6. Cấu trúc của luận án
2.1.1. Tiền đề cho sự phát triển truyện ngắn các nhà văn nữ
2.1.1.1. Những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa
Đại thắng mùa xuân 1975 là một dấu son chói lọi, mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam, đồng thời đây cũng là cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Từ đây, văn học Việt Nam chính thức kết thúc giai đoạn 30 năm đồng hành cùng dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển trong bối cảnh hòa bình. Dẫu vậy, sau 1975, đất nước vẫn tiếp tục phải trải qua hành trình gian nan, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ từ các tuyến biên giới, đồng thời phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh, do sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở một loạt nước Đông Âu và ngay tại thành trì của nó (Liên Xô), do chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch và cả những sai lầm chủ quan trong lựa chọn mô hình phát triển. Tuy không hiện diện với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, nhưng đây là giai đoạn văn học đóng vai trò quan trọng trong văn học sử Việt Nam hiện đại. Theo Nguyễn Bích Thu, “Giai đoạn 1975 - 1985 là giai đoạn bản lề, mở ra thời kỳ mới cho văn học, nghệ thuật nước nhà. Đây là giai đoạn văn học quan trọng, khởi phát những tín hiệu mới, với không ít thành tựu và triển vọng, có ảnh hưởng và tác động đáng kể đối với văn học thời kỳ Đổi mới sau 1986” [156]. Có thể coi đây là giai đoạn văn học âm thầm vận động, tích tụ những xung lực cần thiết để bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển sau đó.
Có thể nói, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là bối cảnh lịch sử, văn hóa căn bản, tác động mạnh đến sự vận động, đổi mới văn học nói chung, truyện ngắn nữ Việt Nam nói riêng từ sau năm 1975. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước với hàng loạt chính sách mang tầm vĩ mô và gần như ngay lập tức tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống. Nền tảng của tư duy đổi mới là thái độ và bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức rõ sự thật, đánh giá và nói đúng sự thật. Hầu hết các lĩnh vực của
đời sống xã hội, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng đều có những bước vận động, đổi mới. Chính những đổi mới ở cấp độ vĩ mô như vậy đã tác động mạnh mẽ đến sự vận động và phát triển của tư duy văn học. Những mạch nguồn đổi mới âm thầm tích tụ từ ngày thống nhất đất nước đã được khơi thông, tạo ra không khí sáng tạo rộng mở và trực diện hơn. Rõ ràng, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật là xu hướng chủ đạo, hoàn toàn nằm trong nguồn mạch đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng. Tinh thần ấy đã đột khởi vào chính nút thắt của đời sống văn học vốn đang mang những dấu hiệu khủng hoảng như nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập. Trong bối cảnh chuyển từ thời chiến sang thời bình, yêu cầu của công chúng đối với sự đổi mới văn học ngày càng trở nên cấp thiết. Đúng như nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận định: “Nếu trong chiến tranh chỉ có một câu hỏi duy nhất: sống hay chết, thì bây giờ vô số câu hỏi muôn hình nghìn vẻ dấy lên từ những tầng sâu của xã hội, tích lũy âm thầm trong những quá trình lịch sử phức tạp và lâu dài, bày hết ra trước con người... Ấy vậy mà khi con người đó tìm đến văn học để mong nhận được ở đấy ít ra một lời tâm sự, một an ủi, chia sẻ, thì họ lại nghe, vẫn như ngày trước, ồn ào một giọng điệu anh hùng ca mà giờ đây như đã trở nên lạc lõng, xa lạ. Văn học đã không nghe, không hiểu được những lo lắng “tầm thường” hôm nay của họ, văn học quay lưng lại với nhưng ưu tư “vụn vặt” và bức xúc hằng ngày của họ, cho nên nếu họ có dửng dưng quay lưng lại với văn học thì cũng là đương nhiên” [99; 169-170]. Những câu thúc, đòi hỏi của thực tiễn đời sống hậu chiến đã trở thành động lực trực tiếp đưa văn học vào tiến trình đổi mới. Đây là sự thay đổi căn bản tạo ra bối cảnh lịch sử, văn hóa mới, là tiền đề trực tiếp cho sự vận động, đổi mới của văn học nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng. Trong suốt chặng đường mười năm trước đổi mới, nhu cầu được khám phá và phản ánh hiện thực của văn học gặp nhiều khó khăn, trở ngại; phải chờ đến khi chủ trương đổi mới chính thức được thông qua, cơ hội mới mới thực sự xuất hiện. Trong bài viết “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Nguyễn Minh Châu đã đề cập đến những giới hạn đó của văn học trước đổi mới: “Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa” [28; 3]. Ở đây, vấn đề tự do sáng tác, vấn đề nhà văn cần phải bám sát đời sống, được nói sự thật về đời sống đã được nhà văn đặt ra một cách rốt ráo: “Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng
cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhảy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ” [28; 3]. Nhìn lại không khí văn học những năm trước và đầu đổi mới để thấy, những chuyển hướng tư duy và hành động của Đảng đã thực sự trở thành tiền đề cho những đổi mới văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng, trong đó có truyện ngắn của các nhà văn nữ.
Một phương diện khác rất quan trọng của thời kỳ đổi mới, đó là nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường là bước đột phá, xác lập một bối cảnh, cơ chế văn hóa hoàn toàn khác biệt so với thời kỳ chiến tranh và thời kỳ bao cấp. Kinh tế thị trường đã tạo lập không gian dân chủ, kích thích và từng bước hình thành sự đa dạng trong sáng tạo và tiếp nhận văn học. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được vận hành đã tác động mạnh mẽ, dần hình thành và ngày càng mở rộng phẩm tính đại chúng của nền văn học. Chuyển từ “cấu trúc văn hóa” của thời chiến sang thời bình, khi dư âm chiến thắng dần nhường chỗ cho những lo toan về đời sống vật chất, cũng đồng thời là sự thức tỉnh ý thức cá nhân trên tinh thần nhân bản. Đến đổi mới, nền kinh tế thị trường đã dần phá vỡ những bó buộc đối với cái tôi cá nhân trên bình diện văn hóa. Từ đây, bên cạnh cái ta, văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng đã ngày càng quan tâm thích đáng đến cái tôi. Ở đây, các cây bút truyện ngắn nữ đã thực sự được trao và nắm bắt rất nhanh cơ hội với những thế mạnh của mình trong việc khám phá chiều sâu của cái tôi cá nhân trong các quan hệ thế sự và đời tư. Bên cạnh đó, hệ quả tất yếu của sự vận động này là sự phân hoá của quan niệm văn học và thị hiếu thẩm mĩ của độc giả từ đơn nhất chuyển sang đa dạng. Và chính ở những đòi hỏi, thôi thúc và cả những cơ hội mở ra từ sự vận hành những quy luật của thị trường đã dần xác lập những tương tác và lựa chọn rộng mở giữa sáng tạo và tiếp nhận. Đó là môi trường thuận lợi để những cơ hội và thế mạnh của các cây bút văn xuôi nữ nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng biến thành hiện thực với sự xuất hiện và ghi dấu ấn trong tiếp nhận. Đây là bối cảnh hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho sự nở rộ của truyện ngắn nữ từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986.
Một thành tố quan trọng khác của thời kỳ đổi mới là sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật. Tinh thần đổi
mới tư duy trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được thể hiện toàn diện, cụ thể trong các cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Có thể nói, sự đổi mới tư duy lãnh đạo văn nghệ nói chung, văn học nói riêng của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1986 đã đáp ứng sự vận động tất yếu của thực tiễn đời sống văn học, trở thành một nhân tố hữu cơ của thực thể văn học Việt Nam thời kỳ này. Những đổi mới tư duy và quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn học, nghệ thuật đã tạo lập biên độ, thiết lập không gian, mở rộng giới hạn cho những nỗ lực đổi mới văn học theo hướng dân chủ hóa, hướng về hiện thực và từng bước hòa vào dòng chảy chung của văn học hiện đại, đương đại thế giới. Đối với văn học nữ nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng, những đổi mới về tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đóng vai trò thúc đẩy những nhân tố ngoại sinh và nội sinh khác, tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng các tác giả, tác phẩm. Từ sau 1986, đất nước bước vào hành trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công cuộc hội nhập quốc tế là một bước ngoặt, một đòi hỏi tất yếu của đổi mới. Trước đây, trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ bao cấp, hầu hết các phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khuôn hẹp trong các nước chung ý thức hệ thuộc “phe” xã hội chủ nghĩa thì đến thời đổi mới, quan hệ đã rộng mở đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Từ sau năm 1986, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương, Việt Nam đã tham gia và có nhiều đóng góp cho các diễn đàn khu vực quan trọng. Cho đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các mối giao lưu về văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được quan tâm thúc đẩy như là một trong những trụ cột của ngoại giao quốc tế. Tuy vấn đề này còn nhiều điều phải bàn, nhưng rõ ràng, đối với đời sống văn học, công cuộc hội nhập quốc tế đã tạo sức hút mạnh mẽ, điều chỉnh và thúc đẩy quá trình đổi mới, tiếp tục hiện đại hóa nền văn học. Đối với văn học nữ nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng, công cuộc hội nhập quốc tế đã có những tác động quan trọng, tạo cơ sở và tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ.
Trước tiên, trên lộ trình hội nhập, Việt Nam đã chủ động tham gia những tổ chức quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, tạo động lực thúc đẩy bảo vệ và phát triển quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên của 7/9 Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW – được Việt Nam ký thông qua vào ngày
29/7/1980, phê chuẩn vào ngày 27/11/1981 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19/3/1982). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia cam kết các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, bao gồm 8 mục tiêu chung, trong đó có 2 mục tiêu liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới và phụ nữ: Mục tiêu 3 – Đảm bảo bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ và Mục tiêu 5 – Tăng cường sức khỏe bà mẹ. Sau 15 năm thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam cơ bản hoàn thành 8 mục tiêu, trong đó về mục tiêu 3, chúng ta đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và các hoạt động chính trị. Như vậy, rõ ràng, việc tham gia các tổ chức quốc và cam kết quốc tế về quyền con người nói chung, bình đẳng giới nói riêng đã tạo mở ra cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời là nguồn cảm hứng cho giới nữ vươn lên khẳng định vị thế và chỗ đứng của mình trong xã hội nói chung, từng bước chiếm lĩnh các khoảng trống quyền lực diễn ngôn trong sáng tạo văn học nói riêng.
Ở một bình diện khác, công cuộc hội nhập quốc tế gắn liền với sự tiếp cận, đưa Việt Nam trở thành một phần của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, trong đó nổi bật là cuộc cách mạng thông tin với vai trò ngày càng quan trọng của internet. Các nhà nghiên cứu đã thống nhất vai trò của internet trong bối cảnh toàn cầu hóa đã tạo ra những cuộc “chấn động” đối với văn hóa toàn cầu. Cuộc cách mạng này đã làm thay đổi về căn bản mối quan hệ truyền thống của các nền văn hóa, rút ngắn không chỉ khoảng cách địa lý, san phẳng rào cản, ranh giới hiện hữu, khiến cho thông tin nhanh chóng được tiếp nhận trên phạm vi toàn cầu. Đây là điều kiện quan trọng, cho phép các cây bút truyện ngắn nữ nhanh chóng tiếp cận các trào lưu tư tưởng, văn học, nghệ thuật trên thế giới, thúc đẩy những thể nghiệm đổi mới tư duy nghệ thuật và cách tân lối viết. Mặt khác, trong không gian mở và không ngừng kết nối, mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả có những thay đổi căn bản. Đã có một số nghiên cứu chứng minh thuyết phục về sự xuất hiện và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của thực thể văn học mạng ở Việt Nam. Khái niệm văn học mạng không chỉ hướng đến phương thức truyền bá và tiếp nhận văn học, mà còn bao hàm vấn đề có ý nghĩa chiều sâu, chi phối quá trình sáng tạo tác phẩm. Những đòi hỏi và tầm đón đợi của độc giả giờ đây đến với nhà văn một cách trực diện và mạnh mẽ hơn, đòi hỏi người cầm bút không ngừng tự đổi mới chính mình. Đối với các cây bút truyện ngắn nữ, không gian mạng vừa mở rộng biên độ tự do sáng tạo, vừa câu thúc những tìm tòi, cách tân. Và ở điểm này, viết ngắn, truyện ngắn trở thành một
đòi hỏi chung trên bước đường đổi mới nền văn học, nơi các nhà văn nữ có đầy đủ điều kiện để chiếm lĩnh không gian sáng tạo. Có thể nói, bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên 4.0 thực sự là một cú hích quan trọng đối với sự vận động, đổi mới cả trên diện rộng và trong chiều sâu của truyện ngắn và truyện ngắn nữ Việt Nam từ sau năm 1975.
2.1.1.2. Những tiền đề thẩm mỹ, tiền đề văn học
Với tác động lớn từ những yếu tố ngoại sinh, từ bối cảnh lịch sử, văn hóa của đất nước từ sau năm 1975, đặc biệt là từ sau năm 1986, đời sống văn học Việt Nam đã có những bước vận động, cách tân quan trọng, tạo nên không khí thẩm mỹ đặc biệt của thời kỳ này. Hầu như tất cả các phương diện của đời sống văn học đều có những đổi mới căn bản, từ thị hiếu thẩm mỹ của người đọc, quan niệm nghệ thuật của nhà văn đến thực tiễn sáng tạo. Trong đó, xuyên suốt và nổi bật là sự chuyển đổi