành tố hôn nhân, gia đình (tình yêu - hôn nhân – gia đình).
Về khái niệm hôn nhân, tùy từng góc độ nhìn nhận, đánh giá có thể có các cách hiểu khác nhau. Về cơ bản, hôn nhân được xem là một hình thức sắp đặt của một xã hội cụ thể để điều chỉnh mối quan hệ sinh lý giữa đàn ông và đàn bà. Lịch sử loài người đã trải qua các mối liên kết giữa người đàn ông và đàn bà từ thuần túy thỏa mãn những nhu cầu bản năng từ thuở sơ khai đến việc định hình hôn nhân nhằm đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu thỏa mãn bản năng tính giao với những quy chuẩn có tính xã hội của con người văn minh. Khi chế định hôn nhân một vợ một chồng xuất hiện, hôn nhân đã chính thức xác lập quan hệ giữa nam và nữ nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm cá nhân với trách nhiệm tạo lập gia đình – nền tảng cơ bản của xã hội. Bởi vậy, hôn nhân được xem là mối quan hệ thể hiện sự liên kết giữa những người khác giới mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.
Về khái niệm gia đình, dù có rất nhiều quan niệm khác nhau trong lịch sử, nhưng tựu trung, chúng tôi thấy khái niệm của Yvonne Castellan là tương đối bao quát. Theo đó, gia đình được hiểu “là một cộng đồng những người có quan hệ huyết thống; chung sống dưới một mái nhà hay cùng một nơi cư ngụ; cùng chung một số dịch vụ” [26; 3]. Theo nhà nhân chủng học Ralph Linton, sự tồn tại của gia đình dựa trên những nền tảng cơ bản: 1) Cốt lõi vợ chồng được tạo ra trong một thời gian theo nhịp độ hoạt động tình dục của hai người với nhau; 2) Con sinh ra trong một thể trạng chưa hoàn chỉnh, yếu ớt, cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên; 3)
Việc nuôi dạy chung con cái lâu ngày tạo nên những ràng buộc giữa hai vợ chồng, giữa bố mẹ và các con, giữa các con với bố mẹ; 4) Những mối ràng buộc tạo thành các tập thể với sự phân công vai trò của nam và nữ, bố mẹ và con cái,… phụ thuộc vào bói cảnh văn hóa xã hội; 5) Sự gắn kết qua thời gian tạo thành mối quan hệ tình cảm thân thiết, gắn bó giữa anh, chị em trong gia đình với nhau [26; 5-6]. Ở Việt Nam, khái niệm này cũng được dùng tương đối thống nhất, theo đó, gia đình được xem là “tế bào của xã hội, là thiết chế xã hội đặc thù mà các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội và tái sản xuất con người. Gia đình có chức năng sinh đẻ ra những thế hệ mới và giáo dục đào tạo các thế hệ trẻ; nuôi dưỡng, chăm sóc về vật chất và tinh thần, thỏa mãn các nhu cầu tâm – sinh lý của các thành viên” [85; 3].
Các nhà tư tưởng tiêu biểu của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là Marx và Angel đã có những quan điểm độc đáo về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Trong công trình Hệ tư tưởng Đức, Karl Marx đưa ra quan niệm về gia đình, xem đó là một trong những mối quan hệ xã hội căn bản của con người: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là mối quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình… Sự sản xuất ra đời sống – đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái – biểu hiện ra là một quan hệ song trùng; một là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là hoạt động kết hợp của nhiều cá nhân, không kể là trong những điều kiện nào, theo cách nào và nhằm mục đích gì” [106; 44]. Trong tác phẩm
Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Friedrich Engels đã phân tích và chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, xem tình yêu và hôn nhân là những nhu cầu bức thiết của con người, đồng thời là cơ sở nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Ông cho rằng: “Trong lý thuyết đạo đức cũng như trong thơ ca, không một quan niệm nào được xác lập bất di bất dịch và vững chắc bằng quan niệm cho rằng bất cứ cuộc hôn nhân nào không dựa trên tình thương yêu lẫn nhau và trên sự thoả thuận thật sự tự do giữa hai vợ chồng, đều là vô đạo đức cả” [106; 126], đồng thời, “nếu chỉ riêng hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu mới là hợp đạo đức thì cũng chỉ riêng hôn nhân trong
đó tình yêu được duy trì, mới là hợp đạo đức mà thôi” [106; 128]. Nếu nền tảng của hôn nhân và gia đình là tình yêu không còn tồn tại, thì ly hôn là điều cần thiết. Friedrich Engels cho rằng: “Sự thôi thúc của tình yêu cá thể giữa nam và nữ thì lại tuỳ từng người mà lâu dài rất khác nhau, nhất là đối với đàn ông; và nếu tình yêu đã hoàn toàn phai nhạt hoặc bị một tình yêu say đắm mới át đi, thì ly hôn sẽ là điều hay cho cả đôi bên cũng như cho xã hội. Chỉ cần tránh cho người ta khỏi sa chân vô ích vào vũng bùn kiện tụng để ly hôn mà thôi” [106; 128]. Đặc biệt, Friedrich Engels cho rằng, quyền tự do trong tình yêu - hôn nhân - gia đình là bình đẳng đối với cả nam và nữ, đồng thời cần được luật pháp bảo vệ: “Kết hôn vì tình yêu đã được tuyên bố là quyền của con người; hơn nữa, không những là droit de l’homme (quyền của người đàn ông), mà còn là - đây là ngoại lệ - droit de la femme (quyền của người đàn bà)” [106; 126]. Như vậy, quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử đặc biệt quan tâm đến vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình và có những luận điểm quan trọng về mặt xã hội đối với vấn đề này.
Nửa sau thế kỷ XX, hàng loạt những lý thuyết tiếp cận vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình xuất hiện. Trong bài viết “Nghiên cứu gia đình và các lý thuyết tiếp cận”, tác giả Nguyễn Thị Nhung đã tổng thuật sáu lý thuyết cơ bản, bao gồm: Lý thuyết cấu trúc chức năng (Structural functional theories); Lý thuyết xung đột (Conflict theories); Lý thuyết trao đổi (Exchange theory); Lý thuyết chu trình sống (Lifecourse theory); Những lý thuyết nữ quyền (Feminist theories); Những lý thuyết vốn văn hóa xã hội (Theories of social and cultural) [119; 52]. Trong số các lý thuyết kể trên, lý thuyết nữ quyền có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong văn học, nghệ thuật.
Các nhà nghiên cứu lý thuyết nữ quyền chủ yếu tập trung vào vấn đề giới và bình đẳng giới trong gia đình. Sự phân hóa các trường phái khác nhau trong nghiên cứu nữ quyền cũng đẩy vấn đề này theo các ngã rẽ khác nhau, rất phong phú và phức tạp. Một cách khái quát nhất, tác giả Nguyễn Thị Nhung cho rằng: “Về mặt gia đình, những nhà nữ quyền giai đoạn đầu rất quan tâm đến việc phân công lao động trong gia đình và bạo hành gia đình. Những người theo quan điểm nữ quyền chính thống đầu tiên đã coi sự phân công lao động theo giới trong gia đình và việc đưa phụ nữ vào lĩnh vực công việc gia đình chính là cội nguồn của bất bình đẳng với phụ nữ. Những nhà nữ quyền tự do tập trung vào các chủ đề bạo lực gia đình và sự dễ tổn thương về kinh tế của những người nội trợ, họ cho rằng cần phải có một
vài điều chỉnh trong lĩnh vực gia đình để bảo vệ sự an toàn và phúc lợi cho phụ nữ. Các lý luận gia của chủ nghĩa nữ quyền triệt để lên án sự phân biệt giới, áp bức trong gia đình, trong cuộc sống cá nhân” [119; 80].
Trong công trình Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Trần Huyền Sâm đã phác họa lịch sử nghiên cứu nữ quyền ở Pháp, bao gồm làn sóng nữ quyền thứ nhất (khoảng từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX), tập trung đòi quyền bình đẳng cho nữ giới về chính trị, xã hội và hôn nhân gia đình, trong đó về gia đình, “họ đòi quyền được tự do quyết định trong hôn nhân và quyền được ly dị theo mong muốn” [136; 20]. Làn sóng nữ quyền thứ hai khoảng từ giữa thế kỷ XX và đặc biệt sôi nổi vào thập niên 60, 70 với các tên tuổi tiêu biểu như Sagan, Halimi, Fouque và đặc biệt là Simone de Beauvoir, trong đó vấn đề được quan tâm hàng đầu là các vấn đề cá nhân người phụ nữ: quyền thân thể, vấn đề tình dục, sinh sản, nạo thai. Theo đánh giá của Trần Huyền Sâm thì: “Làn sóng giải phóng nữ quyền thứ hai đã đánh dấu một sự kiện lớn trong lịch sử giải phóng nữ giới […]. Kể từ đây, địa vị phụ nữ, nhân vị đàn bà đã được chính thức thừa nhận bằng văn bản pháp lý trên một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội” [136; 34]. Đến làn sóng nữ quyền thứ ba (khoảng từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay), phát triển các thành tựu của làn sóng thứ hai và mở rộng tranh đấu trong các vấn đề chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đồng giới. Đặc biệt, theo Trần Huyền Sâm: “giai đoạn này hình thành khuynh hướng phê bình nữ quyền – một hiện tượng hấp thu rộng rãi lý thuyết hậu hiện đại. Mục đích của phê bình nữ quyền là giải cấu trúc những quan điểm cực đoan của các nhà triết học phân tâm, đặc biệt là chủ nghĩa tôn sùng dương vật” [136; 38].
Có thể nói, trong các lý thuyết gia nữ quyền luận, Simone de Beauvoir (1908 - 1986) đóng vai trò quan trọng, là người đặt nền móng cho sự phát triển của phê bình nữ quyền trong địa hạt văn chương. Bà đã đối thoại với các triết gia Singmund Freud và Nietzsche để khẳng định, những bất bình đẳng về giới do toàn bộ nền văn minh tạo ra, hay nói cách khác: “những thuộc tính mà từ trước đến nay người ta thường quan niệm về phụ nữ không phải là cái vốn có thuộc bản chất của người phụ nữ, mà do người đàn ông áp đặt cho phụ nữ thông qua văn hóa, giáo dục, và ngay cả người phụ nữ cũng tin một cách sai lầm rằng mình vốn yếu kém so với đàn ông” [151; 17]. Bà khẳng định: “Si tình là thuộc tính của con người. Ham mê khoái lạc hay thất tình, cũng là thuộc tính chung của cả hai giới đàn ông và đàn bà. Sự phụ
thuộc của đàn bà đối với đàn ông trong tình yêu/ hôn nhân, thậm chí ham muốn thân xác là do hệ lụy về kinh tế và địa vị xã hội. Một người phụ nữ có thể “bứt ra” sự ràng buộc đó, nếu có một địa vị xã hội đồng đẳng với nam giới” [136; 38]. Về mặt văn học, Simone de Beauvoir đã chứng minh, người phụ nữ hoàn toàn có thể tự do cầm bút để thực hiện những đam mê sáng tạo của mình.
Tiếp theo những đóng góp của Simone de Beauvoir, các nhà phê bình nữ quyền hậu cấu trúc mà hạt nhân ở Pháp đã thiết lập một hệ thống mỹ học tương đối hoàn chỉnh, góp phần nhận diện phẩm tính nữ trong sáng tạo nghệ thuật. Theo Trần Huyền Sâm, mặc dù các nhà phê bình nổi tiếng như Antoinette Fouque, Julia Kristeva, Hélène Cixous, Luce Irigaray,… có những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều gặp nhau ở những nguyên tắc mỹ học tương đối thống nhất: 1) Về mặt đặc tính giới trong văn học, tất cả những gì gọi là tính nữ đều không phải là một sản phẩm sinh học cố định mà là sản phẩm tổng hòa, vừa mang tính tự nhiên vừa chịu sự tác động của môi trường văn hóa xã hội; 2) Về mặt diễn ngôn văn học, các nhà văn nữ luôn chủ trương dỡ bỏ hệ diễn ngôn/ văn hóa nam quyền – một nhân tố trung tâm thống ngự trong văn bản ra khỏi lĩnh vực sáng tạo của nữ giới; 3) Về tiêu chí thẩm mỹ của văn học nữ, các nhà phê bình nữ quyền đã xác lập một khung mỹ học riêng nhằm vận dụng nghiên cứu, thẩm định các hiện tượng văn học nữ [136; 113-114].
Trên cơ sở những quan niệm về tính nữ và lối viết nữ trong văn học nữ của các nhà phê bình nữ quyền, chúng tôi đồng thuận với nhận định của tác giả Trần Huyền Sâm trong việc khái quát những đặc trưng cơ bản. Theo đó, về đề tài các nhà văn nữ thường khai thác những vấn đề gắn với cuộc sống đời thường: “Thế giới mà họ miêu tả chủ yếu xoay quanh nhưng vấn đề thường nhật như gia đình, hôn nhân và