6. Cấu trúc của luận án
4.4.1. Nghệ thuật tổ chức giọng điệu
Giọng điệu là khái niệm dùng để chỉ “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm,…” [60; 234]. Giọng điệu trong văn học đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng thế giới hình tượng trong tác phẩm văn học, “vừa liên kết các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho chúng cùng
mang một âm hưởng nào đó cùng chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm quy tụ lại và định hình thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó, trong chỉnh thể giọng ấy mỗi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí mới mẻ hơn” [164; 152]. Khảo sát truyện ngắn nữ viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, chúng tôi nhận thấy, chính sự đa đạng trong thể nghiệm giọng điệu vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của hành trình thâm nhập và biểu hiện những sắc điệu phong phú, sinh động của vấn đề có ý nghĩa đặc biệt này từ cái nhìn nữ giới. Có lẽ chính cái nhìn nội cảm và giọng điệu độc đáo là một trong những phương diện quan trọng nhất mang đến hiệu ứng tư tưởng, thẩm mỹ cho truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về vấn đề này. Có thể thấy nổi bật một số sắc giọng cơ bản được tổ chức một cách hợp lý: giọng trữ tình sâu lắng, giọng xót xa thương cảm, giọng triết lý thâm trầm, giọng mỉa mai, châm biếm, giễu nhại.
4.4.1.1. Giọng trữ tình sâu lắng mang đậm “thiên tính” nữ
Viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, truyện ngắn nữ đã nỗ lực bộc lộ trọn vẹn khao khát hạnh phúc không nguôi của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đi sâu vào thế giới tinh thần đầy bí ẩn, những “người đàn bà viết” ấy đã hết lòng tụng ca, nâng niu những cung bậc hạnh phúc, dù đó là những ngọt ngào ngắn ngủi, những ảo ảnh xa vời,… Xây dựng những nhân vật hết mình vì tình yêu, sẵn sàng hiến dâng, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để với đến mong ước ấy, truyện ngắn nữ đã thể nghiệm những trường đoạn trữ tình tinh tế, sâu lắng, rất gần với thơ. Chẳng hạn, trong Biển và người đàn bà của Y Ban, khi đã chứng kiến sự thay lòng đổi dạ của người đàn ông, người đàn bà vẫn kiêu hãnh với tình yêu của mình: “Nàng đi ra biển. Biển rì rào: nàng là một người đàn bà nhân hậu. Nàng rất thông minh, nàng biết việc mình làm. Nàng sẽ giết chết người đàn ông nếu nàng muốn. Nhưng nàng sẽ chẳng làm thế đâu. Chính nàng, nàng là vàng hòa lẫn trong nước biển này. Sẽ có một nhà khoa học khác đến nghiên cứu để chắt lọc ra tên gọi của nàng” [182; 389]. Đó thực sự là bài ca về sự bao dung của người phụ nữ trước sự vần xoay của thế cuộc, trở thành sự lắng đọng đầy suy ngẫm trong tiếp nhận của người đọc.
Giọng trữ tình sâu lắng được các tác giả sử dụng và phát huy hiệu quả thẩm mĩ đặc biệt trong những khúc đoạn viết về người phụ nữ trong tình yêu. Giọng văn ấy đã lột tả hết mọi cung bậc cảm xúc đầy tinh tế, khi dịu dàng, đắm say, lúc hoang hoải mênh mang; khi thâm trầm quyến rũ, lúc dạt dào đam mê,… Nhà phê bình Bùi Việt Thắng có lý khi viết: “Văn học nước nhà, truyện ngắn hôm nay mang gương
mặt nữ: khoan dung, trắc ẩn và đắm đuối” [148; 36]. Trong Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ, người con gái khi yêu đã nhìn cả thế giới từ những rung động thần tiên như thế của mình: “Đêm nay. Trăng mười sáu. Tròn trĩnh và trinh nguyên, vàng rực tưới ánh sáng xuống sóng nước như thể lần đầu hiển hiện trên đời. Chỗ hôm qua chúng tôi nằm, giờ gió và sóng đã làm chìm đi tất. Cách đây xa xa. Ngược về phía đường vào thành phố, hàng nghìn dấu chân in hằn trên cát. Chắc về đêm, thủy triều sẽ lại xóa đi. Tôi ngồi xuống. Rồi nằm ra, cô đơn. Giờ này. Hôm qua. Tôi mê đi trên chiếc giường hạnh phúc, chiếc giường có một không hai trên thế gian này. Tôi yêu và được yêu. Dù biết rằng đến phút ấy, tôi vẫn chưa được gì trọn vẹn ở cuộc đời. Luôn luôn cô đơn, khát khao một cái gì cụ thể, nên chẳng bao giờ có. Rồi chợt gặp anh. Anh bình dị nhưng sang trọng. Anh dân dã, nhưng đầy ắp những gì tôi khuyết. Có người ví tình yêu ào nhanh như cơn bão. Anh đến với tôi chẳng phải mưa giông, chớp giật. Anh êm đềm thấm vào tôi như hơi thở. Tôi không tin rằng mình lại có tình yêu bởi tôi mất nó quá lâu rồi” [207; 20]. Cảm xúc của những người phụ nữ trong tình yêu, trong vòng tay của người mình yêu đã được vẽ nên đầy tinh tế như thế trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Đây là một đoạn văn ngẫu nhiên trong Còn lại một vầng trăng của Nguyễn Thị Thu Huệ: “Anh im lặng. Vòng tay ra sau nắm tay tôi. Bàn tay anh ấm áp, to và cứng. Lòng tôi tràn hạnh phúc. Tôi biết mơ mộng từ ngày yêu anh. Biết nhớ mong, dỗi hờn từ ngày có anh. Và đêm nay. Biết trăng đẹp vì đi bên anh” [207; 38]. Giọng điệu trữ tình sâu lắng như thế thường được nhà văn xây dựng nên bởi những bức tranh thi vị, nơi tình cảm con người hòa quyện với thiên nhiên trong trẻo: “nắng thủy tinh rờ rỡ ngoài trời, những cái lá trên cây xanh sạch sẽ mơn mởn sau trận mưa đêm đang làm duyên dưới nắng” (Người đàn bà đứng trước gương của Y Ban) [191; 143]; “mỗi buổi chiều khi hoàng hôn khoác cho trời đất tấm áo choàng màu tím, thì tiếng sáo mục đồng ngân nga réo rắt lòng người. Một buổi sớm mai khi bình minh lên một màu hồng tươi cùng màu xanh mỡ màng của cỏ cây có hai bông hoa mọc lúng liếng giữa hai luống sắc nền ấy, đó chính là đôi mắt và đôi môi của chàng” (Câu chuyện tình yêu của Y Ban) [182; 287]; “Những hạt mưa bụi nhẹ nhàng như lướt trên thảm cỏ xanh. Tóc nàng lấm tấm những hạt nước trời nhỏ li ti. Từ trên nền trời màu tím nhạt, tôi nhìn thấy gương mặt nàng đã phủ một màu hồng đào, màu hồng đào mà bao lâu nay tôi thầm mong nhìn thấy” (Ăn trái đào hái hoa hồng đào của Võ Thị Xuân Hà) [198; 216];…
Nhưng cuộc đời bất toàn lắm nỗi éo le, hạnh phúc ngắn ngủi, những khao khát yêu thương ấy dồn tụ trong những giấc mơ. Chính bởi vậy, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình rất nhạy cảm với không gian của những giấc mơ. Đó thực sự là không gian của những ao ước được thăng hoa, trở thành những trường đoạn đậm chất thơ trong truyện ngắn nữ khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Đây là một giấc mơ như thế: “Rồi một đêm. Tôi mơ thấy mình đi ra biển. Biển đêm đỏ rực dưới ánh trăn cuối tháng, cong vút và kiêu bạc lắt léo giữa trời. Người ấy hiện ra, chạy bằng đôi chân trắng muốt, nhỏ xíu như như chân đứa trẻ lên tám. Tôi chạy lao vào người chàng. Chân chàng lún xuống cát. Rồi chàng hôn tôi” (Người đi tìm giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Huệ) [207; 197]. Có thể nói, thể nghiệm giọng điệu trữ tình sâu lắng, các nhà văn nữ đã phô diễn được sự mềm mại, nữ tính của mình. Những rung động tinh tế, những cung bậc hạnh phúc ngọt ngào thực sự đã trở thành ước mơ bất diệt trên hành trình đi tìm hạnh phúc của con người trong cuộc sống.
4.4.1.2. Giọng xót xa, thương cảm mềm mại
Giọng điệu xót xa, thương cảm là một trong những giọng chủ đạo trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Si mê, tận hiến, sẵn sàng hi sinh để kiếm tìm hạnh phúc nhưng cuộc đời vốn éo le, hạnh phúc trở nên hư ảo. Đi sâu vào thế giới nội cảm phức tạp, đầy tổn thương của con người hiện đại, đặc biệt là những người phụ nữ, các cây bút truyện ngắn nữ đã thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau, với những bi kịch ẩn sâu không lối thoát. Đây là một trường đoạn thể hiện chất giọng xót xa, thương cảm điển hình: “Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm “viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn”, chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông. Nhưng mà chờ đến khi nào lận? Ai mà biết. Mùa nay gió bấc hiu hiu lại về” (Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư) [230; 36]. Đây là đoạn kết trong khung cảnh chung của giọng điệu xa xót, đầy cảm thông với những con người nặng tình, nặng nghĩa. Vì quá yêu, quá tự trọng mà mỗi người họ đều là những thế giới bưng kín trong cô đơn hoang hoải, nhà văn đã truyền tải thế giới ấy bằng giọng văn bàng bạc xót xa đầy ám ảnh.
Trải qua những biến cố, trả giá cho những lựa chọn của chính mình, những người phụ nữ chìm đắm trong nỗi cô đơn tận độ. Biểu đạt thế giới cô đơn hoang
hoải ấy, giọng thương cảm đã khơi gợi sự đồng cảm mạnh mẽ trong tiếp nhận. Ví dụ, khi viết về người đàn bà đã từng bỏ lại gia đình, con cái để theo đuổi đam mê, theo đuổi những cuộc tình hư ảo, để rồi cuối cùng đau đớn nhận ra mình đã đánh đổi mọi thứ để nhận về đắng cay: “Nàng đi đến giường và nằm vật ra. Trong ý nghĩ toang tuyếch đến cực độ nàng cố bắt óc phải suy nghĩ đến một điều gì đó, phải rồi, nàng có hai đứa con gái. Chúng đẹp lắm! Giờ này chúng đang làm gì nhỉ? Con lớn chắc đã tự chăm sóc được bản thân, còn con bé? Nàng thương con rát ruột. Nỗi đau thương con như gấp đôi mọi lần vì các con nàng là con gái. Nàng đã có một tuổi thơ thật êm đẹp và cho nàng đã rất yêu và chiều nàng. Thế rồi nàng trở thành đàn bà với những lần lột xác. Nàng vẫn cho rằng nàng là người đàn bà thật tỉnh táo, lý trí, mà vẫn còn phải đau đớn đến vậy. Nàng cũng được biết còn nhiều người đàn bà khác kém lý trí hơn nàng đã phải đau đớn đến thế nào khi họ không nhận ra chính diện bản thân mình” (Người đàn bà đứng trước gương của Y Ban) [191; 151]. Chạm vào những suy tư sâu thẳm của con người với cái nhìn cảm thông, chia sẻ như thế chính là thế mạnh của các cây bút nữ so với các cây bút truyện ngắn nam đương đại.
Giọng điệu xót xa, thương cảm không chỉ được các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại sử dụng trong những trường đoạn viết về thế giới nội cảm của nhân vật. Ở không ít trường hợp, những khoảng lặng trong truyện kể đã được thiết kế để kích hoạt cảm xúc này trong tiếp nhận. Chẳng hạn, trong Cánh đồng bất tận, khi viết về tình cảnh đáng thương của Sương – cô gái giang hồ sau một đêm đi “thương lượng” với những “người có trách nhiệm” của địa phương để cứu đàn vịt của chị em Nương, Nguyễn Ngọc Tư đã viết: “Một người nuốt nước miếng, ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo. Mắt ông ta lột trần chị, và toan tính một thoáng. Người còn lại có vẻ thú vị, háo hức như sắp xem được một vở cải lương hay. Chị thấu hiểu đàn ông đến nỗi, ngay lập tức chị ngó về phía chúng tôi, ngầm báo, cuộc thương lượng (về một sự đổi chác) đã kết thúc rồi… Chị trở về khi trăng rạng rỡ trên đầu (mãi sau nầy, tôi vẫn còn ghê sợ cái màu trăng ấy). Ống quần quệt vào cỏ ướt đẫm sương. Hơi rượu quyện với mùi thuốc lá làm tôi chạo chực. Nhác thấy hai chị em tôi ngồi thù lù, chị kêu lên, trời đất, hai cưng chờ chị chi vậy.“Chị làm đĩ quen rồi, mấy chuyện nầy nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?” [230; 202-203]. Một đoạn văn đa âm sắc về giọng điệu nhưng nổi bật vẫn là nỗi buồn, sự cảm thương sâu sắc trong tiếp nhận khi chứng kiến sự nổi nênh của phận người.
Khám phá con người trên hành trình kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, kiếm tìm hạnh phúc trong tình yêu - hôn nhân - gia đình, các tác giả truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại thường xuyên sử dụng giọng điệu triết lý thâm trầm để khái quát những nhận thức, giải đáp những câu hỏi về sự tồn tại và khát vọng con người: Ta là ai? Ta sống cho ai, vì cái gì? Đâu là giá trị đích thực cần hướng tới trong tình yêu, trong hôn nhân, gia đình?... Hầu hết sáng tác của Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Thùy Dương, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Xuân Hà,... đều thể nghiệm giọng điệu triết lý thâm trầm ở những trường đoạn khác nhau, khiến cho giọng điệu này trở thành chủ đạo trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình.
Triết lý về cuộc đời, truyện ngắn nữ thường xuyên xuất hiện những khái quát về cuộc đời, về vị trí của con người trong cuộc đời, sự ràng buộc giữa luân lý đạo đức với những đam mê, dục vọng,… Có thể thấy những khát quát mang tính triết lý như thế qua một số suy cảm: “Đời phần lớn là buồn. Ngày nọ rồi tới ngày kia. Mỗi ngày được thêu dệt nên bởi những nỗi buồn con con nhiều khi vô cớ” (Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ); “Ở đời, người ta cứ sống được là vì họ có ảo vọng và ngộ nhận”; “Con người khổ thế không biết. Suốt cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc chết đi cứ như ở trong một cuộc chạy thi. Ai cũng bị cuốn vào đó mà không biết. Người khỏe chạy nhanh, người yếu chạy chậm” (Minu xinh đẹp của Nguyễn Thị Thu Huệ); “Không ai chịu sống qua kinh nghiệm của người đi trước. Lại cứ thích bằng kinh nghiệm của chính mình. Thích tự mình rút ra điều phải làm. Có khi phải ân hận và trả giá suốt đời” (Còn lại một vầng trăng của Nguyễn Thị Thu Huệ) [205]; “Ở đời chẳng mấy kẻ khốn nạn mà tồn tại bền lâu đâu chị. Làm người tử tế sướng hơn chị ạ. Người tử tế thì hay chịu thiệt thòi, dẫu có thiệt thòi vẫn là người tử tế” (Cõi hận thù của Y Ban) [182];…
Vấn đề trọng tâm thu hút những tiếng nói triết lý trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chính là ý nghĩa của tình yêu, là hạnh phúc trong hôn nhân, gia đình mà các nhân vật mải miết đi tìm: “Lấy người yêu mình chứ đừng lấy người mình yêu” (Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ); “Trong tình yêu có những lúc phải giành lấy cái để gọi như chơi bạc ấy, được thì phất, hỏng thì thôi nhưng cứ phải cướp cái” (Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ); “Người đàn ông đã có vợ thường tìm thấy trong tình yêu mới là tinh thần chứ không phải sự cuồng si của thể xác” (Biển ấm của Nguyễn Thị Thu Huệ); “Chỉ cố yêu ai đó bằng tinh thần thôi chứ
đừng vì thể xác, chóng chán lắm em bé ạ” (Cầu thang của Nguyễn Thị Thu Huệ) [207]; “Phụ nữ chúng tôi có những giai đoạn chẳng khác nào con gà ấp bóng kia. Còn lại là một tình yêu đích thực” (Gà ấp bóng của Y Ban) [191]; “Thiên đường, hình như ai trong đời cũng từng đặt chân tới đó. Chỉ khác nhau là thiên đường của họ là cái gì và đem lại hạnh phúc cho họ ra sao” (Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ) [207]; “Nhưng sự đời suy thịnh, thịnh suy, hạnh phúc rồi bất hạnh, nó chỉ cách nhau gang tấc mà thôi. Khi hạnh phúc người ta hướng về miền đất hứa, khi bất hạnh người ta nhớ về bến đò xưa” (Cái Tý của Y Ban); “Ở đời chẳng có phân giới nào rõ ràng cho hạnh phúc hay bất hạnh, sung sướng và khổ đau. Những cảm giác đó có một vòng giao thoa rất rộng. Hạnh phúc ư? Rồi thì bất hạnh đấy. Sung sướng ư? Thì sẽ khổ đau ngay” (Sau chớp là dông bão của Y Ban) [191];…
Triết lý để trăn trở, truy tìm ý nghĩa con đường kiếm tìm của mình đã trở