Về những hạnh phúc và bi kịch trong câu chuyện tình yêu hôn nhân gia

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ việt nam đương đại (Trang 78)

6. Cấu trúc của luận án

3.1.3. Về những hạnh phúc và bi kịch trong câu chuyện tình yêu hôn nhân gia

3.1.3. Về những hạnh phúc và bi kịch trong câu chuyện tình yêu - hônnhân - gia đình nhân - gia đình

Viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ đã kể những câu chuyện về khát vọng và con đường đi tìm hạnh phúc đích thực của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Những nỗ lực không mệt mỏi và sự chủ động, mạnh mẽ, khác xa với mẫu hình truyền thống ấy, trong không ít trường hợp đã tìm được hạnh phúc, dù có muộn màng. Lụa trong Bảy ngày trong đời của Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn yêu và chờ đợi Sánh, mặc dù anh đi biền biệt, để lại trong cô đứa con đang lớn lên từng ngày. Tình yêu và sự kiên tâm đã giúp cô vượt qua mọi điều tiếng của người đời để sinh và nuôi con, cho đến ngày được gặp lại Sánh, được hưởng hạnh phúc ngọt ngào dù tương lai phía trước vẫn còn bao gian khó. Trong Mưa đời sau

của Trần Thùy Mai, người mẹ đã phải từ bỏ tình yêu đích thực của mình với âm nhạc để chấp nhận lựa chọn cuộc đời yên ổn bên cha của cô gái. Đến đời cô con gái, cô sẵn sàng từ bỏ anh chàng Việt kiều để đến với người đàn ông hơn cả tuổi mẹ mình mà cô yêu. Cô đã đi tiếp con đường dang dở của mẹ cô bằng cách sống hết mình với tình yêu của mình để thuyết phục mẹ, tránh phải đối mặt với lựa chọn giữa mẹ và tình yêu. Cuối cùng, người mẹ bằng trái tim bao dung đã ủng hộ con gái. Nhím đã vượt qua những rào cản để có được tình yêu của đời mình. Bên cạnh tình yêu, chính tình thương và sự nhún nhường, hi sinh cũng là điều kiện quan trọng để mang đến hạnh phúc của hôn nhân, gia đình. Đó cũng là thông điệp được Bích Ngân gửi gắm trong Dù phải sống ít hơn. Niềm và Thịnh yêu nhau nhưng anh phải tập kết ra Bắc, để lại chị với sự chờ đợi thủy chung. Hai mươi năm sau anh trở về cùng người vợ nơi đất Bắc và hai đứa con. Dù hai người vẫn còn yêu nhau và hai bên gia đình tác hợp, “đòi anh lại cho chị”, nhưng rồi trước những gượng gạo khó xử vì chị chẳng thể có con được nữa, chị đã đi đến quyết định nhường chồng mình cho người vợ sau của anh. Sự hi sinh đầy tinh thần khắc kỉ ấy đã mang lại cho chị sự quý trọng, yêu thương của gia đình ấy, trong đó hai đứa con coi Niềm như má ruột. Đây là câu chuyện hiếm hoi trong truyện ngắn đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình mà chính sự nhân văn trong lựa chọn đã mang đến hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tinh thần gạn lên từ bi kịch.

Và ngay cả khi kết cục của từng câu chuyện còn đó những bất toàn, dang dở thì chỉ khi dám sống thật với khát vọng yêu thương của mình, những người phụ nữ đã thực sự hạnh phúc: “Người phụ nữ si mê có thể mở to đôi mắt nhìn người đàn ông yêu mình và ánh mắt tôn vinh mình. Qua chàng, cõi hư vô trở thành cuộc sống dồi dào và con người biến thành giá trị. Người phụ nữ không còn bị đắm chìm trong đêm tối mịt mà được nâng lên trên đôi cánh, được khích lệ tới tận trời xanh” [20; 325]. Trong truyện ngắn Chị hai ơi! của Trần Thùy Mai, mang thân phận của người phụ nữ đã một lần lỡ dở, bị chồng hắt hủi và có con riêng, nhưng Trúc đã vượt lên trên tất cả với tình yêu với người đàn ông kém tuổi mình. Ở khía cạnh nào đó, lựa chọn để được yêu, được sống hết mình với khát vọng và mơ ước về một tình yêu trọn vẹn, một mái ấm giàu tình thương yêu đã là hạnh phúc của những người phụ nữ. Nói như Trần Thùy Mai trong truyện ngắn Gió thiên đường thì: “Trong tình yêu, hạnh phúc thật ngọt ngào mà khổ đau cũng đầy thi vị. Chỉ có sự chán chường của kẻ không yêu mới thật sự khủng khiếp” [217; 18]. Trong truyện ngắn Tự của nhà văn

Y Ban, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng bị mắc chứng liệt dương, Tự tiếp tục mơ mộng khi bước vào cuộc tình với người đàn ông số hai với hi vọng và sự chờ đợi vào sự lãng mạn xứng tầm với vị thế quan chức của ông ta: “Tôi tha hồ mơ mộng suốt cả buổi tối sau khi nhận được cú điện thoại của người số hai: Ngày mai làm ngày trai gái vu quy. Sẽ có một chiếc nhẫn cưới kim cương, hoặc một chiếc nhẫn bằng cỏ. Một bó hoa hồng trắng. Một phòng trong một khách sạn. Có rượu vang đỏ. Nhẫn sẽ được trao cùng với một nụ hôn nồng nàn. Tôi mê đắm trong sự tưởng tượng của chính mình” [186; 115]. Nhưng rồi Tự đã thất vọng tràn trề vì thay vì tất cả những thứ trong tưởng tượng, người đàn ông số hai đến cùng với hai bịch sữa thừa từ bữa ăn trước đó: “Hai bịch sữa đã ám ảnh tôi khủng khiếp. Mỗi lần nhìn thấy ai cầm trên tay hai bịch sữa là người tôi run lên và thân thể tôi như đang bị phơi trần như nhộng trước thiên hạ. Sau cảm giác ê chề đó tôi luôn tự nhủ rằng tôi sẽ ngẩng cao đầu để từ chối lời đề nghị. Tôi sẽ nói thẳng cảm giác của tôi về hai bịch sữa. Nhưng tôi vốn là kẻ mơ mộng, tôi luôn tin rằng ngày mai sẽ là ngày tốt đẹp. Con người cũng đầy tốt đẹp. Tôi cũng là một người tốt đẹp. Tôi cũng đáng được hưởng những điều tốt đẹp chứ. Lần sau người số 2 sẽ mang đến cho tôi một sự lãng mạn. Hoa, nhẫn cỏ, nhẫn kim cương. Lần sau tôi sẽ nhận được những điều tốt đẹp ấy” [186; 120]. Mặc dù không có được cái lần sau ấy với người số hai, nhưng trong Tự vẫn cháy bỏng khát vọng yêu đương như thế, lãng mạn như thế: “Chúng tôi cùng vào thang máy. Không hiểu sao tôi lại có mơ mộng rằng vào thang máy người số ba sẽ ôm tôi vào lòng. Một cái ôm rất khoáng đạt và lãng mạn. Ý nghĩ làm người tôi run rẩy” [186; 118]. Trước nghịch cảnh và lỡ dở, việc không nguôi hi vọng vào tình yêu, hạnh phúc, vào những điều tốt đẹp có thể xem là hạnh phúc của những người phụ nữ. Đặt con người trên lằn ranh chông chênh của các quan niệm hạnh phúc, khổ đau ấy, các tác giả truyện ngắn nữ đã thực sự thể hiện cái nhìn cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia mạnh mẽ. Nhưng không thể phủ nhận, hạnh phúc trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình chỉ là những trạng huống, những khoảnh khắc hiếm hoi và luôn được đặt trong những phức hợp đa chiều của câu chuyện cuộc sống hiện sinh đầy bất toàn của thời đương đại.

Nhìn tình yêu - hôn nhân - gia đình từ góc nhìn cá nhân, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu là câu chuyện bi kịch với những khổ đau chất chứa. Khảo sát truyện ngắn của các nhà văn Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Trần

Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà,... chúng tôi nhận thấy, bi kịch của con người nói chung, đặc biệt là người phụ nữ đều xuất phát từ chính tình yêu và sự tận hiến của họ. Những mảnh đời bi kịch ấy được diễn tả rất sinh động, giàu sức ám gợi đối với người đọc. Đó có thể là bi kịch do hệ quả của chiến tranh, do áp lực của sự đói nghèo, do hạn chế nhận thức, nhưng có lẽ, được tập trung khai thác và thể nghiệm sâu sắc nhất chính là sự lỡ nhịp, sự vênh lệch của tình yêu thương. Có thể kể đến một số dạng thức bi kịch tiêu biểu như: bi kịch “vỡ mộng yêu đương”, bi kịch “hôn nhân không tình yêu”, bi kịch “gia đình đổ vỡ”,... Chính ở những dạng thức này, các nhà văn nữ đã tỏ ra nhạy cảm hơn các đồng nghiệp nam khi đi sâu nhận diện những biến đổi tinh vi nhất ở chiều sâu bản thể con người thời hiện đại, nhất là ở những người phụ nữ.

Trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, những người phụ nữ luôn sống hết mình cho tình yêu, nhưng họ lại đối diện với muôn nỗi éo le khi đặt tình cảm của mình vào nhầm người. Và sau những xúc cảm dạt dào là nỗi cô đơn, đau khổ khi thần tượng trong tình yêu sụp đổ. Trong Người bán linh hồn của Trần Thùy Mai, Na và Tuấn đã có tình yêu thật lãng mạn, thật đẹp. Na sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh để gánh vác cái phần tục lụy để Tuấn nuôi dưỡng khát vọng nghệ thuật của mình, sẵn sàng âm thầm bán mình để mở đường thành công cho người mình yêu, thế nhưng tình yêu ấy không ngăn được Tuấn sa ngã trước sự hào nhoáng của bà chủ gallery. Tình yêu đẹp với bao lời ước hẹn tan như bọt bèo, chỉ còn lại trong Na những nỗi đau chẳng thể cất lời. Tôi trong 27 bước chân là lên thiên đường của Y Ban đã nhiệt thành trao tình không cần đắn đo cho người đàn ông quyền lực mà cô ngưỡng mộ mỗi khi xuất hiện trên ti vi. Nhưng chỉ 24 giờ sau, sự lạnh lùng, đớn hèn của người đàn ông ấy đã cuốn sạch đi những phút giây hạnh phúc hư ảo của tôi, để rồi nhân vật nhận ra: “Em nhớ anh nói với em rằng, một thời gian thích hợp nào đó mình sẽ gặp nhau. Và em cũng nhớ câu thơ cuối anh đọc cho em, anh không phải là anh bây giờ. Em biết. Và em cũng không phải là em bây giờ. Trong khi những ý nghĩ quay cuồng làm khổ em, em đã tìm cho mình một lối thoát. Em đã lấy câu chuyện của một cô gái bán hoa để làm bài học răn mình. Câu chuyện rằng, một đêm cô đi bán hoa bị khách chơi trả cho một tờ bạc giả. Thay vì sự rên rỉ cô đã tự an ủi mình: Mình bị hiếp rồi. Thực chất, thiếu một bước chân em đã bị sa xuống địa ngục rồi. Dưới địa ngục con người vô cảm, không còn cảm giác buồn đau và sung sướng nữa” [188; 229]. Chẳng ngại ngần băng mình vào những cuộc tình, dù bất cứ trạng

huống nào, khi bị phản bội, người phụ nữ đều mang trong mình nỗi cô đơn cùng cực. Chính những cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã khám phá và biểu đạt thuyết phục nỗi cô đơn khủng khiếp đầy tính nhân văn ấy của những người phụ nữ khi yêu. Đúng như suy nghĩ của người mẹ trong Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ: “Bốn mươi tuổi tôi đã có cái gì cho mình. Tiền tài thì vớ vẩn chỉ đủ ăn và sống một cuộc sống đạm bạc. Một vài cái váy, áo để đi dạ hội và nhảy đầm. Công việc diễn ra đều đều và nỗi nghi ngờ đàn ông. Dù thiếu họ nhiều khi cuộc sống của tôi lắm lúc gay gay. Có những kẻ yêu tôi thật, thì tôi không ngửi được họ. Còn một vài người tôi yêu thì họ chỉ xuê xoa “chơi” với tôi. Biết làm sao được. Con cá trượt thường là con cá to. Không có cái gì trong tay mình là nhất cả. Bỗng dưng, tôi thấy sập xuống người mình, một nỗi trống trải hoang vắng khủng khiếp” [207; 48]. Người đọc có thể bắt gặp ở truyện ngắn của hầu hết các tác giả nữ những bi kịch cô đơn, của sự tự vấn của những người phụ nữ sau sự dối lừa, phản bội và những thất vọng của tình yêu như thế. Ảo vọng và sự phù phiếm có thể là cánh mây nâng đỡ khát vọng yêu thương của con người nhưng cuộc sống thực tại vẫn luôn hiện diện với những sự thật nghiệt ngã vô thường của nó. Đó chính là gốc rễ sâu xa cho mọi bi kịch số phận của con người trong truyện ngắn nữ khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Ở một khía cạnh nào đó, người con gái trong Tình yêu ơi, ở đâu? của Nguyễn Thị Thu Huệ là một câu chuyện bi kịch tương đối tiêu biểu. Mang trong mình khát vọng: “Nàng muốn cuộc sống của mình phải như nàng nghĩ. Sẽ lấy một người chồng lý tưởng, biết yêu và chiều nàng. Một cuộc sống đầy đủ”. Thế nhưng cái khát vọng ấy của nàng theo thời gian cứ bị bào mòn đi cùng những nỗi đau. Thất vọng về chàng thi sĩ vì “chàng không và sẽ không bao giờ có sức làm trụ cột gia đình”, nàng đến với một chàng kế toán viên để rồi phải nếm trải những hành động thực dụng đến ti tiện và thô bỉ. Thế rồi, nàng đến với anh bộ đội phục viên đã từng đổ vỡ hôn nhân với tâm thế của người đã biết đủ, biết chấp nhận. Nhưng cả khi đó, những rào cản từ những đứa con của chàng, bởi chúng không muốn chia sẻ, “chúng sợ nàng sẽ cướp mất người bố, chiếm căn nhà và tống chúng nó ra đường như bao cảnh con chung, con riêng” [207; 77-87]. Cứ mỗi lần yêu là một lần chấp nhận, nhưng nỗi đau buồn và sự cô đơn thường trực vẫn đeo bám, đẩy nàng vào nỗi tuyệt vọng chẳng có lối thoát.

Cuộc sống đương đại ngày càng trở nên gấp gáp, con người ngày càng trở nên cô đơn và lạc lõng trong thế giới kỹ trị, khủng hoảng niềm tin. Gia đình tưởng như

là ranh giới cuối cùng của sự yên ổn, nơi mà có lúc tác giả gọi đó là “vùng an lạc” trong vòng xoáy của cơ chế thị trường và đời sống xã hội thời hiện đại, có ai ngờ lại là vùng chứa nhiều sóng gió nhất. Lối sống ích kỷ buông thả theo những dục vọng thấp hèn, coi đồng tiền là trên hết, bất chấp những nguyên tắc, luật lệ lan toả vào từng gia đình, làm đảo lộn cả những giá trị truyền thống thiêng liêng cao cả. Sự đổ vỡ đó chủ yếu do sự cách biệt về quan niệm sống, về cách ứng xử, các mối quan hệ trong giao tiếp và đặc biệt hôn nhân không xuất phát từ tình yêu giữa người vợ và người chồng. Trong dòng vận động ấy, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã thể hiện những góc nhìn của người trong cuộc, gợi mở những nhận thức mới mẻ, đầy tinh thần nhân văn về con người trong tình yêu, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Khi “đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn” (Trăng soi sân nhỏ - Ma Văn Kháng), các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã đặc biệt nhạy cảm với nỗi đau của những lựa chọn lầm lỡ, của những vênh lệch khi tình yêu vơi cạn. Khi cái “tôi” được đặt lại đúng vị trí của nó trong sự cắt nghĩa của nhà văn về sự sống con người, sẽ không còn những ranh giới đúng – sai, phải – trái đơn thuần. Những vấn đề xã hội, thế sự vì thế chỉ là ánh xạ được soi ngược từ những bi kịch đơn nhất, ngẫu nhiên đầy tinh thần nhân văn như thế. Chúng tôi muốn dừng lại ở truyện ngắn

Dưới ánh đèn nhiều màu của Nguyễn Thị Ngọc Tú để làm rõ cái mạch ngầm dẫn đến những bi kịch trong tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại. Truyện kể về Nhạn, người phụ nữ đã trải qua hai cuộc hôn nhân, trong đó người chồng thứ 2 biết chiều chuộng chị và hết mực chăm lo cho gia đình. Nhưng Nhạn cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, trong lòng chị vẫn còn cái gì đó mơ hồ thôi thúc, khiến cho chị đưa chân vào mối tình với anh chàng “mọt sách” đã có vợ con, chỉ vì lý do anh ta lịch lãm, anh ta có tâm hồn, anh ta không giống hai người chồng của chị. Chị cung phụng người đàn ông đó để nhận lại những giây phút vụng trộm với dự vị ngọt ngào. Rồi Nhạn chia tay chồng, bỏ lại đứa con, bỏ Sài Gòn để ra Hà Nội với người đàn ông ấy nhưng anh ta lại muốn tất cả, cả vợ cái con cột,

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ việt nam đương đại (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w